Năm 1969, ông Vũ Triệu An đã 43 tuổi. Là trưởng bộ môn Sinh lý bệnh ở trường Đại học Y Hà Nội, mải mê với công việc nghiên cứu và giảng dạy, ông hầu như không để tâm đến chuyện lập gia đình. Thấy thế, hai vợ chồng người bạn là Độ và Thọ đã chủ động giới thiệu thầy giáo Vũ Triệu An làm quen với cô cán bộ công đoàn trường Sư phạm cấp I Lĩnh Nam – Phạm Thị Vy. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi mồng 1-6, thầy An tới gặp cô Vy để đặt vấn đề về việc khám sức khỏe cho học sinh. Vì trường ở xa mà nhà thầy An ở ngay phố Triệu Việt Vương, nên cô Vy đã đồng ý để thầy An đến bàn công việc tại nhà mình ở phố Trần Quốc Toản. Từ đó, biết bố của cô Vy vốn là công chức thời Pháp và rất giỏi tiếng Pháp, nên mỗi lần đến nhà, thầy An thường trò chuyện với cụ về văn hóa và văn học Pháp. Cô Vy không hề biết rằng, thầy An đến không chỉ vì việc công, mà còn có ý tìm hiểu mình. Thời gian đầu, cô không có ấn tượng gì với vị khách này, cũng bởi giữa hai người có sự chênh lệch tuổi tác khá nhiều: thầy An sinh năm 1926, còn cô ra đời sau tới 17 năm. Để tạo thêm cơ hội cho hai người tìm hiểu nhau, vợ chồng anh chị Độ – Thọ thường rủ họ đi chơi, đi xem phim… Cuối cùng, sự tác động của bạn bè, sự ủng hộ của gia đình và những động thái nhiệt thành của thầy An đã khiến cô Vy dần cảm mến thầy An. Nay kể về thời kỳ ấy, bà Vy chia sẻ: Ông ấy rất kiên trì, buổi sáng thường mang hoa hồng đến tặng tôi[1].
Hai kỷ vật về sự kiện trọng đại trong cuộc đời ông bà Vũ Triệu An – Phạm Thị Vy
Sau thời gian "tìm hiểu" kéo dài khoảng một năm, từ 1969 đến 1970, hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Theo thỏa thuận giữa đôi bên gia đình, các nghi thức sẽ được tổ chức giản dị, đầm ấm nhưng cũng cần trang trọng. Trong buổi dạm ngõ, họ nhà trai đem theo cơi trầu và bánh kẹo đến xin phép nhà gái cho đôi trai gái Vũ Triệu An – Phạm Thị Vy được chính thức tìm hiểu nhau. Mặc dù ông An lúc này đã lớn tuổi, nhưng không vì thế mà vội vàng hay bỏ bớt những thủ tục cần thiết. Năm 1971 hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thức ăn hỏi, tổ chức tiệc cưới, bà Phạm Thị Vy kể: Miếng trầu là đầu câu chuyện nên việc "kén cau" rất quan trọng. Mẹ chồng tìm mua buồng cau phải có nhiều quả, nhiều râu và đẹp mắt. Còn ngày giờ cụ thể thì hai gia đình đi xem thầy, rồi cùng thống nhất một ngày, sao cho thuận tiện[2]. Lễ cưới diễn ra đơn giản tại nhà trai, nhà gái, có đông họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp tham dự. Quà mừng cưới thời đó là những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống như phích nước nóng, bát, đĩa, xoong, chậu…, nhưng rất có ý nghĩa và quan trọng đối với cô dâu chú rể.
Thời đó hàng hóa đều phân phối theo quy định. Sau khi đã đăng ký kết hôn, đôi tân hôn được phòng Thương nghiệp cấp cho một tờ phiếu mua hàng cưới. Trong trường hợp này, phiếu mua hàng cưới được cấp theo tiêu chuẩn công tác của chú rể Vũ Triệu An. Trên tờ phiếu mua hàng có nhiều ô định sẵn, tương ứng với các mặt hàng được mua, như: chăn, màn, xoong, nồi, tủ, giường…, có ghi cả thời hạn sử dụng từ ngày 22-11-1971 đến 22-12-1971. Khi mua mặt hàng nào, nhân viên bán hàng cắt lấy một ô dành cho mặt hàng đó. Hai người chỉ sử dụng tờ phiếu này để mua chăn, màn, xoong, nồi, còn tủ và giường thì gia đình chú rể đặt thợ đóng. Bà Vy cho biết: Có phiếu mua hàng cưới này, vợ chồng tôi mua được đồ dùng với giá rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài. Đây là sự hỗ trợ của Nhà nước với trí thức như ông Vũ Triệu An. Tôi xem đó là một vinh dự rất lớn[3].
Giờ đây, khi đã lớn tuổi, bà Vy nghiệm lại thấy những điều thầy tử vi đã phán cho bà từ thời thanh nữ nhiều phần đúng. Bà vui vẻ thổ lộ, thầy xem lá số và bảo rằng: Chồng sẽ sống rất thọ nhưng mắt thì kém, còn vợ sẽ có bệnh ở tai; hai vợ chồng sẽ hạnh phúc, nhiều lộc, sống thọ, nhưng về đường con cái thì rất hiếm…
Ngày 25-6-2014, GS Vũ Triệu An đã tặng tấm thiếp mời và tờ phiếu mua hàng cưới cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Thiếp mời là do chú rể và cô dâu tự thiết kế, có kích thước 13,5cm x 7,5cm, in chữ xanh trên nền trắng, gồm hai phần: một bên có thông báo thời gian tổ chức lễ thành hôn và một bên là ngày giờ dự "tiệc trà thân mật". Phiếu mua hàng cưới có kích thước 12,2cm x 10,3cm, vì không mua hết các mặt hàng theo tiêu chuẩn nên vẫn còn thừa một số ô. Cả hai kỷ vật này đều đã cũ, bị ố và quăn mép, nhưng chứa đựng những ký ức về một dấu mốc không thể quên trong cuộc đời hai ông bà.
Nguyễn Thị Phương Thúy
_________________________
[1] Phỏng vấn GS Vũ Triệu An, 25-6-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Phỏng vấn GS Vũ Triệu An, 25-1-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Phỏng vấn GS Vũ Triệu An, 25-1-2015, tài liệu đã dẫn.