Hai bài báo về một chuyến đi Mỹ

Phải mất khá nhiều thời gian tìm trong tủ sách, GS.TS Dương Phú Hiệp mới thấy lại tập tài liệu về chuyến đi Mỹ cách đây gần ba chục năm, bên ngoài bọc tờ báo cũ. Qua nhiều lần chuyển nhà và bị mối xông, tài liệu ông còn giữ được không nhiều, nhưng may mắn là những tài liệu về chuyến đi này vẫn còn kha khá. Bằng chất giọng trầm ấm, ông bắt đầu giới thiệu với chúng tôi: Đây là hai bài báo địa phương viết về đoàn các nhà khoa học xã hội Việt Nam khi đến thành phố Buffalo và Đại học Buffalo vào tháng 3-1989[1].

Bài thứ nhất của tác giả Anthony Cardinale với tựa đề “Vietnamese Scholars face protesters” (Những học giả Việt Nam đối diện với những người chống đối), đăng ngày 21-3-1989 trên trang đầu của báo The Buffalo News. Bài này có cả bức ảnh những người biểu tình giương biểu ngữ và cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn để phản đối đoàn các nhà khoa học Việt Nam. Bài thứ hai, “Vietnamese scholars aid UB students in learning about the horrors of war” (Học giả Việt Nam giúp sinh viên trường Đại học Buffalo hiểu về sự khủng khiếp của chiến tranh), của nữ phóng viên Irene Jennings đăng ngày 24-3-1989, cũng trên báo The Buffalo News, in kèm bức ảnh ông Dương Phú Hiệp cùng GS Trần Quốc Vượng và GS John Larkin đứng trên giảng đường. Với cả hai tờ báo The Buffalo News nói trên (21-3-1989 và 24-3-1989), GS Dương Phú Hiệp chỉ cắt lấy và giữ lại nguyên hai bài phản ánh hoạt động của đoàn các nhà khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có ông.

Chuyện bắt đầu từ năm 1987, khi bài viết “Đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ” của Phó viện trưởng Viện Triết học Dương Phú Hiệp đăng trên tạp chí Triết học ở Việt Nam và được ông David Marr[2] chú ý. Sau đó, Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ mời ông Dương Phú Hiệp và một số nhà khoa học xã hội Việt Nam sang thăm Mỹ. Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hóa nên việc đi lại giữa hai nước còn rất hạn chế. Khi đó, muốn sang Mỹ công tác phải đảm bảo hai điều kiện: một là được phía Mỹ mời, hai là được Việt Nam chấp thuận. Ban đầu, danh sách khách mời mà Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ gửi sang gồm nhiều nhà khoa học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Cuối cùng, chỉ có ba người thuộc ba lĩnh vực được cử đi là PGS Bùi Đình Thanh (Sử học), GS Trần Quốc Vượng (Khảo cổ học) và Dương Phú Hiệp (Triết học); về sau có thêm GS Đặng Nghiêm Vạn (Dân tộc học) nhân chuyến công tác tại Mỹ cũng gia nhập đoàn và tham gia một số hoạt động. Do trẻ tuổi nhất nên ông Dương Phú Hiệp được cử làm trưởng đoàn. Chuyến đi này diễn ra sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam – GS Phạm Như Cương đã sang Mỹ với ý nghĩa khai mở mối quan hệ về khoa học xã hội giữa hai nước. GS Dương Phú Hiệp cho biết: mục đích của đoàn là tìm hiểu tình hình nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội trong hệ thống đại học ở Mỹ, đồng thời trao đổi ý kiến với một số nhà khoa học Mỹ về những vấn đề chuyên môncủa từng thành viên trong đoàn.

Trước khi đoàn đi, bà Mary Mc Donell đại diện Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ gửi thư ngày 27-7-1988 trao đổi trước về nội dung, lịch trình để các vị khách Việt Nam chuẩn bị. PGS Bùi Đình Thanh và GS Trần Quốc Vượng chuẩn bị về phần lịch sử Việt Nam, mà trọng tâm là thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975. Còn ông Dương Phú Hiệp chuẩn bị về vấn đề đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ông đã chuẩn bị hàng trăm trang viết tay, nắm chắc những nội dung sẽ làm việc để tránh cầm giấy đọc khi thuyết trình tại Mỹ, bởi như ông chia sẻ: Giảng bài ở Mỹ khác với Việt Nam, họ chỉ cho giảng 2/3 tiết học, thời gian còn lại là để học sinh hỏi và giải đáp thắc mắc[3]. Ngoài ra, ông còn thuê người dịch sang tiếng Anh một số bài viết đã đăng ở tạp chí Triết học của Việt Nam để đem sang Mỹ tặng những nhà khoa học làm việc với đoàn.

Ngày 17-3-1989, đoàn bắt đầu rời Hà Nội, sang Băng Cốc rồi bay tiếp đi Mỹ. Sau hơn một ngày hành trình, đoàn Việt Nam đặt chân tới thủ đô Washington D.C. So với lịch trình chuyến công tác, đoàn tới chậm 4 ngày do phải chờ hoàn tất thủ tục, vì vậy không kịp tham dự cuộc tọa đàm của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á của Mỹ họp ngày 15-3-1989. GS Dương Phú Hiệp còn nhớ, tâm trạng ông rất hồi hộp và lo lắng, bởi đó là lần đầu tiên đi công tác ở một nước tư bản[4].

Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ có ý định giới thiệu với đoàn các loại hình trường đại học (trường lớn, trường nhỏ, trường công, trường tư) trong hệ thống đại học Hoa Kỳ, cũng như cách tổ chức quản lí và nghiên cứu khoa học của họ. Do đó, đoàn được bố trí đi thăm nhiều trường đại học: Đại học tổng hợp Buffalo và Đại học tổng hợp Cornell thuộc bang New York; Đại học Carleton thuộc bang Minnesota, Đại học Hope thuộc bang Michigan.

 

GS Dương Phú Hiệp nhớ lại: Gần trưa ngày 20-3-1989 (thứ hai), đoàn đến thành phố Buffalo và khi tới trường Đại học tổng hợp Buffalo thì đã thấy có đám đông biểu tình, trong đó có nhiều người gốc Việt. Trong bài báo thứ nhất đã nói tới ở trên, phóng viên Anthony Cardinale tường thuật chi tiết chuyện này: những người biểu tình giương biểu ngữ và cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn để phản đối đoàn các nhà khoa học Việt Nam. Vì thế, những nhân viên an ninh của địa phương và của nhà trường được cử đến để bảo đảm an toàn cho buổi làm việc với đoàn Việt Nam.

Khi đoàn di chuyển tới hội trường của trường Đại học Buffalo, những người biểu tình vẫn bám theo. Trước tình hình căng thẳng, ông James Britt là nhân viên phòng an ninh của trường phải ra giải thích: Mặc dù họ là phe đối lập về chính trị nhưng họ là người đồng hương của các anh và họ cũng giống như những người khác[5]. Sau đó, đoàn biểu tình nhượng bộ, họ đồng ý vào hội trường để nghe và chấp thuận “biểu tình trong im lặng”. Hội trường chật kín người, chủ yếu là sinh viên. Thiếu chỗ, những người biểu tình ngồi cả xuống nền nhà.

Bài báo ngày 21-3-1989

Buổi làm việc hôm ấy bắt đầu lúc 10h45. Hàng loạt câu hỏi của cử tọa đặt ra cho các nhà khoa học đến từ Việt Nam, và cuộc tranh luận diễn ra thẳng thắn. Một người hỏi ôngHiệp đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Ông nhìn những tia nắng đang chiếu qua ô cửa vào hội trường và nói: Chúng ta đều đang sống trong mùa đông, nhưng nhiều người tưởng đang sống trong mùa xuân[6]. Qua đó, ông muốn nói lên mối quan hệ hai nước vẫn chưa tan băng. Vừa dứt câu trả lời, một người khác nêu vấn đề sựưu việtgiữa xã hội chủ nghĩa và xã hội tư bản. Ông nghĩ thầm “câu này quá khó với mình”, trả lời bên nào ưu việt hơn cũng đều không được. Rồi ông bình tĩnh trả lời: Các ông chưa nắm rõ văn kiện Đảng của đất nước tôi, hiện nay đất nước mới đang ở thời kỳ quá độ, chưa phải chủ nghĩa xã hội, còn nước Mỹ đã là nước tư bản phát triển. Giống như việc xây dựng nhà vậy, phải chờ hai bên hoàn thiện xong mới biết nhà bên nào đẹp hơn bên nào. Mong phía bạn chờ Việt Nam xây dựng xong ngôi nhà xã hội chủ nghĩa[7]. Nhiều người trong hội trường vỗ tay tán thành. Đến 13h buổi làm việc sáng mới kết thúc để đoàn nghỉ trưa rồi tiếp đến phiên làm việc chiều từ 14h đến 17h. Cuối buổi làm việc, khi phóng viên Anthony Cardinale hỏi về “đoàn người không thiện chí đó”, ông Hiệp lịch sự trả lời: Họ có quyền làm vậy ở đất nước này. Họ không hiểu rằng mọi việc ở Việt Nam đang biến đổi. Sự phản ứng của họ đã lỗi thời rồi, nhưng họ có quyền làm điều đó[8]. Thấy vẫn có đông người đứng biểu tình, đoàn ra về bằng cửa sau của trường Đại học Buffalo.

Theo chương trình, 11 giờ trưa ngày 23-3-1989 (thứ năm), đoàn Việt Nam có buổi nói chuyện khoảng một tiếng với sinh viên của Giáo sư sử học John Larkin về chủ đề Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Nữ phóng viên Irene Jennings mô tả: Những sinh viên của trường Đại học Buffalo ngồi trong một giảng đường tối, xem lại những thước phim về sự khủng khiếp của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã làm rung chuyển Việt Nam cách đây hai thập kỉ. Khi đèn bật sáng thì ba người đàn ông từ đất nước đó xuất hiện, sẵn sàng trả lời các câu hỏi của họ[9]. Tác giả cũng thông tin thêm rằng: Nhưng sự có mặt suốt một tuần của các học giả Việt Nam ở trường Đại học Buffalo đã chứng tỏ sự nhức nhối của vết thương chiến tranh vẫn còn chưa được hàn gắn. Vào đầu tuần, khi những học giả đến và được đón tiếp long trọng thì những người biểu tình đã tìm cách bôi nhọ họ và vì vậy những nhân viên bảo vệ của trường đã phải chú trọng rất nhiều tới vấn đề an ninh[10]. Khi GS John Larkin lên lớp bài “Việt Nam và chiến tranh Việt Nam”, để phòng ngừa những chuyện ngoài ý muốn, ông đã mời tất cả những người không có tên trong danh sách sinh viên của ông ra khỏi giảng đường. Những người quá khích thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ đứng rải rác trước cửa phòng để phản đối sự có mặt của đoàn Việt Nam. Trong khi đó, sinh viên ngồi kín giảng đường và chăm chú nghe một cách thích thú.

Bài báo ngày 24-3 (GS Dương Phú Hiệp (bên trái), GS John Larkin (giữa) và GS Trần Quốc Vượng

Bài báo thứ hai này miêu tả lại một số nội dung hỏi và trả lời giữa các sinh viên và ba nhà khoa học Việt Nam. Nữ phóng viên Irene Jennings viết: Người ta hỏi ba học giả là họ cảm thấy thế nào về nước Mỹ ngày nay và liệu họ có cảm thấy là chính phủ Mỹ cần phải bồi thường chiến tranh cho Việt Nam hay không[11], cũng có một số câu hỏi khó trả lời hơn, như nếu bất kỳ trong số các học giả có thân nhân bị chết trong chiến tranh thì liệu có khó khăn lắm để tha thứ hoặc quên đi hay không[12]. Sau khi trao đổi với PGS Bùi Đình Thanh và GS Trần Quốc Vượng, ông Hiệp đại diện đoàn khéo léo trả lời: Bồi thường chiến tranh không còn là vấn đề quan trọng nữa. Cái mà chúng tôi muốn, đó là sự bình thường hóa quan hệ và điều đó có lợi cho cả hai bên[13]. GS Trần Quốc Vượng cũng thẳng thắn chia sẻ: chị gái của ông là một bác sĩ đã chết trong trận máy bay B52 của không quân Mỹ ném bom rải thảm ngày 22-12-1972 vào Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, rồi 3 ngày sau đến lượt nhà riêng của ông cũng bị bom Mỹ san bằng. GS Vượng xúc động nói: Tôi mất tất cả, nhưng tôi còn giữ được trí tuệ của mình[14].

Phóng viên Irene Jennings cũng phản ánh sự thích thú của những sinh viên hôm ấy. Trong bài báo của bà có đoạn: Lisa Boesch, sinh viên dược khoa năm thứ năm nói rằng: Tôi muốn buổi tọa đàm kéo dài hơn nữa,khi cuộc tọa đàm chính thức đã kết thúc, các sinh viên còn tụ tập trước giảng đường để tiếp tục nói chuyện với ba người khách[15]. Sau đó, một lần tình cờ đi ngang qua sạp báo, ông Dương Phú Hiệp thấy mấy tờ báo viết về đoàn Việt Nam. Trong túi chỉ có ít tiền lẻ nên ông mua hai tờ báo The Buffalo News để lấy hai bài kể trên.


Đoàn Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm ở Mỹ, tháng 3-1989

Các ngày sau, có thêm GS Đặng Nghiêm Vạn tham gia, đoàn Việt Nam tiếp tục đến thăm các trường Đại học Carleton, Đại học Hope, Đại học Cornell. Ngày 30-3, trong chương trình “Sinh thái học con người” tại trường Đại học Cornell, GS Đặng Nghiêm Vạn trình bày những nghiên cứu của mình về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đông Dương, điển hình là người Khơmú. Thính giả là các sinh viên của GS Judy Kugelmoss. Trong khi đó, PGS Bùi Đình Thanh và GS Trần Quốc Vượng nói chuyện với bà Chirstine White về vấn đề “Phụ nữ, cuộc cách mạng và chủ nghĩa xã hội”. Ngoài những buổi làm việc vất vả ở các trường, đoàn cũng được mời đi giao lưu để hiểu thêm về con người và đất nước Mỹ. GS Hiệp kể: Một bữa tối, đoàn Việt Nam được gia đình bà GS Gail Kelly mời tại nhà riêng, có một số giáo sư Mỹ cũng cùng tham dự; trên mỗi bàn ăn có đặt một tấm biển ghi bằng một trong 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga), để các vị khách tùy khả năng ngoại ngữ của mình mà chọn bàn cho phù hợp; nhờ vậy mọi người trong đoàn đã giao lưu và làm quen được với nhiều người bạn mới.

Ngày 8-4-1989, đoàn lên đường đi đến San Fransisco để bay qua Băng Cốc về Việt Nam. Sau khi trở về, ông thay mặt đoàn làm báo cáo trình lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Báo cáo được Chủ nhiệm Ủy ban là GS Phạm Như Cương đánh giá tốt. GS Hiệp cho biết, một trong những điều thu hoạch trong chuyến đi ấy là về cách giáo dục học sinh của người Mỹ. Một lần, ông dự giờ giảng về tác phẩm Chống Đuyrinh của Ăngghen, thầy giảng tới đâu, học sinh giở trang đó trong sách ra theo dõi; sau phần giảng lý thuyết, thầy dành thời gian cho học sinh thảo luận vấn đề vừa học, như vậy làm cho học sinh chủ động suy nghĩ và nhận thức vấn đề. GS Hiệp đánh giá: chính cách đào tạo như vậy đã giúp nước Mỹ có nhiều người tài năng, và ông nhớ tới câu nói của Lênin, đại ý: chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xôviết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ. Lênin muốn khuyên mọi người cần đón nhận và học tập những ưu điểm của nước ngoài. Cũng trong bản báo cáo này, ông đưa ra hai đề xuất: Tạo điều kiện cho các nhà khoa học hai nước quan hệ với nhau, từ đó hiểu nhau hơn và tiến tới hai bên hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, nhờ các trường đại học của Mỹ đào tạo thêm những ngành mới như động đất (trường Đại học tổng hợp Buffalo), nông nghiệp và quản lý khách sạn (trường Đại học tổng hợp Cornell)[16]. Kèm theo bản báo cáo, ông photocopy hai bài báo Mỹ đã viết về hoạt động của đoàn Việt Nam và có cả bản tiếng Việt do một học trò của ông là Nguyễn Minh dịch giúp. Có một số nơi mời ông đến nói chuyện về chuyến đi Mỹ, nhưng ông chỉ đáp ứng đề nghị của hai đơn vị: Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và khoa Triết của trường Đảng Nguyễn Ái Quốc[17].

Kể về chuyến đi ấy, GS.TS Dương Phú Hiệp tự nhận xét: Những ngày đi Mỹ là thời gian sáng suốt, thông minh và đáng nhớ nhất trong quá trình công tác của mình[18]. Thời gian qua đi, hai bài báo đã cũ và bắt đầu mờ nét chữ, các mép bị sờn, ông tưởng rằng hai bài báo sẽ đi vào lãng quên. Đến khi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam từ tháng 6-2015, GS Dương Phú Hiệp mới có dịp kể lại các chuyến đi công tác của mình, nhất là chuyến đi Mỹ đáng nhớ này. Ông đã trao tặng cả hai bài báo cùng những tài liệu liên quan cho Trung tâm lưu giữ.

Ngô Văn Hiển

_____________________

* GS.TS Dương Phú Hiệp là nhà khoa học chuyên ngành Triết học, nguyên Phó viện trưởng Viện Triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

[1] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 3-9-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Ông David Marr là thành viên của Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ.

[3] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 3-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 2-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Bài báo ngày 21-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[6] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 2-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 2-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[8] Bài báo ngày 21-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[9] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[10] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[11] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[12] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[13] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[14] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[15] Bài báo ngày 24-3-1989 (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Minh).

[16]Báo cáo về chuyến đi Mỹ của các nhà khoa học Việt Nam, 22-4-1989, tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[17] Hiện nay hai cơ quan này đều thuộc Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

[18] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp, ngày 2-7-2015, tài liệu đã dẫn.