Hai bức ảnh về một chuyến đi thực tế

Sinh ra tại Cao Bằng và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Bằng sớm được hun đúc tình yêu với âm nhạc. Ông tốt nghiệp trường Sư phạm cao cấp và được cử sang khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) dạy văn nhưng rồi lại xin chuyển sang làm cán bộ văn nghệ, được điều động sang mặt trận Trung Lào để vừa thực tế, vừa sáng tác. Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, ông được điều về Đoàn Văn công trung ương, rồi được cử đi học chỉ huy dàn nhạc ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô). Sau 7 năm học tập, ông trở về nước với tấm bằng đỏ và giảng dạy tại trường Âm nhạc Việt Nam[1], kiêm chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của trường. Có người ví Nguyễn Trọng Bằng như một “bản tam tấu xanh”[2], bởi ông thành công trên cả ba phương diện: sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc.

Chúng tôi có dịp làm việc với ông sau mấy trận ông ốm thập tử nhất sinh. Thế nhưng, ở tuổi 85 mà giọng nói của ông vẫn hào sảng và dường như tâm huyết với âm nhạc vẫn tràn đầy trong ông. Ông hồ hởi giới thiệu với chúng tôi rất nhiều ảnh tư liệu, từ thời ông ở Đoàn Văn công trung ương, kỉ niệm đêm biểu diễn ở Sài Gòn sau ngày chiến thắng 30-4-1975[3], đến kỉ niệm với Hội Nhạc sĩ, trường Âm nhạc Việt Nam… Mỗi bức ảnh đều gắn với những kỉ niệm đẹp một thời. Ông dừng lại ở hai bức ảnh đen trắng khổ 12 x 8,7cm, trong đó một bức có ghi ở mặt sau: "Nghệ An, 8/1966". Đây là hai bức ảnh chụp ông cùng các nhạc sĩ đi thực tế mặt trận giao thông vận tải vào đúng những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1965, Mỹ tăng cường quân đội vào miền Nam, chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, đồng thời mở rộng đánh phá ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Cầu đường, bến cảng, bến phà, nhà ga, các điểm nút hay đầu mối giao thông huyết mạch trở thành đối tượng đánh phá chính của không quân Mỹ, do đó việc đảm bảo giao thông trở thành nhiệm vụ quan trọng số 1 của ta. Nhằm động viên, khuyến khích các lực lượng hoạt động trên mặt trận giao thông vận tải, mùa hè năm 1966, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Văn hóa chủ trương cử các nhạc sĩ đi thực tế để sáng tác cổ vũ cho cuộc kháng chiến. Nhớ về thời gian ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: Trong chiến tranh, âm nhạc là một vũ khí, bên cạnh chức năng giải trí thì chức năng vũ khí rất quan trọng, giúp cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân vượt qua khó khăn[4]. Ông Trọng Bằng lúc ấy là cán bộ giảng dạy của trường Âm nhạc Việt Nam, cũng tình nguyện xin tham gia đoàn đi thực tế cùng các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Xuân Giao, Hoàng Mãnh, Chu Minh, Nguyễn Sinh. Đó là chuyến đi thực tế dài ngày đầu tiên của ông, một chuyến hành trình không thể quên mà đến nay ông vẫn diễn tả khái quát bằng cách ví như đi vào cõi chết[5].

Trước khi đi, mỗi người đều chuẩn bị hành trang gọn nhẹ với túi gạo 5kg đeo bên người và vài bộ quần áo. Sở Giao thông vận tải Hà Nội điều riêng cho đoàn một chiếc xe com măng ca mới của Rumani. Hành trình xuất phát từ Hà Nội, lên đường mòn Hồ Chí Minh và đi vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, dừng lại ở Đèo Ngang rồi trở ra Hà Nội. Thời gian chuyến đi trong vòng một tháng (tháng 8-1966). Đến địa phương nào đoàn cũng được ủy ban xã và nhân dân giúp đỡ, tiếp đón chu đáo. Trong hoàn cảnh đó, hai bức ảnh kể trên do một cán bộ phòng văn hóa của Bộ Giao thông vận tải đi theo đoàn đã chụp tại Ninh Bình và Nghệ An.

Đoàn nhạc sĩ dừng chân tại Ninh Bình (ông Nguyễn Trọng Bằng đứng thứ hai từ phải)

Trong tâm trí của GS Nguyễn Trọng Bằng, một con người đã đi qua hai cuộc kháng chiến, chứng kiến những thăng trầm của đất nước, nhiều chuyện ông nhớ nhớ quên quên, nhưng ấn tượng về chuyến đi thực tế ấy rất sâu đậm và được ông gói gọn trong vài từ: Vừa sợ vừa quan sát[6]. Sợ vì những hiểm nguy bởi quân thù luôn rình rập, nhưng cũng thích thú để quan sát tất cả những hoạt động, âm vang của cuộc chiến tranh. Chuyến đi ấy giúp các nhạc sĩ như ông được trải nghiệm rõ hơn về không khí của cuộc kháng chiến, với sự hối hả ở khắp nơi, sự hi sinh của bộ đội và các cô gái, các chàng trai thanh niên xung phong. Đó là sự nguy hiểm, gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ. Như nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, qua chuyến đi ấy các ông cảm nhận được rõ nhất tình yêu của con người đối với đất nước và tình cảm giữa con người với nhau trong mưa bom, bão đạn. Có lần, đang đi trên đường số 1 trên đất Nghệ An, đoạn từ Cầu Giát vào Phủ Diễn, máy bay Mỹ bắn pháo sáng, hai ông Trọng Bằng và Phạm Tuyên vội nằm táp xuống bên đường, ông Trọng Bằng thốt lên: Tuyên ơi, cậu xem này, bao nhiêu đường tay nổi hết[7], tất cả rõ mồn một dưới ánh pháo sáng của địch, nhưng may là các ông không bị phát hiện. Có lẽ, trong tâm trí GS Trọng Bằng, ông không thể quên được hình ảnh những cánh rừng trên đường Trường Sơn cháy rụi vì bom napan khi đoàn đi qua lúc chập choạng tối. Rồi buổi liên hoan vui vẻ trên rừng Trường Sơn với thanh niên xung phong đại đội C9, ông đã hát bài tự sáng tác – “Đế quốc Mỹ là thân con ruồi” còn nhạc sĩ Phạm Tuyên đệm đàn[8]. Trên đường trở ra Bắc, khi đến Thanh Hóa thì cầu bị đánh sập nên đoàn đành bỏ lại xe và đi bộ ra Hà Nội. Có lần vì đói và mệt quá, các ông lăn ra ngủ ngay ven đường rồi bị dân quân bắt vì tưởng là biệt kích.

Tại Nghệ An

(từ trái, hàng trước: Nguyễn Sinh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Văn, Phạm Tuyên;

hàng sau: một cán bộ giao thông, Xuân Giao, Hoàng Mãnh, Trọng Bằng, Hoàng Vân)

Từ thực tế sinh động thu nhận được qua chuyến đi ấy, nhiều bài hát về ngành giao thông vận tải đã ra đời. Trong đó, có thể kể đến “Bài hát bên cầu phao” của Trọng Bằng, “Bài ca giao thông vận tải” của Hoàng Vân, “Yêu biết mấy những con đường” của Phạm Tuyên, “Cô gái mở đường” của Xuân Giao… Riêng với Trọng Bằng, ông bộc bạch thật lòng: Mình chưa biết cầu phao là gì, đi thực tế công binh tập ở bến phà Chèm mới biết[9]. Rồi khi vào đến Phà Nghèn ở Hà Tĩnh, ông nảy ra ý tưởng viết “Bài hát bên cầu phao” trong lúc ô tô đang chạy giật lùi vì phải tránh máy bay Mỹ thả bom:

Cầu phao bắc ngang sông, ta nối mạch máu giao thông
Vượt lên sóng dữ mưa lũ dâng tràn mênh mông
Từ thượng lưu lao về xuôi, từ hạ lưu mau ngược lên
Tay xiết chặt từng ốc đinh cho cầu vững liền

Âm điệu trong bài hát hùng hồn đầy tự hào mà những hình ảnh vẫn không kém chất thơ:

Sóng dập dờn đoàn xe qua, pháo của ta vượt qua sông
Vươn nòng súng lên cao ngước nhìn ánh sao đêm

Về bài hát này, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng dí dỏm nhận xét: Anh Trọng Bằng tài thật, cái đinh ốc cũng đưa được vào bài hát![10]. Một thính giả trong chương trình “Bài ca đi cùng năm tháng” đã chia sẻ: Một đêm không trăng tháng 9-1968 trên cầu phao Địa Lợi, đường 15 đoạn qua huyện Hương Khê vừa dứt đợt bom Mỹ thì tôi được nghe bài hát này, cũng giọng hát này cất lên từ cái radio nơi cửa hầm bên đường. Xúc động lắm, hùng tráng lắm. Chúng tôi qua cầu đi tiếp về phía Nam, dưới ánh pháo sáng và tiếng gầm rít của bọn cướp trời, lời bài hát vẫn đi cùng chúng tôi. Đến nay, đã qua gần nửa thế kỷ, tôi lại được nghe lại bài hát thân quen này. Xúc động lắm. Nhớ lắm, nhớ lắm một thời đáng nhớ![11].

Sau chuyến đi thực tế ấy, sang năm 1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ thành lập đoàn văn công mang tên “Tiếng hát át tiếng bom” và phong trào văn nghệ dấy lên động viên tinh thần anh em cán bộ trên mặt trận giao thông quyết liệt. Các bài hát kể trên cùng với những bài ca chống Mỹ cứu nước vang lên, tạo không khí chiến đấu sôi nổi góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Cũng sau chuyến đi, ông Nguyễn Trọng Bằng nhận được hai bức ảnh chụp tại Ninh Bình và Nghệ An do Bộ Giao thông vận tải gửi tặng. Ông lưu giữ những bức ảnh này đến khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cuối năm 2015. Nhớ lại chuyến đi ngày ấy, ông rút ra kinh nghiệm: Muốn làm một nhạc sĩ phải có những câu chuyện thực tế rộng rãi, từ thực tế ấy sẽ làm nên những ý tưởng lớn[12].

Trần Bích Hạnh
 

 _______________________

* GS.TS.NSND Nguyễn Trọng Bằng, chuyên ngành Âm nhạc, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

[1] Nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam.

[2] Xem thêm bài “Trọng Bằng bản tam tấu xanh”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 3, tháng 4-1998, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Xem thêm bài “Sài Gòn đêm giao hưởng”, tạp chí Hồn Việt, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Tuyên ngày 27-4-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) là một trong những người bạn thân thiết của GS Nguyễn Trọng Bằng. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội, có nhiều bài hát nổi tiếng như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ một ngã tư đường phố”…

[5] [6] [7] [9] [10] [12] Phỏng vấn GS Nguyễn Trọng Bằng ngày 5-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Sau khi về Hà Nội, ông Trọng Bằng sáng tác bài hát “Trăng sáng trên tuyến đường” để tặng thanh niên xung phong đại đội C9.

[11] http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/bai-hat-ben-cau-phao-861.html#comment-3390.