GS.TSKH Nguyễn Tự Cường: Giữ được sức khỏe nhờ… toán

GS.TSKH Nguyễn Tự Cường năm nay 66 tuổi, thật mừng cho thành quả nhiều năm nghiên cứu của ông và cũng thật mừng ông còn giữ được sức khỏe tốt để miệt mài trong công việc sáng tạo.

Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Nhà có 6 anh em trai thì 4 người có học vị TS và TSKH. Và một người anh trên ông chính là nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng GS. Nguyễn Đình Tứ, người cũng từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. Thuở học sinh phổ thông, Nguyễn Tự Cường học lớp chuyên toán đầu tiên của Đại học sư phạm Hà Nội. Cùng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này với ông  có GS.TSKH. Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Nhờ toán học mà hai ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau từ thời trai trẻ. Năm 1969 cả hai học hết lớp 10, trong kỳ thi tuyển đi học nước ngoài do đích thân Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu ra đề. Có 10 đề được đánh số từ dễ đến khó, mỗi bài được 1 điểm. Nguyễn Tự Cường làm ngay đề số 10 mà bỏ qua các đề khác, trong khi Ngô Việt Trung lần lượt giải hết. Kết quả, Trung đạt điểm cao, còn Cường suýt trượt vì chỉ được 3 điểm, đã được tăng điểm lên 3 lần do giải được bài khó nhất. Cuối cùng thì cả hai đều được Bộ Đại học nước ta chọn sang học ở Đông Đức. Năm đó bạn không nhận sinh viên Việt Nam ở môn toán. Nhờ sự can thiệp kịp thời của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mà Ngô Việt Trung được vào Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Halle, còn Nguyễn Tự Cường phải học ngành chế tạo máy ở một trường khác. Đã học được 3 tháng, lại nhờ sự can thiệp của người thầy cũ ở Đại học Sư phạm là GS. Hoàng Chúng lúc đó đang đi thăm nước bạn, mà anh được trở lại học đúng môn sở trường, cùng trường với Ngô Việt Trung.

GS.TSKH. Nguyễn Tự Cường

Các năm học hai người đều có kết quả xuất sắc. Đến năm 1974, hai người làm chung một đề tài tốt nghiệp, lời giải của cả hai xuất sắc đến nỗi được ngay Giải thưởng Adam-Kuckhoff cho các nhà nghiên cứu trẻ trong lễ trao bằng tốt nghiệp. Sau đó nội dung luận văn được viết thành một bài báo khoa học, có thêm đồng tác giả là người bạn Đức Peter Schenzel, đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong ngành Đại số giao hoán. Đây là điều hiếm xảy ra với những nhà toán học trẻ vừa rời ghế nhà trường. Đến hôm nay, công trình của 3 tác giả đã đạt tới con số kỷ lục, được gần 200 lần trích dẫn trong các tạp chí toán quốc tế thuộc hệ thống ISI.

Năm 1982, Nguyễn Tự Cường bảo vệ học vị TS trong lĩnh vực Toán kỳ dị tại Đại học Humboldt, Berlin, đoạt Giải thưởng Humboldt cho các luận văn tiến sĩ xuất sắc của trường. Năm 1995, ông bảo vệ thành công học vị TSKH tại Viện Toán học Việt Nam, thuộc lĩnh vực Đại số giao hoán. Nhiều năm ở Viện Toán học, GS. Nguyễn Tự Cường có những công trình nghiên cứu mới trong lĩnh vực chuyên sâu của mình. Gần đây ông đảm nhiệm thêm một trọng trách, là tổng biên tập tờ tạp chí nghiên cứu của viện.

Hiện nước ta có trên 500 tờ tạp chí chuyên ngành về khoa học – công nghệ, song số tạp chí đạt chuẩn để góp mặt ở các hệ thống dữ liệu có tiếng tăm của thế giới thì lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, nước ta có 2 tạp chí thì cả hai đều nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu có uy tín hàng đầu quốc tế  là Scopus. Đó là tờ Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học Việt Nam và tờ Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam.

Người sáng lập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica là một đại thụ của “khu rừng” toán học Việt Nam: GS. Lê Văn Thiêm. Ông là một nhà toán học lớn giữa thế kỷ XX, đã giải thành công bài toán từng tồn tại nhiều năm: Bài toán ngược của lý thuyết Nevanlina. Năm 1948, ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận học vị TS nhà nước về toán ở Pháp và cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư một trường đại học lớn của châu Âu là Đại học Zuric, Thụy Sĩ. Năm 1949, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học và năm 1964 sáng lập tờ Acta Scientiarum Vietnamicarum, tạp chí chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam xuất bản bằng ngoại ngữ, từ năm 1976 đổi tên thành Acta Mathematica Vietnamica. Danh từ “Acta” tiếng La tinh là “tạp chí”, lâu nay trong giới toán học, để phân biệt với tờ tạp chí của Hội Toán học, người ta thường chỉ đọc mỗi từ đầu “Acta”, hiểu đó là tờ của Viện Toán học.

Kế tục GS. Thiêm là một nhà toán học cũng rất nổi tiếng nay đã ở tuổi 90, là GS. Hoàng Tụy. Ông đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập các năm 1984-1990. Sau GS. Tụy là GS. TSKH. Ngô Việt Trung, Tổng biên tập các năm 1991-2007. Từ 2007, GS.TSKH. Nguyễn Tự Cường là Tổng biên tập thứ tư của tờ Acta và là người duy nhất đảm nhiệm cương vị này mà không từng là Viện trưởng. Hệ thống Scopus thuộc sở hữu của Elsevier, Hà Lan là một cơ sở dữ liệu khổng lồ, thư mục chứa tới 57 triệu bản tóm tắt các bài báo khoa học, gần 22.000 danh mục, đến từ 5.000 nhà xuất bản.

Một bước tiến nữa của tờ Acta là mới đây được nhà xuất bản danh tiếng của Đức Springer hợp tác in ấn, xuất bản. Việc nằm trong cả 2 hệ thống Scopus và Springer mang lại cho tạp chí Acta nhiều lợi thế về nâng cao chất lượng và số lượng phát hành. Mỗi năm tạp chí xuất bản 4 số bằng tiếng Anh, mỗi số có từ 10-12 bài, phổ biến là bài trên dưới hai chục trang in, cũng có bài hàng trăm trang in. Các bài gửi đăng từ khắp nơi trên thế giới, gồm những nghiên cứu mới thuộc nhiều lĩnh vực của toán học, không một bộ óc nào dù kiệt xuất có thể bao quát hết được, vì vậy tòa soạn muốn chọn lựa bài chính xác phải mời các chuyên gia giỏi thẩm định. Công việc của tòa soạn một tạp chí chuyên ngành như Acta rất khác báo đại chúng chính là ở điểm này. Trước hết, Ban biên tập gồm toàn chuyên gia đầu ngành. Tổng biên tập Nguyễn Tự Cường, thành tích khoa học như đã kể trên, còn các phó tổng: GS. Phùng Hồ Hải về Hình học đại số; GS. Đinh Nho Hào về Phương trình vi phân và Toán ứng dụng; GS. Nguyễn Đông Yên về Tối ưu. Bên cạnh Ban biên tập là một Hội đồng biên tập mời, không nằm trong biên chế Viện Toán. Tòa soạn càng uy tín thì mời được càng nhiều tên tuổi sáng giá vào Hội đồng biên tập. Hiện Acta có 32 vị, trong đó 8 giáo sư người Việt làm việc trong nước, còn lại đều ở nước ngoài thuộc 10 quốc tịch, những vị rất có tiếng tăm như: David Eisenbud, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Mỹ; Phillip A. Griffiths, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tiên tiến Princeton, Mỹ; Claidio Procesi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học thế giới; nguyên Chủ tịch Hội đồng xét giải Fields; Jonghae Keum, nhà toán học số 1 Hàn Quốc; Vũ Hà Văn, Đại học Yale, chuyên gia toán Tổ hợp hàng đầu; Đinh Tiến Cường, nhà Giải tích phức xuất sắc, hiện đang làm việc tại Đại học quốc gia Singapore…

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng khi đánh giá công trình gửi đăng, Ban biên tập hoàn toàn bí mật người đọc phản biện và ý kiến của họ có ý nghĩa quyết định. Bao giờ Tổng biên tập cũng chính là “bộ lọc” đầu tiên. Theo GS. Nguyễn Tự Cường, tờ Acta của ông hàng năm nhận được hàng trăm bài, chính ông từ chối khoảng 1/4 bài chưa đạt, số còn lại mới gửi cho các “phó” tùy từng chuyên môn cụ thể. Sau đó ông và các “phó” cân nhắc, quyết định gửi bài cho các thành viên Hội đồng biên tập đọc phản biện. Thường thì đọc mất khoảng 3-6 tháng. Có bài cần sửa chữa trước khi đăng, gửi qua lại giữa tác giả và tòa soạn kéo dài hàng năm trời.

Từ năm 2010, đã mở ra một vận hội mới cho toán học Việt Nam, tại Đại hội Toán học thế giới diễn ra tại Ấn Độ, GS. Ngô Bảo Châu được trao giải Fields, sau đó không lâu, ở nước ta ra đời Viện Nghiên cứu toán cao cấp do GS. Châu đứng đầu. Từ đó càng thu hút được nhiều tinh hoa toán học thế giới, họ sang giảng bài, trao đổi hoặc gửi công trình đăng trên hai tờ tạp chí toán của Việt Nam, trong đó chủ yếu là tờ Acta…

GS. Nguyễn Tự Cường có dáng người xương xương, ông bảo không béo được có lẽ do hay hút thuốc lá, nhưng may là ít ốm vặt. Tôi bảo ông, tuổi cao rồi có lẽ phải bỏ thuốc lá. Ông nói là đang bỏ dần, trước mỗi ngày một bao, rồi xuống nửa bao, nay thì còn vài điếu. Tôi hỏi đùa: Vậy là nghiền cả hai, toán và thuốc lá, giảm dần thuốc, thế anh có tăng dần việc làm toán? Ông cười vui: Cứ đà này, thuốc lá hy vọng sẽ bỏ được, còn với tôi toán là hơi thở, là cơm ăn nước uống hằng ngày và vì thế lâu nay giữ được sức khỏe là nhờ… toán.


Phạm Quang Đẩu

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn