Hai bức thư thời chiến

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam đã lùi xa vào quá khứ, có những người lính may mắn trở về bên gia đình và cũng có những người mãi mãi nằm xuống với đất mẹ khi tuổi đời còn trẻ. Ngày nay, các thế hệ hậu chiến thể hiện sự tri ân đối với những người đã có công giành lại độc lập và thống nhất đất nước bằng nhiều hoạt động, trong đó có cả việc lưu giữ ký ức, kỷ vật. Gần đây, khi biết tuyển tập Những lá thư thời chiến, công trình 10 năm của Đại tá – nhà văn Đặng Vương Hưng đã ra mắt bạn đọc từ năm 2015, tôi mới thấy mình có vẻ “lạc hậu” quá. Tháng 7 vừa qua, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”, bất giác tôi chợt nghĩ tới gần chục bức thư trong những năm 1968-1970 của Trung tá Bùi Phan Kỳ. Biết bao lần đọc những bức thư ấy, tôi vẫn vô cùng xúc động! Giống như thư của hàng triệu chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc, hai bức thư của ông gửi cho hai con gái Bùi Lệ Dung và Bùi Lệ Thủy dường như là chuyện thường tình về gia đình, đồng đội, đất nước. Có điều, hai bức thư ấy mang một ý nghĩa đặc biệt, gắn với những sự kiện lịch sử từ thời chiến đến câu chuyện thời bình.

Bức thư của Trung tá Bùi Phan Kỳ gửi con gái Bùi Lệ Thủy, 9-1970

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tổ chức nhiều trận đánh lớn nhằm vào quân giải phóng. Riêng ở miền tây Thừa Thiên, Mỹ dồn lực xây dựng nhiều căn cứ quân sự hòng ngăn chặn đường vận chuyển của bộ đội ta từ Bắc vào Nam, trong đó quan trọng nhất là cao điểm 935 (Mỹ gọi là “căn cứ hỏa lực Ripcord”) ở phía bắc thung lũng Asầu. Căn cứ này được xây dựng từ tháng 8-1968, gồm 3 khu vực: chỉ huy, hậu cần và trận địa pháo. Tại trận địa pháo, những tấm chì dát mỏng kết hợp với gỗ được đặt trên các bao cát chôn nửa chìm nửa nổi, xung quanh có nhiều lớp hàng rào thép gai và ở các hướng quan trọng đều bố trí sẵn mìn. Căn cứ hỏa lực Ripcord do Sư đoàn Không vận 101 chốt giữ, có sự yểm trợ của một đại đội pháo 85 li, một đại đội pháo 105 li và một đại đội súng cối 106,7 li. Năm 1970, Mỹ bổ sung thêm Lữ đoàn 3 Không vận 101 do Đại tá Benjamin L. Harrison chỉ huy, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 502) và Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 506). Ngoài ra, Việt Nam Cộng hòa rải quân xuống 5 điểm cao là 550, 797, 805, 884, 902, biến Ripcord thành căn cứ hỏa lực rất vững chắc.

Trước tình hình ấy, Sư đoàn 324 (Sư đoàn Ngự Bình) quân giải phóng được giao nhiệm vụ chính trong việc tiêu diệt căn cứ hỏa lực Ripcord. Trung đoàn 1, Trung đoàn 3, Tiểu đoàn đặc công 7B, Đại đội súng máy 12,7 li, Đại đội súng cối Tiểu đoàn 33 của Sư đoàn 324 kết hợp với Sư đoàn 304 và Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên chặn đánh xung quanh các điểm cao và đối phó với lực lượng cứu viện[1]. Bộ chỉ huy Sư đoàn 324[2] túc trực theo nề nếp “còn đánh, còn thức” để theo dõi tình hình và kịp thời điều hành tác chiến. Với phương châm “làm chủ rừng núi, giữ vững giáp ranh, tiến về đồng bằng”, Bộ chỉ huy Sư đoàn quyết định thực hiện chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” để “nhổ” căn cứ Ripcord. Chiến thuật này buộc Mỹ phải đưa lực lượng đến giải tỏa từng điểm cao, tạo cho ta cơ hội tiêu hao lực lượng địch và làm lung lay hệ thống phòng thủ giáp ranh, tiến tới tiêu diệt toàn bộ căn cứ, để mở cửa xuống đồng bằng khi có thời cơ.

Trên cương vị Phó chính ủy Sư đoàn 324, Trung tá Bùi Phan Kỳ không chỉ có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và động viên tinh thần cho các chiến sĩ, mà còn chú ý đến nghệ thuật quân sự một cách cụ thể, không phải lý thuyết chung chung. Nhờ giỏi săn bắn nên đơn vị của ông ít khi thiếu thịt, nhưng rau xanh thì hiếm. Để khắc phục sự thiếu thốn thực phẩm, ông Kỳ hướng dẫn anh em chủ động học hỏi kinh nghiệm hái rau rừng, săn bắn thú rừng của các chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Ông sử dụng kiến thức của mình để xác định tọa độ, cao điểm, chọn điểm dừng chân an toàn trên đường hành quân, ngụy trang nơi trú quân… cho đơn vị. Nhớ về một thời gian khó và ác liệt ấy, ông trầm ngâm: Chiến tranh là thế, chúng tôi phải tìm mọi cách để tồn tại và sống sót trở về[3].

Sư đoàn 324 tổ chức nhiều đợt tấn công liên tiếp vào căn cứ Ripcord, trận mở đầu là ngày 1-7-1970. Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu, tới 6 giờ sáng ngày 23-7-1970, các đài quan sát của Sư đoàn thông báo: Căn cứ hỏa lực Ripcord xuất hiện nhiều đám cháy và tiếng nổ lớn, địch bắn pháo loạn xạ xung quanh cao điểm về hướng đông. Bộ chỉ huy Sư đoàn nhận định đối phương đang rút chạy, liền cho bắn dồn dập 344 viên đạn các loại. Mỹ phải đưa trực thăng đến đón quân, nhưng 10 chiếc bị bắn cháy, chỉ có 2 chiếc thực hiện được nhiệm vụ. 14 giờ cùng ngày, máy bay của Mỹ tới tưới xăng, ném bom đốt hủy toàn bộ căn cứ Ripcord. Từ thời điểm đó, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ này, đánh bại chiến thuật “chốt giữ điểm cao”, “nhảy cóc”, “ngăn chặn từ xa” của Mỹ ở Thừa Thiên.

Trong khí thế chiến thắng, Trung tá Bùi Phan Kỳ muốn chia sẻ niềm vui ấy với các con. Khác với những lần trước viết thư trên giấy có dòng kẻ, lần này ông tận dụng loại giấy trắng 14cm x 5,5cm, có in hình bông hoa hồng rất đẹp của lính Mỹ bỏ lại khi họ rút chạy khỏi căn cứ hỏa lực Ripcord. Ông viết một thư cho con gái Bùi Lệ Dung, một thư cho con gái Bùi Lệ Thủy, một thư chung cho ba con Bùi Phan Hồng Nga, Bùi Phan Kỳ Anh và Bùi Thanh Nga. Ông cho cả ba thư vào một phong bì, rồi nhờ đồng đội chuyển giúp nhân dịp ra Hà Nội công tác. Nhờ thế, ba lá thư ấy được trao tận tay cho người nhận là Bùi Lệ Dung. Trong những năm tham gia kháng chiến, đó là lần duy nhất ông gửi thư đồng thời cho các con như vậy. Tiếc là đến nay, bức thư chung viết cho Hồng Nga – Kỳ Anh – Thanh Nga đã bị thất lạc, chỉ còn hai thư viết cho Lệ Dung và Lệ Thủy.

Khi ấy, Lệ Dung bước vào tuổi 15, lứa tuổi tươi trẻ nhất của cuộc đời. Ông Kỳ mong muốn Lệ Dung sẽ là một cô gái mạnh mẽ, quyết đoán, chu toàn bổn phận của người chị cả. Trách nhiệm của ông là truyền lửa cho con gái: Con hãy suy nghĩ và làm theo phương châm này của bố: Dám nghĩ tất cả, dám làm tất cả thì sẽ có tất cả! Trong cuộc sống, đừng sùng bái một cái gì, đừng sợ sệt một cái gì, đừng đầu hàng một cái gì![4]. Còn với con gái thứ hai, Lệ Thủy 13 tuổi và đam mê truyện tranh, ông khéo léo nhắn nhủ: Hãy biết quý trọng thời giờ, làm việc gì cũng phải say mê mới có chất lượng. Bỏ phí thời giờ thì cuộc đời rất dài cũng thành ngắn, tranh thủ được thời gian thì sống ngắn cũng thành dài[5]. Không những vậy, ông còn nhắc cho các con biết rằng, mảnh giấy này được làm ra và in hoa từ nước Mỹ, và Sư đoàn 324 vừa “mở một lớp học giữa rừng” khiến quân Mỹ phải khiếp sợ.

Mỗi bức thư chỉ viết vài ba câu ngắn gọn, nhưng đúng như ông nói, đó là phương châm sống, triết lý sống. Có lẽ ông hiểu tâm lý của các con đang tuổi mới lớn, yêu thích sắc màu và không thích bị người lớn phê bình. Thế nhưng, ông biết gây sự chú ý đối với các con bằng lời chào rất trìu mến: “con gái ngoan của bố”, “con gái thương yêu của bố”, khiến họ ấm áp trong lòng biết nhường nào. Ông cũng cố gắng viết chữ thật tròn trịa, mà lại dùng kiểu chữ in hoa để viết lời dặn dò, và thêm nữa, những cụm từ quan trọng được viết đậm hơn. Sự tinh tế và sâu sắc ấy đã chạm tới trái tim của 5 đứa con, như đến nay cô Lệ Dung chia sẻ: Nhận được thư của bố, 5 chị em đều rất thích thú. Chúng tôi đọc thư của bố nhiều lần đến nỗi thuộc lòng, rồi thỉnh thoảng lại mang ra đọc cho nhau nghe. Lời của bố chính là mệnh lệnh chỉ đạo từ xa, là động lực để chúng tôi cố gắng[6]. Cô cũng nhớ những vần thơ bố gửi cho ba em trong bức thư vào mùa thu năm ấy: Con gái Hồng Nga/ Ríu rít hát ca/ Học chăm, làm giỏi/ Yêu mẹ, giúp bà/ Bao giờ thắng Mỹ/ Bố về tặng hoa/ Con trai Kỳ Anh/ Chăm chỉ học hành/ Đừng làm nũng mẹ/ Bích Nga cười mình.

Tuy sống nơi chiến trường xa các con hàng trăm cây số nhưng ông Kỳ cảm thấy yên tâm, bởi 5 người con luôn làm theo lời dạy của mình, cùng mẹ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Lệ Dung thay bố mẹ chăm sóc các em, các em cũng răm rắp nghe lời chị, chỉ có cậu út Kỳ Anh hơi bướng bỉnh. Từ khi học cấp II, một mình Lệ Dung có thể đi chở gạo bằng xe đạp hay đến Khu đội để nhận tiền lương của bố. Lần nào Lệ Dung cũng được các cô chú ưu tiên cho lĩnh tiền trước để về kịp đi học. Năm tháng qua đi, các con của ông Kỳ dần trưởng thành, trở thành những cán bộ có ích trong ngành sư phạm, ngành y. Và rồi, họ cũng đã lấy vợ lấy chồng và có hạnh phúc riêng, nhưng họ vẫn giữ gìn thư của bố như một món quà vô giá.

Ở bên kia chiến tuyến, Đại tá Harrison – Chỉ huy Lữ đoàn 3 và nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ có ấn tượng đặc biệt về binh lực, chiến thuật quân sự của đối phương. Năm 2001, thông qua Trung tâm Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung tướng Harrison đề nghị được gặp lại những người chỉ huy trong trận đánh căn cứ hỏa lực Ripcord. Tới tận thời điểm này, ông ta mới chỉ biết mang máng rằng, đơn vị chiến đấu của Việt Nam là một sư đoàn có đầu số 3 và đuôi số 4.

Kỷ niệm chương củaTrung tướng Benjamin L. Harrison

tặng Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, 2001

Theo nguyện vọng của Trung tướng Harrison, Trung tâm Báo chí nước ngoài gửi điện báo cho Thiếu tướng Chu Phương Đới, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 năm 1970. Nhưng Sư trưởng Chu Phương Đới tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không thể đi từ Cao Bằng xuống Hà Nội, còn Chính ủy Nguyễn Xuân Trà đã qua đời, nên chỉ có một mình Phó chính ủy Bùi Phan Kỳ đến gặp ông Harrison. Ban đầu, ông Kỳ lầm tưởng ông Harrion là một nhà nghiên cứu lịch sử, đang đi thu thập tư liệu. Một lát sau, ông Harrion giở cuốn sách Ripcord, Screaming Eagles Under Siege, Vietnam 1970 (tạm dịch: Ripcord, những con đại bàng gào thét dưới vòng vây, Việt Nam 1970) và chỉ vào ảnh của mình, ông Kỳ mới nhận ra vị chỉ huy Lữ đoàn 3 năm xưa. Giờ đây, hai người có thể trò chuyện với nhau bằng tinh thần cởi mở, như GS Bùi Phan Kỳ cho biết: Thời chiến, chỉnh huấn của Đảng yêu cầu phải dứt khoát giữa bạn và thù. Đế quốc Mỹ là đối tượng chiến lược toàn diện của cách mạng Việt Nam, nên cách xưng hô giữa hai bên có phần nặng nề. Sau này khi hai nước bình thường hóa quan hệ, chúng tôi thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là trong nghiên cứu khoa học[7].

Nhân sự kiện này, Trung tướng Harrison tặng Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ cuốn Ripcord, Screaming Eagles Under Siege, Vietnam 1970 của tác giả Keith W. Nolan. Năm 1984, Nolan đã có ý tưởng viết về Ripcord, sau đó ông bắt đầu phỏng vấn những người liên quan từ năm 1997, đến năm 2000 mới hoàn thành công trình này[8]. Trung tướng Harrison cẩn thận ghi dòng lưu bút trên trang bìa: To General Bui Phan Ky with respect and admiration (“Tặng tướng Bùi Phan Kỳ cùng với sự kính trọng và ngưỡng mộ”), kèm theo một kỷ niệm chương có biểu tượng trận đánh căn cứ hỏa lực Ripcord cùng dòng chữ All gave some, some gave all. Together then, together again (tạm dịch: “Tất cả vì một người, một người vì tất cả. Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu, giờ đây sẽ cùng nhau sát cánh”). Điều đó chứng tỏ, trận đánh Ripcord thực sự là một đòn tấn công mạnh mẽ, gây chấn động lớn về tâm lý và tình cảm đối với người Mỹ. Theo nhận xét của GS Bùi Phan Kỳ, bằng những thông tin trung thực và hình ảnh minh họa sống động, cuốn Ripcord, Screaming Eagles Under Siege, Vietnam 1970 là nguồn tư liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu về trận đánh căn cứ hỏa lực Ripcord nói riêng và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nói chung.

Mỗi trận chiến kết thúc, dù thắng hay thua, cũng để lại những cảm xúc và tâm sự trong lòng mỗi người lính. Niềm vui chiến thắng của Trung tá Bùi Phan Kỳ và toàn đơn vị đã phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao đồng đội. Đau thương mất mát càng khiến tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” dâng cao hơn. Ông cùng đồng đội tiếp tục đương đầu với kẻ thù trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, chiến dịch Quảng Trị năm 1972… Có những thời điểm vợ chồng, cha con bặt tin nhau, để rồi tất cả đều vỡ òa hạnh phúc khi ông trở về bình yên.

Tháng 8-2016, trong tâm trạng bịn rịn, GS Bùi Phan Kỳ và các con đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hai bức thư viết trên giấy chiến lợi phẩm thu được của quân đội Mỹ. Dù đã thuộc lòng nội dung thư nhưng hai cô Lệ Dung và Lệ Thủy vẫn nhắc tôi scan những bức thư ấy để các cô giữ làm kỷ niệm. Với tôi, điều đó thật đáng trân trọng. Tôi không dám nghĩ mình có thể thấu hiểu trọn vẹn mọi nỗi niềm trong lòng GS Bùi Phan Kỳ cũng như những người thân của ông. Tôi chỉ mong có thể nói được một phần nhỏ trong hai bức thư mà ông viết sau trận đánh Ripcord năm 1970, như thế đã là mãn nguyện.

Nguyễn Thị Hợp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

* Giáo sư – Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, chuyên ngành Khoa học quân sự, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu đường lối – học thuyết quân sự, Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng.

[1] Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_%C4%91%C3%A1nh_Cao_%C4%91i%E1%BB%83m_935

[2] Từ tháng 6-1969, Bộ chỉ huy Sư đoàn 324 gồm: Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới, Sư đoàn phó Mai Hiền, Tham mưu trưởng Thái Cán, Chính ủy Nguyễn Xuân Trà, Phó chỉnh ủy Bùi Phan Kỳ.

[3] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Bùi Phan Kỳ, 7-2-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Bùi Phan Kỳ, Thư gửi con gái Bùi Lệ Dung, tháng 9-1970, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Bùi Phan Kỳ, Thư gửi con gái Bùi Lệ Thủy, tháng 9-1970, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Tài liệu ghi âm phỏng vấn cô Bùi Lệ Dung, 13-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Bùi Phan Kỳ, 13-7-2017, đã dẫn.

[8] Cuốn Ripcord, Screaming Eagles Under Siege, Vietnam 1970 dày 447 trang, gồm 7 phần, chia thành 26 chương, được Nhà xuất bản Presidio Press (Mỹ) ấn hành năm 2000.