Hai lần tới Trường Sa

Nhắc tới hai chữ ‘Trường Sa”, vùng đất tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc, GS.TS Đỗ Tiến Sâm không khỏi suy tư. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui và cũng ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác nữa, khi nhớ lại cơ duyên ra đảo. Ngày 13-3- 2009, ông được mời tham dự Hội thảo quốc gia về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức. Ông rất ấn tượng với bài tham luận về Quy chế các đảo do Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (nay là Phó Viện trưởng Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao) trình bày. Bài viết rất hay và có giá trị cao về mặt khoa học, tuy nhiên, tác giả cũng gửi lời xin lỗi tới các học giả bởi là người nghiên cứu biển đảo mà chưa một lần được tới đảo Trường Sa. GS Sâm tự thấy mình là một người nghiên cứu về Trung Quốc và tình hình Biển Đông mà cũng chưa một lần đi nghiên cứu thực tế sẽ khó cảm nhận được sâu sắc vấn đề[1].

Sau buổi hội thảo, GS Sâm rất trăn trở, suy nghĩ để có thể đi thăm Trường Sa, rồi ông quyết định viết thư công văn gửi tới Văn phòng Bộ Quốc phòng đề đạt mong muốn đi thực tế của mình. GS Sâm cho biết thêm: nếu theo nguyên tắc, công văn gửi đi cần qua Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), sau đó mới được gửi tới Bộ Quốc phòng. Để xúc tiến nhanh, ông đã dùng hình thức “mềm” hơn, gửi thư công văn nên không cần thông qua Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cũng không bị tiếng là vượt cấp. Trong thư, ông viết đại ý như sau: Tôi là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, sau khi tham dự hội thảo về Biển Đông, cũng là người nghiên cứu Trung Quốc, tôi rất mong muốn ra đảo Trường Sa, mong Thủ trưởng cơ quan sắp xếp[2].

Sau vài ngày, ông bất ngờ nhận được hồi đáp, trao đổi về chuyến đi, bởi thời điểm đó việc ra đảo rất nguy hiểm và khó khăn. Biết ông quyết tâm sẵn sàng ra đảo Trường Sa, Văn phòng Bộ Quốc phòng đã chuyển thư của ông cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam sắp xếp. Ngày 4-4-2009, GS Sâm đang ở quê Hà Nam nhân lễ Thanh minh và Giỗ họ thì nhận được điện gọi từ Bộ Tư lệnh Hải quân báo đã bố trí cho ông ra Trường Sa, chuyến đi sẽ khởi hành vào ngày 6-4, nhưng lưu ý ông là phải giữ tuyệt đối bí mật về chuyến đi. Nhận được tin, GS Sâm trong lòng rất vui nhưng cũng lo, vui vì nguyện vọng được đáp ứng, nhưng lo vì sức khỏe có đủ để đi ra đảo, đồng thời phải giữ bí mật.

Thời gian khá gấp gáp, ông chỉ kịp gọi điện trao đổi với một vài cán bộ trong Viện Nghiên cứu Trung Quốc về chuyến ra đảo và có hai người muốn tham gia cùng ông. Về nhà, ông cấp tập luyện leo cầu thang từ tầng 1 lên tầng 3 làm vợ ông rất ngạc nhiên vì ông ít khi tập thể dục.

