Hay tin GS Lê Thế Trung về với thế giới bên kia, cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hết sức bàng hoàng, xúc động. Điều ấy bắt nguồn từ những kỷ niệm của chúng tôi với Giáo sư từ năm 2009. Thời điểm đó, Trung tâm mới được thành lập, ra mắt xã hội và GS Lê Thế Trung là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ, động viên.
Nhớ những ngày đầu năm 2009, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc chuyên môn) cùng chúng tôi đi xe máy xuống tận Hà Đông để gặp GS Lê Thế Trung. Biết được công việc ý nghĩa của Trung tâm, ông đã trao tặng toàn bộ những tài liệu, kỷ vật quý giá mà ông cất giữ trong cả cuộc đời học tập, nghiên cứu cho chúng tôi. Đó là những cuốn học bạ từ thời tiểu học, thành chung, những cuốn sổ ghi chép tự học từ thời kháng chiến chống Pháp, những cuốn sổ theo dõi bệnh nhân bỏng… Ông còn dành nhiều buổi để chia sẻ về những năm tháng tham gia quân đội, về những đóng góp, những tâm huyết trong cuộc đời một bác sĩ quân y. Nhắc về ông là nhắc về một tấm gương tự học sáng ngời, một nhà khoa học tận tâm, tận tụy, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực của nền y tế Việt Nam.
Tấm gương tự học sáng ngời
Giáo sư Lê Thế Trung sinh năm 1928 tại Thanh Trì, Hà Nội, vùng đất sản sinh ra không ít danh nhân của đất nước. Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, chàng thanh niên Lê Thế Trung tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội. Và chỉ ít lâu sau đó, tháng 4-1946, ông nhập ngũ, theo học lớp y tá của Cục Quân y. Định mệnh cuộc đời đã gắn bó ông với ngành y kể từ giây phút ngẫu nhiên ấy, nhưng nó lại là sự lựa chọn của lương tâm, của lòng yêu nước nồng nàn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông là y tá thuộc Trung đoàn 148 Sơn La, là học viên trường Quân Y sĩ Việt Bắc (1949-1951). Giống như nhiều sinh viên y khoa bấy giờ, ông vừa đi chiến dịch vừa học, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Mặc dù chỉ là một y tá, nhưng từ năm 1951 đến 1954, ông được cấp trên giao cho trọng trách nặng nề là Trưởng ban Quân y Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Trong hành trang của y tá Lê Thế Trung luôn có những cuốn sổ tay rất dày, chữ ghi rất nhỏ những kiến thức ngoại khoa, kinh nghiệm xử lý các tình huống cấp cứu cho thương binh. Ông từng kể: "Tôi vừa đọc, vừa ghi chép lại, tài liệu qua các năm cứ dầy lên. Tài liệu học qua từng người thầy tôi cũng lưu giữ lại… Khi vừa kháng chiến xong, tôi nhận nhiệm vụ lên phân khu Tây Bắc. Với tinh thần học tập nên khi lên đó tôi mang theo toàn sách và ghi chép ra để học" .
Sau năm 1954, y tá Lê Thế Trung được cử lên Tây Bắc làm Chủ nhiệm Quân y, Trung đoàn 254, 53, Sư đoàn 350. Với tinh thần vươn lên và quyết tâm học tập không ngừng nghỉ, từ năm 1956-1957, ông theo học lớp y sĩ cao cấp của trường Sĩ quan Quân y, rồi làm Phó chủ nhiệm Quân y Quân khu Tây Bắc, Viện trưởng Viện Quân y 6. Từ năm 1958 trở đi, ông trở về công tác tại Viện Quân y 103 và gắn bó với nơi này cho đến hết cuộc đời mình.
Một dấu mốc quan trọng đối với y tá Lê Thế Trung là năm 1961 ông được cử sang Liên Xô để làm thực tập sinh. Năm 1964, bác sĩ Lê Thế Trung tốt nghiệp chuyên khoa Bỏng tại Học viện Ki-rôp, thành phố Lêningrat, Liên Xô (nay là thành phố Xanhpetecbua, thuộc CHLB Nga). Ngay sau khi về nước, ông đề nghị xin được thành lập Khoa Bỏng thuộc Viện Quân y 103. Từ đó trở đi ông đã tích cực nghiên cứu qua thực tiễn, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, để tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm chữa bỏng, đáp ứng yêu cầu của đất nước có chiến tranh.
Hiếm có bác sĩ nào như ông, lăn lộn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau khi học ở Liên Xô về nước, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa ngoại Viện Quân y 103. Từ năm 1965 đến đầu 1966, ông công tác tại chiến trường Quân khu 5, rồi chiến dịch Khe Sanh…. Ở nơi chiến trường, ông vẫn tích cực ghi chép lại các trường hợp chấn thương, bị bỏng do bom napan để phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị cho thương binh.
Bác sĩ Lê Thế Trung giảng bài tại lớp chuyên khoa bỏng đầu tiên
ở Quân y Viện 103, (1965-1966)
Năm 1966 ông được đề bạt là Chuyên viên đầu ngành về Bỏng của Cục Quân y. Trên cương vị công tác mới, bác sĩ Lê Thế Trung nhận thấy cần phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vừa công tác, ông vừa tự học tập, tìm tòi, nghiên cứu. Ông tìm đọc các loại sách chuyên khoa về bỏng và ghi chép lại. Với vốn ngoại ngữ tiếng Pháp (học từ hồi phổ thông), tiếng Nga và tiếng Anh nên ông đã đọc được nhiều tài liệu khác nhau. Các kiến thức cơ bản ông ghi chép lại vào một cuốn sổ để tiện tham khảo.
Năm 1972, bác sĩ Lê Thế Trung được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Ông chọn đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng”. Đề tài xuất phát từ thực tế điều trị thương binh trên chiến trường. Lý do chọn đề tài đó là thương binh bỏng bị nhiễm khuẩn mủ xanh, vết thương thường bị sưng rất to, đau nhức, có trường hợp phải cắt bỏ một phần thân thể hoặc bị tử vong. Kháng sinh điều trị thời đó ít tác dụng. Các bác sĩ thường vận dụng các loại thuốc nam gia truyền nhưng cũng không được phổ biến. Chính vì lẽ đó, ông đã quyết định chọn đề tài này để nghiên cứu với mong muốn tìm được giải pháp hữu hiệu nhất chữa cho thương binh qua kinh nghiệm và những kiến thức của các bạn Liên Xô. Để thực hiện đề tài này, ngoài những buổi lên lớp, đọc sách tại thư viện, ông không bỏ qua bất cứ một buổi thực hành và thí nghiệm nào. Ông còn cố gắng làm quen với người quản lý hồ sơ bệnh lịch của bệnh nhân trong bệnh viện, nơi ông thực tập để mượn và đọc bệnh lịch của bệnh nhân. Ông đã mượn, đọc và ghi chép 1083 bệnh lịch để hiểu các biến chứng của bệnh, đồng thời biết cách thức điều trị cho từng trường hợp cụ thể. Tất cả những gì cần thiết hoặc còn băn khoăn ông đều ghi chép lại cẩn thận. Những vấn đề thắc mắc sau này tự tìm được câu trả lời hoặc được các giáo sư giải đáp ông cũng ghi vào vở. Với lòng ham mê nghiên cứu, năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ y học.
Đặc biệt, từ năm 1984 đến 1986, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp. Với quyết tâm lớn nên trong lần trở lại Liên Xô lần thứ 3, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học). Như vậy, từ một y tá vệ quốc đoàn, ba lô túi dết theo bộ đội đi chiến dịch, Lê Thế Trung – sau bao nhiêu năm miệt mài học tập, nghiên cứu đã trở thành một tiến sĩ y học. Kể từ đây, ông càng có nhiều đóng góp hơn nữa cho nền y học nước nhà, nhất là đối với ngành bỏng.
Người anh hùng tiên phong trong nhiều lĩnh vực
Có thể nói, Giáo sư Lê Thế Trung là người sáng lập khoa Bỏng (1964), rồi là Viện trưởng đầu tiên của Viện Bỏng (1991-1994). Ông được y giới đánh giá là chuyên gia hàng đầu, người có công xây dựng Viện Bỏng Quốc gia như ngày nay. Từ những năm 70 trở đi, ông đã nghiên cứu và cho xuất bản nhiều công trình liên quan đến bỏng, phục vụ cho việc học tập và điều trị, như: Những điều cần biết về bỏng (1965), Bỏng trong chiến tranh (1965), Bỏng và phẫu thuật tiếp da (1972), Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng (1976), Bỏng (Tài liệu giáo khoa dùng cho đào tạo bác sĩ, 1981), Bỏng (Cứu chữa kỳ đầu tại tuyến cơ sở và điều trị tại bệnh viện đa khoa,1989), Bỏng (Sách chuyên khảo sau đại học, 1991).
GS.TSKH Lê Thế Trung cùng học trò thăm khám bệnh nhân
tại Viện Bỏng Quốc gia, 2003
Trong những tài liệu mà ông tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi tìm thấy những bản ghi chép tình hình của 5 bệnh nhân bị bỏng là: Bệnh nhân Phạm Tử Kính (21 tuổi; quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27-1-1965 và ra viện ngày 5-1-1966); bệnh nhân Nguyễn Khắc Tiệm (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27-7-1965 và ra viện ngày 3-10-1965); bệnh nhân Nguyễn Văn Nẫm (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27-7-1965 và ra viện ngày 14-10-1965); bệnh nhân Nguyễn Đình Tung (quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27-7-1965 và ra viện ngày 14/10/1965); bệnh nhân Nguyễn Hồng Thịnh (tuổi: 18; quê: Sơn Tây; bỏng do bom Napan; vào viện ngày 27-7-1965 và mất ngày 31-7-1965). Đây là những bệnh nhân bị bỏng do ảnh hưởng của bom Napan, được bác sĩ Lê Thế Trung trực tiếp theo dõi, ghi chép khá tỉ mỉ qua từng ngày với tình trạng sức khỏe, mức độ tiến triển vết thương, các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị. Thế mới biết được quá trình lao động miệt mài, tỉ mỉ như thế nào của bác sĩ Lê Thế Trung.
Đặc biệt, trong cuốn sổ có tên "Ngoại chung" gồm 692 trang, được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1982, bác sĩ Lê Thế Trung còn ghi chép những kiến thức về Ngoại khoa từ trong những cuốn sách mà ông mượn được của GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, những kiến thức ông tham khảo từ những tài liệu Ngoại khoa nước ngoài hoặc do ông tích lũy và tổng hợp trong quá trình xử lý, mổ cho bệnh nhân. Từ một người có ít kinh nghiệm về Ngoại khoa nhưng lại chịu trách nhiệm quản lý về chuyên khoa này nên ông đã phải học tập, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Ông từng chia sẻ: "Mình chịu trách nhiệm về nó mà không biết thì còn chỉ đạo được ai, học trò hỏi thì mình còn biết mà trả lời chứ" . Do vậy, ông đã tự mầy mò, nghiên cứu để có thể chỉ đạo và giảng dạy cho các thế hệ học trò, bác sĩ của mình.
Từ năm 1986, bác sĩ Lê Thế Trung được cử làm Giám đốc Học viện Quân y. Trên cương vị mới, trách nhiệm của ông cũng ngày một lớn hơn. Kể từ đây, ông càng phát huy được vai trò, tài năng tổ chức, quản lý công việc của mình. Từ đầu những năm 1990, GS Lê Thế Trung đã cùng các đồng nghiệp của Học viện Quân y và một số bệnh viện lớn (Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi TƯ…) tích cực chuẩn bị cho “Chương trình nghiên cứu ghép thận”. Ông cũng là một trong những người thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam. Kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công tại Học viện Quân y (4-6-1992), đến nay, Việt Nam đã có hàng trăm ca ghép thận và một số ca ghép gan, ghép tim thành công, mở ra những thành tựu mới trong y học.
Giáo sư Lê Thế Trung cũng là người khởi xướng, đề nghị xây dựng ngành Y học thảm hoạ. Đến nay vấn đề này đang được nhà nước và xã hội quan tâm. Như vậy, ông là người khởi đầu của ba chuyên ngành lớn của nền y học Việt Nam là chuyên ngành bỏng, ghép tạng và y học thảm họa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để y giới coi ông là người anh hùng tiên phong trong nhiều lĩnh vực.
Tháng 1-2004, GS Lê Thế Trung là đồng Trưởng ban Chỉ đạo ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 10-2005, sau nhiều năm nghiên cứu ghép tạng trên thực nghiệm và trên lâm sàng cùng các đồng nghiệp và học trò, GS.TSKH Lê Thế Trung vinh dự là đồng tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình Ghép tạng – công trình nghiên cứu khoa học mang tính cách mạng của nền y học hiện đại Việt Nam.
Cả một đời tự học, miệt mài, say mê nghiên cứu, GS.TSKH Lê Thế Trung đã trở thành một tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo. Xuất thân chỉ là một y tá vệ quốc đoàn, nhưng với tinh thần vươn lên, tinh thần phục vụ nhân dân, ông đã trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thiếu tướng Quân y, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân. Ông trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực y học và ở lĩnh vực nào cũng là một người đi tiên phong, có những đóng góp xuất sắc.
Nhớ GS.TSKH Lê Thế Trung là nhớ về một vị tướng xuất sắc trong chuyên môn, bình dị trong cuộc sống. Với riêng chúng tôi, nhớ tới ông là nhớ những buổi thầy trò cùng trò chuyện, mồ hôi đầm đìa để soạn tài liệu tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Nhìn ngắm và đọc những tài liệu của ông được lưu trữ trong kho bảo quản của Trung tâm mà cảm xúc năm xưa ùa về, khó cầm nổi nước mắt. Cầu mong Giáo sư yên nghỉ nơi chín suối!
Nguyễn Thanh Hóa