GS.TSKH Dương Đức Tiến: Người đầu tiên Việt Nam hoá giáo trình tảo

Việt Nam hóa giáo trình tảo học đầu tiên của Việt Nam

Trong ngôi nhà tập thể trên phố Thanh Nhàn (Hà Nội), ở tuổi 82 GS-TSKH Dương Đức Tiến – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), vẫn hằng ngày cần mẫn bên chiếc kính hiển vi, soi soi, chiếu chiếu những sinh vật nhỏ li ti, vẫn miệt mài làm việc đến 11 giờ đêm.

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp khóa 1 Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân về dạy tại Đại học Nông nghiệp Việt Nam (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). “Thật tréo ngoe, tôi được giao viết giáo trình dạy thực vật cho chuyên ngành thủy sản. Với những chuyên ngành thực vật khác đã khá bất ngờ với một anh sinh viên mới ra trường, giờ tôi lại được giao viết giáo trình cho chuyên ngành thủy sản. Điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Kiến thức khi đó hoàn toàn là con số 0”.

GS Dương Đức Tiến và thành quả là những viên nang từ tảo xoắn spirulina. Ảnh: Đoàn Dung

GS Dương Đức Tiến và thành quả là những viên nang
từ tảo xoắn spirulina.
Ảnh: Đoàn Dung

GS Tiến cho hay, thực vật ngành thủy sản không giống với thực vật các ngành khác bởi đó là những thực vật sống dưới nước, nhỏ li ti và là nguồn thức ăn cho cá, tôm. Khi nghiên cứu về những loài thực vật này ngoài việc phải miêu tả được hình thái của thực vật thì cần phải tìm hiểu mối quan hệ của chúng với những loài động vật trong cùng hệ sinh thái là như thế nào.

Tuy nhiên, sách tham khảo, giáo trình về thực vật nước ngọt ở Việt Nam thời kỳ đó gần như không có. Ông đã phải mượn sách tham khảo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của thầy cô giáo cũ vừa đọc, vừa tra cứu; hay mỗi khi gặp cuốn sách hay của các chuyên gia nước ngoài, ông lại tranh thủ chép để làm tư liệu, “chính những trang sách đó đã mở những kiến thức về tảo đầu tiên cho tôi”.

Tuy nhiên không thể viết một cuốn giáo trình với những loài tảo không phải của Việt Nam, mà phải ‘Việt Nam hóa’ giáo trình đó. Để có thể ‘Việt Nam hóa’ giáo trình, ông phải đi lấy mẫu nước ở ruộng, ao, suối và quan sát những hiện tượng xung quanh, tìm hiểu xem trong ruộng, ao có những loài tảo gì, loài nào nhiều, loài nào ít, định lượng rồi vẽ mô tả cấu trúc của từng loài, sắp xếp chúng theo bộ, theo họ. Và thiết bị nghiên cứu duy nhất là chiếc kính hiển vi được trang bị từ thời Pháp thuộc, để mô tả hình thái của tảo ông phải vẽ bằng tay.

“Tôi đến với tảo từ nhiệm vụ được giao mà không xuất phát từ niềm say mê. Dần dần tìm hiểu, nghiên cứu về tảo đã tạo cho tôi niềm say mê với một thế giới đa dạng, kì diệu với bao vấn đề được đặt ra. Riêng tảo ở ruộng lúa có đến hàng trăm loài, như tảo ở Đồng bằng sông Hồng khác với tảo ở Đồng bằng sông Cửu Long, tảo ở ruộng lúa đồng bằng khác với tảo ở ruộng lúa miền núi cao… điều đó đã tạo những hứng thú ban đầu để tôi tiếp tục say mê nghiên cứu. Nói thật đến tuổi này tôi vẫn chưa hiểu biết hết về những loài tảo ở ruộng lúa” – ông cười nói.

Cuốn giáo trình ‘Việt Nam hóa’ về tảo nước ngọt đầu tiên đó đã được dùng giảng dạy tại Khoa Thủy sản, Đại học Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ 1961-1966.

Người đầu tiên vẽ bản đồ phân bố tảo ở Việt Nam

Đến giờ, GS Dương Đức Tiến vẫn còn nhớ như in lời ‘cảnh báo’ mà GS Đặng Ngọc Thanh, chuyên gia về sinh vật biển và hải dương học, nói với ông từ những năm 1970: “Ở hồ Ba Bể có một loài tảo đỏ, tôi cho rằng nó sẽ bị tuyệt diệt”. Nghe được thông tin đó ông rất sốt ruột và quyết định lên đường.

“Thời kì đó, phương tiện, đường xá đi lại rất khó khăn, tôi phải bắt xe từ Hà Nội lên Bắc Kạn rồi từ Bắc Kạn đi bộ lên hồ Ba Bể, quãng đường chừng 20-30km. Trải qua 2 ngày đêm, tôi đến được hồ Ba Bể trong tâm trạng vừa phấn khởi, vừa háo hức. Đặc biệt khi thu được mẫu tảo đỏ đó, cảm xúc trong tôi như vỡ òa vì mình là nhà khoa học đầu tiên tìm ra loài tảo đỏ quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới” – GS Dương Đức Tiến nhớ lại.

Sau chuyến đi này, GS Tiến có tổ chức những chuyến đi khác để khảo sát loài tảo đỏ ở Hòa Bình và một số tỉnh ở phía Nam, tìm hiểu xem loài tảo đỏ còn tồn tại ở những nơi nào để bảo tồn.

Năm 1979, GS Dương Đức Tiến quyết định làm tiến sỹ khoa học tại Liên Xô với ‘gia tài hòm hòm’ khoảng 300-400 loài tảo. Ông cười vui bảo, thời điểm đó ông chỉ thuộc hạng “trung lưu chứ không phải hạng thượng lưu vì có nhiều loài tảo mình chưa biết hết”, mình mới chỉ có được những loài có tính chất tiêu biểu của sông, hồ, suối.

Với luận án tiến sỹ khoa học “Khu hệ tảo các thủy vực nước ngọt Việt Nam”, từ 300-400 mẫu tảo, sau khi phân tích ông đã định loại được 1.200 loài. Với 1.200 loài đó GS Dương Đức Tiến đã vẽ lên bức tranh tổng thể về các khu vực phân bố của tảo ở các thủy vực nước ngọt chính tại Việt Nam.

Bản đồ cũng miêu tả tảo ở các hồ bao gồm hồ tự nhiên và hồ chứa, đồng thời chỉ ra được sự khác nhau giữa tảo ở hồ tự nhiên và hồ chứa là như thế nào; hay sự khác nhau của các loài tảo giữa các loại ao là như thế nào?

Ông tự nhận, “nếu so với thế giới thì ‘bản đồ tảo’ đó còn nhiều khoảng cách nhưng tôi xác định mình là lớp người đi trước sẽ vẽ bức tranh trước, đặt nền móng để những thế hệ sau sẽ vẽ thêm vào bức tranh đó ngày càng dày thêm. Các em có thể lựa chọn đi vào từng nhánh của bức tranh như nghiên cứu về tảo của hồ chứa, tảo ở ruộng, tảo hồ tự nhiên, tảo ở nguồn nước ô nhiễm… Và đến nay tấm bản đồ đó ngày càng được bồi đắp thêm”.

Tính đến năm 1982, GS Dương Đức Tiến đã tìm thấy 1.402 loài và dưới loài vi tảo trong các thủy vực nội địa, trong đó có 530 loài tảo lục, 388 loài tảo silic, 344 loài tảo lam, 78 loài tảo mắt, 30 loài tảo hai roi, 14 loài tảo vàng, 9 loài tảo vòng, 5 loài tảo roi lệch và 4 loài tảo đỏ. Đến năm 1996, GS Dương Đức Tiến đã định loại và mô tả khá chi tiết 214 loài tảo lam thường gặp cùng với sự phân bố, sinh thái của chúng. Trong cuốn “Tảo nước ngọt của Việt Nam”, ông và GS Võ Hành đã mô tả chi tiết đặc điểm phân loại hơn 800 loài và dưới loài tảo lục ở Việt Nam.

Ở tuổi 82, GS Dương Đức Tiến luôn tâm niệm: “Ở giai đoạn cuối cuộc đời, tôi muốn mang những kiến thức hàn lâm mà mình tích lũy được cả đời để tạo ra được sản phẩm phục vụ đời thường”. Chính vì thế sau khi nghỉ hưu năm 2006, ông đã nhận lời về làm Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Tạo giống tảo xoắn Spirulina có thể trồng ở phía Bắc

Trong quá trình nghiên cứu về tảo, GS Tiến nhận thấy, tảo Spirulina là nguồn bổ sung đồng loạt nhiều loại sinh tố như A, E, B1, B2, B6, B12, PP với hàm lượng cao hơn cả trong gan bò. Sinh tố A trong tảo là một trong các hoạt chất quan trọng với công năng chống lão hóa và chống ung thư. Các khoáng chất cần thiết cho xương khớp và hệ miễn dịch trong tảo nhiều hơn trong sữa đến 3 lần. Chất béo trong tảo thuộc nhóm Omega-3 là nhóm hữu ích cho cơ thể, có hàm lượng không thua trong dầu, gan cá biển.

Từ năm 2008, Việt Nam đã có một số cơ sở nuôi trồng tảo xoắn spirulina ở Vĩnh Hảo, Bình Thuận, Thuận Hải, Đồng Nai… Riêng cơ sở Vĩnh Hảo, Bình Thuận từ năm 2010 đến nay đã sản xuất 25 – 30 tấn tảo/năm. Tuy nhiên các cơ sở nuôi trồng tảo spirulina vẫn chỉ tập trung ở phía Nam, còn ở phía Bắc, cho đến năm 2012 vẫn chưa có cơ sở lớn nào được triển khai. Chính vì thế GS Tiến đã tập trung vào nghiên cứu và tạo ra được giống tảo xoắn mới giàu dinh dưỡng chiết xuất từ giống tảo địa phương và giống tảo của các khu vực trên thế giới như Nhật Bản, Australia, châu Phi, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết ở phía Bắc. Giống tảo xoắn spirulina do ông tạo ra được dùng làm thực phẩm chức năng, sản phẩm cho chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm, làm phân bón hữu cơ cho nguồn sau sạch của địa phương.

Đến này, ngoài Công ty TNHH Thanh Mai (Nghệ An) sản xuất tảo xoắn từ năm 2011 dưới sự hỗ trợ của GS Dương Đức Tiến với dự án “Nuôi trồng sản xuất tảo xoắn Spirulina”. Ở Hà Nội cũng có 2-3 cơ sở sản xuất loại tảo này.

Minh Nhật

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/