Lần đầu được ra đảo, tâm trạng ông rất háo hức. Ông tâm sự: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể ra thăm Trường Sa, một vùng đất xa xôi của Tổ quốc. Ấy thế mà chính nơi đây đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó phai trong cuộc đời[3]. Chuyến đi khởi hành từ Quân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) trên tàu Hải quân mang tên TITAN (vốn là tàu cứu nạn) mua từ Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1973. Đây là tàu hải quân tốt nhất lúc đó với thiết kế 3 tầng. Tàu chỉ có 36 chỗ, nhưng trên chuyến đi khoảng 100 người, vì vậy giường nằm chỉ dành cho những người cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo, còn lại phải ngủ dưới sàn tàu. Chặng đường ra đảo kéo dài 48 tiếng lênh đênh trên biển cả mênh mông, khi gặp những con sóng lừng, nhiều người nôn nao vì say sóng và rất mệt. GS Sâm đã có sự chuẩn bị về chế độ dinh dưỡng cho chuyến đi như sữa Ensur, thuốc Đông trùng hạ thảo và gừng nên không mệt nhiều. Trên đường đi ra đảo, ông hay trò chuyện với các chiến sĩ hải quân, nhớ câu nói của một người lính trẻ: nhìn bác, cháu nhớ tới bố cháu ở nhà[4] làm ông thấy nghẹn lại, ông hiểu nỗi lòng người lính xa quê thiếu thốn tình cảm gia đình. Sau này, các gia đình chiến sĩ đã được tạo điều kiện ra thăm đảo, thăm con em mình đang làm nhiệm vụ giữ biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Sau hai ngày lên đênh trên biển, đảo Trường Sa Lớn dần hiện ra. Khi còi tàu vang lên tiếng báo hiệu đã tới đảo, tất cả mọi người ùa ra mạn tàu hướng ánh nhìn về đảo với tâm trạng xúc động. Nhìn từ xa, đảo Trường Sa Lớn như một vệt xanh rì giữa mênh mông sóng nước. Từng tốp người theo sự sắp xếp của Ban tổ chức, được sang xuồng nhỏ để di chuyển vào đảo. Tâm trạng GS Sâm dâng trào niềm cảm xúc, như xa quê lâu năm mới trở lại. Ông bỗng nhớ tới hình ảnh Bác Hồ hôn nắm đất quê hương ở cột mốc 108, tỉnh Cao Bằng, khi Người về nước năm 1941. Hình ảnh này được nhà thơ Chế Lan Viên cô đọng trong hai câu trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”:

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai.

Ra thăm quần đảo Trường Sa lần này, ông mới thực sự hiểu nỗi lòng của những người con xa quê khi đứng trước mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc đó, trong người ông dâng trào một niềm cảm xúc khó tả, ông rất muốn ôm hôn mảnh đất nơi đảo xa này.

 

 Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc bên Tháp chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn,

ngày 9-4-2009. GS.TS Đỗ Tiến Sâm (đứng giữa)

Một ngày ở lại trên đảo Trường Sa Lớn tuy thời gian không nhiều, nhưng ông vẫn kịp tìm hiểu và cảm nhận cuộc sống nơi đây. Buổi trưa, được chiến sĩ đảo dội lên người từng gáo nước mát lấy từ giếng nước ngọt trên đảo, ông thấy sảng khoái vô cùng, sau mấy chục năm xa giếng nước quê nhà , giờ ông mới tìm lại được cảm giác này. Chiều xuống, khi đi tản bộ trên bãi biển và ngắm hoàng hôn, với tiếng sóng vỗ rì rào không ngớt, trong ông lại trào lên một cung bậc cảm xúc khác. Ngày hôm sau, trước khi dời đảo Trường Sa Lớn để đi thăm các đảo và bãi đá khác, ông đã bốc mang theo về một nắm cát để làm kỷ niệm.

Sau 10 ngày hành trình ra Trường Sa, trở về đất liền, GS Sâm báo cáo đề xuất và được cấp trên phê duyệt, với cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, ông đã ký Thỏa thuận hợp tác về Tuyên truyền biển đảo với Đại tá Đinh Gia Thật khi đó là Phó Cục trưởng Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải Quân (nay là Trung tướng – Phó Đô đốc, Chính ủy Quân chủng). Nội dung hợp tác là hai bên sẽ trao đổi thông tin phục vụ công tác Tuyên truyền về Biển Đảo. Cụ thể, Viện sẽ cung cấp các thông tin qua nghiên cứu về Trung Quốc cho Hải quân, còn phía Hải quân sẽ cung cấp tình hình thực tế, nhất là động thái của Trung Quốc diễn ra trên biển cho Viện.

Sau chuyến đi lần thứ nhất tới Trường Sa, GS Sâm nghĩ: bản thân mình đã rất may mắn và không biết đến khi nào có cơ hội trở lại thăm đảo Trường Sa. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình hình Biển Đông lại nóng dần lên do phía Trung Quốc gia tăng các hoạt động trái phép nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của họ.

Năm 2013 GS Đỗ Tiến Sâm mong muốn ra Trường Sa lần thứ hai, với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu hiệu lực của 2 văn bản pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc trên thực tế ra sao?. Văn bản pháp lý của Việt Nam là Luật Biển được Quốc hội nước Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực ngày 1-1- 2013. Phía Trung Quốc đã thành lập trái phép thành phố Tam Sa (cấp địa khu) trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, còn tỉnh Hải Nam ban hành Điều lệ giám sát tàu bè đi lại trên biển cũng bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2013. GS Sâm chọn hai cán bộ trẻ thực hiện chuyến đi nghiên cứu này và xác định chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm.

GS.TS Đỗ Tiến Sâm chụp kỷ niệm tại chùa Trường Sa Lớn, tháng 4-2015

Lúc này, sức khỏe ông không tốt do vừa mổ ruột thừa. Vợ ông cùng công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nghe tin chồng muốn đi Trường Sa, bà phản đối vì sợ ông không đủ sức khỏe làm ảnh hưởng đến Đoàn công tác. Với quyết tâm ra đảo thực hiện mục tiêu nghiên cứu, ông đã tìm cách trốn vợ đi, thay vì phải giấu vợ như lần đầu để đảm bảo bí mật[5]. Đúng 5 giờ sáng ngày 17- 4, ông lên tàu ra Trường Sa. Sau bốn năm, ông nhận thấy Trường Sa có sự đổi khác rất lớn về cơ sở hạ tầng. Trên đảo Trường Sa Lớn đã xây dựng Nhà khách Thủ đô với 50 giường đầy đủ tiện nghi; xây Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây Chùa – chốn tâm linh cho dân cư trên đảo. Đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo được cải thiện nhiều. Hai tuần thăm huyện đảo Trường Sa, ông càng cảm nhận rõ những sự thay đổi tích cực ở đây.

Cũng trong chuyến đi đảo lần thứ hai này, GS Đỗ Tiến Sâm vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc” là kỷ vật quý đối với GS.TS Đỗ Tiến Sâm

Ngày 26-4-2013, ông trở lại đất liền và viết báo cáo gửi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về kết quả chuyến đi. Điều ông cảm nhận sâu sắc là tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, không ngại gian khổ và hi sinh của những chiến sĩ nơi đảo xa, luôn nghiêm túc thực hiện một số nguyên tắc mà Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã xác định. Do vậy, Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Hải quân cần có chính sách ưu đãi tốt hơn đối với thân nhân và quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự để khích lệ tinh thần và làm yên lòng cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa.

Mỗi khi nhắc lại ký ức về hai lần ra Trường Sa rất khó quên ấy, GS Đỗ Tiến Sâm vẫn hào hứng và mong muốn “lại có dịp được ra thăm đảo Trường Sa”. Tất cả tình yêu và suy tư sau các chuyến đi được ông gửi gắm vào các bài báo, cuốn sách.

Ông không biết làm thơ, nhưng lần thăm đảo đầu tiên năm 2009, trên đường trở về đất liền với cảm xúc dâng trào, ông đã làm một bài thơ ngắn, xin trích đoạn kết của bài thơ như một lời tri ân của ông – một nhà nghiên cứu luôn nặng lòng với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 … “Thăm đảo về trong sáng lòng ta,

 Thành tựu nhiều, sao sánh với Trường Sa.

 Gian khổ còn, đâu bằng người Lính đảo,

 Hãy nâng mình cho xứng với Trường Sa.

 * * * 

 Trường Sa không xa đâu… Trường Sa

 Lời ca trong như lòng Mẹ quê nhà

 Tạm biệt nhé hẹn ngày gặp lại

 Thương lắm Hoàng Sa! Tự hào Trường Sa”.

Ngô Văn Hiển

 _________________

* Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[1] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Tiến Sâm ngày 19-6-2015, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Tiến Sâm, 19-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[3] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Tiến Sâm, 19-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Tiến Sâm, 19-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Tiến Sâm, 19-6-2015, tài liệu đã dẫn.