Hai chữ ‘Thầy’ cao quý

45 tuổi đời với gần 20 năm công tác trong ngành Y, anh không chỉ góp phần đào tạo ra những người bác sĩ giỏi chữa bệnh, mà còn trực tiếp cứu chữa nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống an lành. Với anh, dù là dạy học hay chữa bệnh cũng đều phải hướng đến tình yêu thương con người, mang lại niềm vui cho cộng đồng, đó cũng là cái đích cao quý mà anh đã nguyện sống và cống hiến bằng tất cả tâm sức của mình.

Công việc ở bệnh viện, ở trường, cùng với việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn đã choán hết thời gian của anh, những lúc rảnh với anh thật hiếm hoi. Hẹn, rồi chúng tôi cũng gặp được anh, nhưng là ngay trong khuôn viên Học viện Chính trị Khu vực 1 (nơi anh được cử theo học nâng cao trình độ chính trị). Nhưng không sao, quan trọng là chúng tôi đã cảm nhận được từ anh sự gần gũi, thân tình với những sẻ chia tâm huyết về nghề với nghiệp chữa bệnh cứu người. Anh tâm sự: “Công việc của tôi là giảng dạy ở Đại học Y và khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai. Phải làm hai nhiệm vụ đồng thời tuy vất vả, nhưng tôi luôn cảm thấy vui và tự hào khi được làm nghề mình yêu thích”. Tôi hiểu và chia sẻ với anh về sự cao quý của nghề cùng những lo toan và nỗi vất vả đặc biệt của người thầy thuốc nói chung và người thầy thuốc làm việc ở bệnh viện tuyến cuối nói riêng.

Từ mong ước của người cha

Bác sĩ Đỗ Gia Tuyển sinh ra tại Gia Lộc, Hải Dương – quê hương của Yết Kiêu, vị tướng nổi tiếng thời nhà Trần. Nhưng chỉ học xong tiểu học ở quê là anh đã theo gia đình chuyển đến thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) sống và học tập ở đó cho tới khi vào Đại học. Ngay trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Đỗ Gia Tuyển luôn thể hiện là một học trò chăm ngoan, học giỏi và biết yêu thương mọi người. Lớn lên một chút anh đã hiểu rằng: Phải học để trở thành người có ích cho xã hội. Anh chia sẻ: “Bố tôi chính là người đã định hướng con đường đi cho tôi. Ngay từ khi tôi còn đang học phổ thông, ông cụ đã nói với tôi rằng, con hãy theo một trong hai nghề: Nghề thầy thuốc hoặc nghề thầy giáo, đó là những nghề cao quý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Sau này khi đã thành đạt, tôi từng thưa với bố tôi rằng, con không chỉ đạt được một chữ Thầy như bố mong muốn mà là cả hai chữ Thầy…Bố tôi rất mãn nguyện về điều đó”. Vừa thiết thực, vừa sâu xa, lời của bố như chắp thêm cho khát vọng của Đỗ Gia Tuyển những sải cánh lớn hơn, để anh thêm quyết tâm học hành cho thành đạt với mong muốn được phục vụ thật nhiều cho cộng đồng xã hội.

Niềm vui của bác sĩ Đỗ Gia Tuyển nhân dịp được phong hàm Phó Giáo sư

Trên cái nền của tư duy ấy, năm 1988 Đỗ Gia Tuyển đã thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Sáu năm học tại Trường là 6 năm rèn luyện cả về kiến thức chuyên môn, cả về đạo làm Thầy, nhất là làm một người Thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Đó cũng là thời kỳ đầu anh được làm quen, được trải nghiệm về ngành Y, mà phía trước anh là những thử thách không nhỏ. Anh luôn cố gắng học hỏi từ thầy giáo, từ bạn bè đồng nghiệp để không ngừng nâng cao kiến thức. Điều đó đã được chứng minh khi kết thúc khóa học, anh là một trong những người đủ điều kiện tiếp tục được tham dự kỳ thi tuyển Bác sĩ Nội trú Bệnh viện. Sau khi trúng tuyển kỳ thi bác sĩ Nội trú bệnh viện, anh theo học ngay tại Bệnh viện Bạch Mai chuyên ngành Nội tổng hợp từ năm 1995-1998. Một điều đáng mừng là ngay sau khóa học, anh được nhận vào làm việc ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Thận – Tiết niệu. Sau đó anh thi đỗ nghiên cứu sinh theo học bổng tuổi trẻ Châu Á tại Nhật Bản, làm việc và nghiên cứu tại khoa Thận Bệnh viện Trường Đại học Kumamoto Nhật Bản; rồi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Kumamoto Nhật Bản chuyên ngành Nội thận, đồng thời tham gia hướng dẫn học viên sau Đại học…

Đối với bác sĩ Đỗ Gia Tuyển, nghề Y là sự nghiệp cả đời mình. Nhưng nghề Y cũng là nghề anh muốn qua đó để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người. Anh tâm sự: “Làm việc gì cũng cần tâm huyết, cần học hỏi để làm cho tốt. Nhưng với nghề Y, sự học ấy đòi hỏi phải cụ thể, thiết thực và hàng ngày, hàng giờ, không thể chung chung được… Bởi năng lực chuyên môn của người thầy thuốc là yếu tố quan trọng nhất tạo nên kết quả điều trị cho người bệnh”.

Từ năm 2006, Bác sĩ Đỗ Gia Tuyển là giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời làm việc liên tục tại Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Anh trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân tại khoa, tham gia các hoạt động chuyên môn khác và thực hiện nghiên cứu khoa học tích cực và hiệu quả, có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của khoa, của bệnh viện. Bằng những cố gắng không ngưng nghỉ, anh được lãnh đạo tin tưởng, giao giữ nhiều vị trí quan trọng như: Giáo vụ sau Đại học Bộ môn Nội tổng hợp Đại Học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa Thận Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai; Phó trưởng Bộ môn Nội tổng hợp phụ trách đào tạo sau Đại học Bộ môn Nội tổng hợp Đại Học Y Hà Nội. Hiện PGS- TS Đỗ Gia Tuyển là Trưởng khoa Thận – Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai, Phó Trưởng Bộ môn Nội tổng hợp, Trưởng Phân môn Thận – Tiết niệu Đại học Y Hà Nội. Với những trọng trách như vậy, thời gian đối với anh là… vàng. Mà đâu phải chỉ riêng công việc chuyên môn, cuộc sống còn có những nhu cầu quan trọng khác nữa. Vì thế, nhiều khi anh ước ao…giá có thời gian nhiều hơn, dài hơn cho công việc ! Anh chân thành chia sẻ: “Thật sự với nghề Y, nhiều khi cũng mệt mỏi và căng thẳng lắm… Nhưng cứ nghĩ tới bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính – một bệnh dường như đeo bám họ cả cuộc đời với khó khăn và gian nan họ phải chịu đựng không hề nhỏ, tôi lại có động lực để cố gắng vượt qua với mong muốn giúp họ phần nào vơi đi những khó khăn vất vả đó. Giúp được người bệnh vượt qua khó khăn hiểm nghèo là niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc, đó cũng là hạnh phúc thực sự đấy”.

Đến người thầy “hai trong một”

Thời gian đã minh chứng cho những đóng góp đáng kể của PGS-TS Đỗ Gia Tuyển trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ những thành quả cụ thể, thiết thực trong giảng dạy, trong công việc chuyên môn, năm 2012 anh được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, như một sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của anh. Từ thực tế học tập, nghiên cứu và trải nghiệm của mình, anh đã tham gia biên soạn và trực tiếp biên soạn nhiều sách giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, có chứng nhận mục đích sử dụng của cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, phải kể đến các giáo trình: Nguyên lý y học nội khoa Harrison; Bài giảng bệnh học Nội khoa tập I; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa; Tăng huyết áp và bệnh thận, Bài giảng dạy học lâm sàng qua tình huống… Những giáo trình đó đã giúp sinh viên tiếp thu kiến thức được nhanh và dễ dàng hơn.

PGS.TS.BSCKII Đỗ Gia Tuyển còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu khoa học. Cho đến nay anh đã có trên 50 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế và trong nước; trong đó có nhiều công trình được đánh giá cao như: Tăng homocystein huyết thanh có mối liên quan với xơ vữa động mạch ở bệnh nhân suy thận mạn; Nghiên cứu biểu hiện huyết học ở bệnh nhân viêm cầu thận Lupus; Giảm mật độ xương có mối liên quan với cường cận giáp trạng thứ phát ở bệnh nhân suy thận mạn, Biến chứng ở bệnh nhân hội chứng thận hư…Anh cũng đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Cơ sở; tham gia đề tài NCKH hợp tác Quốc tế với Trường Đại học Kobe Nhật Bản; đang thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở, 01 đề tài NCKH cấp Bộ, 01 đề tài NCKH đa quốc gia hợp tác với Thụy điển… Tham gia báo cáo khoa học ở nhiều hội nghị chuyên ngành Thận tiết niệu trong nước và quốc tế. Có thể thấy ở anh một năng lực làm việc cao, một sự sung mãn về trí tuệ, trong khi anh đang ở tuổi 45 – cái tuổi còn cả một chặng đường dài đầy hứa hẹn phía trước. Cũng từ nhiệt huyết nghề nghiệp, người Thầy Đỗ Gia Tuyển đã giúp đỡ nhiều học viên, sinh viên trên bước đường học tập vốn không ít vất vả, gian nan. Anh đã hướng dẫn hàng chục học viên cao học bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ; 06 học viên bác sĩ nội trú bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp; 12 sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Anh đồng thời hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ… Và, Danh hiệu giảng viên giỏi cấp cơ sở mà người thầy Đỗ Gia Tuyển đạt được liên tục trong những năm qua đã chứng minh cho năng lực và tâm huyết đó ở anh.

Bệnh viện Bạch Mai là một bệnh viện đa khoa tuyến cuối lớn nhất phía Bắc. Trong đó mỗi khoa phòng là một đơn vị, một mắt xích quan trọng của bệnh viện. Khoa Thận – Tiết niệu của bệnh viện ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trong hệ thống chung của bệnh viện. Những năm qua, nhờ xác định đúng hướng phát triển, cộng với sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện, đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện, Khoa Thận Tiết niệu đã tăng nhanh số lượng điều trị những ca bệnh khó. Nếu như 5-6 năm về trước, bình quân mỗi năm khoa chỉ thực hiện được 02 ca ghép thận, thì đến nay, ghép thận đã trở thành việc làm thường quy được tiến hành hàng tuần, đem lại niềm vui lớn cho nhiều người bệnh và gia đình họ. Cùng với đó, mỗi ngày khoa đảm nhận khám chữa bệnh cho khoảng 120 – 150 bệnh nhân nội trú, 50 – 70 lượt bệnh nhân ngoại trú. Các nhóm bệnh chủ yếu là bệnh cầu thận nguyên phát hoặc thứ phát, bệnh lý ống kẽ thận, sỏi thận tiết niệu, thận đa nang, … Trong những năm gần đây Khoa Thận – Tiết niệu đã áp dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại như: Siêu lọc máu, thay và lọc huyết tương, ghép thận, tán sỏi thận … đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm từng bước xây dựng Khoa Thận – Tiết niệu phát triển toàn diện và vững chắc, xứng đáng là một trong những khoa đầu ngành và từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế. Từ những nỗ lực và kết quả đạt được, tập thể Khoa Thận – Tiết Niệu Bệnh viện Bạch Mai đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, cá nhân PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển đã được nhận Bằng khen của Bộ Y tế và của các cấp, ngành…và quan trọng nữa là anh luôn được đồng nghiệp tin tưởng, bệnh nhân quý trọng. Sự phát triển của Khoa Thận – Tiết niệu thời gian qua, có sự đóng góp quan trọng của những lãnh đạo tiền nhiệm đặt nền móng và của tập thể cán bộ nhân viên của khoa. Nhưng không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển vào quá trình đáng tự hào đó, đặc biệt là khi anh ở trên cương vị Trưởng khoa. Làm việc bằng tất cả thời gian, tâm sức của mình, anh mong muốn và quyết tâm cùng tập thể xây dựng khoa ngày một lớn mạnh, bệnh nhân được chữa trị ngày một tốt hơn. Điều quan trọng nhất là trách nhiệm của cán bộ, y bác sĩ đối với công việc, với người bệnh. Ở anh, sự quan tâm, chia sẻ những lo lắng, khó khăn với bệnh nhân là câu chuyện thường ngày, là tính cách không khó nhận ra. Anh tâm sự: “Trong công việc, tôi và các đồng nghiệp của mình luôn cố gắng làm việc với trách nhiệm cao nhất để khám và điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả cao. Mỗi người phải xem người bệnh như người nhà của mình, có như vậy mới phục vụ tốt được”.

Gắn bó với ngành Y ở cả hai vai: Thầy thuốc và thầy giáo, PGS- TS. Đỗ Gia Tuyển đã qua nhiều cương vị, nhiều công việc được giao. Đi với đó là những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải cố gắng hết mình để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Và, trên thực tế, anh đã đạt được những kết quả đáng kể trên bước đường phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng BS Đỗ Gia Tuyển chưa bao giờ thỏa mãn, không bao giờ bằng lòng với chính mình. Anh luôn coi chặng đường phía trước mới là cái đích để phấn đấu vươn lên. Không ngừng học hỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện trong cuộc sống, anh tâm niệm phải luôn cố gắng để chữa trị tốt hơn cho người bệnh và làm tốt vai trò của một giảng viên Đại học trước các thế hệ sinh viên Y khoa. Sống chan hòa, chân thành, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người khác, bác sĩ Đỗ Gia Tuyển đã chứng tỏ một điều, sống có trách nhiệm (với cộng đồng và với chính mình) là một trong những tiền đề cơ bản giúp mỗi người thành công trong sự nghiệp. Còn điều quan trọng này nữa, anh may mắn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc với hai người con (một trai, một gái) luôn chăm ngoan, học giỏi; đặc biệt là người bạn đời của anh đã luôn động viên, chia sẻ những khi anh áp lực, mệt nhọc trong công việc… Đó là nguồn động viên lớn để anh phấn đấu, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cao quý dạy học và chữa bệnh mà anh theo đuổi, gắn bó. …

Thời gian trò chuyện với anh không nhiều, thật sự anh chưa thể nói và tôi cũng chưa thể nghe được đầy đủ về con người và nhất là về công việc vốn rất bận rộn và căng thẳng của anh. Cho nên bài viết ngắn này cũng chỉ khái quát đôi điều về người thầy thuốc “kiêm” người thầy giáo Đỗ Gia Tuyển. Dẫu sao những lát cắt được khắc họa trong bài viết đủ để mỗi người hiểu và trân trọng cuộc sống và sự nghiệp mà anh gắn bó hết mình, với suy nghĩ rằng, cộng đồng và xã hội luôn rất trân trọng và rất cần những người biết sống và cống hiến hết mình như vậy.


Xuân Thủy

Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn