Hai chứng chỉ tú tài của PGS.TS Nguyễn Đình Giậu

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Giậu (sinh 1933, mất 2017), nguyên quán tại số 43 phố Bát Đàn, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Sinh học, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Nguyễn Đình Giậu sinh tại Hà Nội. Bố mẹ mất sớm khi ông mới 5 tuổi, ông được anh cả là ông Nguyễn Đình Hiền (công tác tại sở Hỏa xa của Pháp) nuôi ăn học. Ông Hiền là trụ cột chính trong gia đình, tiền lương của ông vừa để chi trả phí sinh hoạt cho gia đình riêng, nuôi các em ăn học, vừa để trả món nợ của bố (sau khi cụ Nguyễn Đình Cường – bố ông Giậu mất, để lại một món nợ lớn. Gia đình ông Giậu không có nhiều ruộng đất, chỉ có một ngôi nhà cũ ở nội thành Hà Nội do bà ngoại để lại cho mấy anh chị em.

Tháng 12-1946, gia đình ông Giậu chuyển từ nội thành Hà Nội về làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Tháng 4-1947, Pháp thả bom, đánh phá làng Ước Lễ, gia đình ông Giậu hồi cư về Hà Nội. Lúc này, anh trai ông Giậu – ông Nguyễn Đình Năm và hai con trai lớn của ông Hiền đang làm việc trong quân đội, tuy nhiên, kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng năm 1947, ông Giậu bắt đầu theo học trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An (còn gọi là trường Bưởi). Trường tuyển khá ít học sinh nên thi đỗ vào trường bấy giờ là một niềm tự hào lớn.

Trong những năm ông Giậu theo học trường Bưởi (1947-1954), trường bị quân Pháp chiếm đóng nên thầy trò phải tạm trú tại trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trung học cơ sở Trưng Vương). Sau trường chuyển lên Cửa Bắc sáp nhập với trường Cao đẳng Tiểu học Đỗ Hữu Vị (nay là trường Trung học và phổ thông Phan Đình Phùng). Năm 1950, hai trường tách ra. Đến tháng 10 năm 1954, trường Bưởi trở về địa điểm ban đầu ở Thụy Khuê (cạnh hồ Tây, Hà Nội).

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Giậu Chia từng tâm sự (trong bản lý lịch cán bộ tự khai 1981-1983): Từ niên khóa 1947-1948, tôi lại tiếp tục học ở trường Trung học Chu Văn An của chính quyền bù nhìn. Tôi ít giao thiệp, chỉ chơi với một số ít bạn thân. Tới niên khóa 1949-1950, ở trường Chu Văn An nổ cuộc bãi khóa to lớn nhân dịp đám tang Trần Văn Ơn toàn trường nhiệt liệt hưởng ứng và bản thân tôi cũng tích cực tham gia trong phong trào bãi khóa rầm rộn đó.

Theo chương trình Pháp bản xứ tại trường Bưởi, học xong bậc cao đẳng tiểu học (4 năm), ông Giậu thi lấy bằng Thành Chung và dự thi tiếp lên bậc trung học (3 năm). Vào đệ nhị cấp (tương đương với lớp 11 hiện nay), ông vào ban A – ban Vạn vật (ngoài ra còn các ban B, C, D theo thứ tự là ban Toán; ban Văn chương; và ban Văn chương cổ ngữ, thường là Hán văn và La Tinh). Học hết lớp đệ nhị, tháng 6-1953, ông thi tú tài I (còn gọi là tú tài bán phần). Kì thi tú tài I gồm phần viết và vấn đáp (năm 1968 thì bỏ phần vấn đáp). Học sinh bắt buộc phải vượt qua kì thi bằng tú tài I mới được học tiếp lớp đệ nhất niên (tương đương lớp 12).

Chương trình học và thi tú tài được đánh giá là khó vì ngoài môn toán, triết và các môn khoa học giống chương trình tú tài phương Tây, học sinh còn phải học thêm môn văn, triết học Việt Nam, Đông Dương, Cận Đông, Viễn Đông… Cũng trong bản lý lịch tự khai, ông Giậu cho biết ông không tham gia các hoạt động tôn giáo chống đối cách mạng, không mắc phải những hiện tượng trụy lạc, sa đọa khác ngoài nguyên nhân tính cách còn do việc học tập bận rộn và điều kiện kinh tế gia đình hạn chế.

Khoảng tháng 8-1953, ông Giậu nhận được chứng chỉ đỗ Tú – Tài phần thứ nhất ban khoa học A hạng thứ (hạng thứ là hạng thấp nhất trong 4 hạng điểm bấy giờ, tiếp đến là hạng bình thứ, hạng bình và cao nhất là hạng ưu). Tháng 6-1954, ông thi và nhận chứng chỉ đỗ Tú – Tài phần thứ hai ban khoa học A hạng thứ vào khoảng tháng 7-1954. Các bằng tú tài chỉ cấp cho mỗi người một lần.

Từ năm 1930, Pháp ban bố sắc lệnh các bằng tú tài bản xứ có giá trị tương đương tú tài chính quốc. Người có bằng tú tài bản xứ được vào các đại học ở Đông Dương, Pháp nhưng phải thông qua thống sứ Bắc Kỳ, khâm sứ Trung Kỳ, thống đốc Nam Kỳ, toàn quyền Đông Dương hoặc Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Paris. Năm 1954-1955, ông Giậu vào học trường Đại học Sư phạm khoa học Hà Nội (nay là trường Đại họ Sư phạm Hà Nội).

Ngày 27-5-2018, chị Nguyễn Minh Thúy – con gái Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Giậu đã trao tặng hai chứng chỉ tú tài được đề cập ở trên cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.