Hai kỷ vật và tình phụ tử

PGS.TS Lê Văn Tiến xúc động khi nhớ về cha

PGS.TS Lê Văn Tiến cho biết, hai kỷ vật này – chiếc hộp đựng kính và chiếc đế lót để đặt cái gạt tàn thuốc lá, đều do cha là cụ Lê Văn Nghĩa tự tay làm cho ông. Với ông, hai vật dụng này quý giá khác thường, bởi chúng là hiện vật về tình phụ tử cùng sự hy sinh lớn lao của người cha đã là bệ đỡ cho ông theo đuổi con đường học hành và thành đạt.

PGS.TS Lê Văn Tiến sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc tại Thụy Khuê, Hà Nội. Từ đời ông nội đến đời cha đều làm thợ mộc và không được đến trường. Trong họ tộc cũng chỉ có người chú út của ông Tiến được đi học tử tế và trở thành thầy giáo dạy chữ quốc ngữ cho người dân ở khu vực Thụy Khuê và Ngọc Hà. Vì thế, người chú này được coi là biểu tượng của gia đình, dòng họ cũng như bà con lối xóm. PGS Lê Văn Tiến còn nhớ, hồi 5 tuổi ông thường theo chân chú đến các lớp học và ngồi nghe chú giảng bài; nhờ vậy, khi 6 tuổi ông đã đọc thông viết thạo và biết làm những phép tính đơn giản.

Năm 1951, một biến cố lớn xảy ra: mẹ của Lê Văn Tiến mất khi sinh nở. Từ đó, cả gia đình sống dựa vào một nguồn thu nhập của cha từ làm mộc tại Công ty Bia rượu Hà Nội. Trong ký ức của PGS Lê Văn Tiến, cụ Nghĩa khi đó phải vừa kiếm tiền nuôi cả nhà, vừa đảm nhiệm công việc thay vợ nuôi dạy 3 con thơ. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần như thế, cụ Nghĩa vẫn động viên các con: Nhà mình ít có điều kiện học, bây giờ các con được đi học thì phải cố gắng học cho tốt![1]. Lời nhắc nhở của cha như một lời động viên giúp Lê Văn Tiến quyết tâm học thật tốt.

Năm 1956, sau 5 năm một mình nuôi dạy các con, cha của Lê Văn Tiến quyết định đi bước nữa với một người phụ nữ làm cùng Công ty Bia rượu Hà Nội. Tuy vậy, cuộc sống gia đình không có nhiều xáo trộn, người cha vẫn cặm cụi lao động để lo cho các con và theo đuổi thực hiện một điều tâm niệm: Phải cho con học chữ để tránh khỏi sự khờ dại vì thiếu học[2]. Có những khi cụ Nghĩa phải làm thêm cả ngày chủ nhật và tranh thủ kiếm thêm việc từ những gia đình hàng xóm để gia tăng thu nhập. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha, Lê Văn Tiến cố gắng học tập tốt để mong có ngày đền đáp công ơn của cha.

Cũng vào năm 1956, Lê Văn Tiến tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp và xin đi học Trung cấp Sư phạm chuyên nghiệp. Nhưng không rõ vì sao, ông lại được gọi vào học trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Lúc đó, cụ Nghĩa không khỏi lo ngại khả năng kinh tế gia đình không cáng đáng nổi việc ăn học của con, nhưng vẫn động viên: Thôi, con cố gắng học, sau này làm việc khác để đỡ phải làm thợ vất vả như bố![3].

Sau một năm học bổ túc, Lê Văn Tiến được phân vào học khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Mặc dù ấp ủ ước nguyện làm giáo viên giống như chú út, nhưng khi được phân công học về cơ khí ông cũng cảm thấy vui, vì nghĩ rằng sẽ có thêm kiến thức để phát triển nghề mộc của dòng tộc. Ngày Lê Văn Tiến trở thành sinh viên, người cha gạt mối lo toan cuộc sống để động viên con: Được vào đại học rồi thì cố mà học![4]. Nay nhớ lại giây phút ấy, ông xúc động thổ lộ: Chỉ một câu nói của cha mà tôi nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong việc học, cần phải cố gắng để không làm cha phải bận lòng[5].

Suốt những năm tháng học ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Lê Văn Tiến luôn chăm chỉ và đạt kết quả học tập tốt, học kỳ nào cũng được nhận học bổng của trường. Ông luôn cố gắng tiết kiệm, chỉ chi tiêu bằng tiền học bổng hàng tháng, để không phải xin thêm tiền của bố. Nhìn lại quãng thời gian sinh viên, ông cho rằng đó là thời kỳ ông cảm nhận được rõ rệt và sâu sắc niềm vui cùng niềm tự hào của cha về mình. Có lẽ, cụ Nghĩa tự hào vì có một người con đã làm rạng danh cho dòng họ, bởi dòng họ Lê của cụ đến lúc ấy chưa có ai từng được vào đại học. Theo PGS Lê Văn Tiến, chính niềm tự hào đã giúp người cha vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để gắng sức làm lụng nuôi 3 con đi học.

Học xong năm thứ ba tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Lê Văn Tiến được cử sang Liên Xô học theo chế độ chuyển tiếp sinh. Ngày đó, chàng sinh viên có băn khoăn, bởi nếu ở lại tiếp tục học thêm một năm rồi ra trường thì sẽ nhanh được đi làm để phụ giúp cha nuôi các em, còn đi học ở Liên Xô thì phải 3 năm sau mới về nước. Trong lòng Lê Văn Tiến tuy khao khát muốn du học nước ngoài, nhưng lại day dứt về người cha tuổi đã ngoài 50 nhưng vẫn phải ngày đêm lao động vất vả để lo cho các con. Trong tình thế khó khăn để đưa ra quyết định như vậy, Lê Văn Tiến được cha khích lệ rằng: Bố không giúp gì được con, việc được đi nước ngoài học là do cố gắng của con và do quyết định của Nhà nước, con hãy đi học và hãy làm như thế nào để bõ công Nhà nước đã rèn luyện con![6].

Những năm học tại trường ĐH Bách khoa Kharcov ở Liên Xô, Lê Văn Tiến rất hay viết thư gửi về cho em gái để hỏi thăm tình hình gia đình. Ngày đó, mỗi lá thư đi và về mất khoảng vài tuần. Theo PGS Tiến bộc bạch, mỗi lần nhận được thư em gái gửi sang, ông nóng lòng muốn biết tin của cha nhắn cho mình. Vốn là người kiệm lời, sống nội tâm, cụ Nghĩa thường chỉ nhắn bảo con trai yên tâm học tập, cả nhà vẫn khỏe. Mặc dù cụ Nghĩa không nói ra, nhưng chàng sinh viên Lê Văn Tiến cảm nhận được, cha của mình tự hào đến nhường nào khi có con trai được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài.

Năm 1963, kết thúc khóa học chuyển tiếp sinh, Lê Văn Tiến về nước và được phân công công tác tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vậy là ước nguyện trở thành giáo viên của ông cuối cùng cũng thành sự thật. Ông ở ngay trong khu tập thể của trường cho tiện làm việc. Sau đó một thời gian, từ khi kết hôn với cô Kim Én, giáo viên dạy cấp hai, vợ chồng ông dọn về ở chung với cha và các em. Năm 1969, giảng viên Lê Văn Tiến lại được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ), ông về nước năm 1972 và tiếp tục công tác tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Mặc dù đã là một phó tiến sĩ và có gia đình riêng, nhưng trong mắt cụ Nghĩa thì Lê Văn Tiến vẫn là đứa con còn nhỏ, cụ vẫn lo lắng và chăm sóc cho con cẩn thận. Thấy Lê Văn Tiến có thói quen đeo kính râm nhưng lại hay bỏ quên kính, cụ đã xin một miếng tôn cũ của cụ Cả Quyết ở đầu ngõ rồi cùng cụ Cả Quyết làm thành chiếc hộp đựng kính cho con trai. Đó là chiếc hộp màu bạc, kích thước 6cm x 15cm. Trên nắp hộp có nhiều hình lục giác, mặt đáy hộp có khắc hình hoa sen cùng những chữ và số: “2-9”, “1945”, “1975”, “HTX” và “tinh hoa Hà Nội sản xuất T89 39” – tất cả các số và chữ này đều có sẵn trên tấm tôn dùng làm hộp, không phải do cụ Nghĩa tạo ra. Chiếc hộp được ông Lê Văn Tiến sử dụng và giữ gìn cẩn thận, nhờ có nó nên ông không còn hay quên kính như trước. Về sau, ông đưa chiếc hộp kính này cho con trai của mình là Lê Tiến Trường sử dụng. Đến cuối những năm 80, khi loại kính to hơn trở nên thông dụng, chiếc hộp này không thích hợp nữa, ông Tiến cất đi và luôn coi đây là món quà kỷ niệm quý chứa đựng tình cảm thương yêu của cha dành cho mình.

Hai kỷ vật: chiếc đế lót gạt tàn và hộp đựng kính

Ngoài chiếc hộp đựng kính, khoảng năm 1980, cụ Nghĩa còn làm chiếc đế bằng gỗ để ông Tiến lót dưới cái gạt tàn thuốc lá – liên quan đến thói quen hút thuốc của ông. Chiếc đế lót có màu nâu, kích thước 14,6cm x 16,6cm, hình móng ngựa và được tạo thành hai cấp, phần trên thu nhỏ đều một chút so với phần dưới. Từ đó đến nay, PGS Lê Văn Tiến vẫn thường dùng chiếc đế này để đặt lên đó cái gạt tàn thuốc hoặc ly nước uống. Đây là món quà cuối cùng của cha tự tay làm cho ông. Năm 1983, cụ Nghĩa qua đời vì chứng rối loạn điện giải. Ông Tiến day dứt mãi vì phận làm con mà chưa đền đáp được công ơn của cha.

Cầm hai kỷ vật của người cha đã quá cố, PGS.TS Lê Văn Tiến xúc động giãi bày tâm sự: Vì mẹ mất sớm nên cha phải một mình nuôi các con; vì vậy, tình cha con tôi trở nên thắm thiết và đặc biệt hơn[7].

Hoàng Thị Kim Phượng

____________________

[1] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Lý lịch sinh viên của PGS.TS Lê Văn Tiến, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 8.

[3] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 22-12-2015, tài liệu đã dẫn.