Gửi trọn tình yêu

Sống phải đam mê

Sống phải đam mê, đó chính là triết lý sống mà hàng ngày, hàng giờ PGS,TS Bùi Đình Phong vẫn đang thường xuyên thực hiện bởi đối với ông đó là khởi nguồn của mọi sáng tạo, mọi thành công trong cuộc sống. Còn nhớ cách đây khoảng 30 năm, khi mới chập chững bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, thầy giáo của ông – GS,NGND Đinh Xuân Lâm đã từng khuyên rằng: “Cậu muốn làm khoa học và trở thành nhà khoa học, phải nhớ 5 điều. Một là, phải say sưa, tâm huyết, bởi say sưa, tâm huyết sẽ đẻ ra sáng tạo. Hai là, phải chịu khó đọc sách của các nhà khoa học. Ba là, phải cố gắng đi nghe các nhà khoa học thuyết minh. Bốn là, phải chịu khó tập viết, viết ngắn, viết dài, viết chung, viết riêng. Năm là, đừng tham địa vị, danh lợi”. Có thể nói, những lời khuyên này đã luôn đi cùng PGS,TS Bùi Đình Phong khi ông quyết dấn thân vào một lĩnh vực “vinh quang nhiều mà chông gai cũng lắm”.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), trải qua quá trình rèn luyện trong quân ngũ, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B (tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi) rồi theo học đại học chuyên ngành lịch sử và được giữ lại công tác tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến tháng 1/1994 ông về công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đảm nhận công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

PGS,TS Bùi Đình Phong trong giờ lên lớp

Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS,TS Bùi Đình Phong đã tham gia hàng chục đề tài cấp nhà nước, cấp bộ trọng điểm, cấp bộ, cấp cơ sở và các đề tài với các cơ quan bên ngoài Học viện; đảm nhận vai trò chủ biên đề tài cấp Bộ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam” (1998-1999), đề tài trọng điểm cấp Bộ “Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong thời kỳ trước đổi mới” (2005-2007), đề tài cấp Bộ “Phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế”, đề tài cơ sở “Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh”; là Phó chủ nhiệm các đề tài cấp Bộ trọng điểm như “Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (2008-2010), “Từ điển Hồ Chí Minh học” (2012-2014)… Trong số đó, ông tâm đắc nhất là Đề tài “Từ điển Hồ Chí Minh học” bởi đây là loại đề tài đầu tiên trên phạm vi cả nước cung cấp cho bạn đọc nói chung, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy những kiến thức rất cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đề tài là công cụ trang bị những tri thức chính xác cho cả người dạy và người học, có ý nghĩa lâu dài. Cùng với đó, PGS,TS Bùi Đình Phong còn là tác giả của gần 1000 bài báo, hàng chục cuốn sách cá nhân, trong đó có những công trình, đề tài có ý nghĩa thiết thực trong công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay như sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ” (NXB Lao động, 2006); “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới” (NXB Lao động, 2007); “Hồ Chí Minh học và minh triết Hồ Chí Minh” (NXB Chính trị quốc gia, 2008); “Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh” (NXB Lý luận chính trị, 2014); các bài viết “Văn hóa viết, nói và làm”,“Một tấm gương sống giá trị hơn trăm bài diễn văn”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện Đảng cầm quyền”, “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, “Luận cương chính trị 10/1930- Những giá trị lịch sử”…

Không chỉ đạt được những thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đối với lĩnh vực giảng dạy, PGS,TS Bùi Đình Phong cũng được các đồng nghiệp và đặc biệt là các khóa học viên đánh giá cao bởi vốn tri thức rộng, kỹ năng thuyết giảng. Khi chia sẻ về “bí quyết” thành công, ông thẳng thắn trả lời: muốn giảng dạy tốt, phải biết nghiên cứu khoa học tốt. Thành quả nghiên cứu phải được xã hội hóa để đưa vào bài giảng. Bên cạnh đó, người giảng viên cũng phải biết đổi mới phương pháp giảng dạy, phải thấm nhuần lời dạy của Bác “đừng giảng như sách”. Cuộc sống luôn vận động, bản thân mỗi người thầy phải luôn tự đổi mới mình mà con đường ngắn nhất là phải đọc nhiều để có phông kiến thức rộng từ đó tổng hợp, so sánh, chắt lọc những điều cần thiết để đưa vào bài giảng… Lớp lớp những thế hệ học viên tốt nghiệp các khóa học và trở về địa phương công tác, trong hành trang mà họ mang theo ngoài các kiến thức được trang bị về lý luận, về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn là sự dung dị trong việc truyền thụ tri thức, là mối quan hệ thầy trò tốt đẹp mà PGS,TS Bùi Đình Phong đã gieo lại trong lòng mỗi học viên. Đối với ông đó là phần thưởng xứng đáng nhất, là điều đáng trân trọng luôn động viên ông không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Phải biết dấn thân, chấp nhận hy sinh

Theo PGS,TS Bùi Đình Phong, những thành quả ông đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy có một phần rất lớn từ việc ông đã thực hiện triệt để lời khuyên thứ 5 của thầy giáo đó là “không tham địa vị, danh lợi”, luôn phân định rạch ròi giữa mẫu hình nhà nghiên cứu khoa học và người làm lãnh đạo. Đối với ông, khi đã quyết định dấn thân vào con đường làm khoa học, gạt ra ngoài lề những “tham, sân, si” của cuộc sống thường nhật, cái đích mà ông luôn hướng đến đó là chinh phục đỉnh cao khoa học. Và sự đánh giá của các nhà khoa học trên cả nước đối với mỗi công trình, đề tài khoa học mà ông tham gia nghiên cứu cũng như tính ứng dụng mà các đề tài mang lại đối với đời sống xã hội chính là điều mà ông mong đợi và tâm huyết nhất.

Đảm nhận vai trò giảng dạy chuyên ngành về tư tưởng Hồ Chí Minh, ông luôn cố gắng học hỏi Bác từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đơn giản như việc học Bác ở chữ “Cần”. Với PGS,TS Bùi Đình Phong, đó là đến việc chú trọng sắp xếp kế hoạch công việc một cách khoa học, cái gì cần làm trước, làm sau và đã đặt ra mục tiêu là phải làm cho bằng được. Tháng này, tuần này viết cho báo nào, bài nào viết trước, bài nào viết sau, mọi việc đều được ông ghi chép và bố trí thời gian cụ thể nhờ vậy không dẫn đến tình trạng công việc ùn ứ, chậm tiến độ. Ông tâm sự, nhiều lúc ý tưởng cho những bài viết, bài nghiên cứu đến rất bất chợt, đó có thể nảy sinh trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và cập nhật thông tin hàng ngày, hoặc trong câu chuyện trao đổi với các đồng nghiệp. Và cái tài tình của người làm khoa học là phải biết “chộp” lấy tư tưởng mới, biết lật xới vấn đề, biết đổi mới tư duy để tìm cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất. Đối với ông, hoàn thành một bài viết không phải vì thành tích mà quan trọng hơn cả đó là cách để ông tự kiểm tra, đánh giá bản thân và tiếp đến là giá trị bổ ích mà bài viết mang lại cho người đọc, cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Cần mẫn tích lũy, ông như con ong chăm chỉ lặng lẽ tạo mật dâng lên cho đời. Những thành tích mà PGS,TS Bùi Đình Phong đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ như ba lần liên tục nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học giai đoạn 1999-2004; 2004-2009; 2009-2014 và danh hiệu Giảng viên giảng dạy giỏi xuất sắc cấp Bộ tiêu biểu lần thứ Nhất năm 2014 chính là ghi nhận cho những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của ông.

Ban Thi đua – Khen thưởng
Nguồn: www.npa.org.vn