Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học (GS.TSKH) Trần Ngọc Thêm sinh năm 1952 tại làng Hiền Đa, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ sự hiếu học, tính cần cù và nghị lực vượt khó hơn người trong tất cả mọi việc với ước mơ trở thành sinh viên trường Đại học Mỹ thuật để sau này làm họa sĩ và sáng tác nghệ thuật. Thế nhưng, năm 1968, ông được Nhà nước cử đi du học tại Liên Xô theo ngành Kinh tế Công nghiệp Rừng và khởi đầu là một năm học tiếng Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Minsk Liên Xô (nay thuộc nước CH Belarus). Từ chỗ không biết một chữ tiếng Nga nào nhưng bằng sự quyết tâm hết mình, ông đã vươn lên đứng đầu lớp về cả tiếng Nga lẫn kiến thức tự nhiên và xã hội phổ thông, trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của khóa học. Với kết quả đó, ông được Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô phân công chuyển sang học ngành Ngôn ngữ Toán học – một ngành mới và rất khó – tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (nay là Saint Petersburg, Nga). Sau 5 năm kiên trì học tập, ông là sinh viên duy nhất luôn đứng đầu lớp học mà đa phần là sinh viên Nga, với thành tích tất cả các môn đều đạt điểm tuyệt đối 5/5 trong 5 năm liên tiếp.
Về nước, ông được Bộ Giáo dục phân công làm việc tại Bộ môn Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Biết là trái ngành học nhưng ông vẫn kiên trì “lao” vào tìm hiểu và nghiên cứu. Ba năm sau, ông đưa vào giảng dạy môn Ngữ pháp văn bản – một chuyên ngành lúc đó chưa có ở Việt Nam. Năm 1985, ông xuất bản chuyên khảo đầu tay “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt”. Cuốn sách này được giới Ngôn ngữ học Việt Nam lúc đó đánh giá rất cao về tính khoa học và hệ thống nghiên cứu chặt chẽ. Ngay sau đó, môn Ngữ pháp văn bản với cuốn sách của ông làm nòng cốt được đưa vào chương trình giảng dạy của cả bậc trung học, đại học và sau đại học cho tới ngày nay.
GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia đầu ngành về
Văn hóa và Ngôn ngữ học của Việt Nam (tháng 11/2013). Ảnh: Lê Minh
Năm 1971 ông tham gia phát biểu tại Hội nghị khoa học ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad Liên Xô
(nay là Saint Petersburg, Nga) khi là sinh viên tại trường. Ảnh: Tư liệu
Năm 1990 ông được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm trong buổi nói chuyện tại trường Đại học Nam Kinh – Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm giảng bài tại trường Đại học California, Mỹ. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm giảng về Văn hóa Việt Nam tại Đại học Portland, Mỹ. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm và TS. Daria Mishukova, tác giả cuốn “Việt Nam – đất nước con Rồng cháu Tiên”. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm trao đổi với học giả Nhật trong một cuộc thảo luận khoa học về Đông phương học. Ảnh: Tư liệu
GS Trần Ngọc Thêm ký tặng sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam cho sinh viên Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Tư liệu
Thư viện sách cá nhân của GS Trần Ngọc Thêm có hàng nghìn đầu sách các loại. Ảnh: Lê Minh
Ngoài thời gian ở cơ quan, GS Trần Ngọc Thêm còn dành thêm nhiều thời gian nghiên cứu và làm việc tại nhà. Ảnh: Lê Minh
Một số công trình nghiên cứu về Văn hóa và Ngôn ngữ học của GS Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Lê Minh
Năm 1984, ông trở lại trường Đại học Tổng Hợp Quốc gia Lêningrad để làm nghiên cứu sinh. Cuối năm 1987, ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) với đề tài: “Tổ chức ngữ pháp – ngữ nghĩa của văn bản”. Luận án được Hội đồng đánh giá là đặc biệt xuất sắc và nhất trí bỏ phiếu đề nghị Hội đồng Học vị tối cao Liên Xô (BAK CCCP) cho phép đặc cách bảo vệ lại để lấy bằng Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ Khoa học). Một năm sau, ông đã thực hiện việc bảo vệ lại luận án này thành công. Sau đó, ông về nước và tiếp tục công tác tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1990, ông được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam mới thành lập, đồng thời được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt Nam học cho khối ngoại ngữ. Chính từ đây và trên cương vị này, ông là người đầu tiên đã thiết kế và đưa vào giảng dạy môn học “Cơ sở văn hóa Việt Nam” ở hệ đại học.
Năm 1992, ông và gia đình chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh. Tại đây, ông đã xây dựng thành công ngành Châu Á học để rồi trong 2 năm tiếp theo phát triển thành khoa Đông phương học ở cả Hà Nội lẫn Tp. Hồ Chí Minh. Trong các năm 1995 – 1996, ông đã cho xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”. Sau đó, ông đóng vai trò là người “thợ cả” xây dựng hệ thống ngành đào tạo Văn hóa học hoàn chỉnh tại ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh với cả ba cấp cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ trong vòng 7 năm (từ 2000-2007). Đầu năm 2013, ông và đồng nghiệp ra mắt Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng tại trường ĐH KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh với hai đầu sách đầu tiên của Tủ sách Văn hóa học Sài Gòn là “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” và “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng”, góp thêm tiếng nói vào trường phái Văn hóa Sài Gòn.
Năm 1999, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga. Cuối năm 2002, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong hàm Giáo sư. Ngoài nghiên cứu, ông còn dịch sách, viết hàng trăm bài nghiên cứu về Ngôn ngữ học, Văn hóa học, Văn hóa Việt Nam và Văn hóa thế giới. Ông thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học, là gương mặt quen thuộc của các sự kiện truyền thông, trước mỗi hiện tượng xã hội ông đều đưa ra cách nhìn nhận và giải thích cặn kẽ dưới góc độ Văn hóa và Văn hóa học. Hiện ông đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Ủy Viên Hội đồng Lý luận Trung Ương, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng… Ông đã được nhận Huân chương Lao động của Nhà nước và rất nhiều bằng khen, huy chương…v ề những đóng góp của mình cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của nước nhà.
Ngoài công việc nghiên cứu, GS Trần Ngọc Thêm còn có thú vui sưu tầm tem. Ảnh: Lê Minh
Ngoài ra, ông còn có những thú vui khác như vẽ tranh, làm thơ….
Trong ảnh: Một số bức tranh do GS Trần Ngọc Thêm vẽ thời còn là sinh viên. Ảnh: Lê Minh
Những lúc rảnh rỗi, ông chăm sóc khu vườn cây nhỏ của gia đình
để tìm lại cảm giác thư thái sau những giờ làm việc căng thẳng. Ảnh: Lê Minh
Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy cùng các công tác xã hội, mỗi khi rảnh rỗi ông thường chăm sóc vườn rau, cây cảnh hoặc vẽ tranh, làm thơ, sưu tầm con tem – đưa mình trở về với những ước mơ thời niên thiếu. Nói về việc liên tục thay đổi ngành trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm mỉm cười đúc kết: “Muốn làm nên việc, đầu tiên phải có phương pháp tư duy, sau đó hãy tính đến niềm đam mê và sự quyết tâm, cuối cùng là cách vận dụng nó vào mục đích chính muốn hướng tới. Nói chung, tiềm năng trong mỗi con người là rất lớn, lớn hơn ta tưởng. Nếu biết biến công việc thành niềm đam mê và khai thác tối đa tiềm năng của mình cho niềm đam mê đó thì tôi tin tất cả đều sẽ thành công…”.
Bài: Đỗ Văn – Ảnh: Lê Minh & Tư liệu
Nguồn: vietnam.vnanet.vn/vietnamese/gstskh-tran-ngoc-them-tiem-nang-con-nguoi-lon-hon-ta-tuong/101593.html