Ông là GS.TS Phạm Cao Thăng – Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự ( HV KTQS). Trong sự nghiệp đào tạo, những nỗ lực của ông thật đáng tự hào. Ông là người luôn ân cần hướng dẫn biết bao thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh, giúp họ trưởng thành trên con đường học tập, dựng xây quê hương đất nước.
GS.TS Phạm Cao Thăng sinh ngày 20/09/1953 tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngay từ khi còn nhỏ, với tinh thần ham mê học hỏi, say sưa tìm tòi, năm tháng trên ghế nhà trường ông luôn là tấm gương sáng cho bạn bè noi theo với kết quả học tập xuất sắc. Nhưng khi đó cũng là năm tháng đất nước chìm trong đạn bom chiến tranh. Năm 1970, tạm gác lại giấc mơ còn dang dở, chàng trai trẻ Cao Thăng đã xung phong lên đường nhập ngũ, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Trải qua bao gian nan, khó khăn thử thách người lính, nhưng ý chí phấn đấu, nỗ lực rèn luyện, cống hiến cho đất nước càng được hun đúc trong ông. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam thống nhất, nhận thấy tư chất, tiềm năng của chàng lính trẻ, ban lãnh đạo đơn vị đã nhất trí tạo điều kiện để ông tiếp tục sự nghiệp học tập còn dang dở. Và rồi, với sự phấn đấu không ngừng, năm 1977, đạt điểm thi vào ĐH rất cao, ông đã vinh dự được Bộ cử đi du học ở Liên Xô.
GS.TS Phạm Cao Thăng
Đến với xứ sở Bạch dương, nơi đất bạn xa xôi, niềm tin và nghị lực vững vàng đã giúp ông vượt qua những khó khăn trở ngại. Sau hơn 5 năm miệt mài học tập, cùng thành tích xuất sắc, năm 1983, ông được tiếp tục ở lại Liên Xô trở thành nghiên cứu sinh(NCS), những mong góp nhặt những tinh hoa, tri thức của nước bạn đem về phụng sự, cống hiến nơi quê nhà thân yêu. Về nước, GS.TS Phạm Cao Thăng được nhận công tác tại Học viện KTQS và gắn bó cùng mái trường từ đó đến nay. Là một nhà giáo nhiệt thành, Giáo sư luôn cố gắng đem những kiến thức mình trau dồi, tích lũy được truyền đạt cho học trò và các giáo viên trẻ đồng nghiệp. Ông chia sẻ: “Nghề giáo như một chữ duyên, với công việc, mình luôn đặt tâm huyết vào từng bài giảng, lời dậy, hết lòng vì học sinh thân yêu, để làm sao đào tạo được ngày một nhiều hơn những thế hệ tài năng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển, đi lên của đất nước. Đó chính là hạnh phúc lớn nhất, là niềm tự hào của mình rồi!”. Quả thực, với nhiệt huyết luôn tràn đầy, Giáo sư luôn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng, lãnh đạo trân trọng và là một tấm gương mẫu mực để mọi người noi theo.
Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), GS.TS Phạm Cao Thăng cũng luôn hết mình, trăn trở với những đề tài thiết thực, gắn với lợi ích của giao thông đất nước. Ông tâm niệm, đây là một công việc đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo, cùng với nó là sự cần cù kiên nhẫn. Với những nỗ lực không ngơi nghỉ, ông đã chủ trì thành công 03 đề tài cấp Bộ và nhánh đề tài cấp Nhà nước như: “Nghiên cứu biện pháp tăng cường tính ổn định nhiệt độ cho bê tông nhựa”; “Nghiên cứu sử dụng kết cấu và vật liệu xây dựng trong môi trường đặc biệt”; “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng bê tông dùng cho xây dựng các công trình biển đảo”… Đồng thời, ông tham gia chủ trì 03 đề tài cấp ngành, trường là: “Nghiên cứu tính ổn định nhiệt của vật liệu xây dựng mặt đường sân bay từ chất kết dính nhựa bitum”; “Ứng dụng phương pháp mô phỏng số trong việc lượng hóa chỉ tiêu tổng hợp về cường độ mặt đường ô tô và sân bay phục vụ công tác nghiệm thu đánh giá chất lượng công trình”; “Nghiên cứu cơ sở ứng dụng thiết bị FWD trong đánh giá xác định sức chịu tải mặt đường BTXM sân bay và đường ô tô”. Trong đó, có một công trình ông rất tâm đắc đó là: “Nghiên cứu sử dụng thiết bị đánh giá động không phá hủy bằng quả rơi để đánh giá sức chịu tải mặt đường bê tông xi măng đường ô tô và sân bay.” Kết quả nghiên cứu của đề tài được đánh giá rất cao, có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Công trình đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng, và đã vinh dự được Đài truyền hình Trung ương VTV 1 quay video clip, phát sóng trên kênh truyền hình Quân đội Nhân dân về chủ đề Giáo viên Tiêu biểu năm 2012 nhằm chuyển tải rộng rãi đến nhân dân cả nước.
Nhìn lại chặng đường dài nghiên cứu của mình, GS.TS Phạm Cao Thăng cho biết, ông còn rất nhiều những công trình khoa học được công bố rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học về các lĩnh vực như : “Cơ sở lý thuyết đánh giá ảnh hưởng tốc độ dốc dọc biến thiên đến chiều dài đường cất hạ cánh sân bay”; “Trạng thái làm việc của tấm bê tông xi măng sân bay dưới tác dụng trọng tải của bánh xe có xét độ không bằng phẳng bề mặt tấm”; “ Nghiên cứu đánh giá độ tin cậy mặt đường sân bay và đường ô tô bằng phương pháp mô phỏng Monter Carlo”; “Nghiên cứu khả năng truyền tải trọng của thép truyền lực và ứng dụng trong tính toán tấm bê tông mặt đường”; “Nghiên cứu tính toán sức chịu tải nền đường ô tô dưới tác dụng của tải trọng động”; “Tính toán xác định số phân cấp PCN tấm bê tông xi măng nhiều lớp mặt đường sân bay bằng thiết bị FWD”; “Nghiên cứu trạng thái ứng suất biến dạng và tính toán mô đun đàn hồi tương đương trong kết cấu áo đường mềm hệ nhiều lớp”; “Nghiên cứu tính toán hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông asphalt trong điều kiện Việt Nam”. Những công trình đầy thiết thực và mang lại hiệu quả cao khi ứng dụng vào thực tế.
Công việc bộn bề cuốn lấy ông bất kể đêm ngày, nhưng dường như, với vị giáo sư tâm huyết ấy, giảng dậy, nghiên cứu vẫn chưa thỏa mãn khát khao tiếp cận kho tàng kiến thức bất tận của nhân loại. Nghĩ là làm, GS.TS Phạm Cao Thăng đã trực tiếp biên soạn các giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ công tác giảng dậy và nghiên cứu khoa học, điển hình như: “ Cơ sở khai thác kỹ thuật mặt đường sân bay”; “Cơ sở quy hoạch tổng mặt bằng cảng hàng không”; “Tính toán thiết kế mặt đường sân bay và đường ô tô”; “Tính toán thiết kế các kết cấu mặt đường”. Trên tất cả, những cuốn sách của ông luôn là “cẩm nang” cho nhiều thế hệ sinh viên HV KTQS, các nhà nghiên cứu và đông đảo cán bộ kỹ thuật, muốn tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tính toán thiết kế và đánh giá mặt đường sân bay và đường ô tô. Trong công tác đào tạo chuyên môn, ông đã hướng dẫn xong 5 NCS bảo vệ thành công và 3 NCS đang thực hiện.
Năm tháng qua đi, sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, GS.TS Phạm Cao Thăng cũng ngày càng được dày hơn, bề thế hơn. Năng lực trí thức của ông đã trực tiếp góp phần mở ra cánh cửa kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Có thể nói, ông đã có những cống hiến xứng đáng cho những dự án, những công trình thiết yếu của giao thông đất nước. Tin rằng, với lòng nhiệt thành, đam mê khoa học cháy bỏng của mình, ở độ tuổi đang “chín” GS.TS Phạm Cao Thăng vẫn tiếp tục góp phần thắp sáng cho trí tuệ Việt Nam!.
Tiến Đức
Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/