Tuổi thơ gian khó
GS.TSKH. Phan Liêu sinh ngày 12/12/1938 tại Phường Trung Tích, TP.Huế. Từ ngày nhỏ, sự học của ông đã bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945. Thời kỳ đó do chiến tranh nên ông phải đến lớp học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu có chụp lớn làm bằng nan tre dán giấy để che ánh sáng nhằm tránh máy bay giặc Pháp ra oanh tạc vùng kháng chiến. Không có giấy trắng, học trò phải lấy giấy đã viết ngâm nước vôi loãng để tẩy trắng, phơi khô, làm vở ghi bài. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả là thế nhưng Phan Liêu học rất giỏi, ông luôn đứng nhất/nhì lớp, nhiều năm được Tỉnh thưởng học bổng học sinh giỏi.
Trong quá trình học, ông còn bị mắc căn bệnh lạ phải nghỉ học giữa chừng, rất may sau đó nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ và người thân, ông đã dần hồi phục trở lại.
Đến năm 1956, ông thi đậu vào Trường Đại Học Nông Lâm Hà Nội. Thời điểm này ông bắt đầu tham gia các chương trình văn nghệ và đạt nhiều giải cao, những tưởng ông đã bén duyên với nghề ca hát nhưng rồi một thời gian sau đó ông nhận ra mình phù hợp đi theo con đường làm khoa học hơn là làm…ca sĩ.
Những năm học tập dưới mái trường Trường ĐH Nông Lâm, Phan Liêu được học với các Giáo Sư danh tiếng cùng các thầy giáo trẻ mới tốt nghiệp ĐH Sư Phạm giảng dạy các môn khoa học cơ bản và ngoại ngữ. Và anh sinh viên trưởng thành dần từ những ngày đi chỉ đạo sản xuất ở Hải Dương, thực tập ở các nông trường đất đỏ Nghệ An, ở trại chè Phú Thọ, ở trại bông Hoàng Giang (Thanh Hóa)…
Cuối 1959, Trường chuyển về địa điểm chính ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Ở năm cuối, Phan Liêu thực tập làm đề tài “Dinh dưỡng khoáng của lúa mùa trên đất phù sa sông Hồng” dưới sự hướng dẫn của GS. Lê Văn Căn và ngày bảo vệ luận án tốt nghiệp của anh kĩ sư trẻ, Phan Liêu rất vinh dự khi Thủ Tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp dự.
Hành trình đến với nghề
Cuối năm 1960, Phan Liêu tốt nghiệp ra trường và được phân công tác ở Trường Trung cấp Nông Lâm Trung Ương Nghệ An, giảng về môn Khoa học Đất.
Từ đây bằng sự nỗ lực, ham học hỏi của mình, Phan Liêu đã nhanh chóng được đề bạt làm Phó chủ nhiệm Ban Trồng Trọt. Anh giáo viên trẻ đã tham gia điều tra khảo sát lập bản đồ đất các tỉnh Khu 4 và bắt đầu nghiên cứu đất cát biển.
Tiếp theo đó là những năm tháng giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng điên cuồng, thời điểm này ông được điều động ra Bắc xây dựng Trường đại học mới, kết thúc 7 năm ở Nghệ An.
Khi Đất nước thống nhất, Phan Liêu mở rộng nghiên cứu đất cát biển ở các tỉnh phía Nam. Đầu năm 1978 ông bảo vệ luận án Thạc Sĩ ở Trường ĐH Nông Nghiệp 2 và năm 1979 ông bảo vệ luận án Tiến sĩ, đạt loại xuất sắc tại trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội (là một trong những nghiên cứu sinh bảo vệ đợt đầu tiên ở bậc trên đại học của đất nước, được Phó Thủ Tướng Võ Nguyên Giáp trao bằng Tiến Sĩ tại buổi lễ được tổ chức ở Nhà Hát Lớn, Hà Nội). Trở về Trường, Phan Liêu tiếp tục bước vào kỳ thi tuyển làm Thực tập sinh cao cấp ở nước ngoài nhằm bảo vệ học vị Tiến sĩ Khoa học.
Tháng 11/1982 Phan Liêu bay sang Matxcơva, về sống ở “Dom 5” và nghiên cứu ở IGAN.
Ngày 17/5/1985 tại giảng đường lớn của IGAN (nơi mà hơn 20 năm trước đó nhà bác học lỗi lạc V.M.Fridland đã bảo vệ luận án Tiến Sĩ Khoa Học về “Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm- thí dụ Bắc Việt Nam”), trước Hội đồng khoa học gồm 16 thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô, Phan Liêu đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ Khoa Học của mình với đề tài “Đất cát nhiệt đới ẩm”.
Nghiên cứu khoa học – niềm đam mê vô tận
Trở về nước vào ngày 2/9/1985 TSKH. Phan Liêu về công tác ở Phân Viện Quy Hoạch và Thiết Kế Nông Nghiệp miền Nam. Từ đây ông bắt đầu vận dụng lý luận cơ bản khoa học đất phát sinh của trường phái Xô Viết vào nghiên cứu đất nhiệt đới; bắt đầu nghiên cứu đất phèn bán đảo Cà Mau, đất đồi núi Đông Nam Bộ. Đến 1989 ông chuyển sang Viện Nghiên cứu Dầu Thực Vật Việt Nam, làm Phó Viện Trưởng thường trực, rồi Viện Trưởng. Tiếp tục khảo sát nghiên cứu đất phèn Đồng Tháp Mười, đất phèn Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau (bên cạnh nghiên cứu hóa học dầu và béo, phát triển các cây có dầu nhiệt đới như lạc, đậu tương, cọ dầu… gắn với nhiệm vụ của Viện mới). Từ nghiên cứu thực địa, xây dựng lý thuyết, viết các công trình, báo cáo tại các hội nghị quốc tế và công bố các công trình bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp.
Với những đóng góp to lớn của ông cho khoa học, đến tháng 6/1998, Viện Hàn lâm Khoa học New York, Mỹ phong tặng chức danh Viện Sĩ để ghi nhận thành quả xuất sắc của Dự án nghiên cứu “Sự tiếp nhận công nghệ mới của nông dân Việt nam trong sản xuất Lạc” (1997-1998) do Liên Hiệp Quốc chủ trì, GS.TSKH. Phan Liêu là chủ nhiệm Dự án.
Không ngừng say mê nghiên cứu, đến nay ông đã đã chủ trì 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và quốc tế, nhiều đề tài cấp Bộ/Tỉnh. Đã công bố trên 220 công trình khoa học trong đó có 77 bằng tiếng Nga, Anh, Pháp. Một số cuốn sách ông đã viết và xuất bản: Đất cát biển Việt Nam, Đất cát biển Nhiệt đới ẩm; Đất Đông Nam Bộ; Tài nguyên Đất Đồng Tháp Mười; Quỹ đất Tứ Giác Long Xuyên; “Tuyển tập công trình Nghiên cứu Phát triển Cây có dầu & Dầu thực vật Việt Nam”… Và đã hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ, kể cả học trò người nước ngoài.
Đến nay, hơn 50 năm gắn bó với nghề, GS.TSKH. Phan Liêu đã có nhiều đóng góp cho Khoa Học Đất (Soil Science).
Hiện nay, đã bước sang tuổi 78 nhưng tình yêu dành cho khoa học trong ông vẫn “say mê” như thuở ban đầu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học mới, tham gia giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh ở các trường đại học, tham dự các Hội nghị trong nước và quốc tế, công bố báo chí và viết sách.
Bằng tất cả tâm huyết của mình, GS.TSKH Phan Liêu đã có lời khuyên cho thế hệ trẻ rằng: Hãy tự tin, xác lập mục đích cuộc sống và quyết tâm thực hiện, tự học là quyết định sự thành công và hãy học suốt đời, phải thật giỏi ngoại ngữ vì ngoại ngữ là chìa khóa để bước vào kho tàng tri thức nhân loại.
Nienlich.vn
nguồn: nienlich.vn/tin-tuc/nha-khoa-hoc/gs-tskh-phan-lieu-danh-tron-tinh-yeu-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-dat