Hai bức thư của một người thầy

Đây chỉ là hai trong số nhiều bức thư GS.TS Hà Thế Ngữ[1] đã viết và gửi từ Hà Nội cho học trò cũ Nguyễn Xuân Đàm đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô[2]. Thư ngày 12-6-1976 được đánh máy chữ với giấy than đen trên giấy trắng khổ 21,5 x 31cm, nhưng có xen một số câu hay đoạn chữ đỏ, lá thư này có nếp gấp tám và bị rách 3,5cm ở giữa trang. Thư ngày 27-9-1979 viết tay bằng bút mực đen trên hai mặt tờ giấy thếp kẻ ngang, kích thước 18,5 x 26,5cm, có nếp gấp tư. Trải qua gần 40 năm, hai bức thư đều đã ố vàng và tác giả của nó – GS Hà Thế Ngữ cũng đã không còn nữa, nhưng sự tâm huyết và tấm chân tình của thầy vẫn gây xúc động mạnh cho TS Nguyễn Xuân Đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm thổ lộ rằng: Ông may mắn được gặp và có khoảng thời gian tương đối dài làm việc với thầy Hà Thế Ngữ. Chuyện là, năm 1954, sau khi từ Phú Yên tập kết ra Bắc, Nguyễn Xuân Đàm được cử sang học ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Tại đây, ông được nghe những bài giảng của thầy Hà Thế Ngữ về môn giáo dục học tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, ông ấn tượng về thầy Ngữ hiền hòa, sinh viên đều quý mến[3]. Hai thầy trò trở nên gần gũi, hay trò chuyện và tâm sự với nhau.

Sau khi Hà Nội được giải phóng (1954), toàn bộ các trường ở Khu học xá chuyển về Hà Nội. Rồi Nguyễn Xuân Đàm tốt nghiệp khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1959, sau đó đi dạy ở trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, đến năm 1963 ông trở lại miền Nam tham gia hoạt động cách mạng. Ông bị thương và được đưa ra Bắc năm 1973, an dưỡng một năm ở cơ sở K5B tại Quảng Bá, Hà Nội. Khi sức khỏe đã bình phục, như ông kể: tôi được ông Phan Triêm (Phó trưởng ban Thống nhất Trung ương) gọi lên và thông báo rằng Đảng cử đi làm nghiên cứu sinh[4].

Được lựa chọn đi làm nghiên cứu sinh là niềm vui bất ngờ với Nguyễn Xuân Đàm. Nhưng ông cũng hiểu tình thế của mình bây giờ, từ một người lính đã từng "vào sinh ra tử" trong chiến trường Nam Bộ, nay lại bước vào một "trận chiến" mới không kém phần gian nan mà ông gọi là “cuộc vượt Trường Sơn lần thứ hai”. TS Nguyễn Xuân Đàm tâm sự: Tôi rất lo lắng, vì các bạn khác có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức, còn tôi chỉ lo công tác, không nghĩ nhiều đến chuyện học hành. Thời gian này cũng là lúc Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu chủ trương thi nghiên cứu sinh, nhằm mục đích xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn, cho nên, để đậu nghiên cứu sinh không phải là điều dễ dàng[5].

Mang theo nỗi băn khoăn đó, ông đến gặp thầy giáo cũ Hà Thế Ngữ (khi đó là Phó ban phụ trách Viện Khoa học giáo dục). Ông bộc bạch với thầy: Có lẽ em không thể đủ kiến thức để thi được, em là tay súng, chỉ quen chiến đấu và xây dựng trường lớp ở trong Nam, và được thầy khuyên: Em cứ thi đi, thầy tin tưởng em sẽ đỗ. Giáo dục học là một khoa học được hình thành từ trong chiến đấu và hi sinh[6]. Được sự khích lệ như vậy, Nguyễn Xuân Đàm dành 3 tháng tìm đọc tài liệu về khoa học giáo dục và tâm lý học. Trong kỳ thi nghiên cứu sinh năm 1974, Nguyễn Xuân Đàm là người đạt điểm số cao nhất.

Tay run run cầm lá thư đề ngày 12-9-1976, TS Nguyễn Xuân Đàm hồi tưởng: Muốn sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, đầu tiên phải chuẩn bị đề cương đề tài nghiên cứu, mà về đề tài thì thầy Ngữ gợi ý: Cậu có kinh nghiệm trong 10 năm đấu tranh ở miền Nam chống nô dịch giáo dục của Mỹ – ngụy, có tài liệu và kinh nghiệm giáo dục xã hội chủ nghĩa, kinh nghiệm xây dựng trường sư phạm ở miền Bắc, cậu làm về vấn đề hình thành thế giới quan cho học sinh Việt Nam dân chủ cộng hòa trên cơ sở nền giáo dục Xôviết[7]. Do đó, Nguyễn Xuân Đàm đã lựa chọn đề tài “Kinh nghiệm của nhà trường Xôviết trong việc hình thành thế giới quan của học sinh và sự vận dụng sáng tạo vào nhà trường ở Việt Nam” để làm luận án phó tiến sĩ.

Là người phụ trách chuyên môn của Viện Khoa học giáo dục, thầy Hà Thế Ngữ luôn chăm lo cho công tác phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, giúp họ nhanh chóng trưởng thành, đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu khoa học đa dạng và đòi hỏi trình độ ngày càng cao. Do đó, ngay đầu lá thư ngày 12-9-1976, ông nhấn mạnh với Nguyễn Xuân Đàm: Đề tài nghiên cứu về thế giới quan là một đề tài rất cần cho chúng ta và rất cần cho bạn. Chúng tôi rất mong anh chú ý nghiên cứu lĩnh vực này cũng như lĩnh vực giáo dục chính trị đạo đức, để không những về nhà anh đi sâu vào lĩnh vực này mà còn phải giúp đỡ các đồng chí khác cùng nghiên cứu[8]. Thầy Ngữ đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, chính trị và đạo đức đối với đội ngũ giáo viên và học sinh, mà vấn đề trọng tâm, cốt lõi là hình thành thế giới quan khoa học cùng nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ. Bởi vì thực tế lúc đó ở Việt Nam, lĩnh vực giáo dục chính trị đạo đức còn hạn chế và lại thiếu cán bộ có trình độ lý luận để đúc kết, nên Viện Khoa học giáo dục coi đây là kế hoạch nghiên cứu hàng đầu.

Theo lời khuyên của thầy Hà Thế Ngữ, NCS Nguyễn Xuân Đàm trong luận án phó tiến sĩ của mình đi sâu vào vấn đề phương pháp, ví dụ như phương pháp biến hệ thống kiến thức thành niềm tin, đồng thời chú ý đến yếu tố tâm lý, đi sâu tìm hiểu các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Kể lại chuyện thầy Ngữ giúp mình thời kỳ đó, TS Nguyễn Xuân Đàm cho biết: Để tôi có tài liệu đọc, nghiên cứu từ thực tiễn Việt Nam, thầy Hà Thế Ngữ đã gửi cho tôi sách tham khảo, hướng dẫn tôi có thể khai thác lý luận giáo dục kinh điển Việt Nam trong các tuyển tập của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn mà Liên Xô đã dịch ra tiếng Nga[9].

Đọc kỹ từng câu, từng chữ và cách trình bày trong thư, mới thấy chủ ý và tâm huyết của thầy Ngữ trong việc đào tạo cán bộ kế cận. Những ý quan trọng hơn được thầy phân biệt bằng cách để chữ màu đỏ, mà theo TS Nguyễn Xuân Đàm, đó là những định hướng cho ông trong suốt quá trình học tập ở Liên Xô. Đó cũng là những chỉ dẫn mang tính chiến lược đối với một cán bộ nghiên cứu, không chỉ ở tầm vĩ mô, như: khoa học bao giờ cũng phải phục tùng lợi ích của dân tộc và của giai cấp[10], mà còn đề cập cả về việc ứng xử, giao tiếp trong bối cảnh quốc tế có những bất đồng về giáo dục tư tưởng, chính trị, như: học tập có chọn lọc kinh nghiệm giáo dục tư tưởng của Liên Xô, trong quá trình học tập cần “giữ độc lập tư tưởng và chính trị”[11].

Hai bức thư, 12-9-1976 và 27-9-1979

Theo những định hướng chuyên môn của thầy Ngữ, NCS Nguyễn Xuân Đàm hoàn thành luận án phó tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS.TS Ruv Mikhailôvna Rôgôva và bảo vệ thành công luận án vào cuối tháng 6-1979. Trong luận án, NCS Nguyễn Xuân Đàm trình bày kinh nghiệm đấu tranh chống lại âm mưu nô dịch của Mỹ – ngụy ở miền Nam nước ta, phân tích về cuộc đấu tranh chống nền giáo dục nô dịch ở miền Nam, nêu triển vọng xây dựng một nền giáo dục cách mạng của nước Việt Nam thống nhất, vấn đề vận dụng kinh nghiệm giáo dục của Liên Xô vào Việt Nam…

Nhận được tin NCS Nguyễn Xuân Đàm bảo vệ thành công luận án trước thời hạn, thầy Hà Thế Ngữ gửi thư chúc mừng. Trong lá thư ngày 27-9-1979, ông viết: tôi phấn khởi lắm khi các nhà khoa học của Liên Xô đã đánh giá cao kinh nghiệm và lý luận giáo dục Việt Nam![12], và bày tỏ vui mừng vì từ nay ông có thêm người đồng nghiệp đồng hành trong công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, đồng thời hi vọng sẽ có những buổi trao đổi về chuyên môn với Nguyễn Xuân Đàm sau khi tân phó tiến sĩ về nước. Đặc biệt, trong thư này, ông nói nhiều đến đạo đức và nhân cách của người cán bộ nghiên cứu: Tôi luôn luôn nhắc nhở mình phải sống như một người cộng sản: tôi say mê lí tưởng, chân lý của chủ nghĩa, tôi hết sức coi trọng nhân phẩm, đạo đức trong sạch. Được học tập có hệ thống chủ nghĩa, có thì giờ suy nghĩ về lẽ sống của người cách mạng, tôi càng thêm quyết tâm để sống và làm việc một cách trung thực theo những giá trị đẹp đẽ và cao quý… mà mình đã trân trọng[13].

Giai đoạn 1977-1979 là khoảng thời gian khó khăn đối với thầy Hà Thế Ngữ, bởi đôi lúc ông bị hiểu lầm, bị đánh giá không đúng, và điều khiến ông buồn nhất làtình người bị xây xước nhiều quá[14], nên ông luôn mong muốn những người bạn, người đồng chí quý trọng nhau, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau trên cơ sở cùng nhau xây dựng khoa học giáo dục thật cách mạng và thật khoa học để phục vụ cho sự nghiệp đó và trên cơ sở tôn trọng và xây dựng cho nhau nhân phẩm của con người[15]. Trong lời tâm sự gửi Nguyễn Xuân Đàm, ông rất coi trọng vấn đề đoàn kết và nhân cách của người cán bộ nghiên cứu, nên ông nhắc nhở: Đừng bao giờ để cho danh vọng, địa vị, lợi lộc của cá nhân, đừng bao giờ để cho những khống chế và những nịnh hót của người khác ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, trung thực và chung thủy, và cũng đừng bao giờ để những tự ái, sĩ diện lặt vặt làm nứt rạn tình nghĩa và sự nghiệp[16].

Mỗi lần nhận được thư của thầy Hà Thế Ngữ, NCS Nguyễn Xuân Đàm nghiên cứu rất kỹ và dùng bút bi mực đỏ hoặc mực xanh gạch chân những lời chỉ dẫn quan trọng của thầy. Trên đầu bức thư ngày 12-9-1976, Nguyễn Xuân Đàm viết vào góc bên trái: Nhận ngày 28-9-1976 Hãy nghiên cứu kỹ thư này, xem như một chỉ thị. Sau này ông kể lại: Ngày ấy, thư từ được gửi qua bưu điện hoặc bạn bè, thường thì nửa tháng mới tới nơi. Xa nhà, nỗi nhớ nhà, vợ con, bạn bè luôn thường trực, nên mỗi lần nhận được thư từ Việt Nam, tôi thấy rất hồi hộp. Và đặc biệt, nếu nhận được thư thầy Ngữ, đang bận gì tôi cũng phải gác lại để đọc ngay. Những định hướng của thầy hết sức cụ thể, kịp thời và chính xác, giúp tôi có thể hoàn thành luận án trước thời hạn[17].

Năm 1979, PTS Nguyễn Xuân Đàm trở về nước và nhận công tác tại Viện Khoa học giáo dục, đảm nhiệm vai trò Phó trưởng ban Giáo dục đạo đức – chính trị. Ông tâm niệm lời khuyên của thầy Ngữ: chấp nhận và làm tròn công tác được phân công, cùng nhau xây dựng sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa có trình độ và chất lượng cao ở nước ta[18]. Đến năm 1980, Hội Giáo dục học Việt Nam được thành lập, thầy Hà Thế Ngữ trên cương vị Chủ tịch Hội đã nỗ lực tập hợp, tổ chức và phát triển đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến khoa học giáo dục trong cả nước. PTS Nguyễn Xuân Đàm cũng là một thành viên tích cực của Hội, rồi sau này làm Phó chủ tịch Hội, tiếp tục thực hiện những ý tưởng và hoài bão của thầy Ngữ.

Hồi tưởng về thời gian làm nghiên cứu sinh ở Viện hàn lâm Khoa học giáo dục Liên Xô (1975-1979), ông Đàm chia sẻ: Thời gian tôi đi học là những ngày khó khăn, vất vả cho cả gia đình. Thầy Ngữ bận rộn nhưng hàng ngày vẫn đạp xe đưa đón con gái Hoa Tâm của tôi từ trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa) về nhà, khi mẹ cháu chưa đón kịp. Thầy và người bạn đời của mình là bà Phạm Thị Diệu Vân luôn có những động viên kịp thời về vật chất và tinh thần giúp đỡ vợ con tôi. Thầy đúng là một người bạn chí tình, thân thiết với gia đình chúng tôi[19]. Là người đi trước, thầy Ngữ thấu hiểu và thông cảm về những khó khăn của Nguyễn Xuân Đàm khi đó. Bởi vậy, thầy đã quan tâm, động viên, chia sẻ và giúp đỡ, trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống, để người học trò cũ này vượt qua khó khăn, vươn lên và trưởng thành.

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Đàm nhiệt tình kể về những năm tháng học tập ở Liên Xô, về chặng đường công tác cùng với những người thầy đầy tài năng và thật sự chân tình như GS.TS Hà Thế Ngữ, PGS Nguyễn Đức Minh… tại Viện Khoa học giáo dục. GS Hà Thế Ngữ để lại trong lòng TS Nguyễn Xuân Đàm những ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc về một cán bộ lãnh đạo, một người thầy, người anh cả trên con đường khoa học và trong cuộc đời ông. Những lời khuyên, lời dặn dò chân thành mà thầy Hà Thế Ngữ viết bằng tình cảm yêu thương, quý trọng trong hai lá thư đã được Nguyễn Xuân Đàm gìn giữ trong suốt thời gian công tác, coi đó là những chỉ dẫn có giá trị định hướng cho mình trong quá trình làm khoa học. Dù ở cương vị nào, TS Nguyễn Xuân Đàm cũng luôn ghi nhớ và làm theo những lời dạy bảo bổ ích của thầy Hà Thế Ngữ.

Năm 1999, TS Nguyễn Xuân Đàm từ Phú Yên trở lại Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh của cố GS.TS Hà Thế Ngữ, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức. Nhân dịp này, TS Nguyễn Xuân Đàm tặng lại hai bức thư quý kể trên cho bà Phạm Thị Diệu Vân – phu nhân của thầy Ngữ. Khi chúng tôi đến tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS.TS Hà Thế Ngữ, bà Phạm Thị Diệu Vân trao tặng hai kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Hai bức thư đã được đưa vào hệ thống lưu trữ của Trung tâm và trở thành tài liệu quý cho việc nghiên cứu về các nhà khoa học.

Nguyễn Thị Hiên

___________________

[1] GS.TS Hà Thế Ngữ (1929-1990) là nhà khoa học chuyên ngành Giáo dục, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

[2] TS Nguyễn Xuân Đàm là nhà khoa học chuyên ngành Giáo dục, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Phú Yên.

[3] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.

[5] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.

[6] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.

[8] Thư ngày 12-9-1976.

[9] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.

[10] Thư ngày 12-9-1976.

[11] Thư ngày 12-9-1976.

[12] Thư ngày 27-9-1979.

[13] Thư ngày 27-9-1979.

[14] Thư ngày 27-9-1979.

[15] Thư ngày 27-9-1979.

[16] Thư ngày 27-9-1979.

[17] Hỏi chuyện TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 15-8-2015.

[18] Thư ngày 27-9-1979.

[19] Ghi âm phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Đàm ngày 21-3-2014, tài liệu đã dẫn.