GS.TS.NGND Nguyễn Đức Chiến: “Có trò giỏi thì không có gì lo hết!”

Bách khoa Hà Nội – một tình yêu lớn 

Năm 1976, sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về, thầy Nguyễn Đức Chiến được phân công công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đúng thời điểm Trường chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập. Suốt từ đó đến năm nay bắt đầu nghỉ hưu, khi Trường kỷ niệm 65 năm, tức là 45 năm liền, thầy Chiến gắn bó với Bách khoa Hà Nội bằng một tình yêu vô bờ bến.  

Được hỏi, điều thầy hạnh phúc nhất ở Bách khoa Hà Nội là gì, thầy cười thật hiền: 

– Tất cả những gì một người làm giáo viên có được thì tôi đều có được hết ở Bách khoa. Tôi cũng tham gia nhiều Hội ở ngoài nhưng giờ nghỉ hưu, đi đâu người ta cũng bảo ông này là thầy giáo, nhà khoa học ở Bách khoa. Nghe là sướng! Tôi từng có những cơ hội lên công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng cho đến giờ tôi vẫn nghĩ chọn ở lại Bách khoa Hà Nội là đúng. 

Thật ra, cũng khó để một người thầy Bách khoa có được nhiều hạnh phúc như GS. Nguyễn Đức Chiến. Có lẽ, không chỉ vì trọn thời gian công tác thầy chỉ làm việc tại đây, mà trước hết, bởi thầy đã dành trọn tình yêu nghề, yêu người của mình cho ngôi trường này, cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý, cho đồng nghiệp và học trò nơi đây.  

Luôn tự hào học trò giỏi hơn thầy 

Khó có thể kể hết những công trình mà thầy trò GS. Nguyễn Đức Chiến từng làm việc nhóm với nhau và thành công. Gần đây nhất là cụm công trình “Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí có độ nhạy cao trên cơ sở vật liệu nano ô xít kim loại bán dẫn và tổ hợp nano các bon bằng công nghệ vi điện tử” đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. 

Đây là giải thưởng tập thể, gồm 11 người – GS. Nguyễn Đức Chiến và 10 người khác, bao gồm các công trình khoa học công bố quốc tế từ năm 2008 đến 2019, và chỉ chọn những công trình lõi về cảm biến khí do các thành viên nhóm là tác giả chính để làm hồ sơ xét giải thưởng. “Người chọn lọc, công trình cũng chọn lọc, chứ không thì nhiều lắm” – GS. Chiến chia sẻ. 

Điều đáng kể ở cụm công trình này là được rất nhiều các nhà khoa học quốc tế và trong nước trích dẫn. Trong số 96 công trình tập hợp, có gần 4.000 trích dẫn, tính trung bình mỗi bài gần 40 trích dẫn. Con số này là rất lớn. Điều đó đã góp phần nâng cao uy tín của Trường nói riêng và toàn ngành Vật lý Việt Nam nói chung.  

Thầy Chiến đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về cảm biến có tiếng cả trong và ngoài nước, góp phần đào tạo và phát triển đội ngũ: 20 Tiến sĩ, gần 50 Thạc sĩ; 2 người được phong Giáo sư và nhiều người được phong Phó giáo sư. Đó là một đội ngũ cán bộ khoa học đáng kể cho Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác. 

Nói về đội ngũ học trò của mình, GS. Nguyễn Đức Chiến không giấu nổi cảm xúc: “Tôi luôn tự hào có học trò giỏi hơn thầy. Tôi là người đề xuất một số hướng nghiên cứu, mỗi hướng có một hoặc vài đồng nghiệp và học trò cùng làm, dần các bạn ấy trở thành chủ chốt, giờ thì đều phát triển và rất thành công. Bây giờ tôi nghỉ lúc nào cũng được, có trò giỏi rồi, lo gì”. 

Cũng chính vì luôn duy trì nhóm nghiên cứu mà không khi nào ý tưởng khoa học của thầy Chiến lại không có người thực hiện. Được biết, trong năm mới 2022, nhóm nghiên cứu do GS Nguyễn Đức Chiến phụ trách sẽ tiếp tục hướng đi đã thành công, đưa chất lượng công trình lên cao hơn nữa, tăng cường khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu.  

Nơi ấm áp trở về 

Có lẽ GS. Nguyễn Đức Chiến là một người rất may mắn, bởi thầy có hai tình yêu lớn song hành, đó là tình yêu với gia đình bên cạnh tình yêu Bách khoa Hà Nội.  

Mặc dù nhiều giao thừa thầy dành thời khắc thiêng liêng đó cho ngôi trường mà thầy trong cương vị quản lý, và sau đó là về xông nhà (có khi trong tình trạng liêu xiêu vì uống rượu mừng năm mới với anh em) nhưng chưa một lần thầy bị vợ con phàn nàn trách cứ. Thầy cũng tự nhận, với gia đình, thầy cũng chỉ dành được thời gian tối thiểu cho nó thôi. 

Thầy chia sẻ: Nói chung là người thân cũng thông cảm cho tôi. Chỉ có lúc nào việc bừa bộn quá chắc vợ tôi cũng phiền lòng một chút! Vì lo lắng cho sức khỏe của tôi là chính. 

Họ – những người luôn trong trái tim thầy, đã tôn trọng và trân trọng tình yêu lớn của ông với Bách khoa Hà Nội, vì hiểu rằng thầy hạnh phúc với tình yêu ấy, như hạnh phúc với gia đình mình, hay nói cách khác, Bách khoa Hà Nội là ngôi nhà thứ hai của GS.  

– Thầy có truyền cảm hứng khoa học cho con của mình không? – Tôi hỏi. 

– Tôi có một con trai, nhưng có lẽ tôi ảnh hưởng đến học trò nhiều hơn bạn ấy.  Con tôi hồi học chuyên Lý Tổng hợp, được 2 lần Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế những năm lớp 11, 12 nên được vào thẳng đại học. Hè năm đó tôi đi công tác nước ngoài, hai mẹ con ở nhà bàn bạc rồi chuyển hồ sơ từ Đại học Bách khoa sang ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHTN), vì nếu vào Bách khoa thì sợ khi đạt thành tích gì người ta nghĩ là có bố đỡ! Học 2 năm thì bên Pháp họ tuyển, bạn ấy sang học ở Bách khoa Paris, rồi làm tiến sĩ bên Pháp, postdoc bên Đức, 10 năm sau mới về. Ở gia đình thì đương nhiên bố làm việc, con cũng phải học hành chăm chỉ nhưng thực ra bố không giúp được bao nhiêu.  

Thầy Chiến khiêm tốn khi nói về vai trò của mình với gia đình vậy, nhưng qua những gì tôi cảm nhận được từ câu chuyện thầy kể, tôi hiểu, với thầy, tình yêu này là nguồn nuôi dưỡng tình yêu kia, và gia đình thầy chính là một nơi ấm áp để thầy trở về, trong tình yêu thương, trìu mến, và tự hào.  

11 đồng tác giả cụm công trình nghiên cứu về cảm biến khí của Bách khoa Hà Nội nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ 

Nguyễn Đức Chiến; GS. Nguyễn Văn Hiếu; GS. Nguyễn Đức Hòa; PGS. Nguyễn Văn Quy; PGS. Nguyễn Văn Duy; PGS. Nguyễn Hữu Lâm; PGS. Đặng Đức Vượng; PGS. Đặng Thị Thanh Lê; PGS. Vũ Xuân Hiền; TS. Nguyễn Văn Toán; TS. Chử Mạnh Hưng

 Triệu Lâm. Ảnh: Kim Chi

http://bulletin.hust.edu.vn/nguoibk/gs-ts-ngnd-nguyen-duc-chien-co-tro-gioi-thi-khong-co-gi-lo-het/