Chức bộ trưởng cứ tự nhiên mà đến
Hình như ông là bộ trưởng ngắn hạn nhất của Bộ Y tế?
Tôi nhậm chức lúc đã 62 tuổi. Khi đó, tôi công khai nói với anh em ngành y rằng tôi sẽ là bộ trưởng ngắn hạn nhất. Nhưng sau tìm hiểu mới biết, trước đây, trong Chính phủ lâm thời còn có một ông thuộc Quốc dân đảng của Nguyễn Hải Thần, hình như tên là Trương Đình Tri, làm bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ liên hiệp chỉ có mấy tháng thì bỏ nhiệm sở.
Tại sao ông lại nói mình sẽ không ở vị trí đó lâu?
Tôi là một người thực sự ham thích làm khoa học. Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm lãnh đạo. Sau khi học ở Nga về, tôi mong muốn được trực tiếp khám chữa bệnh. Tôi cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối, nhất là trong hoàn cảnh nước ta, vì thế tôi không quan tâm đến lĩnh vực này. Vậy mà sau đó các chức vụ viện phó, viện trưởng, bộ trưởng cứ tự nhiên mà đến.
Tôi cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối, nhất là trong hoàn cảnh nước ta, vì thế tôi không quan tâm đến lĩnh vực này.
Tự nhiên đến và cũng tự nhiên đi, có phải không ạ?
Không, đi thì không tự nhiên. Khi thấy một số việc mình chưa thể làm được như mong muốn thì tôi mới đề nghị lãnh đạo cho thôi chức bộ trưởng…
Lúc nghỉ hưu thì ông đã 65 tuổi?
Đâu có, chỉ thôi làm bộ trưởng. Tôi vẫn là đại biểu Quốc hội đến năm 2002 và làm chủ tịch chuyên trách Hội chữ Thập đỏ đến năm 2003, tức là 73 tuổi mới nghỉ theo chế độ.
Không coi bệnh nhân là… món hàng
Trong thời gian làm lãnh đạo, việc làm nào ông tâm đắc nhất?
Lúc công tác ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tôi rất mừng vì đã phát triển được công tác nhân đạo ra khắp cả nước, giúp đỡ được nhiều người nghèo, tổ chức được Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, thuyết phục được Hội Chữ thập đỏ Mỹ đóng góp vào quỹ. Tôi cũng công khai phát biểu về việc chống tham nhũng ngay trong bộ của mình. Cũng đã góp phần vào việc ban hành nghị quyết đầu tiên của Trung ương Đảng để củng cố, phát triển công tác bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Tuy vậy, việc thực hiện không dễ dàng vì lúc tôi là bộ trưởng thì ngân sách dành cho y tế không tới 1USD/người. Điều tâm đắc nhất là đã góp ý kiến để các chủ tịch Chữ thập đỏ xã phường được trợ cấp và các cán bộ y tế tại xã, phường được lĩnh lương.
Tôi công khai phát biểu về việc chống tham nhũng ngay trong bộ của mình.
Vậy trước đây họ không có lương?
Trước kia các hợp tác xã hoặc phường tìm nguồn trợ cấp cho họ. Nhưng như vậy không được thường xuyên. Chị hộ sinh xã đang trồng rau, chăm sóc lợn để có nguồn sống thì có tin người đau đẻ nên vội vã rửa tay qua quýt thì làm sao mà không dễ gây ra uốn ván rốn? Trợ cấp hoặc đồng lương còn ít ỏi nhưng dù sao cũng đỡ hơn. Anh em y tế có sống nổi thì họ mới làm việc được chứ.
Thời tôi cũng ra được pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân. Trước đó các ngành khác đều đã làm tư cả rồi. Anh cơ khí thì mở cửa hàng gia công, điện thì có cửa hàng sửa chữa… chỉ có y tế vì liên quan đến con người là không được làm.
Có lẽ vì y tế và giáo dục là hai nghề nhân đạo?
Đúng là hai nghề này cần được Nhà nước bao cấp, nhưng phải đãi ngộ xứng đáng. Ngành y học lâu nhất, tốn kém nhất mà ra trường lương lại thấp. Ý đồ của tôi là muốn tạo điều kiện cho anh em có thể cải thiện cuộc sống, nhưng mong muốn họ làm có lương tâm, không coi bệnh nhân là món hàng để làm giàu.
Đến bây giờ ông có nghĩ đó là một quyết định đúng không, vì y tế tư nhân hiện quá phức tạp?
Tôi biết chứ. Có một số học trò của tôi giờ đây giàu lắm. Khi đến thăm tôi họ nói: “Thầy sống như thế này làm chúng em khó làm ăn!!!. Nhưng tôi vẫn nghĩ, cho ngành y được phép làm tư là đúng, vì nếu không lo đời sống cho họ thì làm sao họ làm việc được. Chỉ có điều mình mở cửa cho họ đồng thời phải kèm theo việc giáo dục về lương tâm, trách nhiệm, tính nhân đạo của nghề nghiệp, đồng thời phải kiểm tra, chấn chỉnh…
Đấy, ý tôi muốn hỏi là đáng lẽ ta phải giáo dục trước rồi mới mở cửa cho y tế tư nhân?
Nếu đi từng bước như thế thì biết đến bao giờ? Sao không vừa làm vừa giáo dục? Đó là suy nghĩ của tôi. Cũng vì thời gian tôi làm bộ trưởng không lâu, chỉ có 3 năm, nên nhiều việc chưa được như ý. Hơn nữa, bất kỳ việc gì cũng đều có mặt phải và mặt trái, vì vậy đều phải có giám sát và theo dõi, uốn nắn và ngăn chặn thì nó mới tốt được. Đó là việc của bộ máy quản lý.
Tức là trách nhiệm thuộc về bộ?
Đúng, bộ là cơ quan quản lý nhà nước, còn các hành động cụ thể của ngành y tế là nằm ở các viện, bệnh viện… Vậy mà các vụ, các cục lại muốn ôm các chương trình do có lợi về vật chất dẫn đến tình trạng họ không thể làm tốt việc quản lý. Thời tôi, tôi đã trả các chương trình của Bộ Y tế về tuyến dưới: ví dụ, phòng chống sốt rét thì trả về cho Viện Sốt rét, tiêm chủng mở rộng thì trả về cho Viện Vệ sinh Dịch tễ…
Mình mong nhưng lãnh đạo không…
Khi thôi làm bộ trưởng, cảm tưởng của ông lúc đó thế nào?
Trước hết là buồn. Công việc đó mình đã làm một thời gian, tuy mình không muốn, nhưng do số phận, do trách nhiệm, mình phải cố gắng. Vậy mà nó lại không đạt được như ý muốn nên buồn là điều tất nhiên thôi. Nhưng không phải buồn riêng, không phải thất bại của riêng cá nhân, mà nó là một cái gì đó có tính chất chung. Nhưng về cuộc sống thì thoải mái hơn (cười).
Là người đã giữ nhiều trọng trách, ông nghĩ thế nào về việc một người có chuyên môn tốt nếu đưa vào làm quản lý thì sẽ không có lợi cho anh ta?
Kinh nghiệm cho thấy, công tác quản lý rất phức tạp, chiếm mất nhiều thời gian, do đó không tránh khỏi ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Vì thế, khi sử dụng cán bộ chuyên môn giỏi, cấp trên phải chú ý tạo điều kiện thuận lợi như có một đội ngũ đoàn kết, công tâm, không tham nhũng, gây rắc rối…
Trước khi tôi nghỉ, các đồng chí lãnh đạo có đề nghị chuẩn bị người thay. Tôi đã đề xuất BS Tôn Thất Bách. Anh ấy là một bác sĩ có tài, có uy tín trong giới y khoa, còn trẻ, đang có nhiều sức để đóng góp với ngành. Nhưng đáng tiếc anh ấy cũng không muốn làm bộ trưởng.
Tôi nghĩ đó là một quyết định sáng suốt. Đâu phải ai cũng thích làm lãnh đạo. Làm giỏi cái nghề mà mình say mê là hạnh phúc nhất.
Nhân dân có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi cũng chỉ muốn làm tròn nhiệm vụ của mình ở vị trí phù hợp. Nhưng cuộc sống thực tế cho thấy, có khi mình mong muốn thế này nhưng người lãnh đạo của mình không tạo điều kiện. Khi đó nếu mình ở vị trí lãnh đạo đó thì sẽ thuận lợi hơn. Hơn nữa do yêu cầu của cuộc sống, cần phải có một vị trí để chi phối, tạo điều kiện cho mình và người khác làm việc tốt hơn. Nếu tham gia vào bộ máy lãnh đạo, có thể mình sẽ dễ dàng thực hiện những mong muốn đó.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
GS.TS Nguyễn Trọng Nhân sinh năm 1930. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sêchenôp, Matxcơva, Liên Xô, ông về công tác tại Viện Mắt T.Ư. Từ năm 1984 – 1995, là viện trưởng Viện Mắt T.Ư. Năm 1985, ông được phong Anh hùng Lao động XHCN. Ông giữ chức Bộ trưởng Y tế từ năm 1992 – 1995. Là Ủy viên BCH TƯ ĐCSVN khóa VI và VII, đại biểu Quốc hội khóa IX – X.
Nhật Minh
Nguồn: bee.net.vn/channel/1988/201008/Chua-bao-gio-nghi-minh-se-lam-lanh-dao-1763000/