Hai cuốn nhật ký địa chất – “một phần cuộc sống của mình!”

Từ đầu năm 2015, GS.TSKH Lê Đức An đã dần dần bàn giao gần 8.000 tài liệu hiện vật của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong số tài liệu hiện vật ấy, có đủ loại: từ bản thảo sách, bản thảo bài viết, đề tài, cho đến thư từ, ảnh tư liệu…; nhưng mãi đến cuối tháng 7-2015, ông mới bàn giao những cuốn nhật ký địa chất, mà trước khi giao cho chúng tôi, ông vẫn còn đắn đo, ngập ngừng. Bởi vì đối với ông, đó là “tài sản” vô giá, độc nhất vô nhị. Lựa chọn hai cuốn nhật ký cũ kỹ, gáy đóng ghim thép nay đã gỉ, bìa đã mất và giấy đã ố vàng, ghi chép từ cuối năm 1969 và đầu năm 1970, GS Lê Đức An kể câu chuyện khá dài liên quan đến quá trình đi thực địa để làm luận án phó tiến sĩ của mình.

Khi còn học năm thứ 3 ở khoa Mỏ- Địa chất, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, SV Lê Đức An được phân công về Đoàn 20 (thuộc Tổng cục Địa chất) để đi khảo sát, thăm dò một số nơi ở miền Bắc nước ta, nhiều nhất là Cao Bằng. Được làm quen sớm với công việc nên ông càng thêm yêu thích ngành địa chất. Tháng 8-1962, khi tốt nghiệp đại học, ông được phân về công tác tại Đoàn 20 khi ấy đóng ở Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội và đang thực hiện nhiệm vụ lập bản đồ địa chất tỉ lệ 1/500.000 toàn miền Bắc.

Đoàn 20 gồm có nhiều đội phụ trách các vùng khác nhau: đội Tây Bắc, đội Đông Bắc, đội Đồng bằng, đội Khu 4… và những đội chuyên đề khác. KS Lê Đức An làm việc ở đội Đông Bắc, địa bàn khảo sát – nghiên cứu là các tỉnh Đông Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Những năm ấy, phong trào thi đua trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa diễn ra sôi nổi. Mặc dù vừa mới ra trường, nhưng sau năm đầu tiên công tác KS An đã được bầu là Chiến sĩ thi đua.

Lúc bấy giờ, Đoàn 20 chủ trương cử một số cán bộ vốn tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa đi đào tạo sâu hơn về các chuyên ngành như địa tầng, thạch học, khoáng sản, địa mạo… Trải qua hơn một năm công tác, KS Lê Đức An tỏ ra có năng lực chuyên môn, lại là người chịu khó, nhiệt tình, nên được cơ quan đưa vào diện cho đi đào tạo. Khi ông còn là sinh viên, ở trường ĐH Bách khoa không dạy về địa mạo hay sâu hơn nữa là vẽ bản đồ địa mạo, nhưng đến lúc này Đoàn 20 bắt đầu có nhiệm vụ lập bản đồ địa mạo, và thế là ông được chọn gửi đi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, theo hình thức thực tập sinh (2 năm).

Tổng cục Địa chất lúc đầu định cử KS Lê Đức An sang học ở Trung Quốc, tuy nhiên phía Trung Quốc cho biết không nhận thực tập sinh về địa mạo, nên ông được gửi sang Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Trong 2 năm thực tập ở Liên Xô (1967-1969), khó khăn nhất đối với ông là tiếng Nga. Mặc dù được học tiếng Nga ở trong nước, nhưng khi sang Liên Xô, việc nghe và nói của ông vẫn hết sức hạn chế. Khác với sinh viên, ông là thực tập sinh, công việc chủ yếu là đọc tài liệu ở thư viện và viết lách ở ký túc xá, nên việc giao tiếp bằng tiếng Nga hạn chế hơn nhiều.

Trong thời gian sống ở Moskva, ông được bà Huỳnh Ngọc Hương[1] – nghiên cứu sinh ở phòng Địa mạo và Cổ địa lý của Viện Địa lý, giúp đỡ rất nhiệt tình, từ việc làm quen với cán bộ người Nga đến việc đi mua sắm đồ dùng cá nhân. Sau này bà Hương về công tác tại Viện Các khoa học về Trái đất và giữa hai người có sự hợp tác trong nghiên cứu.

Hai cuốn nhật ký của GS.TSKH Lê Đức An

Về mặt chuyên môn, hai năm thực tập đã cho KS Lê Đức An những kiến thức mới bổ ích, không chỉ qua sách vở, mà còn từ đợt điền dã ở vùng núi Kavkaz. Ông kể: Khi ở trong nước, mình chưa được học địa mạo vì ở trường ĐH Bách khoa có môn học đó đâu. Về Đoàn 20 công tác thì yêu cầu công việc cần làm bản đồ địa mạo nên mới có việc được đào tạo về địa mạo. Sang Liên Xô, thực tập ở Viện Địa lý, mình được cán bộ phòng địa mạo hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiệt tình, bù lấp kiến thức mà mình chưa được học bao giờ về địa mạo, về địa lý nói chung. Họ giới thiệu cho mình đọc các giáo trình cơ bản về địa lý học, địa mạo học. Bà giáo người Nga hướng dẫn cho mình đọc tài liệu, đọc xong rồi trao đổi, hoặc viết tóm tắt các nội dung thu hoạch được từ những tài liệu đó. Họ cũng giới thiệu đến trường ĐH Tổng hợp Lomonoxov (MGU) để dự thính một số chuyên đề về viễn thám, phân tích ảnh chụp từ máy bay. Nhờ đó mà mình đã được trang bị thêm một số kiến thức chưa được học[2].

Thực tập sinh Lê Đức An tập trung đọc tài liệu và đi sâu tìm hiểu các phương pháp vẽ bản đồ địa mạo của Liên Xô, Đức, Pháp, Ba Lan… Nhưng ông đặc biệt ấn tượng với phương pháp vẽ bản đồ địa mạo của các nhà khoa học ở Viện Địa lý nơi ông thực tập, đồng thời ông quyết định đi theo hướng nghiên cứu đó. Kết thúc hai năm thực tập, ông viết một bản tổng quan về những phương pháp nghiên cứu và lập bản đồ địa mạo mà mình tìm hiểu được. Những kết quả ấy về sau được ông đưa vào chương 1 của luận án phó tiến sĩ.

Thời kỳ đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô có chủ trương tạo điều kiện cho thực tập sinh chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Có những người muốn làm tiếp nghiên cứu sinh, nhưng cũng có những người muốn về nước làm việc. Để được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, KS Lê Đức An phải hoàn thành một số thủ tục theo yêu cầu của cả phía Việt Nam và phía Liên Xô. Do vậy, ông về nước để hoàn thiện các giấy tờ và thu thập tài liệu cần thiết.

Tháng 10-1969, KS Lê Đức An mua chiếc vali tại một cửa hàng bách hóa ở Moskva để sắp xếp đồ đạc mang về nước. Về Hà Nội, ông đến Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để làm thủ tục chuyển tiếp nghiên cứu sinh và không gặp bất cứ trở ngại gì. Thời gian lưu lại Việt Nam chuyến ấy là khoảng hơn 4 tháng, ông khẩn trương đi thực địa một số nơi ở miền Bắc, nhằm chuẩn bị tư liệu về địa chất, địa mạo để phục vụ cho việc làm luận án phó tiến sĩ. Tổng cục Địa chất cấp giấy giới thiệu và Cục Bản đồ địa chất bố trí một cán bộ trung cấp đi cùng để giúp ông thu thập số liệu thực địa.

Ngay từ cuối giai đoạn thực tập sinh, KS Lê Đức An đã xác định hướng nghiên cứu là phương pháp vẽ bản đồ địa mạo ở miền Bắc Việt Nam theo lý thuyết của các nhà khoa học Liên Xô ở Viện Địa lý. Đây là một hướng nghiên cứu mới, như ông cho biết: Lúc đó trên thế giới có nhiều phương pháp vẽ bản đồ địa mạo, nhưng mình lựa chọn phương pháp của Viện Địa lý để phát triển luận án, tức là phương pháp kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái. Đấy là phương pháp mới mà ở Việt Nam chưa làm. Học thuyết về kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái do chính ông Viện trưởng Viện Địa lý sáng tạo ra cùng với ông Trưởng phòng Địa mạo và Cổ địa lý. Nó có nhiều ứng dụng trong tìm kiếm khoáng sản và ứng dụng trong việc lập bản đồ địa mạo[3].

Với ý tưởng đó, ông lập kế hoạch đi thực địa, lựa chọn các nơi có địa hình chuẩn để khảo sát, thu thập số liệu và chọn mẫu, đồng thời vẽ các maket bản đồ theo những tỉ lệ khác nhau để đưa vào luận án. Có 4 kiểu địa hình được ông lựa chọn làm các đại diện cho lãnh thổ miền Bắc để nghiên cứu thực địa:

Thứ nhất, khu vực Chợ Mới (Bắc Kạn), là vùng tiêu biểu cho kiểu địa hình Cácxtơ, cũng là nơi có nhiều sa khoáng vàng.

Thứ hai, khu vực Đông Nam Ba Vì và Quốc Oai (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), là nơi có kiểu địa hình chân núi, đồi và đồng bằng, liên quan đến khoáng sản, vỏ phong hóa và trầm tích.

Thứ ba, khu vực Thanh Sơn và Thanh Thủy (Phú Thọ), là nơi có kiểu địa hình núi thấp, có đặc điểm kiến tạo và cấu trúc địa chất tương đối phức tạp, liên quan nhiều đến khoáng sản nội sinh.

Thứ tư, khu vực Nghĩa Lộ và Trạm Tấu (Yên Bái), là nơi có kiểu địa hình núi cao với các bồn địa giữa núi.

Trong điều kiện thời chiến, việc đi lại khá khó khăn, những nơi gần như Hà Tây thì ông dùng xe đạp. Ông mang được chiếc xe đạp mới mua từ Liên Xô về và nó đã giúp ích trong những chuyến thực địa. Khi lên Yên Bái, ông đi tàu hỏa và đem xe đạp theo, sau đó đạp xe từ ga vào huyện lỵ, rồi những nơi địa hình dốc thì ông gửi xe đạp lại và đi bộ. Đến Phú Thọ, Bắc Kạn cũng vậy, ông thường đi ôtô khách đến huyện lỵ, rồi đi xe đạp tới những nơi cần khảo sát. Mỗi đợt đi thường kéo dài trong một vài tuần, phải mang theo tem phiếu để tiện mua lương thực hoặc ăn tại cửa hàng mậu dịch và nhà ăn tập thể.

Về kinh phí cho những chuyến đi điền dã này, GS Lê Đức An nhớ lại: Gần như mình phải tự túc để đi, không được cấp kinh phí mà phải bỏ tiền túi ra. Lúc đó mình về nước, ở bên kia họ cắt học bổng do hết hạn thực tập sinh, mà chưa làm xong thủ tục chuyển sang hệ nghiên cứu sinh. Chỉ còn tiền trợ cấp đi học nước ngoài thay cho tiền lương của mình để lại cho gia đình lĩnh[4].

Xem lại hai cuốn nhật ký, ông bảo: Cuốn nhật ký cuối năm 1969 này mình ghi chép ở 3 địa điểm khảo sát là vùng Chợ Mới (Bắc Kạn), vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) và vùng Ba Vì (Hà Tây). Còn cuốn nhật ký đầu năm 1970 là ghi chép của mình khi đi vùng Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, dãy núi Hoàng Liên Sơn[5].

Ở mỗi nơi đặt chân đến, với địa bàn và thước dây, ông tiến hành khảo sát và đo đạc địa hình, ghi lại các đặc điểm hình thái, các quá trình ngoại sinh, các biểu hiện của nội sinh, thu thập các mẫu đất, đá và chụp ảnh. Cách ghi chép của ông trong sổ nhật ký rất rõ ràng, bao giờ cũng ghi một mặt giấy, dành mặt còn lại để phác họa địa hình, vẽ các mặt cắt, sơ đồ điểm khảo sát… và để sau này ghi các kết quả phân tích số liệu ở phòng thí nghiệm.

Trong lúc lật giở từng trang nhật ký, ông giải thích một chút về chuyên môn: Tại điểm khảo sát Chợ Mới ở ngay bên con sông Cầu, chủ yếu mình ghi chép về cấu tạo của sông Cầu. Khi khảo sát một vùng thung lũng sông thì mình phải trả lời được là con sông ấy hình thành như thế nào, trải qua những giai đoạn nào, tuổi của nó ra sao, nó để lại vết tích gì, những cái nó đã tạo ra, sản phẩm nó để lại là cái gì. Khi đến điểm Chợ Mới thì việc đầu tiên là mình quan sát xem có bao nhiêu thềm sông, bãi bồi của nó thế nào. Một con sông, nó tạo thành các bậc thềm, có thể rất cao, có thể cao 100-150m, hoặc 70-90m. Các bãi bồi thì nhân dân thường sử dụng để trồng lúa, hoa màu; có bãi bồi cao, bãi bồi thấp. Bãi bồi thấp là bãi bồi hàng năm bị ngập, bãi bồi cao những năm có lũ lớn mới ngập. Còn các thềm thì nói chung không bị ngập, người ta làm nhà cửa trên đó, chỉ có những năm lũ đặc biệt lớn thì nó mới bị ngập. Căn cứ vào độ cao, người ta chia thành thềm 1, 2, 3… Cần khảo sát cấu trúc của thung lũng sông ấy như thế nào, nguồn gốc của những bậc thềm… Đấy là nghiên cứu thung lũng sông. Còn các vùng núi kề cận, cũng phải quan sát các bậc địa hình, xem có bao nhiêu bậc, các bậc hình thành như thế nào, do quá trình gì tạo ra, các nguồn gốc của sườn. Cùng với việc ghi nhật ký, tất cả các ranh giới địa mạo, các dạng địa hình lớn nhỏ quan sát được cùng các thể địa chất liên quan đều phải vẽ trực tiếp lên bản đồ ở ngay tại thực địa[6].

Đi đến đâu, ông thường xin nghỉ nhờ ở đó. Nhân dân các địa phương rất tốt bụng và nhiệt tình, sẵn sàng tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ nghỉ cho ông và người bạn đồng hành. Một lần, khi khảo sát ở sườn dãy núi Hoàng Liên Sơn cao khoảng 2.000m, hai người phải ngủ đêm giữa lưng chừng núi. Ông kể lại: Ở trên đấy may mắn tìm được một cái nhà nhỏ làm bằng gỗ của người Hmông, mình ở nhờ 1-2 tối. Họ làm nương trên đấy, nên làm nhà để ở tạm thời thôi. Trước khi đi, mình phải chuẩn bị đồ ăn dự phòng 2-3 ngày, nước thì không lo rồi, vì có suối chảy suốt. Nhưng ở đó lạnh, đêm phải đốt lửa để sưởi ấm[7]. Khi được hỏi về những khó khăn cụ thể gặp phải trong những chuyến đi ấy, GS Lê Đức An cho rằng: Đối với một nhà địa chất thì đó là điều quá đỗi bình thường. Thực ra những ngày đầu khi mới vào nghề cũng thấy vất vả khó khăn đấy, nhưng dần dần rồi quen nên cảm thấy không có gì là vất vả cả. Có lẽ sự đam mê và hăng say với công việc làm cho người ta quên đi sự nặng nhọc, quên đi những khó khăn[8].

Những chuyến đi ngày ấy đã giúp cho ông khảo sát, ghi chép được nhiều thông tin về địa hình địa mạo, để ông dùng làm nguồn tư liệu chính khi viết luận án ở Liên Xô. Theo GS Lê Đức An, những cuốn nhật ký địa chất này có vai trò rất quan trọng: Đây là những tài liệu gốc cùng với tờ bản đồ thực địa phục vụ cho vẽ bản đồ địa mạo. Nó là tài liệu cơ sở để mình vẽ được các ranh giới địa mạo, các dạng địa hình trên bản đồ địa mạo. Nếu không có cái này, không khảo sát, thì mình cũng chẳng biết cái vùng đó như thế nào cả; chỉ có bản đồ địa hình thì chỉ biết chỗ nào là núi, chỗ nào là sông thôi, chứ không biết núi đó có cấu trúc và quá trình sườn thế nào, sông đó thuộc về kiểu thung lũng gì, thềm nó đến đâu, đồng bằng đến đâu và cấu tạo như thế nào. Phải có khảo sát ngoài thực địa thì mới biết được. Mặc dù ngày nay ảnh vệ tinh cho ta rất nhiều thông tin, hơn hẳn bản đồ địa hình, nhưng khảo sát thực địa vẫn luôn là yêu cầu bẳt buộc[9].

Các chuyến đi thực địa kể trên được tiến hành chỉ trong vài tháng, nhưng vô cùng quý giá. GS Lê Đức An nhấn mạnh thêm: Nếu không có đợt đi thực địa này thì rất khó để hoàn thành luận án, vì không có cơ sở tài liệu gì để làm. Mặc dù mình đã có một số tài liệu cũ khi làm ở Đoàn 20 rồi, nhưng nó không phải là toàn diện đến mức để mình có thể đưa ra tất cả các đặc điểm chung của địa mạo miền Bắc Việt Nam. Từ 4 điểm chuẩn điển hình cho địa mạo của miền Bắc Việt Nam, khảo sát và lập ra được các mẫu bản đồ cho các vùng này, có thể coi chúng là đại diện cho cả miền Bắc. Phải nói rằng, đợt đi mấy tháng này rất quan trọng, nó bảo đảm cho mình đủ tài liệu để hình thành nên nội dung chính của luận án là lập được các maket, tức là mô hình bản đồ với tỉ lệ khác nhau cho các vùng đặc trưng: vùng núi cao, vùng đồi núi thấp, vùng đồng bằng[10].

Sau đợt khảo sát quý giá ấy, ông Lê Đức An đã thu thập được các mẫu đất, đá, chụp được ảnh tư liệu và có hai cuốn nhật ký cùng các bản đồ thực địa để mang sang Liên Xô. Việc mang tài liệu ra nước ngoài bị xét duyệt chặt chẽ. Ông phải làm đơn xin phép Cục Bản đồ địa chất, sau đó Cục gửi công văn lên Tổng cục Địa chất, rồi Tổng cục lại gửi công văn đến Bộ Nội vụ, Cục Hải quan… để cho phép mang những tài liệu, mẫu vật sang Liên Xô. Ông kể: Hồi đó còn khá ấu trĩ, bản đồ là tài liệu cấm mang đi. Thế nhưng những bản đồ địa hình ấy ở Paris bên Pháp lại có, do vậy, bà Huỳnh Ngọc Hương đã nhờ người quen chụp và chuyển sang Moskva để làm luận án và mình cũng được nhờ[11].

Khoảng tháng 3-1970, ông Lê Đức An trở lại Liên Xô. Vì đã trải qua 2 năm làm thực tập sinh, nên khi chuyển sang chế độ nghiên cứu sinh, ông chỉ còn thời gian 2 năm nữa để làm luận án. Trong khoảng thời gian 2 năm ấy, ông vừa phải thi các môn tối thiểu của chương trình nghiên cứu sinh, vừa đọc sách, phân tích số liệu từ các mẫu đất, đá mang từ Việt Nam sang và viết luận án.

Luận án phó tiến sĩ của ông có tiêu đề là: Phương pháp luận vẽ bản đồ địa mạo miền Bắc Việt Nam (trên cơ sở phân tích kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái). GS Lê Đức An chia sẻ: Việt Nam là nước nhiệt đới, không phải nước ôn đới như châu Âu, do vậy khác về lượng mưa, dòng chảy, nhiệt độ, đất đá phong hóa… Những cái đó làm cho địa hình cũng khác. Mình đã chọn các vùng với các kiểu địa hình tiêu biểu để thể hiện được đặc điểm địa hình vùng nhiệt đới ẩm trên các cấu trúc địa chất khác nhau. Nhiệm vụ không phải là làm bản đồ địa mạo chung chung, mà làm bản đồ địa mạo miền Bắc Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là thế, do vậy nội dung công việc là phải suy nghĩ lập các mô hình bản đồ địa mạo cho chính xác, phù hợp nhất, để phản ánh đầy đủ và hợp lý nhất, từ đó đúc rút ra chú giải chung cho bản đồ địa mạo toàn miền Bắc ở tỉ lệ 1/100.000, 1/200.000 và tỉ lệ 1/50.000. Trong đó có một nhiệm vụ rất quan trọng là soạn thảo được hệ thống màu nền hợp lý để thể hiện đối tượng chính của bản đồ, hệ thống các ký hiệu và nét chải với màu sắc khác nhau phù hợp với nguồn gốc của chúng, phù hợp với từng loại tỷ lệ. Mình mà làm phức tạp quá thì ứng dụng rất khó, bản đồ quá nặng nề, thành ra phải bảo đảm cả tính thực tiễn của nó. Nó phải ứng dụng được ở các Liên đoàn địa chất và có thể dùng cho các các kỹ sư địa chất… Mình cũng phấn khởi là kết quả nghiên cứu trong luận án ngay sau đó được triển khai và ứng dụng, được tập thể các nhà khoa học không những của Liên đoàn Bản đồ, mà các nhà khoa học khác cũng nhất trí ứng dụng. Tất nhiên cũng có thảo luận, nhưng nói chung thì nó được đón nhận và được sử dụng[12].

Để có thể lập được các mô hình bản đồ theo các tỉ lệ khác nhau, ngoài tư liệu đã thu thập được trong những chuyến điền dã địa chất từ năm 1963 đến 1965 ở Đoàn 20, NCS Lê Đức An sử dụng tài liệu chính từ hai cuốn nhật ký địa chất của ông trong quá trình đi khảo sát cuối năm 1969 và đầu năm 1970. GS Lê Đức An cho biết: Một trong những cái quan trọng nhất của luận án là lập các mô hình bản đồ địa mạo ở các tỉ lệ khác nhau. Các mô hình bản đồ địa mạo phải dựa vào thực tế, vì không thể tưởng tượng ra được, ví dụ thung lũng sông Cầu ở đoạn chảy qua Chợ Mới: cấu trúc của nó gồm 2 bãi bồi thấp và cao, có 4 bậc thềm; tất cả mình phải vẽ ra đúng y như thế, chứ không phải lấy ví dụ nào khác được. Để phản ánh được thực tế phức tạp như thế, phải dùng biện pháp, phương thức thể hiện gì mới bảo đảm được? Mình không thể tưởng tượng ra cái đơn giản rồi đưa chú giải đơn giản vào đó được. Mình phải lấy cái phức tạp ấy để giải đáp ngay từ đầu, để thấy được cái phức tạp. Ngoài các bậc thềm, nó còn có các hiện tượng trượt lở thế nào, các suối và các dòng tạm thời phá hủy ra sao, những điều ấy mình phải vẽ trên bản đồ, thể hiện đúng thực tế phức tạp như vậy[13]. Và để phản ánh được những chi tiết đó một cách chính xác thì những ghi chép trong nhật ký thực địa là vô cùng quan trọng.

Chúng tôi hỏi vui rằng, sau khi hoàn thành luận án sao ông không bỏ lại những cuốn nhật ký này ở Liên Xô, ông ngạc nhiên và trả lời không cần phải suy nghĩ: Cái này là một phần cuộc sống của mình mà, không bỏ được! Cái này mình ghi chép công phu lắm, làm sao mình có thời gian đi lại được, làm sao ghi chép lại được!. Cái này là sự ghi nhận một thực tế mà mình đã có sự đầu tư quan sát. Nó gần như sự trải nghiệm của mình ở vùng đấy rồi. Cái đó quý quá, mình không bao giờ vứt đi được![14].

Về sau, hai cuốn nhật ký này còn được ông mang theo khi một lần nữa trở lại Liên Xô để làm luận án tiến sĩ[15] trong thời kỳ 1982-1985. Giá trị tư liệu thực tế trong hai cuốn sổ tiếp tục được khai thác, như ông lý giải: Khi mình mô tả địa mạo hệ thống sông Hồng và các sông nhánh của nó là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam… thì những cuốn nhật ký này quý lắm. Lúc đó mới xem, so sánh xem là sông Cầu với sông Lục Nam khác nhau ở chỗ nào, xem lòng sông nào sâu hơn, sông nào có nhiều bãi bồi hơn và sông nào có nhiều bậc thềm hơn, bậc thềm của nó cao hay thấp. Lúc đấy mình mới có dịp xem lại, so sánh, lập các thống kê để biết nó thay đổi thế nào từ vùng này đến vùng khác, mà chính điều đó lại tiết lộ cho chúng ta biết được đặc điểm của các chuyển động kiến tạo hiện đại và xu thế phát triển địa hình khu vực[16].

Hai cuốn nhật ký đều được viết một cách cẩn thận bằng bút chì, bìa đã bị bóc bỏ từ khi mang sang Liên Xô. Chúng tôi thắc mắc tại sao không viết bằng bút mực mà lại dùng bút chì, GS Lê Đức An giải thích rằng đó là quy định chung, ở Liên Xô hay các nước khác người ta cũng làm như vậy. Viết bút chì là để nét chữ giữ được lâu hơn, không bị bay màu và mờ nhanh theo thời gian như viết bằng mực. Thêm nữa, khi đi thực địa, dùng bút chì viết được lâu hơn, tiện hơn, dù trời mưa và độ ẩm cao thì chữ cũng không dễ bị nhòe như mực. Theo quy định, khi viết nhật ký thực địa còn không được tẩy xóa, chỉ có thể bổ sung, đính chính, để người xem sau này có thể nhận biết thông tin gốc.

So sánh thời kỳ 40-50 năm về trước với bây giờ, GS Lê Đức An chỉ ra rằng: Mặc dù việc nghiên cứu luôn phụ thuộc đáng kể vào khả năng, sự tỉ mỉ và tâm huyết của từng nhà địa chất, nhưng với phương tiện hiện đại, việc đi khảo sát địa chất ngày nay đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Trước kia, phải mất khá nhiều thời gian mới xác định được tọa độ của một địa điểm, nhưng bây giờ chỉ cần thông qua phương tiện máy tính là có thể xác định tọa độ, vị trí, độ cao một cách dễ dàng. Nếu trước đây khi đi khảo sát phải có bản đồ địa hình, phải ghi chép bằng tay, thì nay đã có máy định vị dẫn đường và có thể ghi trên máy tính. Nay cũng không phải đến tận nơi chụp từng bức ảnh, mà đã có ảnh vệ tinh, ảnh máy bay và có thể phân tích một cách dễ dàng (tất nhiên, việc đo đạc, ghi chép mô tả và chụp ảnh từng điểm khảo sát luôn có ý nghĩa quyết định và là bắt buộc).

Theo quy định của các liên đoàn địa chất, tài liệu khảo sát thực địa đều phải nộp cho cơ quan để lưu trữ. Tuy nhiên, hai cuốn nhật ký này là tài liệu cá nhân của GS Lê Đức An nên ông mới được giữ lại. Hai cuốn sổ trở nên quý giá về mặt tinh thần, vì gắn liền với nó là cả một câu chuyện làm khoa học, nó cũng phản ánh bối cảnh lịch sử của một thời mà các nhà địa chất ở nước ta đã trải qua. Bởi vậy, với cảm nhận cùng sự gắn bó thật sự sâu sắc, GS Lê Đức An coi nó là một phần cuộc sống của ông!

 

Nguyễn Thanh Hóa

_________________________

[1] TS Huỳnh Ngọc Hương là vợ ông Nguyễn Thọ Chân – một cán bộ cao cấp của Việt Nam, từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô (1967-1971).

[2] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 15-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 15-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[8] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[10] Phỏng vấn GS Lê Đức An, 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[11] Phỏng vấn GS Lê Đức An, 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[12] Phỏng vấn GS Lê Đức An, 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[13] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[14] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[15] Luận án Địa mạo Việt Nam, luận án tiến sĩ (nay gọi là TSKH) của ông Lê Đức An bảo vệ năm 1985.

[16] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 26-10-2015, tài liệu đã dẫn.