Quyết tâm học lấy một cái nghề
Do hoàn cảnh chiến tranh, gia đình phải tản cư lên Phú Thọ khi Trần Mạnh Chí mới khoảng 6-7 tuổi. Ký ức về vùng quê Bát Tràng nơi ông sinh ra chủ yếu qua lời kể của bà, của mẹ và một vài lần cùng bố về thăm. Tuổi thơ của Trần Mạnh Chí gắn với những lớp học thời Pháp. Năm 1945, ông được nhận bằng Sơ đẳng tiểu học (Certificat – lớp 4). Sau Cách mạng tháng Tám, ông thi đỗ vào trường Hùng Vương (Phú Thọ) mới thành lập, tiếp tục được gia đình nuôi ăn học. Khi học được 1 năm thì Pháp trở lại đánh chiếm Phú Thọ nên việc học rất thất thường, có khi một buổi học phải mấy lần chạy xuống hầm trú ẩn. Khi Mạnh Chí chuẩn bị thi lên lớp 6 thì phải nghỉ học do quân Pháp chiếm được thị xã Phú Thọ, trường Hùng Vương tản cư về Thổ Khối (Cẩm Khê, Phú Thọ). Cũng trong năm 1946, gia đình Trần Mạnh Chí tản cư về làng Lạnh, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Từ đó Trần Mạnh Chí thôi học, yên tâm với việc tham gia phụ trách thiếu nhi. Nhưng bố ông lại lo lắng, hay nhắc nhở: Mày dở tây, dở ta, dở quan, dở lính, cứ lêu lổng mãi; phải tìm nghề gì mà làm[1]. Thậm chí, có lần đến bữa cơm cụ trì chiết: được ăn cơm, con phải biết suy nghĩ…[2]. Những lời trách mắng của bố đã thôi thúc Trần Mạnh Chí phải tìm một nghề gì đó để làm và việc ông quyết định nhập ngũ học nghề y tá cũng một phần từ hoàn cảnh đó.
Một ngày vào cuối năm 1948, Trần Mạnh Chí đọc được thông báo trên bảng tin trường Hùng Vương về việc tuyển học viên các ngành quân giới, quân y, lục quân, thông tin…, kêu gọi thanh niên sẵn sàng ra nhập những ngành nghề trong quân đội. Do vóc dáng nhỏ bé nên Mạnh Chí đã xin bố cho đi học y tá, nhưng cụ nói: anh thì học thế nào được, đi xa biết học ở đâu mà đi[3]. Không còn cách nào khác, Trần Mạnh Chí đành đi học may. Không lâu sau, Mạnh Chí nghe trên loa phát thanh của làng thông báo nếu ai muốn tham dự kỳ thi tuyển y tá quân y thì đến làng Bội Kha, Đoan Hùng để đăng ký. Như vớ được vàng, Mạnh Chí vô cùng vui sướng và quyết tâm ra đi. Mạnh Chí đã trúng tuyển trong kỳ thi đó và lên đường nhập ngũ trong một ngày trời mưa vào tháng 1-1949. Dù khôn nguôi nỗi thương nhớ bố mẹ, gia đình, nhưng Mạnh Chí đã lên đường trong tâm trạng vui vẻ, bởi ông đã tìm được nơi để đến, để gắn bó và cống hiến. Sau 6 tháng, Trần Mạnh Chí tốt nghiệp và được về làm y tá phòng mổ của đơn vị chiến đấu thuộc Trung đoàn 209 (Sông Lô), Sư đoàn 312 đóng tại Phú Thọ.
PGS.TS Trần Mạnh Chí (thứ hai từ trái) những ngày đầu nhập ngũ, năm 1949
Thực tế chiến trường và cảm nhận đầu tiên với nghề
Năm 1949, thực hiện chủ trương chuyển chiến cuộc từ thế phòng ngự sang thế phản công từng phần, quân đội ta liên tục mở các đợt tấn công vào quân đội Pháp. Y tá Trần Mạnh Chí may mắn được tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Sư đoàn 312 như: chiến dịch Lê Lợi, Tây Bắc, Biên giới và Điện Biên Phủ. Trong số đó, chiến dịch để lại nhiều ấn tượng, trở thành nỗi ám ảnh trong ông là chiến dịch Lê Lợi cuối năm 1949, không chỉ vì đó là trận đầu ra quân, mà còn là lần đầu ông chứng kiến nhiều chiến sĩ bị chấn thương sọ não nặng mà các y bác sĩ không thể cứu sống.
