Đây là hai bức thư của Giáo sư – Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ gửi cho các con từ Thừa Thiên tháng 9-1970.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn lực xây dựng nhiều căn cứ quân sự hòng ngăn chặn đường vận chuyển của bộ đội ta từ Bắc vào Nam, đặc biệt là căn cứ hỏa lực Ripcord (ta gọi là cao điểm 935) ở phía bắc thung lũng Asầu (Thừa Thiên). Sư đoàn 324 quân giải phóng được giao nhiệm vụ chính trong việc tiêu diệt căn cứ quan trọng này. Sư đoàn tổ chức nhiều đợt tấn công liên tiếp, trận mở đầu là ngày 1-7-1970. Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu, tới 6 giờ sáng ngày 23-7-1970, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Ripcord, đánh bại chiến thuật “chốt giữ điểm cao” của Mỹ.
Trong khí thế chiến thắng, Trung tá Bùi Phan Kỳ luôn ý thức được rằng, chiến thắng ở Ripcord đã phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao đồng đội. Đau thương mất mát càng khiến tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” dâng cao hơn. Bởi vậy, ông muốn chia sẻ chiến thắng ấy và căn dặn các con bằng những lời yêu thương vô bờ. Ông tận dụng loại giấy trắng có in hình bông hoa hồng rất đẹp của lính Mỹ bỏ lại khi họ rút chạy khỏi chiến trường. Ông viết một thư cho con gái Bùi Lệ Dung, một thư cho con gái Bùi Lệ Thủy, một thư chung cho ba con Bùi Phan Hồng Nga, Bùi Phan Kỳ Anh và Bùi Thanh Nga. Ông cho cả 3 thư vào một phong bì, rồi nhờ đồng đội chuyển giúp nhân dịp ra Hà Nội công tác. Tiếc là đến nay, chỉ còn hai thư viết cho Lệ Dung và Lệ Thủy.
Mỗi bức thư chỉ viết vài ba câu ngắn gọn, nhưng là phương châm sống, triết lý sống. Năm ấy, Lệ Dung bước vào tuổi 15, lứa tuổi tươi trẻ nhất của cuộc đời. Trách nhiệm của ông là truyền lửa cho Lệ Dung phấn đấu trở thành một cô gái mạnh mẽ, quyết đoán, chu toàn bổn phận của người chị cả. Với con gái Lệ Thủy 13 tuổi và đam mê truyện tranh, ông khéo léo nhắn nhủ cần biết quý trọng thời giờ. Không những vậy, ông còn nhắc cho các con biết rằng, mảnh giấy này được làm ra và in hoa từ nước Mỹ, và Sư đoàn 324 vừa “mở một lớp học giữa rừng” khiến quân Mỹ phải khiếp sợ.
Lời của ông chính là mệnh lệnh chỉ đạo từ xa, là động lực để các con cố gắng. Năm tháng qua đi, các con của ông Kỳ dần trưởng thành, trở thành những cán bộ có ích trong ngành sư phạm, ngành y. Và rồi, họ cũng đã lấy vợ lấy chồng và có hạnh phúc riêng, nhưng họ vẫn giữ gìn thư của bố như một món quà vô giá. Tháng 8-2016, trong tâm trạng bịn rịn, Giáo sư Bùi Phan Kỳ và các con đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hai bức thư ấy.