Đầu năm 2015, tôi tình cờ gặp GS Bùi Khánh Thế trong Hội nghị Giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam và thế giới do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tôi hơi bất ngờ và chợt nghĩ, GS Bùi Khánh Thế được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ khi nào mà mình không biết nhỉ? Liệu lúc này nói lời chúc mừng ông có quá muộn màng không?
Có lẽ nhận ra sự ngỡ ngàng của tôi, GS Bùi Khánh Thế vui vẻ giới thiệu:
– Tôi ra đây với tư cách là người của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học TP. Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận được danh hiệu nhà văn từ giấy mời của Ban Tổ chức.
Hóa ra là vậy! Tôi thấy GS Bùi Khánh Thế tỏ ra phấn khích với danh hiệu nhà văn. Nói cho công bằng, nếu GS Bùi Khánh Thế đi theo nghiệp cũ thì chắc chắn bây giờ ông đã vừa là nhà giáo vừa là dịch giả và đương nhiên cũng sẽ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc Hội đồng Dịch thuật. Bởi ông là người rất giỏi tiếng Nga.Từ khoảng gần nửa thế kỉ trước, ông đã là dịch giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng Văn học Xô Viết (S.O. Mêlíchnubarốp), Lịch sử văn học Xô-Viết (trọn bộ hai tập, 1961), Các loại hình nghệ thuật (V. Kôginốp, 1963).
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế
Nhưng cái duyên của người làm công tác nghiên cứu lại đến với ông. Cho nên, mặc dù là dân Nga ngữ ông lại mày mò, vừa đọc sách vừa tự nghiên cứu để cuối cùng trở thành một giáo sư ngôn ngữ học. Con đường ông đi không thật bằng phẳng, bởi ngay từ vạch xuất phát, ông không phải là người được đào tạo bài bản các kiến thức chuyên ngành. Nhưng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, bằng vốn tiếng Nga phong phú của mình, ông đã tiếp cận và ngày càng đi sâu vào lĩnh vực mới mẻ mà duyên trời đã đem đến cho mình. Đến khi tôi vào đại học thì ông không còn là giảng viên môn tiếng Nga nữa mà đã là giảng viên của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phần ông đảm nhiệm giảng dạy là phần cú pháp. Lớp chúng tôi có nhiều kỉ niệm với ông. Đó là những kỉ niệm gian khổ của thời kì chiến tranh, vừa học vừa chạy giặc. Khi sơ tán về Hà Tây, lúc chạy sang Hưng Yên rồi Hà Bắc… Ấy vậy mà những kiến thức thầy giảng lại không bị rơi vãi dọc đường. Trái lại, bom đạn càng làm cho thầy trò chúng tôi thêm hăng say và quyết tâm hơn. Đến tận bât giờ, tôi vẫn không quên những giờ giảng say sưa của GS Bùi Khánh Thế ngày ấy. Có nhiều hôm, trong cái nắng hè chói gắt, không có gió, không quạt điện, lớp học hơn chục người trong một nhà dân vẫn bị cuốn vào cõi đam mê của thế giới khoa học. Ông say sưa giới thiệu cho chúng tôi một số cuốn sách của người Nga, những công trình mới nhất mà ông vừa cập nhật. Thời ấy, biết tiếng Nga là một lợi thế rất lớn vì mọi thành tựu nghiên cứu khoa học phần lớn được người Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) lĩnh hội qua cửa ngõ này. Tiếng Nga được thế hệ chúng tôi tiếp cận như là tiếng nói của hòa bình, hữu nghị và là công cụ quan trọng nhất để mở khóa đi ra thế giới. Do ý thức như thế và với định hướng của các thầy, từ năm thứ hai chúng tôi đã bắt đầu tập đọc sách chuyên môn bằng ngoại ngữ. Tất nhiên, khi đó, GS Bùi Khánh Thế vừa với tư cách là giảng viên ngôn ngữ học, vừa với tư cách là một chuyên gia tiếng Nga đã có ảnh hưởng rất nhiều đến định hướng tương lai của chúng tôi. Ông không chỉ truyền dạy cho chúng tôi kiến thức chuyên môn mà còn truyền cho chúng tôi một tình yêu “đắm đuối” và sự ngưỡng vọng về nước Nga xa xôi.
Kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, ngay từ năm thứ hai chúng tôi đã bắt đầu đi thực tập thực tế. Trong hoàn cảnh sơ tán, đề tài của chúng tôi thường “lưu động” hướng về các địa bàn nông thôn. GS Bùi Khánh Thế hào hứng đưa chúng tôi xâm nhập các lớp mẫu giáo để mở cánh cửa nghiên cứu ngôn ngữ với một đối tượng đặc biệt, đó là ngôn ngữ trẻ em dưới 6 tuổi thuộc địa bàn Văn Giang, Hải Hưng (cũ). Thú thật, lúc đầu chúng tôi chẳng mấy người thích thú, nhưng sau đó, nhờ sự kiên trì, cẩn thận, GS Bùi Khánh Thế đã kéo chúng tôi vào cuộc. Đến sau giải phóng miền Nam, thì công cuộc nghiên cứu ấy vẫn được tiếp tục mở rộng sang địa bàn Hà Nội. Một số cứ liệu mà các lớp sinh viên thú thập được thuở ấy, sau này đã có người sử dụng để làm LATS.
Vì quen biết và được làm việc nhiều lần với Bùi Khánh Thế từ lúc sơ tán nên đến khi làm luân văn tốt nghiệp, tôi đã nhận ông làm thầy hướng dẫn của mình. Thế nhưng, chúng tôi mới bắt tay vào việc được vài tháng thì miền Nam giải phóng. Vốn là cán bộ tập kết, ông hăng hái xung phong theo tiếng gọi của Đảng vào xây dựng các trường đại học mới ở miền Nam. Có thể nói, ông là một trong số ít cán bộ khoa học ở miền Bắc đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh ngay trong những buổi đầu khi đất nước vừa được thống nhất. Với bề dày công tác và kinh nghiệm, ông được đề cử làm Hiệu phó trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ngay từ khi trường mới được thành lập và cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành ngôn ngữ học ở trường này.
Dù bận nhiều công việc quản lí, những vẫn giữ tác phong say mê từ thời còn trẻ, GS Bùi Khánh Thế luôn cần mẫn và chắt chiu dành những khoảng thời gian còn lại của mình cho ngôn ngữ học. Giờ đây, đứng chân trong địa bàn mới, ông chuyển nhanh sang nghiên cứu song ngữ và trở thành một chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và văn hóa Chàm cũng như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam. Với vốn thực tế và vốn tiếng Nga sẵn có, năm 1979, ông tham gia vào đoàn nghiên cứu hỗn hợp các nhà khoa học Việt – Xô (1979) mở ra một chương mới trong hợp tác nghiên cứu quốc tế về các ngôn ngữ ở Việt Nam.
Điều đáng lưu ý hơn là, ngoài các công trình nghiên cứu về song ngữ, về ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số, từ điển, ông còn còn chung tay với các nhà văn và các nhà nghiên cứu khác tham gia viết bộ sách Địa chí văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (do GS Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chủ biên) phần ngôn ngữ: Từ tiếng Sài Gòn đến tiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó có bài Tiếng Sài Gòn vào buổi giao thời trong tiến trình ngôn ngữ văn học Việt Nam trong dịp kỉ niệm TP. Hồ Chí Minh 300 năm và một số cuốn sách về văn hóa và lịch sử được nhiều bạn đọc yêu thích. Đó là những cuốn Bản sắc dân tộc trong văn hóa, văn nghệ (viết chung với Anh Đức và Bùi Đình Thi), Mùa thu năm ấy (viết chung với Trần Bạch Đằng). Gần đây, ông còn cho xuất bản cuốn sách Phong cách ngôn ngữ và văn hóa (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh). Đây là cuốn sách tập hợp các bài viết về của ông về công lao và đóng góp của các bậc tiến bối như: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn An Ninh, Trương Vĩnh Ký, Trần Huy Liệu… Điều đó cho thấy, ông chẳng những có tầm sâu về tri thức chuyên môn mà còn có tầm rộng về các tri thức liên ngành. Ông đã biết tận dụng, phát huy những tiềm năng của vốn tri thức ấy vào phục vụ khoa học và đời sống.
Nếu nhìn bề ngoài ít ai hình dung Bùi Khánh Thế là một giáo sư vì dáng người ông không có vẻ đường bệ, cử chỉ lại nhẹ nhàng, khiêm tốn. Có được phẩm chất này, một phần do “Trời sinh tính”, nhưng mặt khác là do sự rèn luyện thường xuyên của ông. Bởi thế, từ ngày quen biết ông tôi chưa hề thấy ông to tiếng bao giờ. Thậm chí ngay cả trong các cuộc hội thảo khoa học, dù có bất đồng ý kiến với người khác, ông vẫn luôn lấy giọng từ tốn để giải thích, chứng minh luận điểm chứ không dùng các lời lẽ “đao to búa lớn”. Nếu gặp người nóng tính có lời nói quá đáng với mình ông cũng chỉ cười cười, xoa dịu. Bởi thế, ông là người rất dễ gần và dễ chia sẻ với đồng nghiệp.
Đối với học trò, GS Bùi Khánh Thế là người nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Ông thường tận tâm chỉ bảo cho học trò những gì khiếm khuyết và cổ vũ họ tinh thần say mê nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, thời còn sinh viên chúng tôi không được học ông nhiều giờ mà ấn tượng về ông lại rất sâu đậm. Trong đó, một trong những mặt nổi bật nhất rất đáng để cho các thế hệ đi sau học tập, đó là tinh thần tự học, tự vận động trong mọi hoàn cảnh để trở thành nhà khoa học có bản lĩnh nghề nghiệp có trình độ chuyên môn rộng và sâu. Ông qủa thực là tấm gương sáng với bốn chữ “khổ học thành tài”.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN BÙI KHÁNH THẾ
Năm sinh: 1936.
Quê quán: Bình Định.
Tốt nghiệp đại học ngành Nga văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1968.
Tốt nghiệp đại học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội năm 1969.
Nhận bằng Tiến sĩ Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1981.
Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2004.
Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1995.
Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000.
Thời gian công tác tại trường: 1968 – 1975.
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Các hướng nghiên cứu chính: Ngôn ngữ học tiếp xúc, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam.
Các công trình khoa học tiêu biểu:
Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995.
Từ điển Chăm – Việt (chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995.
Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHQG TP HCM, 2001.
Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TP HCM, 2011.
Tiếng Việt – tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt