GS.TS Trần Đức Hòe (đeo kính) cùng đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật, khoảng những năm 80
Ông quan niệm, làm ngoại khoa phải có cái đầu tỉnh táo để chẩn đoán cho chính xác, tỉ mỉ và dự kiến được các khó khăn, rồi mới đến đôi bàn tay, nếu không chỉ là thợ mổ.
Chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả câu chuyện được GS.TS Trần Đức Hòe chia sẻ với Trung tâm Di sản, cách đây đã hơn 10 năm.
Câu chuyện thứ nhất: Dùng cưa quân khí mổ cứu sống bệnh nhân.
Đó là ca mổ cắt đoạn 1/3 dưới đùi phải cho bệnh nhân Hòa, tôi thực hiện tại chiến trường Nam Lào năm 1962. Thật là lịch sử của đời người phẫu thuật viên, mổ dưới trời mưa phải căng dù, chân đứng trên bùn, dụng cụ vẻn vẹn chỉ có tám cái panh, phải dùng cưa quân khí, ngoài ra chẳng có một cái gì khác. Thuốc thì thật là gay, chẳng có huyết tương, huyết thanh. Bệnh nhân thì đã bị thối xương, cơ thể gầy mòn đã 1,5 tháng. Nếu không mổ, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc, ngày đêm đau đớn, khó mà hồi phục. Mổ thì gặp phải trăm nghìn khó khăn nhưng dự kiến được trước để tìm cách khắc phục và xây dựng được một quyết tâm cho mọi người tìm một phương pháp nào đỡ đau, đỡ tốn máu, hợp với hoàn cảnh thiếu thốn. Gây tê trong xương kết hợp với gây tê tại chỗ và dùng thuốc đông miên thì vẫn có kết quả tốt. Bệnh nhân vẫn tỉnh, vẫn chịu đựng được cưa chân không một tiếng kêu ca, làm garô kết hợp với băng d’Esmach, bệnh nhân đỡ mất máu. Đúng 13h30’, tôi đã mổ xong cho bệnh nhân và bệnh nhân vẫn tỉnh, cần theo dõi thêm 24h nữa. Các y bác sĩ cấp cứu thỉnh thoảng ra thay phiên nhau túc trực cả ngày và đêm. Đó là bước đầu và cũng là một kỷ niệm lịch sử trong đời, nghĩ lại và sợ cho vấn đề vô trùng nhưng quyết tâm và có suy xét cân nhắc thì dù khó khăn cũng vượt qua, chẳng có nhà trường nào dậy ta như vậy. Đúng là thực tế luôn tôi luyện con người. Nghĩ lại lúc đang mổ bệnh nhân bị toát mồ hôi, mạch yếu hẳn đi vừa làm vừa ngại cho bệnh nhân. Qua một ngày chờ đợi, bệnh nhân tỉnh, ngủ lu bù cả ngày và đêm. Lúc tỉnh, ăn được sữa và cháo gà.
Câu chuyện thứ hai: Mổ lần thứ 4 trong ngày cho một sản phụ.
Đó là một bệnh nhân N. T. N, khoảng 30 hoặc 32 tuổi là một bệnh nhân thuộc chuyên khoa Sản. Chị là một văn công quân khu Tây Bắc, có khổ người cao và to, có thai lần đầu bị đẻ khó nên được chuyển về Viện Quân y 108. Do đẻ khó, các bác sỹ sản phụ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhưng cuối cùng vẫn phải mổ lấy thai lúc 4h sáng, sau mổ lại bị chảy máu do tử cung đờ không như những sản phụ bình thường. Đến 10h sáng, bệnh nhân được đưa lên mổ cắt bỏ tử cung khi không còn khả năng bảo tồn được. Nhưng sau đó diễn biến không tốt, bệnh nhân vẫn chảy máu nhỏ giọt. Đã 17h chiều, các bác sỹ ở khoa sản rất lo lắng mà chưa giải thích được nguyên nhân, có nghi vấn là lúc cắt bỏ tử cung có thể sơ suất nào ở ổ bụng gây nên chảy máu nên phải mời các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật bụng để kiểm tra. Sau khi mổ, kiểm tra ổ bụng rất sạch không có thương tổn gì nên đóng ổ bụng. Người bệnh được theo dõi chặt chẽ và dùng các biện pháp hỗ trợ như thử máu, truyền máu, truyền dịch mà vẫn chảy máu nhỏ giọt làm cho huyết áp tụt dần, phải chăm sóc bệnh nhân liên tục. Lúc này đã là 19h30’, tôi đang ở nhà chỉ cách viện chưa đến 1km, được mời đến viện bằng xe Commăngca. Vào những năm 80 ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, các gia đình, kể cả các gia đình cán bộ sỹ quan cũng chưa có điện thoại riêng, dù là điện thoại quân sự để liên lạc và làm việc. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ lần thứ tư trong ngày trong tình trạng nguy kịch, huyết áp thấp vẫn tụt mặc dù vẫn được truyền máu, truyền dịch, bệnh nhân phải mổ lại. Vấn đề quan trọng lúc này là phải tìm ra nguyên nhân, phải tìm được chỗ mổ cắt bỏ tử cung mới mổ, thắt hai bên mỗi mạch máu của động mạch chậu trong là động mạch nguyên uỷ của động mạch tử cung và một nhánh của động mạch tử cung. Thật là vô cùng phấn khởi khi tìm được nguyên nhân chảy máu, xử trí được nguyên nhân của nó thì huyết áp tăng dần cho đến 120/80mm thủy ngân ngay ở tại phòng mổ, được cho là an toàn. Sau 30 ngày, bệnh nhân và con được ra viện, lúc ấy mới chính thức “mẹ tròn con vuông”.
Hoàng Liêm