Tiếp nối truyền thống gia đình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố và mẹ đều làm nghề giáo, ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Trường Giang đã được bố mẹ hướng theo nghiệp gia đình. Trưởng thành từ cái nôi trường chuyên PTTH Nam Trực (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chị thi đỗ vào Khoa Báo chí (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tốt nghiệp đại học loại giỏi, chị được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Phát thanh, chuyên nghiên cứu về báo điện tử. Tại ngôi trường này, chị đã may mắn được các thầy cô giáo, các nhà báo nổi tiếng như Hữu Thọ, Phan Quang tận tình hướng dẫn, kèm cặp, được tiếp tục nuôi dưỡng tài năng và tâm huyết đối với nghề. Trong thời gian từ năm 1999-2002, ngoài việc làm công tác chuyên môn tại Khoa, chị còn được phân công bán chuyên trách tại Ban Chính trị xã hội (Báo Nhân dân). Trải nghiệm thực tế ba năm tại một môi trường làm báo chuyên nghiệp, nghiêm túc và hơi có phần khắc nghiệt đã tôi luyện Nguyễn Thị Trường Giang trở thành một người bản lĩnh, có nghị lực và tính độc lập cao. Sau mỗi ngày làm việc tại tòa soạn báo, chị lại mày mò trên internet tìm kiếm các thông tin xin học bổng các khóa đào tạo về báo chí ở nước ngoài.
Đến năm 2000, chị được nhận làm giáo viên trợ giảng cho một giáo sư người Mỹ trong dự án đào tạo phóng viên cách làm báo hiện đại (dành cho báo in và báo điện tử) được tổ chức tại Campuchia. Có thể nói, trong quãng thời gian 04 tháng tham gia dự án, chị và các đồng nghiệp đến từ các nước đã bị “vắt kiệt sức trong guồng quay làm báo hiện đại” nhưng cũng chính nhờ dự án này, mọi người được tiếp cận với những kỹ năng làm báo hiện đại, về thể hiện các yếu tố văn bản tác phẩm báo chí đa phương tiện. Với riêng Nguyễn Thị Trường Giang, đó còn là bài học trong kỷ luật học tập, tác phong lên lớp, tư duy làm việc, cách thức đối xử với học viên mà chị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vị giáo sư người Mỹ. Sau khóa học này, về Việt Nam, chị còn đăng ký tham gia nhiều khóa học về báo chí hiện đại do các nước tổ chức ở Việt Nam tổ chức để có cái nhìn đa chiều về phương pháp, cách thức làm báo hoàn toàn mới mẻ này.
Là một giảng viên, để sinh viên luôn hứng thú với mỗi giờ lên lớp, trong các giờ giảng của mình, chị luôn áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng nhiều dạng bài tập mới cho sinh viên cũng như chú trọng trang bị cho các em kỹ năng, phương pháp làm việc nhóm, làm việc độc lập, tư duy mạch lạc và cách tiếp cận công chúng, là cái tâm trong sáng và ý thức cộng đồng của người cầm bút trong việc hướng dẫn, cổ vũ dư luận ủng hộ cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực để đem lại công bằng cho xã hội. Chị đã truyền vào đó ngọn lửa đam mê, tình yêu với nghề, là những trải nghiệm của bản thân trong hoạt động nghề nghiệp song bên cạnh đó còn là những khắc nghiệt của nghề báo. Vui có, buồn có, khó khăn trở ngại có, song niềm hạnh phúc lớn nhất đối với một nhà báo chân chính đó là sự quan tâm của công chúng, là tác động đối với đời sống xã hội mà tác phẩm báo chí của mình mang lại.
Cùng với việc giảng dạy, để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, Nguyễn Thị Trường Giang còn luôn tận dụng mọi thời gian để đọc, tham khảo sách chuyên ngành trong và ngoài nước. Năm 2014, chị đã vinh dự được Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền tặng Giấy khen cho thành tích nghiên cứu khoa học Xuất sắc 05 năm (2009 – 2014). Tính đến nay, chị đã tham gia chủ nhiệm 01 nhánh đề tài cấp Nhà nước về Đạo đức nghề báo, tham gia các đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm 06 đề tài cấp cơ sở, chủ biên các đầu sách như “Báo mạng điện tử – những vấn đề cơ bản”, “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo”, “100 bản quy ước đạo đức nghề báo trên thế giới”, “Báo mạng điện tử – đặc trưng và phong cách sáng tạo”… Bên cạnh đó, chị còn là Tổng thư ký tòa soạn Trang tin điện tử Sóng trẻ. Mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, song hiện tại, chị vẫn thường xuyên cộng tác với các báo, tạp chí chuyên ngành. Gần đây nhất, năm 2011, chị đã giành giải C báo chí quốc gia với loạt bài: “Báo mạng điện tử hướng về đâu”.
Người phụ nữ biết cân bằng cuộc sống
Thành công trong sự nghiệp, có một hậu phương vững chắc với người chồng luôn hết lòng ủng hộ vợ trong công việc, 2 con ngoan, học giỏi, đó chính là hạnh phúc của chị. Bí quyết tạo dựng thành công đối với chị đơn giản đó là luôn chú trọng cân bằng cuộc sống, thực hiện triệt để bí quyết không mang việc về nhà, tất cả đều giải quyết ở cơ quan. Việc này khiến quĩ thời gian dành cho nghiên cứu của cán bộ nữ khoa học bị giới hạn đáng kể. Với bản thân Nguyễn Thị Trường Giang, chị phải tự rèn cho mình tư duy mạch lạc và khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Hết giờ làm việc, như bao phụ nữ khác, chị lo quán xuyến công việc gia đình, phụ giúp chồng kinh doanh, đưa đón con đi học bởi với chị, nền tảng hạnh phúc gia đình là quan trọng nhất, là động lực để bản thân chị luôn nỗ lực sống và làm việc hết mình.
Khi nói về những thành công đạt được, PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang khiêm tốn tự nhận mình là người may mắn và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nhưng tôi hiểu, đằng sau may mắn, không thể thiếu nghị lực sống, niềm đam mê và quyết tâm cháy bỏng tự khẳng định mình mà chị đã, đang và vẫn sẽ quyết tâm theo đuổi.
Với bản tính ôm đồm, thích đương đầu với các khó khăn, thử thách, luôn tự đặt ra các mục tiêu, kế hoạch để vượt qua, việc trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất trong hệ thống toàn Học viện là niềm vinh dự lớn lao song cũng là áp lực để bản thân PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý để xứng đáng với học hàm cao quý này.
Ban Thi đua – Khen thưởng
Nguồn: www.npa.org.vn