GS.TSKH Ngô Văn Bưu: Ký ức tuổi thơ

Ngô Văn Bưu quê ở huyện Lý Nhân, Hà Nam, một vùng đất chiêm trũng, quanh năm thiếu ăn. Bố mẹ ông đều là nông dân, cũng vì cái đói mà cả gia đình phải rời bỏ quê hương lên Tuyên Quang “lập nghiệp”. Cụ thân sinh – ông Ngô Văn Ba làm phu mỏ than ở Tuyên Quang, sau học nghề và cùng bạn bè mở cửa hàng mộc, rồi làm thầu khoán, nhận xây nhà, làm cầu đường. Thân mẫu là cụ Trần Thị Dim, quanh năm bươn chải với gánh hàng xáo, sinh mấy lần con nhưng đều mất cả, đến khi sinh ông, cha mẹ đặt tên là Bưu vì nghĩ rằng tên này khó đọc đúng thì không bị “ma” bắt và thường gọi là Biu.

Vừa học vừa chạy

Có lẽ cụm từ “vừa học vừa chạy” nó phù hợp trong hoàn cảnh những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, không phải chỉ riêng cho trường hợp của Ngô Văn Bưu. Ai đã từng kinh qua giai đoạn này chắc đều hiểu cả. Những người đi sau như chúng tôi khi được nghe kể lại chỉ biết “gật gù”, tự hỏi rằng tại sao họ lại có thể sống, học tập và trưởng thành trong hoàn cảnh như vậy?

Trước năm 1945, Ngô Văn Bưu được gia đình cho học trường Tiểu học Tuyên Quang. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trường Trung học Thi Sách, Tuyên Quang được thành lập, ông được vào trường học. Dạy các ông có các thầy: Thầy Vũ Quốc Trinh dạy khoa học tự nhiên; thầy Nguyễn Đình Hạp dạy Quốc Văn và Hán tự; thầy Trần Tử An dạy Toán – Lý; thầy Đỗ Văn Chu dạy toán,…đều là công chức làm việc ở tỉnh, về dạy tại trường.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), nhiều gia đình ở Hà Nội đưa con lên học (khoảng năm 1949 có Nguyễn Kim Nữ Hạnh là con gái Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục – Nguyễn Văn Huyên cũng vào học tại trường), trường chuyển ra một địa điểm to lớn và đẹp đẽ hơn, đó là cửa hàng bách hóa "Gi ghen" ngay trên bờ sông Lô, nay là khách sạn Sông Lô. Học được ít lâu, đến đầu năm 1947, Pháp tấn công lên Tuyên Quang, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, gia đình Ngô Văn Bưu tản cư lên phố Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã 11 km về phía Hà Giang. Do kháng chiến ác liệt nên trường thay đổi địa điểm luôn.

Một trang học bạ của GS.TSKH Ngô Văn Bưu

Xem qua cuốn Học bạ mà ông đã lưu giữ hơn 60 năm, chúng tôi biết được Ngô Văn Bưu đã phải “chạy theo» lớp để học ở nhiều nơi. Và những trang Học bạ cũng thể hiện rõ những kết quả học tập của ông, những lời nhận xét của các thầy giáo. Đối với GS Ngô Văn Bưu, mỗi lần giở lại cuốn Học bạ trong trí nhớ của ông luôn hiện hữu những khuôn mặt thân quen của thầy cô mà ông không bao giờ quên.

Năm học Đệ nhất (1947-1948), ông học trường Trung học Thi Sách, trường sơ tán ở bản An Bảo. Hồi đó ông được học 14 môn. Cả lớp có 34 học sinh, năm đó ông được xếp học lực thứ 3 trong lớp. Đến năm học Đệ nhị (1948-1949), trường Thi Sách được đổi tên thành trường Trung học Tân Trào. Theo “Phiếu điểm lục cá nguyệt” ghi trong học bạ thì các ông học 15 môn, ông đứng thứ nhất trong tổng số 32 học sinh. Cũng trong năm học này, có một sự kiện, bây giờ mỗi khi kể lại, mắt ông lại ngấn lệ: “Cuối năm học đó, trường chuyển ra khu vực đền Cấm, gần thị xã hơn, nhưng chính ở đó, ngày 27-4-1949, giặc Pháp dã man đã ném bom, 9 người bạn của tôi bị mất, trong đó có 4 nam và 5 nữ[1]. Trong giai đoạn khó khăn đó, khi trường chưa kịp hồi phục lại, tôi cùng một số bạn khác theo thầy Hoàng Thiếu Sơn[2] về học trường Trung học Nguyễn Thái Học (sơ tán ở Lập Thạch, Vĩnh Yên), nhưng mới học được mấy tháng, hết học kỳ một sang kỳ hai được ít lâu thì giặc Pháp lại tấn công và chúng tôi lại bỏ chạy”.

Trong thời gian học lớp Đệ tam trường Nguyễn Thái Học (1949-1950), các ông được học 10 môn, Ngô Văn Bưu đứng thứ 13 trên tổng số 33 học sinh. Do Pháp tấn công, học trò lại phải về Tuyên Quang để học lớp 7 (1950-1951) và kỳ I, lớp 8A (1951-1952) ở trường Trung học Tân Trào, tại Linh Sơn, Yên Sơn. Tại đây ông được học 10 môn và ông đứng thứ 2 trong tổng số 34 học sinh.

Sang tới học kỳ II do thiếu thầy, ông lại cùng một số bạn về học ở trường phổ thông Hùng Vương (Văn Bán, Phú Thọ) và tiếp tục học hết lớp 9A- lớp cuối cùng bậc học phổ thông lúc đó trong năm học 1952-1953. Lớp 8A, ông được học 10 môn và đứng thứ 17 trong tổng số 45 học sinh. Tới lớp 9A thì ông đứng thứ 3 trong tổng số 14 học sinh[3].

Cuộc đời đi học đồng hành với những lần chạy giặc, nay đây mai đó, hiểm nguy luôn thường trực. Kỷ niệm là những lần chuyển trường, những vùng đất đã đến, những khuôn mặt đã gặp đều thấm đượm tình người, đều để lại dấu ấn khó phai. Ký ức là những lần xuôi sông Lô về nhà lấy gạo, là những lần cuốc bộ mấy chục cây số đường rừng để về lại trường học. Và khó có thể quên những buổi học đêm khi cả thầy và trò đều phải chẻ nhỏ những đoạn củi thông cho vào vỏ hộp kem đánh răng dùng thay đèn, lò mò tìm từng con chữ…

Hành trang văn hóa mang theo

“Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, chuyển tải ý nghĩ, tình cảm của mình tới đối tượng. Lời hay, ý đẹp mà đặt trên chiếc xe chuyên chở ọp ẹp thì trên đường đi sẽ vương vãi hoặc hư hỏng hết trước khi đến với người nhận. Cố học tốt môn văn không chỉ là tiếng mẹ đẻ mà nó cần dùng theo ta suốt cả cuộc đời đấy các em ạ”.

Chỉ một câu nói của thầy giáo, nhưng nó cứ in đậm trong tâm trí và theo ông mãi cho đến khi ông trở thành một người thầy, một nhà khoa học. Với ông một trong những người thầy để lại dấu ấn sâu đậm trong những năm tháng học phổ thông là thầy Phạm Thúy[4]. Nếu các môn học khoa học tự nhiên ông đều học khá, thuộc tốp đầu của lớp, thì riêng môn Văn của thầy Thúy, ông thường bị “đội sổ”.

Mặc dù thích thú những giờ giảng văn, nhưng Ngô Văn Bưu rất e ngại và sợ những giờ tập làm văn. Thầy giáo rất nghiêm khắc đối với lỗi chính tả, ngữ pháp, sử dụng sai từ ngữ và cách diễn đạt tối nghĩa. Bài làm của ông thường đỏ loè nét bút của thầy và bên lề không ít những ký hiệu: ct, np[5]….Những câu văn què cụt, ngớ ngẩn của ông khi đọc lên thường làm cho cả lớp được trận cười vui vẻ, nhưng thầy phân tích thân ái và hướng dẫn cụ thể nên cũng không làm ai mất lòng…

Sau mỗi giờ giảng, ông và các bạn bị điểm kém tự sửa bài hoặc làm lại nếu điểm quá thấp. Thầy lại chấm và hướng dẫn thêm trong giờ phụ đạo. Sự chỉ bảo tận tình đã giúp học trò, trong đó có ông tiến bộ rõ rệt. Trong giờ giảng văn, thầy ân cần mở rộng kiến thức xã hội, bồi dưỡng tinh thần, ý chí phấn đấu vươn lên. Theo đà đó ông tiến bộ lên nhiều, đến cuối lớp 8, ông đã được ghi vào Học bạ “Cố gắng nhiều. Kết quả tốt”.

Buổi gặp mặt thầy, cô cùng cựu học sinh Tân Trào tại ngôi trường xưa, Tuyên Quang, ngày 8-3-1999

Hàng ngồi: Thầy Phan Điền (thứ 6), thầy Phạm Thuý (thứ 8), GS.TSKH Ngô Văn Bưu (thứ 11)

Hành trang mang theo cuộc đời đi học có lẽ là tình cảm thầy trò, tình cảm bạn bè. Trong suy nghĩ về thời kỳ đó, những mối quan hệ thật gần gũi, giản dị, cởi mở. Thầy cô ở ngay trong khu trường, học sinh thường đến chơi nhà, đôi khi tặng thầy cô bó củi khô để đun, cũng có lúc vào lục bếp của thầy cô, tìm củ sắn nướng hoặc miếng cơm cháy… tình cảm thầy trò thêm thắm thiết.

Học hết lớp 9 (trung học phổ thông lúc bấy giờ), với lực học khá toàn diện, Ngô Văn Bưu được cử đi học ở nước ngoài. Tốt nghiệp Kỹ sư bằng đỏ ở Mátxcơva và sau đó cũng tại đây ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, tất cả đều có nền tảng bắt đầu từ mái trường Tân Trào -Tuyên Quang.

Về nước, ông giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau là trường Đại học Mỏ-Địa chất, khi giảng bài, trình bày ý kiến, nhất là lúc ngồi chấm các khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án Tiến sĩ… ông lại nhớ tới những lời dạy của các thầy dạy văn, thầy Hồng Phong, thầy Phạm Thuý. Nó không chỉ là câu nói đơn thuần đem đến cảm xúc nhất định giúp việc học trở nên tốt hơn mà đã trở thành hành trang văn hóa cho ông mang theo suốt cuộc đời.

Nguyễn Thanh Hoá-Hoàng Thị Liêm 

______________________

 1] Năm học sinh nam: Sự, Hiếu, Vĩnh, Dương, Đính và bốn học sinh nữ: Hải, Du, Ngân và Bảo Châu.

[2] Thầy Hoàng Thiếu Sơn đã từng dạy Ngô Văn Bưu: Lớp Đệ Nhất trường trung học Thi Sách, Tuyên Quang, học sơ tán ở An Bảo 1947-1948 (Pháp văn, Địa lý, Sử ký và Vẽ); Lớp Đệ Nhị trường trung học Tân Trào, Tuyên Quang, sơ tán ở An Bảo 1948-1949 (dạy các môn: Quốc văn, Địa lý, Sử ký); Lớp Đệ Tam A, trường trung học Nguyễn Thái Học, ở Vĩnh Yên, 1949-1950 (dạy các môn: Địa lý, Sử ký).

[3] Học kỳ một có 44 học sinh, nhưng sang học kỳ hai chỉ còn 14 do phần lớn đã đi tòng quân, chỉ còn lại một số học sinh nữ và những học sinh chưa đủ tuổi tòng quân.

[4] Thầy Phạm Thúy dạy lớp 8, học kỳ I, trường Phổ thông Tân Trào, Tuyên Quang, 1951-1952 và là Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên của trường.

[5] Ký hiệu ct = chính tả, np = ngữ pháp, là ký hiệu khi thầy Phạm Thúy sửa lỗi.