Trong một khoảng thời gian dài, nền khoa học xã hội Việt Nam được xây dựng chủ yếu theo mô hình của Liên Xô và ngành xã hội học chưa được coi trọng. Như GS Phạm Đức Dương giải thích: “Đối với đa số các nước xã hội chủ nghĩa, ngành xã hội học không được mấy quan tâm bởi nhẽ người ta coi đó là một ngành khoa học theo quan điểm và phương pháp tiếp cận tư bản chủ nghĩa, đối lập với chủ nghĩa duy vật lịch sử mác-xít. Thật ra bộ máy tập trung quan liêu của mô hình xã hội chủ nghĩa trước đây không ưa gì xã hội học”[1]. Cho đến những năm 1970, xã hội học vẫn còn là một ngành khoa học khá xa lạ trong nền khoa học xã hội Việt Nam. Giữa những năm 1970, một số cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học xã hội đã nhận thức được sự quan trọng của xã hội học, nên mới có ý định xây dựng ngành khoa học này. Năm 1977, Ban Xã hội học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập, do ông Vũ Khiêu làm Trưởng ban.
Thách thức đầu tiên đến với Ban Xã hội học là chưa có những cán bộ được đào tạo đầy đủ về chuyên môn. Để bổ sung kiến thức cho các cán bộ của Ban, những người lãnh đạo mà trách nhiệm chính là Trưởng ban Vũ Khiêu đã chủ trương mời một số nhà xã hội học nước ngoài đến thuyết trình để học hỏi và trao đổi học thuật. Vào thời điểm ấy, việc mời các nhà xã hội học nước ngoài đến Việt Nam làm việc là chuyện không dễ, mời các nhà xã hội học phương Tây lại càng khó hơn vì sự khác biệt về hệ tư tưởng. Nhưng Ban Xã hội học đã may mắn bởi có sự giúp đỡ của GS Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Với uy tín của mình trong quá trình hoạt động tại Hội đồng Hòa bình thế giới, GS Phạm Huy Thông quen biết GS Francois Houtart, một nhà xã hội học uy tín của Bỉ, Giám đốc Trung tâm Ba châu (CETRI) của Đại học Thiên chúa giáo Louvain ở Bỉ, nên đã mời vị Giáo sư này đếnthămViệt Nam và hợp tác nghiên cứu. Nhờ vậy, từ cuối những năm 1970, F. Houtart và G. Lemerciniez đến Việt Nam và có quan hệ hợp tác với Ban Xã hội học. Đồng thời, những nỗ lực của ông Vũ Khiêu trong việc thiết lập quan hệ với các nhà nghiên cứu khác cũng có kết quả, như sau này GS Phạm Đức Dương có nói tới trong một bài viết: “Trong điều kiện ngặt nghèo lúc bấy giờ, dựa vào uy tín và quan hệ của mình, anh (Vũ Khiêu- TG) đã mời một số nhà khoa học trong và ngoài nước đến trao đổi về môn học mới mẻ này”[2].
Năm 1981, bốn nhà khoa học đã đến Việt Nam để nghiên cứu và có một số buổi trao đổi với các nhà nghiên cứu ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, đó là George Condominas và Morice Godelier (Pháp), F. Houtart và G. Lemerciniez (Bỉ). Ông George Condominas là một nhà dân tộc học Pháp được sinh ra tại Việt Nam; ông từng nghiên cứu điền dã dân tộc học ở Tây Nguyên (1948-1949) và có công trình được nhiều người biết đến là “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gôo” (1957) viết về người Mnông Gar ở tỉnh Đắc Lắc. Morice Godelier là một nhà nghiên cứu về phương thức sản xuất châu Á. Còn F. Houtart và G. Lemerciniez là hai nhà xã hội học Bỉ có uy tín trên thế giới. Ở góc độ xã hội học, đây là những buổi tiếp xúc đầu tiên tại Việt Nam với các nhà xã hội học phương Tây, vì thế có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành quan điểm, phương pháp xã hội học ở nước ta lúc đó.
Lúc đó, người được phân công phụ trách tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học này là ông Bùi Đình Thanh – Phó trưởng ban Xã hội học, Trưởng ban Thư ký của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nhưng ông Thanh đang đi công tác xa, nên ông Vũ Khiêu đã đề nghị Phạm Đức Dương – Trưởng ban Đông Nam Á đứng ra tổ chức. Như GS Phạm Đức Dương cho biết, việc tổ chức sinh hoạt khoa học đối với ông không hề lạ lẫm. Từ khi Ban Nghiên cứu Đông Nam Á vừa thành lập, ông đã mời rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau đến thuyết trình và trao đổi kinh nghiệm để thông qua đó đào tạo cán bộ trẻ. Thêm nữa, giữa GS Vũ Khiêu và ông vốn có quan hệ thân thiết, bản thân ông lại là người cầu thị trong chuyện học tập, nên ông nhận lời ngay. Lúc đầu, ông nghĩ đơn giản đây cũng chỉ là việc tổ chức các cuộc trao đổi khoa học như vẫn quen thực hiện ở Ban Đông Nam Á, nên ông không suy nghĩ gì thêm[3].
ViệcTrưởng banXã hội họcVũ Khiêumời bốn nhà nghiên cứu đến Việt Nam trao đổi khoa học đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trong nước, cho nên có nhiều người tới tham dự các buổi thuyết trình của họ, không chỉ là những cán bộ Ban Xã hội học, mà còn có khá đông cán bộ nghiên cứu của những đơn vị khác thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và một số trường đại học ở Hà Nội. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng lúc bấy giờ đều có mặt, như: Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hồng Phong, Tương Lai, Đặng Nghiêm Vạn, Bế Viết Đẳng, Từ Chi… Nhà dân tộc học Từ Chi đảm nhiệm công việc phiên dịch chính trong các buổi thuyết trình và trao đổi của bốn học giả. Ông Phạm Đức Dương cũng tham dự khá đầy đủ và ghi chép lại rất tỷ mỉ trong hai cuốn sổ. Suốt nhiều năm, hai cuốn sổ này đã trở thành những tài liệu quý của GS Phạm Đức Dương.
Hai cuốn sổ ghi chép của GS.TS Phạm Đức Dương đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Cuốn sổ thứ nhấtgồm 30 tờ giấy gấp đôi được đóng lại bằng ghim sắt và cả hai mặt giấy đều được ghi chép. Trong cuốn sổ này, ông Phạm Đức Dương ghi lại khá chi tiết về ba ngày thuyết trình của ông Morice Godelies. Trong thuyết trình đầu tiên vào ngày 13-7-1981, Godelies tập trung vào các vấn đề lý luận và các khái niệm quan trọng như phương thức sản xuất, hình thái xã hội và kinh tế, phân tích xã hội bằng các quá trình biến đổi. Các khái niệm được phân tích kết hợp với một số ví dụ, rồi đưa ra những nhận xét như là kết luận của bản thân ông. Ngày 15-7-1981, trong buổi trình bày thứ hai,Godelies đi sâu phân tích một số ví dụ mà ông nghiên cứu thực địa ở thổ dân Úc, dựa trên cơ sở lý thuyết đã trình bày trong buổi trước. Buổi thứ ba vào ngày 16-7-1981, Godelies tiếp tục phân tích các kết quả nghiên cứu của mình và tiến hành trao đổi với những người tham dự, gợi mở ra những vấn đề nghiên cứu có thể thực hiện tại Việt Nam. Khi xem lại cuốn sổ ghi chép này, GS Phạm Đức Dương chia sẻ thêm rằng, sau khi thuyết trình và trao đổi, Godelies có đi thực địa một số buổi, qua đó nhận thấy ở Việt Nam có nhiều vấn đề bổ ích để nghiên cứu và nhiều vấn đề nhà nghiên cứu này quan tâm, nên đã nảy ra ý định sẽ quay lại Việt Nam và đi thực địa nhiều lần để củng cố thêm tài liệu của mình[4].
Cuốn sổ thứ haigồm 18 tờ giấy gấp đôi và cũng được đóng bằng ghim sắt, ghi lại nội dung ba ngày trình bày, trao đổi của hai nhà khoa học người Bỉ là F. Houtart và G. Lemerciniez về những vấn đề xã hội học. Buổi đầu tiên (không ghi ngày) do F. Houtart trình bày về các vấn đề cơ bản của xã hội học, chủ yếu là các khái niệm và phân loại, trong đó đặt ra vấn đề có xã hội học mác-xít hay không? Ông ta cũng đi sâu phân tích các khái niệm như cấu trúc xã hội, kiến trúc xã hội, phân tích biện chứng về xã hội… Trong ngày làm việc thứ hai, F. Houtart tiếp tục phân tích các cấu trúc và vai trò của cấu trúc trong nghiên cứu sự phát triển xã hội, còn G. Lemerciniez nói về biểu tượng, mối quan hệ của con người với tự nhiên qua các biểu tượng, về biểu tượng trong các quan hệ xã hội, vấn đề phân tích biểu tượng trong phân tích xã hội. Ngày làm việc thứ ba, 20-7-1981, là do ông Phạm Đức Dương mời F. Houtart và G. Lemerciniez đến trao đổi với đông đảo cán bộ Ban Đông Nam Á. Hôm ấy, nhà dân tộc học Từ Chi không chỉ tham dự, mà còn giúp phiên dịch. Tại Ban Đông Nam Á, F. Houtart trình bày hai vấn đề chính là phương pháp nghiên cứu xã hội học lịch sử và phân tích định lượng trong nghiên cứu xã hội học lịch sử; còn G. Lemerciniez trình bày về quá trình xã hội hóa tư liệu sản xuất và phương pháp phân tích các mô hình văn hóa trong nghiên cứu lịch sử. Theo GS Phạm Đức Dương, đây là những buổi học, thậm chí ông gọi là “những buổi học vỡ lòng đầu tiên về xã hội học, qua đó cũng suy nghĩ và trao đổi thêm về vận dụng phương pháp xã hội học trong nghiên cứu Đông Nam Á”[5].
Với một ngành mới lạ như xã hội học thì hiểu biết về các khái niệm và về phương pháp nghiên cứu là rất quan trọng. Vậy nên những buổi thuyết trình của các nhà khoa học Pháp và Bỉ đã cung cấp, đặc biệt là cho các cán bộ trẻ, những tri thức mang tính nền tảng của ngành học. Đây là một con đường đào tạo cán bộ mà sau này GS Phạm Đức Dương viết lại: “Do điều kiện đào tạo bị hạn chế, sách vở thiếu, trình độ ngoại ngữ của cán bộ thấp, anh Khiêu đã tìm một con đường đào tạo ngắn nhất cho lớp trẻ: mời thầy, mời bạn đến trao đổi, giúp đỡ họ vừa học vừa làm”[6].
Tưởng như mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Các nhà khoa học Bỉ và Pháp đã đặt vấn đề hợp tác, giúp đỡ trong việc đào tạo cán bộ và thực hiện nghiên cứu thực địa tại Việt Nam. Phía Pháp và Bỉ đồng ý nhận một số cán bộ thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam sang làm nghiên cứu sinh, và trong đợt đầu tiên, một số cán bộ như Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Đức Truyến đã được sang Bỉ học về xã hội học. Nhưng rồi sau đó, những ý tưởng của cả hai phía không thực hiện được. GS Phạm Đức Dương kể lại, trong thời gian những buổi thuyết trình của các nhà khoa học nước ngoài còn đang diễn ra, có một số người đã thông tin với cấp trên rằng Ban Xã hội học, ông Vũ Khiêu và ông Phạm Đức Dương mời các nhà khoa học mang tư tưởng tư sản về để “đầu độc” lớp trẻ! Ban lãnh đạo Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Công an và cả Phó thủ tướng Phạm Hùng đã yêu cầu hai ông Vũ Khiêu và Phạm Đức Dương giải trình. Thậm chí có ý kiến còn đòi kỷ luật những người tổ chức các cuộc thuyết trình và trao đổi này. Về sau, nhờ có sự can thiệp của một số vị lãnh đạo như Xuân Thủy (Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng), Phạm Huy Thông (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) nên những người liên quan mới không bị kỷ luật, nhưng việc hợp tác nghiên cứu xã hội học ở xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) vẫn không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số người được lựa chọn để đi Bỉ học tại Đại học Thiên chúa giáo Louvain như Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Kự, đến phút cuối cùng đã bị dừng lại. Về các nhà khoa học nước ngoài như F. Houtart, G. Lemerciniez, sau chuyến đầu tiên ấy đến Hà Nội, mãi nhiều năm sau họ mới có cơ hội quay lại Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu của F. Houtart và G. Lemerciniez về xã Hải Vân hồi giữa những năm 1990 đã có tác động lớn đối với xã hội học Việt Nam, nhất là về phương diện đào tạo các nhà xã hội học tương lai[7]. GS.TS Tô Duy Hợp, một chuyên gia về xã hội học nông thôn nhận xét: “Những nghiên cứu của Francois Houtart về Hải Vân là công trình quan trọng và ảnh hưởng nhiều đối với nghiên cứu xã hội học nông thôn, đặc biệt là về phương pháp nghiên cứu. Cùng với công trình của Vũ Quốc Thúc[8]về làng xã Việt Nam, thì công trình của Francois Houtart là tài liệu gối đầu giường cho các nhà nghiên cứu xã hội học nông thôn ở Việt Nam sau này”[9].
Những buổi tiếp xúc ban đầu ấy của các nhà xã hội học phương Tây ở Việt Nam, dù còn nhiều hạn chế nhưng cũng đạt được những kết quả nhất định. Về mặt chuyên môn, như GS Phạm Đức Dương chia sẻ thì những người tham dự các buổi thuyết trình đã hiểu rõ hơn về hệ thống khái niệm và phương pháp nghiên cứu của xã hội học, tạo tiền đề và cảm hứng cho các nhà nghiên cứu xã hội học về sau. Đó cũng là bước mở đầu cho quan hệ hợp tác nghiên cứu với giới xã hội học thế giới, dù ngay sau đó đã gặp phải những sự cố, nhưng khi điều kiện chung của đất nước và tầm nhìn của lãnh đạo thay đổi thì chính các nhà xã hội học phương Tây này (như trường hợp Francois Houtart) đã quay lại và giúp đỡ nhiều cho ngành xã hội học Việt Nam phát triển. Năm 2009, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác khoa học giữa Viện Xã hội học Việt Nam và Trung tâm Ba châu (CETRI) của Bỉ, lãnh đạo Viện đã phát biểu tri ân đối với hai nhà khoa học mở đầu mối quan hệ này là F. Houtart và G. Lemerciniez, xem họ như là một phần của lịch sử xã hội học Việt Nam nói chung và Viện Xã hội học nói riêng: “Chúng tôi bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn đối với Francois Houtart và Lemerciniez đã mất, với những người bạn ở CETRI, với tất cả cán bộ nhân viên Viện Xã hội học, với lãnh đạo và nhân dân xã Hải Vân đã nhiệt tình và kiên trì xây dựng ngành khoa học xã hội học ở Việt Nam, và cái còn quý hơn là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người”[10]. Đồng thời, lãnh đạo Viện Xã hội học cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của F. Houtart trong việc giúp tìm nguồn tài trợ và thực hiện các công trình hợp tác nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam.
Cũng chính vì vậy mà hai cuốn sổ ghi chép của GS.TS Phạm Đức Dương về các buổi thuyết trình, trao đổi của các nhà xã hội học Bỉ và Pháp đã trở thành tài liệu quý. Dù đã trải qua trên ba chục năm, màu thời gian nhuốm ố và bị mối xông, nhiều tờ đã rách, nhưng nội dung của hai cuốn sổ hầu như còn nguyên vẹn. Sinh thời, GS.TS Phạm Đức Dương từng sử dụng nhiều lần các ghi chép này trong quá trình nghiên cứu khoa học, những nội dung quan trọng được ông gạch chân để lưu ý. Nay ông đã về thế giới bên kia, hai cuốn sổ trở thành tài liệu – hiện vật có giá trị về buổi đầu giới khoa học xã hội ở Hà Nội tiếp cận với xã hội học phương Tây, khi Việt Nam còn chưa bước sang thời kỳ đổi mới.
Bùi Minh Hào
______________________
[5]. Phỏng vấn GS Phạm Đức Dương ngày 06-11-2009, tài liệuđã dẫn.