Hai di cảo về hướng đạo sinh

Trong số 1.109 tài liệu – hiện vật của nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu mà gia đình đã trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào năm 2011, có hai tài liệu liên quan đến phong trào Hướng đạo sinh ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) hồi những năm 30 của thế kỷ XX.

Thứ nhất, đó là bản thảo bài tham luận không có tiêu đề, được ông Thấu viết cho cuộc hội thảo ngày 25-5-1991 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ nhận làm Chủ tịch danh dự Hội Hướng đạo Việt Nam. Bản thảo này chỉ có 2 trang, viết bằng bút bi mực xanh trên hai tờ giấy mỏng khổ 21,5cm x 27,5cm. Nét chữ nhỏ và đều. Giấy đã ố do lâu năm nên ngả sang màu vàng, có nếp gấp đôi, mép trái và mép phải bị quăn và rách nhiều. Tuy vậy, vẫn đọc rõ và đủ được cả 4 nội dung chính: Giới thiệu chung về đoàn hướng đạo và huynh trưởng; Thành phần tham gia; Đánh giá tác dụng của phong trào; Một số tên đoàn viên tiêu biểu.

Thứ hai, đó là bản tham luận có tiêu đề “Phương pháp giáo dục Hướng đạo và các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở Đaklak” do ông Thấu dự thảo để tham gia cuộc hội thảo khoa học “Phương pháp Hướng đạo với việc giáo dục trẻ em”, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5-1994. Tài liệu này gồm 8 trang (8 tờ) viết tay, trình bày 3 nội dung: Mấy nét về bối cảnh lịch sử; Những điểm mạnh và điểm yếu của Hướng đạo sinh người Thượng; Tác động của phương pháp giáo dục Hướng đạo. Sau khi hoàn thành, ông gửi bản tham luận này tới ban tổ chức hội thảo, rồi ngày 6-5-1994 ông được nhận lại một bản photocopy, khổ giấy 20,8cm x 29,5cm, mặt sau của tờ cuối cùng có thư viết bằng bút bi mực xanh của ông Lê Duy Thước – Thư ký ban liên lạc lâm thời cựu Hướng đạo sinh Việt Nam, viết như sau: Tg (thân gửi – TG) anh Thấu. Cảm ơn anh đã cố gắng viết tham luận tốt. Tôi đã photo gởi lại anh 1 bản. Anh Cảnh (Trịnh Quang Cảnh – TG) họp 5/5 sẽ báo cáo lại anh. Chúc anh khỏe. Thân ái. Đến nay, giấy cũng đã ố vàng, có 3 nếp gấp ngang và có vết gỉ sắt do ghim.

Hai di cảo về hướng đạo sinh của ông Nguyễn Hữu Thấu

Về lịch sử phong trào Hướng đạo trên thế giới và ở Việt Nam, có thể hiểu sơ lược như sau: Phong trào Hướng đạo khởi phát ở nước Anh vào những năm cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XX từ ý niệm và cách hình dung của một cá nhân – Baden Powell (1857-1941), là một quân nhân giỏi về trinh sát – quân báo… Ông thừa nhận Hướng đạo là trường học về lòng yêu nước bằng nghệ thuật của núi rừng… Trong cuộc thử nghiệm tại đảo Brownsea với 20 em nhỏ ở lứa tuổi thiếu niên, kết quả thật ngoài sự mong đợi, bùng nổ và truyền lan như thuốc súng trong Đảo quốc và bén nhanh qua đại dương và vào lục địa… Hai thập kỷ sau (1929-1930) phong trào Hướng đạo mới chớm vào Việt Nam. Nhóm thanh niên dân tộc đang trăn trở với vận mệnh đất nước sau việc thực dân Pháp đàn áp tàn khốc các cuộc nổi dậy của phong trào Văn thân, Đông kinh nghĩa thục và các cuộc khởi nghĩa Xôviết Nghệ Tĩnh – Yên Bái – Nam Kỳ – Đô Lương…, đã thấy ở phương pháp Hướng đạo một công cụ thần diệu giúp mình thực hiện lý tưởng, tạo ra những con người nhiệt tình với đất nước, với dân tộc[1]. Hội Hướng đạo Việt Nam được ông Hoàng Đạo Thúy[2] sáng lập vào năm 1930, trong thời thuộc Pháp. Để được phép hoạt động công khai, Hướng đạo Việt Nam phải cam kết không hoạt động và cổ động về chính trị. Sau này, ông Hoàng Đạo Thúy chia sẻ: Khi đó chúng mình có biết và nghĩ gì nhiều về hướng đạo đâu, mà chỉ coi đó là hội rèn luyện lòng yêu nước bằng phương pháp hướng đạo[3]. Trên thực tế, mục đích của giáo dục hướng đạo ngay từ thời Pháp thuộc là đào tạo những công dân tốt cho đất nước Việt Nam và điều này chính nó đã bao hàm một thái độ chính trị[4].

Cũng như nhiều thanh niên lúc bấy giờ, Nguyễn Hữu Thấu nhận thức được tác dụng và ý nghĩa lớn lao của phong trào Hướng đạo là nhằm giúp anh em hướng đạo bảo nhau yêu nước và tự rèn luyện thành người công dân tốt, sắp sẵn phụng sự Tổ quốc[5]. Vì thế, năm 1935, Nguyễn Hữu Thấu gia nhập Thiếu đoàn Đại La – Hà Nội, và từ năm 1936 đến 1937 ông tham gia Tráng đoàn Bạch Mã ở thành phố Huế. Cho đến khi được điều lên Đắc Lắc dạy tại trường Tiểu học Pháp – Êđê ở Buôn Ma Thuột từ năm 1938 đến 1945, ông trở thành vị “thủ lĩnh” truyền bá và dẫn dắt phong trào Hướng đạo sinh ở đây phát triển một cách vững mạnh, góp phần gây dựng lực lượng trẻ nòng cốt đóng góp tích cực cho phong trào Việt Minh giành chính quyền tại tỉnh này hồi tháng 8-1945. Có tài liệu cho biết ngọn nguồn như sau: Tổ chức hướng đạo đầu tiên ở Ban Mê Thuột là một đội (patrouille) thiếu sinh gồm các em học sinh lớp 6 niên khóa 1938-1939 của trường Pháp – dân tộc thiểu số Ban Mê Thuột (Groupe scolaire franco minoritaire de BanMéThuot), gồm phần lớn là các em người Êđê hay được coi là như vậy, vài em người Giarai và một em người Mnông. Đoàn trưởng là một giáo viên, tên là Nguyễn Hữu Thấu… Anh đã thử đem áp dụng một số phương pháp giáo dục hướng đạo vào lớp năm thứ 5 mà anh phụ trách có kết quả[6].

Bấy giờ, toàn bộ khu vực Tây Nguyên đều nằm dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp ở xứ Trung kỳ. Suốt quá trình thống trị ở đây, người Pháp luôn âm mưu chia cắt và chia rẽ nhằm tách Tây Nguyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thậm chí người Kinh bị coi là “người ngoài”, Pháp cấm đoán mọi quan hệ của người dân bản địa với người Kinh, kìm hãm người bản địa trong vòng lạc hậu của xã hội thị tộc nhằm thực hiện độc quyền thống trị và bóc lột các dân tộc[7]. Họ thiết lập ở Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng hai chế độ cai trị khác nhau, hai chế độ tư pháp khác nhau, hai chế độ công nhân viên chức khác nhau, và đặc biệt là hai hệ thống giáo dục khác nhau. Học sinh người Thượng[8] có sách giáo khoa và trường lớp riêng, phải học tiếng Pháp và tiếng Êđê, không được học tiếng Kinh (chữ Quốc ngữ); học sinh được đào tạo để trở thành binh lính, cai ký đồn điền… Ở Buôn Ma Thuột, Pháp còn lập ra một nhà tù lớn giam cầm các chiến sĩ cách mạng, lấy đó để đe dọa người Thượng, đặc biệt là những ai muốn theo người Kinh làm cách mạng.

Trong bối cảnh đó, phong trào Hướng đạo đã cắm rễ, nảy mầm và phát triển. Ban đầu, phong trào còn bó hẹp trong một số học sinh và công chức ở thị xã Buôn Ma Thuột, nên thầy giáo Nguyễn Hữu Thấu tổ chức thành một đoàn, lấy tên là Ea Krong – tên một con sông ở tỉnh Đắc Lắc. Lúc này, đoàn Ea Krong có một đội Hướng đạo sinh khoảng 20 em học sinh dân tộc thiểu số, một đội Sói con là các em bé người Kinh – lúc đông nhất khoảng 14 em, và một đội Tráng sinh khoảng 10 viên chức người dân tộc và người Kinh[9]. Trong bản thảo bài tham luận năm 1991, ông Nguyễn Hữu Thấu chỉ rõ: Thành phần tham gia: học sinh, công chức, thợ thủ công (chủ yếu là học sinh và công chức). Vì học sinh học hết 2 năm là ra trường về quê hoặc đi làm xa, nên hàng năm chỉ bổ sung được số lượng ra đi. Về công chức thì từ ngày có phong trào, anh em trẻ đều kiên định ở lại BMT (Buôn Ma Thuột – TG). Trước đó, ai lên làm việc 2 năm là xin về xuôi.

 

Đoàn Hướng đạo sinh do ông Nguyễn Hữu Thấu là Đoàn trưởng (khoảng 1938-1945)

Với đặc thù của vùng cao nguyên còn khá hoang sơ, xã hội còn nhiều tàn dư thị tộc mẫu hệ, nền kinh tế nặng tính tự cung tự cấp, lao động sản xuất thuần túy dựa vào sức người và phụ thuộc thiên nhiên, nên các hướng đạo sinh người Thượng ở đây vốn sẵn có đức tính cần cù, tháo vát, thuần phác và quả cảm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thấu nhận ra một số điều quan trọng, như ông diễn giải trong tham luận “Phương pháp giáo dục Hướng đạo và các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở Đaklak” năm 1994: … những con người đó một khi bị nhổ tách ra khỏi môi trường buôn làng, cộng đồng dân tộc mình, tiếp xúc với những ông Tây, bà đầm mắt xanh mũi lõ, những phố xá đông đúc, ở đâu cũng thấy lính lăm lăm khẩu súng trong tay chửi rủa, đánh đập tù nhân lao dịch… họ tự cảm thấy như bị mất gốc, hụt hẫng, yếu đuối nên mặc cảm tự ti rất nặng. Từ mặc cảm tự ti dẫn đến thụ động, nhút nhát, rụt rè, mất phương hướng. Hơn nữa, trong trường phải học tiếng Pháp – một thứ tiếng xa lạ, mơ hồ, nên họ càng tự ti và chán học. Học lực của họ rất thấp, không ít học sinh coi việc đến trường là một cực hình cho nên đã bỏ trốn về làng, nhưng rồi lại bị chức dịch bắt trả lại nhà trường. Học sinh người Thượng từ lớp 1 đến lớp 5 không được học môn lịch sử, phải đến lớp 6 ở trường mới dạy lịch sử nhưng với nội dung thiên lệch, chẳng hạn như bài “Sự chiếm đóng và khai phá lãnh địa Mọi của đế quốc Pháp”… Vì vậy, trong tham luận năm 1994, ông Thấu chỉ ra một thực trạng đáng tiếc tồn tại ở xứ sở này: … học sinh Thượng không có ý niệm gì về đất nước, Tổ quốc Việt Nam, về dân tộc Việt Nam. Họ không hiểu nguồn gốc của dân tộc mình, của mảnh đất mình đang sinh sống, mà chỉ thấy có Pháp, sức mạnh quân sự, kinh tế, văn hóa của Pháp. Cùng với đó, thực dân Pháp và tay sai lợi dụng tính thật thà chất phác của người Thượng, ra sức tuyên truyền nói xấu người Kinh, nên họ ít có thiện cảm và thậm chí còn muốn xa lánh người Kinh.

Trước tình hình như vậy, huynh trưởng Nguyễn Hữu Thấu đề ra phương pháp giáo dục phù hợp nhằm phát huy các sở trường và hạn chế các điểm yếu của hướng đạo sinh người Thượng: Do anh Thấu biết tiếng Êđê nên đội Hướng đạo sinh Êđê đã sử dụng các bài hát nghi thức và các điều lệ hướng đạo toàn bằng tiếng Êđê, giúp cho anh em dân tộc hiểu khá tường tận về nội dung phong trào hướng đạo sinh[10]. Trong bản tham luận năm 1994, ông Thấu cũng cho biết: Lần đầu tiên gây dựng được phong trào văn nghệ, từ đó gây được một niềm phấn khởi trong anh em, đẩy mạnh được học tập, giành được thành tích học tập như chưa từng có.

Hình thức sinh hoạt ngoài trời được tổ chức trong rừng sâu, bên khe suối. Các buổi đi cắm trại, lao động, thăm danh lam thắng cảnh… có tác dụng rèn luyện thêm sự tháo vát, năng động cho các hướng đạo sinh. Ông Thấu còn cho tổ chức các hoạt động kiểu vừa học vừa chơi như tìm phương hướng trong rừng, đắp đập ngăn khe, băng bó vết thương, ca hát nhảy múa… Những hoạt động như thế, theo ông Thấu nhận xét trong tham luận năm 1994 thì rất thích hợp với tâm sinh lý cố hữu của họ, nên họ tiếp thu rất nhanh và mau chóng trở nên thành thạo. Nói chung, so với nhiều hướng đạo sinh cùng lứa người Kinh thì hướng đạo sinh người Thượng có phần tiếp thu nhanh hơn và thực hiện thành thạo, chuẩn xác hơn. Qua tiếp xúc trong môi trường tập thể, cùng sinh hoạt với huynh trưởng và tráng sinh người Kinh, hướng đạo sinh người Thượng dần nhận thấy sự thân thiện Kinh – Thượng, họ thấy các huynh trưởng người Kinh cũng thân tình, ngay thẳng, thật thà và chăm chỉ, khác hẳn với những lời xuyên tạc của thực dân Pháp. Nhờ vậy, đã có một sự chuyển biến tích cực, được ông Thấu đề cập tiếp trong bản tham luận năm 1994: Từ đó, sự ngăn cách giữa người Kinh và người Thượng từng bước được khắc phục, thành kiến với người Kinh giảm đi rõ rệt. Trong đoàn hay đội Hướng đạo sinh, tất cả cùng nhau tham gia các trò chơi, cùng nhau cắm trại…, qua đó càng làm cho họ đoàn kết, gắn bó thân tình hơn. Đó cũng là quá trình người Thượng và người Kinh học tiếng nói của nhau, chuyện trò và tâm tình với nhau, gần gũi và hiểu nhau như anh em một nhà.

Bên cạnh đó, huynh trưởng Nguyễn Hữu Thấu chủ trương thực hiện phương pháp tự quản, cho các đội trưởng và các thành viên là người Thượng từng bước làm quen với lối sống tự quản, tự vạch ra chương trình, kế hoạch và điều hành các hoạt động của đội hay đoàn mình. Chính cách làm đó đã giúp các hướng đạo sinh gia tăng sự tự tin, lòng tự trọng, giảm đi tính e dè, thụ động, nhờ vậy học lực của nhiều em được nâng lên và trở thành học sinh khá, giỏi. Vẫn trong bản tham luận năm 1994, ông Thấu có kể về một sự kiện: Năm 1942, tên giám thị của trường Pháp – Êđê Buôn Ma Thuột bắt học sinh phải tăng thêm giờ lao động sản xuất, nhưng lại cắt bớt phần ăn, thì học sinh hướng đạo Y Wing đã cùng với các hướng đạo sinh khác vận động tất cả các học sinh dân tộc đứng lên phản đối và kéo nhau lên gặp hiệu trưởng người Pháp để tố cáo những hành động hà khắc của tên giám thị. Cuối cùng, hiệu trưởng phải bãi bỏ việc tăng thêm giờ lao động và khôi phục lại khẩu phần ăn cho học sinh như cũ. Điều đó thể hiện sự tự tin, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết đứng lên đòi quyền lợi của các hướng đạo sinh người Thượng, đồng thời tâm lý sợ người Pháp của họ giảm đi đáng kể.

Cũng qua các buổi sinh hoạt tại đoàn và đội, huynh trưởng Nguyễn Hữu Thấu cho các hướng đạo sinh tập một số bài hát Việt Nam có nội dung yêu nước như “Bạch Đằng giang”, “Thanh niên hành khúc”…, bên cạnh những bài hát tiếng Pháp và tiếng dân tộc. Ông còn cho tổ chức diễn kịch về những nhân vật lịch sử có công chống ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền… Những việc làm cụ thể này dần dần gợi mở cho học sinh người Thượng một ý niệm về Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, mà trước đó họ rất mơ hồ. Họ hiểu rằng mình cũng là thành viên của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã có mấy nghìn năm lịch sử anh hùng, bất khuất – ông Thấu viết trong bài tham luận năm 1994 như vậy.

Có thể nói, phương pháp hướng đạo của thầy giáo Nguyễn Hữu Thấu đã có tác động rất lớn đối với các em học sinh người Thượng ở Đắc Lắc. Nếu ý đồ của thực dân Pháp là đào tạo học sinh để cung cấp cho các đội lính khố xanh, khố đỏ địa phương[11] và làm cai ký đồn điền, thì sau khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết số học sinh là hướng đạo sinh đã chọn theo nghề thầy giáo, y tá hoặc viên chức để sinh sống.

Năm 1945, khi phong trào Việt Minh lan rộng trên cao nguyên Đắc Lắc, hầu hết hướng đạo sinh đều hăng hái tham gia, ủng hộ cách mạng, tham gia giành chính quyền và xây dựng chính quyền nhân dân tại địa phương. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, họ vẫn kiên định theo đuổi lý tưởng yêu nước được hun đúc từ phong trào Hướng đạo sinh. Trong bản tham luận năm 1991, khi đánh giá về tác dụng của phong trào này, ông Nguyễn Hữu Thấu cho biết: Một số nhi đồng đã trở thành những Đảng viên, cán bộ cách mạng được Đảng tin cậy (Y Ngông, Y Nuê, Ma Khê…); Ksor Ny – Chủ tịch Ủy ban tỉnh Gia Lai – Kon Tum trong nhiều khóa; nhạc sỹ Y Giơn; Y Tlam – Đại tá Quân y… Thêm nữa, nhà văn Đỗ Chu cũng nhìn nhận vừa chân thực, vừa khái quát: Có cậu lúc còn là học trò thì dốt đặc cán táu, nhiều lần phải ăn đòn bằng một cái thước gỗ lim của cụ (Nguyễn Hữu Thấu – TG), nhưng ra đời thì lại xuất sắc không chê vào đâu được. Đó chính là những chàng Đăm Săn, là những người anh hùng rất tài năng, chính họ đã góp phần không nhỏ cùng đất nước làm nên một bộ sử thi của thời đại Hồ Chí Minh[12].

*

* *

 

Từ một anh học trò xuất thân trong gia đình thuộc thành phần dân nghèo thành thị ở thị xã Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Thấu rời quê hương với khát vọng được học rộng biết nhiều cùng hoài bão cháy bỏng được đem sở học của mình cống hiến cho quốc gia, dân tộc. Cuộc hành trình qua những miền đất nước từ quê nhà Thanh Hóa, ra Hà Nội, ngược vào Huế, rồi lên xứ sở đại ngàn Tây Nguyên, có thể coi đó là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Và nếu như Thanh Hóa – Hà Nội – Huế trang bị cho ông hành trang vững chắc về tri thức, thì Tây Nguyên chính là nơi ông phát huy sở học. Ông từng nói rằng mảnh đất và con người nơi ấy đã làm cho cuộc đời mình đậm đà thêm[13]. Trước khi trở thành một cán bộ nghiên cứu, một nhà dân tộc học có tiếng về khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, trước khi được nhà văn Đỗ Chu gọi là “ông già ngồi dịch Đăm Săn”, ông Nguyễn Hữu Thấu đã từng là một thầy giáo, một vị huynh trưởng của đoàn Hướng đạo Ea Krong ở Đắc Lắc như thế.

Đỗ Minh Khôi

________________________

* Ông Nguyễn Hữu Thấu (1915-2002) là một nhà dân tộc học có uy tín về vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, làm công tác nghiên cứu từ khi ở Ủy ban Dân tộc Trung ương cho đến thời kỳ ở Viện Dân tộc học. Trong thời gian làm việc ở Viện Dân tộc học (1968-1979), ông từng là Trưởng phòng Thông tin – Tư liệu – Thư viện và Thư ký Tòa soạn Tạp chí Dân tộc học.

[1];[3]Vũ Phạm Thuyên, “Hướng đạo Việt Nam với sự nghiệp giáo dục thiếu niên – nhi đồng”, Hội thảo khoa học “Phương pháp hướng đạo với việc giáo dục trẻ em”, Hà Nội, tháng 5-1994, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[2] Ông Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) là một nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa- xã hội.

[4] Lê Duy Thước (tổng hợp), “Tài liệu chuẩn bị cho cuộc tọa đàm về phương pháp hướng đạo với việc giáo dục trẻ em”, ngày 5-5-1994, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[5] Lê Duy Thước, “Về lịch sử phong trào hướng đạo Việt Nam”, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[6]; [7]; [9]; [10]; [11]Đào Tử Chí, “Vài nét về đoàn hướng đạo ở Ban Mê Thuột trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[8] “Người Thượng” là tên gọi dùng chỉ các dân tộc bản địa Tây Nguyên, như: Êđê, Mnông, Giarai, Bana…

[12];[13]Đỗ Chu, “Ông già ngồi dịch Đăm Săn”, ngày 23-3-2009.