GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn: Cả trái tim dành trọn cho nền triết học nước nhà

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn (Ảnh: Tinhdoanquangngai.gov.vn)

Người Thầy tâm huyết với nghề

Trong 15 năm liên tục đứng đầu Viện nghiên cứu triết học lớn nhất nước nhà và Tổng biên tập tạp chí Triết học, tạp chí nghiên cứu chuyên ngành đầu ngành của giới triết học nước nhà, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn không chỉ là người nghiên cứu mà còn là người góp công lớn trong việc đào tạo Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ Triết học ở tất cả các cơ sở đào tạo những bậc học vấn này trong cả nước.

Trong hơn 50 năm qua, GS. TS Nguyễn Trọng Chuẩn đã có 90 cuốn sách, giáo trình viết riêng, viết chung, chủ biên, đồng chủ biên được in ở trong nước và nước ngoài. Cùng với trên 200 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài phạm vi nghiên cứu của ông là khá rộng. Đặc biệt, đối với người học, GS. TS Nguyễn Trọng Chuẩn luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của lịch sử triết học, về sự cần thiết phải nghiên cứu lịch sử triết học, coi đó là nền tảng để rèn luyện và phát triển tư duy. Ông rất quan tâm đến việc phải đổi mới giảng dạy triết học ở bậc đại học và sau đại học, mà trọng tâm là lịch sử triết học, nhằm phát triển tư duy khoa học của sinh viên và cán bộ; về sự cần thiết phải nghiên cứu những tinh hoa của triết học nhân loại qua mọi thời đại; về vai trò của triết học đối với xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá, tránh việc đồng nhất triết học với chính trị. Những công trình của ông về triết học R.Descartes, G.W.Leibniz, I.Kant, G.W.F.Hegel, K.Marx, F.Engels, V.I.Lênin, v.v. thể hiện rất rõ điều đó.

GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn trao tặng sách cho cụ Giàu.

Là Tiến sỹ Triết học và Cử nhân Sinh học, GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn là một trong những người đầu tiên xây dựng và giảng dạy về triết học trong khoa học tự nhiên tại các cơ sở đào tạo lớn về triết học tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên đề trong lĩnh vực này được trình bày trong các cuốn sách Vai trò phương pháp luận của triết học Mác – Lênin đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên (Giải thưởng Uỷ ban khoa học xã hội, 1977); Triết học – Khoa học tự nhiên – Cách mạng khoa học kỹ thuật (xuất bản bằng tiếng Nga và tiếng Việt. Nxb Tiến bộ, M.1986; Giải thưởng của Viện Triết học Liên Xô); Một số vấn đề về triết học – Con người – xã hội (2002), trong các bài báo trên tạp chí chuyên ngành triết học và nhiều công trình khác.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn là người nêu ra rất sớm, từ giữa những năm 70, nhiều ý kiến về các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường ở nước ta trong quá trình công nghiệp hoá mà ngày nay đã và đang trở thành những vấn đề thời sự rất cấp bách; về vai trò động lực của dân chủ, của khoa học và công nghệ, của nguồn nhân lực, của văn hoá và các giá trị truyền thống trong sự phát triển xã hội; về việc cần để đảng viên làm kinh tế tư nhân; về con người; về toàn cầu hoá và những vấn đề toàn cầu; về sự phát triển xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, v.v.. GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn đề cao việc nhận thức lại cho đúng và cho trúng các quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác qua các giai đoạn sáng tạo khác nhau của các ông và sự cần thiết đặc biệt phải dịch lại cho đúng các tác phẩm của C.Mác, Ph. Ăngghen và V.I.Lênin; từ đó xác định cho đúng về sự phát triển xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, v.v..

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn là người chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Cấp Bộ, cấp Viện; những đề tài nghiên cứu các cấp này đều được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và sau khi hoàn thành đều đã được xuất bản phục vụ rộng rãi bạn đọc. Giáo sư cũng là người rất tâm huyết trong việc đề xuất và góp phần dịch, xuất bản, giới thiệu các tác phẩm tinh hoa trong kho tàng văn hoá nhân loại. Từ khi thành lập Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh, sau là Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, Ông là chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng khoa học của quỹ này cho đến nay. 

Người đặt nền móng cho quan hệ quốc tế với giới triết học thế giới

Từ khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn là người đặt nền móng và xây dựng quan hệ rộng rãi với giới triết học quốc tế ngoài các nước xã hội chủ nghĩa truyền thống. Ông tích cực tham gia và có báo cáo khoa học tại các hội thảo, các trại hè quốc tế về triết học. Ông cũng dự và đều có báo cáo khoa học tại các Đại hội triết học thế giới lần thứ XIX (1993), lần thứ XX (1998), lần thứ XXI (2003), lần thứ XXII (2008); tham dự Đại hội Di truyền học thế giới lần thứ XIV (1978). Ông là khách mời – báo cáo viên của các viện nghiên cứu Malaysia, Singapore. Việc đặt nền móng cho quan hệ quốc tế với giới triết học thế giới của ông hiện nay đang được các học trò của ông ở Viện Triết học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát triển lên một nấc thang mới. Nhờ việc mở rộng quan hệ với các nước mà nhiều cán bộ trẻ được gửi đi đào tạo trình độ cao tại Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Úc, v.v.. và hiện nay họ là những cán bộ cốt cán của Viện Triết học.


Ảnh chụp GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn cùng GS. McLean – Chủ Tịch HĐ Nghiên Cứu Thế Giới Tại Mỹ

Ngoài công tác nghiên cứu, đào tạo và mở rộng quan hệ quốc tế, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn còn tham gia vào nhiều công việc khác của Đảng và Nhà nước như thành viên Tổ biên tập Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là của Ban chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 10-1989 đến hết Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 7-1991); thành viên nhóm Dự thảo Nghị quyết về Chính sách khoa học và công nghệ; chủ tịch và uỷ viên Hội đồng khoa học các cấp; uỷ viên và chủ tịch Hội đống chức danh giáo sư các cấp từ cấp cơ sở đến cấp Liên ngành và cấp Nhà nước từ năm 1991 đến năm 2014. GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn đã trực tiếp hướng dẫn thành công nhiều luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ ở các cơ sở đào tạo khác nhau. Giờ đây nhiều học trò của ông đã trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư, tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp của quân  đội và công an nhân dân.


GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn tại Đại hội Triết Học Thế Giới lần 19 tại Moskva

Ông được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiếnhạng 3 (1984); Huân chương lao động hạng nhất (2008); Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xuất bản sách lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; Đại biểu chính thức của Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI (2000) và lần thứ VII (2005).

Điều hạnh phúc nhất đối với ông là có nhiều học trò được ông giảng dạy đã trưởng thành sớm hơn về mặt khoa học so với ông; được nhiều học trò quý mến và vẫn thường được họ xin ý kiến về các vấn đề khác nhau. Một số tư tưởng được ông nêu ra sau một thời gian (có khi khá lâu) đã được thể hiện trong các văn kiện của Đại hội Đảng. Nhiều tư tưởng trong các công trình của ông được trích dẫn và phát triển trong các luận án, luận văn và sách nghiên cứu khác nhau. Có lẽ, trong suốt cuộc đời nghiên cứu và đào tạo không ngừng nghỉ của mình, ông đã mang cả trái tim dành trọn cho nền triết học nước nhà./.

 

Nienlich.vn

Nguồn: nienlich.vn/tin-tuc/nha-khoa-hoc/gs-ts-nguyen-trong-chuan-ca-trai-tim-danh-tron-cho-nen-triet-hoc-nuoc-nha