Trong chiến dịch Lê Lợi, Trung đoàn 209 đánh đồn Mỏ Hẽm của Pháp nằm bên bờ sông Đà, phía trên Chợ Bờ, gần đó là đồn Suối Rút (nơi đây có nhiều người Hoa sinh sống) thuộc xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Số lượng quân Pháp và quân ngụy đóng ở Mỏ Hẽm không lớn, tuy nhiên đó là trận đánh ác liệt. Trung đoàn chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, không có vũ khí có thể phá hàng rào thép gai, phải dùng nến làm từ cây trám để đốt cháy và dùng bộc phá ống để phá hàng rào, mở đường tấn công vào đồn địch. Trong kháng chiến chống Pháp, để kịp thời cứu chữa thương binh, Tổng chính ủy[4] thành lập các đội phẫu thuật trực thuộc Trung đoàn chiến đấu; các đội điều trị (có nhiệm vụ điều trị đa năng, cả nội khoa và ngoại khoa) trực thuộc Sư đoàn, phụ trách một khu vực – có quy mô như một bệnh viện cỡ nhỏ. Đội phẫu thuật phục vụ Trung đoàn 209 đóng quân ở bản Oi Nọi, cách Mỏ Hẽm không xa. Cả đội phẫu thuật chỉ có một vài y sĩ mà không có bác sĩ, cùng làm nhiệm vụ và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, vất vả. Ban ngày, các y tá đi chặt nứa bó lại thành bó đuốc để tối soi sáng cho các ca mổ. Thời gian này, ông Vũ Tam Hoán, mặc dù mới là sinh viên y khoa năm thứ 5, chưa tốt nghiệp nhưng được cử đi chiến trường với vai trò y sĩ, trực tiếp tiến hành các ca phẫu thuật cho thương binh. Trần Mạnh Chí phụ trách soi đuốc và được chứng kiến các ca mổ do ông Hoán thực hiện.
Hôm diễn ra trận đánh, gần sáng Trần Mạnh Chí nghe tiếng súng nổ râm ran, sau là tiếng người gọi: y tá ơi, cứu thương ơi… Đoàn thương binh đầu tiên được đưa về trạm, máu me đầy người, thương binh được khiêng bằng cáng tre hoặc chăn chiên buột túm hai đầu rồi luồn đòn vào. Đội phẫu thuật nhanh chóng tiếp nhận, cấp cứu thương binh. Nhiều đồng chí bị chấn thương sọ não nặng, một số nằm bất động có lẽ đã hy sinh. Ấn tượng lần đầu tiên chứng kiến thực tế chiến trường, Phó giáo sư Trần Mạnh Chí nhớ lại: Đơn vị chỉ có một lọ peniciline 200.000 đơn vị mà phải chia cho nhiều thương binh, người thì gãy xương đùi, người bị chấn thương sọ não… Chúng tôi là y tá chỉ biết cầm đuốc soi cho bác sĩ mổ, thời đó không có đèn, mổ ở hầm của nhà sàn. Những ca phẫu thuật đó cứu sống được rất ít thương binh. Có thương binh khi chúng tôi vừa chạm tay vào vết thương đã vô tình tạo áp xuất khiến máu và não chảy ra nhiều hơn, chúng tôi chỉ có thể lau phần não nát đó đi. Băng trắng quấn trên đầu, các thương binh bị sọ não rất đau đớn, kêu rên, rồi nhiều người đã hy sinh vì vết thương quá nặng. Chứng kiến cảnh đó, những chiến sĩ quân y còn rất trẻ phải vững tâm lắm mới có thể tiếp tục làm việc[5]. Sau này, khi được học sâu về chuyên ngành phẫu thuật sọ não, ông Mạnh Chí mới biết rằng nếu bị chấn thương sọ não ở điều kiện chiến trường, thì có tới 40% không thể cứu được. Và, có lẽ đó là cảm nhận đầu tiên của ông với ngành phẫu thuật thần kinh. “Tận mắt chứng kiến các vết thương sọ não của bộ đội, tôi rất xúc động rồi nghĩ rằng những vết thương như vậy sẽ không thể sống nổi, và để làm phẫu thuật các vết thương sọ não là một việc rất khó khăn. Làm sao có thể cứu chữa được vết thương sọ não? Cảm giác đầu tiên đó theo tôi trong bước đường học hành, từ đại học, đi thực tập sinh Liên Xô cho đến tận ngày hôm nay[6]”.
Khoảng năm 1950, Trung ương tổ chức các bệnh viện liên hợp Trung – Việt (như Bệnh viện Thủy Khẩu), một số bệnh viện khu vực (bệnh viện dã chiến) và tăng cường tổ chức các đội điều trị tham gia chiến trường. Các đội điều trị được trang bị dụng cụ, phương tiện, thuốc men và lực lượng bác sĩ khá hơn trước. Điều đó thúc đẩy sự phát triển của ngành quân y, cũng là cơ sở để sau này thành lập một số bệnh viện lớn của quân đội như Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103). Y tá Trần Mạnh Chí tiếp tục tham gia các khóa học bổ túc kiến thức do Sư đoàn 312 tổ chức như lớp y tá trưởng năm 1952; lớp quân y sĩ năm 1953.
Sau đó, Trần Mạnh Chí làm Cán sự phòng bệnh phụ trách trạm cấp cứu, trực tiếp tham gia các chiến dịch cùng đơn vị bộ đội của Trung đoàn 209. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ông phụ trách trạm tiếp đón và cấp cứu đóng ở Cây đa Noong Bua (nay thuộc phường Noong Bua, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm quân y Trung đoàn pháo thuộc Sư đoàn 312.
Không dừng lại với những kiến thức đã có, đặc biệt anh lính quân y Trần Mạnh Chí vẫn luôn ám ảnh về những đau đớn do chấn thương sọ não, bất lực trước sự ra đi của thương binh trong chiến dịch Lê Lợi năm xưa, ông nung nấu ước mơ được tiếp tục học, nâng cao kiến thức để có thể cứu chữa được nhiều người hơn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy có chủ trương khuyến khích các quân y sỹ có kinh nghiệm trong chiến trường tiếp tục đi đào tạo thành bác sỹ. Năm 1959, Trần Mạnh Chí được đơn vị cử đi học bổ túc văn hóa hết lớp 10 và ông thi đỗ vào trường Sỹ quan Quân y (nay là Học viện Quân y 103) học bác sĩ đa khoa vào năm 1960. Phó giáo sư Trần Mạnh Chí nhớ lại: Lớp học của chúng tôi gồm vài trăm người từ khắp Bắc – Trung –
Trong 4 năm đèn sách, ngoài những giờ học lý thuyết, sinh viên quân y Trần Mạnh Chí được học thực hành ở nhiều bệnh viện lớn của Hà Nội như Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức (nay là bệnh viện Việt – Đức), Bệnh viện Bạch Mai. Ông đặc biệt quan tâm đến các vết thương sọ não, nên chú trọng đọc tài liệu và tham gia các tiết thực hành về vấn đề này. Năm 1964, trong kỳ thi tốt nghiệp, phần thi lý thuyết (thi vấn đáp) ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức, câu hỏi đặt ra cho ông là tìm hướng điều trị vết thương sọ não cho một nữ dân công bị trúng mìn khi đang làm nhiệm vụ mở đường. Với vốn kiến thức tốt, được tích lũy trong quá trình làm thực tế và 4 năm học đại học, cùng năng khiếu vẽ, chỉ sau 2 giờ chuẩn bị, sinh viên Trần Mạnh Chí đã đặc tả rất chi tiết cấu tạo sơ đồ não và hướng mổ điều trị. Nhờ vậy, kết quả thi tốt nghiệp của ông đạt loại xuất sắc, đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc với thầy Phạm Gia Triệu. Ông nhớ lại: Cũng là duyên số mà hội đồng chấm thi khi tôi tốt nghiệp chủ yếu là các thầy thuộc chuyên ngành thần kinh sọ não như thầy Phạm Gia Triệu (Viện phó Viện Quân y 108), Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Xuân Ty, Nguyễn Thường Xuân; có cả GS Tôn Thất Tùng đến kiểm tra[8].
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, năm 1964 bác sĩ Trần Mạnh Chí được phân về công tác tại Viện Quân y 103. Ngay sau đó, ông được cử đi học, trau dồi chuyên môn ở Viện Quân y 108. Tại đây, ông được theo thầy Phạm Gia Triệu đi khắp nơi để cứu chữa cho thương binh, đặc biệt là thực hiện các ca phẫu thuật thần kinh, sọ não… Vừa học thực tế, vừa được thầy Phạm Gia Triệu chỉ cho cách học lý thuyết, đọc sách chuyên môn tiếng Việt và tiếng Pháp nên kiến thức về ngành phẫu thuật thần kinh của được nâng cao, cũng từ đó ông gắn bó với ngành ngoại thần kinh cho đến khi nghỉ hưu.
Miệt mài cống hiến
Cũng trong năm 1964, sau khi Trần Mạnh Chí ra trường không lâu thì Quân ủy Trung ương có chủ trương tách một số khoa thuộc Viện Quân y 108 sang Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô và Viện Quân y 103. Viện Quân y 103 trở thành bệnh viện tuyến cuối trong hệ thống bệnh viện quân đội, được tăng cường, nâng cấp các khoa ngoại với các bác sĩ đầu ngành như hàm mặt do PTS Nguyễn Huy Phan phụ trách, phổi do BS Thọ phụ trách, tiết niệu đứng đầu là BS Trần Mạnh Chu, về sọ não có BS Phạm Gia Triệu. Ngày 10-10-1964, Phân khoa Phẫu thuật thần kinh được thành lập, trực thuộc Khoa chấn thương chỉnh hình của Viện Quân y 103. Phân khoa gồm cả các bác sĩ của Viện Quân y 108.
Đến đầu năm 1965, Quân ủy Trung ương quyết định điều chuyển bộ phận các bác sĩ của Viện Quân y 108 biên chế trong Phân khoa Phẫu thuật thần kinh quay trở về Viện Quân y 108 làm việc. Một số người được giữ lại Phân khoa Phẫu thuật thần kinh, Viện Quân y 103. Bác sĩ Phạm Gia Triệu không làm việc thường ngày tại đây, nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn, đào tạo các cán bộ của Phân khoa. Trong bối cảnh đó, BS Trần Mạnh Chí, BS Thành và BS Tân trở thành lực lượng chủ chốt của Phân khoa, và từ đó họ bắt tay vào thực hiện các ca mổ sọ não đầu tiên. Sau này, trong cuốn sách Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của bộ môn khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y ấn hành năm 2015, họ được nhắc đến như là những người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của bộ môn, khoa.
Để nâng cao vốn kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, các bác sĩ của Phân khoa Phẫu thuật thần kinh phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ yếu học bằng cách kèm cặp. Bác sĩ Trần Mạnh Chí dành nhiều thời gian học thêm kỹ thuật như mổ u não, xử lý các bệnh lý sọ não ở các bệnh viện lớn trong nội thành Hà Nội. Cũng giai đoạn này, BS Phạm Gia Triệu cùng BS Trần Mạnh Chí đã huấn luyện cho các lớp chuyên tu phẫu thuật thần kinh, mỗi lớp từ 12 đến 18 tiết. Bổ túc một số lớp bác sĩ ngoại thần kinh ngắn hạn cho đơn vị và cho chiến trường miền
Mặc dù còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng Phân khoa Phẫu thuật thần kinh Viện Quân y 103 đã tiếp nhận nhiều ca mổ chấn thương khác nhau. Những năm 1966-1967 cũng là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, BS Trần Mạnh Chí cùng đồng nghiệp đã trực tiếp xử lý các di chứng chiến tranh, như áp xe não, mảnh đạn lớn kích thích động kinh, sọ thiếu, đóng lại hộp sọ, lấy máu tụ, mổ chấn thương phần mềm sọ não; những vết dò tại vết thương sọ não lâu ngày chưa được can thiệp chuyên khoa sâu… Qua nhiều ca mổ thành công, Phân khoa Phẫu thuật thần kinh Viện quân y 103 đã bắt đầu xây dựng được tên tuổi, vị trí của mình và được nhiều bệnh nhân biết đến.
Nhằm giải quyết khó khăn trong việc chuyển thương binh, nhất là thương binh nặng ra Bắc điều trị, theo chủ trương tăng cường y bác sĩ, kỹ thuật y tế cho tuyến trước, năm 1968, BS Trần Mạnh Chí được lệnh điều động tham gia đội điều trị phục vụ chiến trường miền Nam. Ông được giao làm Đội trưởng đội điều trị 35, thuộc Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), trực tiếp cấp cứu, phẫu thuật tại chiến trường. Nơi ông đóng quân là bờ nam sông Bạc (thuộc tỉnh Attapeu, Lào – ngã ba Đông Dương). Tại đây, ông vừa làm nhiệm vụ phẫu thuật cho các thương binh vừa tham gia công tác đào tạo. Do điều kiện và yêu cầu thực tế, ông quyết tâm đào tạo các cán bộ đa năng, tức là bác sĩ biết chữa tất cả các vết thương từ phần mềm đến sọ não, áp xe, sốt rét ác tính, kể cả rắn cắn… Trong 4 năm (1968-1972), BS Trần Mạnh Chí đã tổ chức 2 lớp đào tạo, huấn luyện chuyên khoa cho 35 bác sĩ, đồng thời chỉ đạo đội điều trị với quân số khoảng 40-50 người, với khoảng 120 giường bệnh hoạt động hiệu quả.
Đứng trước thực tế thiếu bác sĩ được đào tạo chuyên môn sâu, nhằm thúc đẩy Phân khoa Phẫu thuật thần kinh phát triển, Viện Quân y 103 gửi công văn đề nghị Binh đoàn 559 cho phép ông Trần Mạnh Chí về Hà Nội để đi thực tập sinh tại Liên Xô. Tuy nhiên, do yêu cầu của chiến trường, do BS Trần Mạnh Chí có tay nghề và chuyên môn tốt nên đơn vị đã không thông báo cho ông biết tin đó. Mãi đến lần thứ ba Viện Quân y 103 gửi công văn đơn vị mới thông báo để ông ra Bắc – lúc này ông đã bị thương, sau này được chứng nhận là thương binh hạng 1/4.
Năm 1972, ông lên đường sang Liên Xô thực tập sinh ngành Phẫu thuật thần kinh tại Học viện quân y
Năm 1976, BS Trần Mạnh Chí về nước, được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh kiêm chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật thần kinh của Viện Quân y 103. Từ đó, BS Trần Mạnh Chí đã tiếp tục trực tiếp công tác chuyên môn, tích cực tham gia phát triển kỹ thuật cho bộ môn và đào tạo.
Bác sĩ Trần Mạnh Chí (thứ hai từ trái) thăm và khám bệnh cho thương binh
Từ thực tế cứu chữa, điều trị cho các thương bệnh binh, BS Trần Mạnh Chí đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân bị động kinh do di chứng chiến tranh. Ông đã nghiên cứu và tập hợp trên 500 trường hợp bệnh nhân động kinh để trình bày trong đề tài luận án của mình. Ngày 20-4-1985, BS Trần Mạnh Chí bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ y khoa về đề tài “Lâm sàng điều trị ngoại khoa động kinh muộn do vết thương chiến tranh”. Luận án được hội đồng khoa học, gồm các chuyên gia ngoại khoa đầu ngành ở nước ta như GS Hoàng Đình Cầu, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Thường Xuân… đánh giá cao. Đặc biệt, ông còn có những sáng tạo trong cải tiến các dụng cụ phẫu thuật thần kinh, kỹ thuật hút quanh sẹo, tạo vạt da phủ kín vùng sọ…; các dụng cụ mổ cột sống, mổ sọ não như: chiếc panh tự động mở rộng vùng mổ khi mở cửa cung đốt sống để lấy đĩa đệm; ông cũng tạo ra lưỡi khoan đa năng kiểu mới, thay vì mỗi khi mổ sọ não phải thay 3 lần lưỡi khoan. Các dụng cụ này được hội đồng khoa học đánh giá cao và đưa vào sử dụng trong các phòng mổ của toàn quân, những sáng kiến đó có giá trị ứng dụng cho đến sau này.
Năm 1987, Đại tá, PTS Trần Mạnh Chí được bổ nhiệm chức Viện phó Viện Quân y 103; năm 1988, ông được bổ nhiệm chức Viện trưởng, và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu (năm 1997). Mặc dù làm công tác quản lý nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia công tác chuyên môn, ông chỉ đạo học trò mổ và trực tiếp đảm nhiệm các ca khó.
Không hài lòng với kết quả đã đạt được, cùng sự đồng cảm với những thương binh và những người đồng đội của mình, ông Trần Mạnh Chí vẫn tiếp tục nghiên cứu và viết bài về những vết thương chiến tranh, đặc biệt là vết thương sọ não. Năm 1990, đề tài Vết thương sọ não do hỏa khí, kinh nghiệm chẩn đoán – điều trị của ông là một trong những ấn phẩm khoa học chào mừng 40 năm thành lập Viện Quân y 103 – Học viện Quân y (1950-1990). Sau đó, ông tiếp tục phát triển đề tài này và xin đi Liên Xô bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Nhưng do tình hình Liên Xô thời kỳ năm 1991, việc đi thực tập sinh cao cấp gặp khó khăn, phải tự túc kinh phí nên ông đành từ bỏ. Không nản trí, ông vẫn tiếp tục với công việc của đời mình là chữa bệnh cứu người và đào tạo các thế hệ học trò chuyên ngành Phẫu thuật thần kinh.
Đến nay, PGS.TS Trần Mạnh Chí không thể nhớ được số lượng học trò, nghiên cứu sinh mình từng hướng dẫn bởi nó đã đến con số hàng trăm người. Ở Bệnh viện Quân y 103 có khá đông học trò do ông đào tạo, hướng dẫn, nhiều người trong số họ trở thành chuyên gia đầu ngành về ngoại thần kinh, có thể kể đến như: Đại tá, GS.TS TTND Vũ Hùng Liên, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh; Đại tá, PS.TS Nguyễn Thọ Lộ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn – khoa Phẫu thuật thần kinh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện, nguyên Cục phó Cục quân y; Đại tá, PGS.TS TTƯT Nguyễn Hùng Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật thần kinh; Đại tá, PGS.TS TTND Bùi Ngọc Tiến, từ năm 1997 đến nay là Chủ nhiệm khoa Ngoại, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8… Khi đã về hưu, ông tiếp tục tham gia hướng dẫn các nghiên cứu sinh tại các sơ sở đào tạo của nước ta. Ông vẫn hành nghề thầy thuốc, nhưng không mở phòng khám tư hay làm việc cho bệnh viện, mà chữa bệnh cho hàng xóm ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội và đồng đội cũ và không lấy công.
Với PGS.TS Trần Mạnh Chí niềm vui lớn nhất trong đời là được làm công việc đúng với chuyên môn của mình, và cũng không thể thống kê hết những ca phẫu thuật ngoại thần kinh mà ông từng trải qua. Cứu chữa người bệnh, thương bệnh binh đối với ông đó là việc cần làm của đời mình. Tấm lòng, tài năng đó của ông được các bệnh nhân, đồng nghiệp, đồng đội trân trọng, ghi nhớ. Cuộc đời một thầy thuốc, như thế chẳng hạnh phúc lắm sao?
Lê Thị Hằng
_____________________
[*] PGS.TS Trần Mạnh Chí sinh ngày 16-6-1933, chuyên ngành Y học, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103).
[**] Từ năm 1995 đổi tên thành Bệnh viện 103.
[***] Từ năm 1981 đổi tên thành Học viện Quân y.
[1] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Mạnh Chí, 8-12-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Mạnh Chí, 8-12-2016, tài liệu đã dẫn.
[3] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Mạnh Chí, 8-12-2016, tài liệu đã dẫn.
[4] Năm 1952 thiết lập lại Tổng Quân ủy; năm 1961-1982 đổi tên thành Quân ủy Trung ương; năm 1985 thiết lập lại Đảng ủy Quân sự Trung ương; năm 2011 đổi tên thành Quân ủy Trung ương.
[5] Ghi âm đặt vấn đề PGS.TS Trần Mạnh Chí, 5-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt