Ông cũng như nhiều trí thức chân chính khác, không thích nói về mình, nhất là về những thành công hay đóng góp của mình trong sự nghiệp, với cuộc đời. Chỉ đến bây giờ, khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (CPD) thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, ông mới sẵn sàng hợp tác, nhờ đó chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những công trình khoa học và nghe ít lời tâm sự mà đôi khi ông hé lộ thận trọng và dè dặt.
Tuổi hai mươi, với ước mong trở thành một trí thức, lại giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đang diễn ra ác liệt, thì học Y khoa và làm thầy thuốc phục vụ kháng chiến đã là “cơ duyên” để ông hiện thực hóa ước mơ và lý tưởng sống của mình. Mà không phải chỉ những thanh niên tiểu tư sản như ông, lúc đó, không phân biệt thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình, tất cả đều đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc , giải phóng đất nước. Ngoại trừ một số ít người không thích ngành y thì chuyển sang học ngành khác, còn lại đa số lớp Y50 đều nuôi mãi niềm yêu thích ban đầu để biến thành niềm đam mê.
– Nhưng có phải Giải phẫu bệnh là một chuyên ngành mà ông lựa chọn? Và vì sao ông lựa chọn nó rồi theo suốt cả cuộc đời? – Tôi hỏi.
GS Nguyễn Quý Tảo giải thích:
– Thật ra chuyên khoa Giải phẫu bệnh không mấy người thích, vì cứ nghe đến đọc tiêu bản với mổ tử thi là đã ngại lắm rồi. Nhưng riêng với tôi, một phần là do phân công của Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế), phần khác là do tôi. Bởi vì chỉ sau 1 năm công tác, thấy tôi yếu quá, Cục trưởng Cẩn có ý định chuyển tôi sang ngành Tim mạch. Tôi suy nghĩ suốt 1 tuần liền và cuối cùng quyết định ở lại Giải phẫu bệnh, để thỏa cái trí tò mò khoa học của mình. Bởi tôi nhớ câu nói của Xavierr Bichat: “Người ngồi bên cạnh bệnh nhân hàng chục năm chỉ thấy một số triệu chứng nhưng người mổ tử thi một lần hiểu được tất cả bệnh”.
– Thưa GS, cái trí tò mò khoa học ấy bắt đầu có trong ông từ khi nào ạ?
– Ngay từ khi học phổ thông, tôi đã thích tìm hiểu mọi vấn đề thật cặn kẽ. Khi vào học Y khoa, trí tò mò này lại càng tăng. Mà không chỉ riêng tôi, nhiều anh em khác cũng vậy. Thì việc anh em sinh viên Y50 xin phép chính quyền địa phương đào mộ vô thừa nhận ở trong rừng chôn từ thời Pháp còn đô hộ, lấy xương người về để học môn “Cốt học” cũng là vì không muốn học “chay” mà phải thỏa được trí tò mò, cầm tận tay, nhìn tận mắt. Xương không đủ. Phải chia luân phiên. Còn nhớ một lần tôi được chia chiếc xương hộp sọ trong 3 ngày. Sợ có anh bạn nào mượn trộm để học, khi đi ngủ tôi để chiếc xương sọ trong màn, ngay bên gối.
Nhắc đến ký ức này, một loạt ký ức khác trong quá vãng hiện về trong trí não còn rất minh mẫn của một thầy thuốc đã 81 tuổi. Ông tâm sự:
– Tò mò khoa học và cả sự trong sáng, lãng mạn của tuổi trẻ đã đưa chúng tôi dấn thân vào những gian nan vất vả một cách nhẹ nhàng, phơi phới. Dưới tán rừng mà nền đất lủng củng vẫn có thể khiêu vũ, đêm vẫn diễn kịch (kịch bản dịch từ nước ngoài hoặc tự sáng tác). Đi chiến dịch, lưng ba lô nặng, leo đèo dốc cao đến mức trán người đi sau chạm gót chân người đi trước, leo từ sáng đến sẩm tối mới được ba phần tư đèo, ấy vậy mà thấy hình ảnh anh trai Mèo thổi khèn vẫn thấy rung động. Sáng hôm sau lên đến đỉnh đèo nhìn xuống bồng bềnh mây trắng cứ tưởng mình đang đứng giữa biển khơi. Cụm từ “lãng mạn cách mạng” có lẽ sau này mới có, còn với chúng tôi lúc đó, chỉ thấy phía trước mình là một lý tưởng cao đẹp mà bất cứ thanh niên trong sáng nào đều có. Cũng chả cứ thanh niên, toàn dân tộc đều hướng về mục tiêu này. Những anh chị bộ đội và cả dân công từ vùng địch hậu ra, có phụ nữ 40 tuổi mà chấp nhận gian khổ cứ như không vướng bận gì, chính họ đã góp phần nuôi dưỡng những tình cảm cách mạng trong sáng trong chúng tôi, rất hồn nhiên, không tính toán.
Tuy nhiên, đi vào khoa học bằng trí tò mò chỉ là sự bồng bột khi tuổi còn quá trẻ. Dần dần, chính trong các đợt đi chiến dịch, qua công tác cứu chữa thương bệnh binh, tận mắt chứng kiến những mất mát, hi sinh mà chúng tôi tự thấy là làm khoa học không còn là vì tò mò cho kiến thức của mình mà khoa học còn đòi hỏi một sự tận tâm, một ý thức trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm đó theo đuổi suốt đời người làm Y khoa.
Với đặc tính nghề nghiệp, người làm Giải phẫu bệnh gần như phải luôn luôn cân nhắc, đắn đo, thận trọng khi đặt bút viết một kết luận về nguyên nhân gây tử vong liên quan đến sự đúng sai của công tác chẩn đoán và điều trị lâm sàng, liên quan đến việc pháp luật cần xác minh những trường hợp chết có nghi vấn, hay khi đưa ra một chẩn đoán sinh thiết cho một bệnh nhân, nhất là những trường hợp bệnh nan y. Chính vì thế mà các thầy thuốc lâm sàng thường nói vui: Chẩn đoán Giải phẫu bệnh là lời nói cuối cùng, là “tiêu chuẩn vàng”. Thực ra phải nghĩ rằng đó không phải là một lời đề cao mà là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về ý thức trách nhiệm.
* * *
Trong khi tiếp cận gần 50 công trình nghiên cứu của giáo sư Tảo, chúng tôi lưu ý nhiều tới những nghiên cứu về kính hiển vi điện tử (KHVĐT) và siêu cấu trúc vì theo giáo sư cho biết, ở Việt Nam hiện chỉ có Viện Vệ sinh dịch tễ và Học viện Quân y là có KHVĐT. KHVĐT của Học viện Quân y là kính của Viện Khoa học Việt Nam mua từ Pháp năm 1977 nhưng rồi không sử dụng do không có nhu cầu nên năm 1983 chuyển về Học viện Quân y. Sau 6 năm không sử dụng, KHVĐT đòi hỏi nhiều nghiên cứu kỹ thuật cao để phục hồi và hoạt động được trong điều kiện chúng ta không có ngoại tệ để nhập các phụ kiện thường rất đắt tiền. Chỉ kể làm ra một tiêu bản siêu cấu trúc giải phẩu bệnh chỉ để đọc một lần dưới KHVĐT đã phải tiêu tốn từ 285 đến 300 đô la. Tình hình đó đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu, tìm ra các giải pháp phục hồi KHVĐT và một đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã được Bộ Quốc phòng ra quyết định chuẩn y.
Kết quả của các nghiên cứu đã giúp chiếc KHVĐT đó đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế như dùng thủy tinh phế liệu luyện tôi lại làm lưỡi dao cho máy siêu cắt để cắt được bệnh phẩm thành lát cắt siêu mỏng 1/10000 mm; chế tạo súng điện tử với catốt chịu được dòng điện đốt nóng tới 2127 độ để phát các điện tử được gia tốc tạo thành chùm điện tử truyền qua (xuyên qua) nổi tiêu bản tạo nên hình ảnh của vật/bệnh phẩm đạt độ rõ, nét kể cả ở độ phóng đại cao nhất tới 250.000 lần.
Kính hoạt động tốt đã giúp cho sự ra đời một loạt 26 công trình nghiên cứu siêu cấu trúc chuyên sâu về Y – Sinh học.
Công trình đã được Bộ Quốc phòng khen thưởng. Tuy nhiên, theo giáo sư Tảo, còn một khen thưởng lớn cho GS và các cộng sự về mặt tinh thần. Đó là những điều bất ngờ khi phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn trong xăng dầu kể cả trong các mẫu xăng xả đáy lấy từ các máy bay IL86, IL 82 , phát hiện này góp phần giải thích vì sao xăng dầu nhập bị biến chất rất nhanh, gây hư hại ăn mòn máy móc, ống dầu, bể chứa xăng dầu, thậm chí có trường hợp máy bay rơi không loại trừ nguyên nhân do vi khuẩn làm tắc màng lọc xăng; khi phát hiện ra các tổn thương siêu cấu trúc ở gan do nhiễm chất độc 2,4,5-T có trong chất “da cam” và chất “đỏ tía” mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam; khi phát hiện những tổn thương gan bị chiếu bức xạ siêu cao tần, hay phát hiện ra những tổn thương siêu cấu trúc của một số loại bệnh ung thư v.v..
Bác sĩ giải phẫu bệnh luôn là người thầm lặng ở tuyến sau so với các thầy thuốc lâm sàng. Nhưng GS Tảo không coi đó là một điều thiệt thòi. Là một bác sĩ nhưng còn là một nhà giáo, ông rất tâm đắc với câu nói của một ai đó rằng làm công việc sáng tạo cần một không gian hoan tịnh. Sự thầm lặng của ngành giải phẫu bệnh cũng là một không gian như vậy chăng nên thích hợp với những nhà khoa học luôn “tò mò và lãng mạn” như GS Nguyễn Quý Tảo? Chúng tôi cũng bắt chước “tò mò” mà có lần hỏi:
– Thưa giáo sư, qua tiếp cận các tài liệu khoa học của giáo sư, chúng tôi thấy còn danh mục nhiều công trình nghiên cứu về giải phẫu bệnh học quân sự và những bản ý kiến đóng góp về việc bảo quản di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. GS có thể cho biết một số ý kiến về các công trình đó?
Giáo sư Tảo nheo mắt, mỉm cười:
– Khi đồng ý tặng các tài liệu đó cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi đã ghi rõ: “Tài liệu tặng nhưng không công bố”. Do đó tôi không thể nói gì thêm nữa.
Hiểu ý giáo sư, tôi nói lời cáo biệt và trả giáo sư lại với ý thích thầm lặng và sự hoan tịnh của ông.
Nguyễn Thị Trâm
Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam