Hạnh phúc của một nhà giáo tâm huyết

Từ “lỡ duyên” ngành đến “cơ duyên” nghề

Giáo sư Hoàng Minh Tấn đến với ngành Sinh học và nghề sư phạm từ sự “phục tùng” mệnh lệnh cấp trên, với một chút tò mò và hồi hộp. Nhưng đối với ông, đó là điều may mắn nhất trong cuộc đời. Thế rồi, ông kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề sư phạm của mình, bắt đầu từ những năm tháng tuổi thơ nghèo khó trên mảnh đất quê nhà Quảng Trị.

Bố mẹ Hoàng Minh Tấn sớm phải rời quê cha đất tổ – xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong tới tổng Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh để mưu sinh. Từ Hồ Xá, Hoàng Minh Tấn đi đò qua sông Bến Hải mới tới được trường cấp 1 Vĩnh Liêm. Nhiều hôm bị lỡ đò, ông lại cho quần áo, sách vở vào túi nilon, buộc chặt để không bị nước làm ướt, rồi bơi qua sông. Trong thời gian học tại trường cấp 3 Vĩnh Linh (1959-1962), ông phải ở trọ vì nhà cách trường khoảng 10km. Nhưng càng khó khăn, Hoàng Minh Tấn càng cố gắng học tập. Ông sớm bộc lộ năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, yêu thích các con số và có niềm đam mê đặc biệt với môn toán. Năm 1962, Ban Giám hiệu trường cấp 3 Vĩnh Linh cử một số học sinh ưu tú thi vào các trường đại học. Hoàng Minh Tấn vinh dự là học sinh duy nhất được trường cử thi vào khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy dạy toán Nguyễn Trọng Nhân cũng khuyến khích học trò Tấn theo học ngành này.

Ngay trước kỳ thi đại học, Hoàng Minh Tấn không may bị đau mắt, phải nằm viện điều trị. Mặc dù gia đình và bạn bè khuyên hoãn thi nhưng ông vẫn quyết tâm tham dự kỳ thi trong tình trạng mắt bị nhòe, nhức mỏi. Năm đó, Hoàng Minh Tấn đạt 20 điểm/3 môn (toán, lý, hóa), tuy đỗ đại học theo đúng nguyện vọng nhưng không thuộc tốp thí sinh đạt điểm cao. Dù vậy, khi nhận được giấy báo trúng tuyển, chàng tân sinh viên Tấn mừng rỡ vô cùng, hào hứng xách vali ra Hà Nội nhập học. Nhưng do khoa Sinh học tuyển được ít sinh viên, Ban Giám hiệu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội điều chuyển một số sinh viên đạt mức điểm trung bình từ các khoa khác sang học khoa này, trong đó có Hoàng Minh Tấn. Ngày nhập học vào khoa Sinh, ông cảm thấy khá buồn và hụt hẫng trước quyết định của nhà trường, nhưng đành chấp nhận.

Năm thứ nhất đại học, Hoàng Minh Tấn vẫn cảm thấy “duyên phận” với ngành Sinh học không mấy vui vẻ. Nhưng suy nghĩ ấy trong ông đã dần dần thay đổi: Từ năm thứ hai, chúng tôi học các môn chuyên ngành dưới sự giảng dạy của các thầy Lê Đình Nguyên, Nguyễn Lân Dũng, Phan Kế Lộc… Qua từng bài giảng, từng chuyến đi thực tập, tôi dần cảm thấy thú vị khi nghiên cứu về các loài thực vật, vốn rất phong phú trong thế giới tự nhiên và sản xuất nông nghiệp[1].

Sự yêu thích ngành Sinh học bắt đầu đơn giản như thế! Để rồi, sau khi tốt nghiệp đại học (1965), Hoàng Minh Tấn được cử về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp, trở thành một người thầy giáo. Ông thổ lộ: Nếu học ngành Toán, tôi khó có cơ hội làm thầy, bởi đây là ngành khoa học cơ bản và tôi không có xuất phát điểm tốt[2]. Một lần “lỡ duyên” ngành lại đưa đến “cơ duyên” nghề để ông gắn bó trọn đời với nghiệp trồng người.

Một người thầy tâm huyết

Những năm đầu về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp, ông Hoàng Minh Tấn cùng đồng nghiệp, học trò khoa Đào tạo tại chức sơ tán đến huyện Thuận Thành (Hà Bắc), xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội)… Trong hoàn cảnh chiến tranh, việc rời xa gia đình vốn là chuyện thường tình đối với mỗi cán bộ, giảng viên. Thế nhưng, gần 10 năm sau khi đất nước thống nhất, vợ chồng ông vẫn phải sống mỗi người một nơi. Giáo sư Hoàng Minh Tấn chẳng thể quên những ngày tháng ấy: Vợ tôi là cán bộ Tổng cục Thủy sản, thường xuyên tham gia chỉ đạo sản xuất ở các địa phương, nên phải chuyển nơi ở theo yêu cầu công việc. Hai con nhỏ đi theo mẹ trong từng chuyến công tác lên các tỉnh Nam Hà, Hà Bắc… Tôi đèo vợ con cùng các đồ đạc trên chiếc xe đạp cũ kỹ, rồi vài tuần mới lên thăm vợ con được một lần[3]. Thế mới thấy, việc giữ lửa để sống với nghề còn quan trọng hơn nhiều so với “cơ duyên” của số phận.

Thầy Hoàng Minh Tấn cùng sinh viên khóa 33, khoa Trồng trọt tại trường Đại học Nông nghiệp I, đầu những năm 90

Có lẽ, bước ngoặt trong cuộc đời làm nghề của ông là được trường điều chuyển từ giảng dạy môn sinh lý thực vật đại cương sang môn sinh lý thực vật vào năm 1968: Môn học này đi sâu vào phần ứng dụng thực tiễn, nằm trong khung chương trình đào tạo của các khoa khác nhau, nên tôi có nhiều “đất diễn”[4]. Bởi tâm niệm người thầy đứng trên bục giảng cũng giống như nghệ sĩ đứng trên sân khấu, phải có cá tính riêng thì bài giảng mới lôi cuốn học trò[5], nên giảng viên Hoàng Minh Tấn vừa tiếp thu kinh nghiệm giảng dạy của các bậc tiền bối, vừa phát huy sự sáng tạo. Ông thường lồng ghép kiến thức vào một số bài hát để học trò dễ học, dễ nhớ, lại tạo không khí thoái mái. Khác hẳn với vẻ kiệm lời thường thấy, GS Hoàng Minh Tấn phấn khởi hát cho chúng tôi nghe hai câu hát trong bài “Đâu phải bởi mùa thu” của nhạc sĩ Phú Quang, được ông “chế biến” nhằm truyền tải kiến thức về hiện tượng rụng lá: Lá rụng rơi nhiều/Chỉ tại ABA [6](nguyên bản: Lá trút rơi nhiều/Đâu phải bởi mùa thu).

Ngoài giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I, GS Hoàng Minh Tấn còn được mời giảng cho trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Thái Nguyên… Với cá tính của mình, ông tạo được thiện cảm đối với nhiều đối tượng học trò. Có những buổi ông lên lớp, tình trạng sinh viên ngồi túm năm tụm ba để nói chuyện riêng vẫn xảy ra. Nhưng chỉ sau khoảng 10 phút ông bắt đầu bài giảng, cả lớp học bỗng yên lặng, chăm chú lắng nghe. Ông vẫn xúc động mỗi khi nhắc đến lời bày tỏ của sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp: Thầy giảng bài không phụ thuộc vào giáo trình, giáo án mà lại rất lôi cuốn, dễ hiểu. Chúng em vừa bầu thầy là giảng viên xuất sắc nhất, ấn tượng nhất[7].

Song song với giảng dạy, GS Hoàng Minh Tấn còn tích cực tham gia hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh. Ông chú ý đến việc định hướng đề tài và phương pháp nghiên cứu cho học trò bằng tất cả kinh nghiệm chuyên môn, sự tâm huyết của mình. Ông chia sẻ thêm: Một đề tài nghiên cứu cần đảm bảo tính mới mẻ và tính ứng dụng. Do đó, tôi luôn khuyến khích các học trò thực hiện đề tài luận văn, luận án xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của từng địa phương[8]. Đến nay, GS Hoàng Minh Tấn đã hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có nhiều học trò gắn bó với ông từ thời sinh viên, như: Nguyễn Văn Vân (Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá), Trần Thị Vui (Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá), Bùi Thanh Tùng (phòng Kinh tế quận Kiến An, Hải Phòng)… Đặc biệt, hai mẹ con NCS Lê Thị Khánh [9] và NCS Nguyễn Đình Thi [10] (con rể) đều nhận được sự hướng dẫn tận tình của ông.

Giáo sư Hoàng Minh Tấn tâm sự: Nhiều đồng nghiệp của tôi chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu khoa học, một số người lại làm quản lý. Còn tôi, tôi nghĩ mình là một thầy giáo, nếu gọi là nhà khoa học thì có lẽ chưa xứng đáng[11]. Bởi thế, dù đảm nhiệm các chức vụ Trưởng bộ môn Sinh lý thực vật, Phó chủ nhiệm khoa Nông học, ông vẫn sắp xếp thời gian để lên lớp truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Và cũng bởi yêu nghề cầm phấn, GS Hoàng Minh Tấn đã “bỏ lỡ” nhiều cơ hội thăng tiến trong công tác quản lý. Ông từng chủ động xin rút trong cuộc bầu cử chủ nhiệm khoa Nông học nhiệm kỳ 1996-2000, từ chối lời đề nghị lên phụ trách phòng Đào tạo của Ban Giám hiệu nhà trường.

Cũng trong năm 1996, Ban Giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp I tiếp tục đề nghị GS Hoàng Minh Tấn làm quản lý một trong các đơn vị là: phòng Khoa học, khoa Đào tạo tại chức, khoa Sau đại học. Khi ấy, ông nhận thấy bản thân mình cần san sẻ với công việc chung của nhà trường, nên cân nhắc nghiêm túc. Xét về mặt chuyên môn, khoa Sau đại học có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động giảng dạy và đào tạo, nên ông Tấn xem xét khả năng về quản lý khoa này. Tuy vậy, ông thẳng thắn nêu ý kiến với Hiệu trưởng Nguyễn Viết Tùng về nhân sự của khoa, với mong muốn có môi trường làm việc hợp tác và sự tin tưởng.

Tuy giảng dạy là niềm đam mê cháy bỏng nhưng với nhiệm vụ mới, ông đã thể hiện là nhà quản lý đầy trách nhiệm: Nếu một chủ nhiệm khoa thiếu sự tâm huyết thì khoa đó không thể phát triển được. Hơn nữa, khoa Sau đại học đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm không đạt yêu cầu[12]. Vì vậy, ông cùng các đồng nghiệp không quản ngại vất vả tới các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk… để vận động cán bộ đi học. Là người sống gần gũi với học trò, GS Hoàng Minh Tấn thấu hiểu được phần nào những tâm tư của họ. Vì vậy, ông mạnh dạn đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường có những giải pháp tạo điều kiện cho học viên học tập, như tiến hành sửa sang phòng ký túc xá khang trang hơn, miễn giảm chi phí sinh hoạt cho các học viên và nghiên cứu sinh. Nhờ đó, trường đã thu hút các học viên và nghiên cứu sinh đăng ký học, đạt số lượng khoảng 200-300 người/năm.

Trong thời gian làm Chủ nhiệm khoa Sau đại học, GS Hoàng Minh Tấn vẫn tham gia giảng dạy cho hệ sau đại học ở một số cơ sở đào tạo. Ngay cả khi nghỉ hưu (2005), tình yêu với nghề sư phạm trong ông vẫn chưa hề vơi cạn: Hồi ấy, tôi có ý định nghỉ hẳn hoạt động chuyên môn, nhưng vì học trò “níu kéo” nên không nỡ từ chối. Mãi tới năm 2015, tôi mới nghỉ hướng dẫn nghiên cứu sinh[13].

Chúng tôi cảm nhận được sự khiêm tốn, tâm huyết của Giáo sư – nhà giáo Hoàng Minh Tấn từ trong những câu chuyện bình dị của ông. Ông không giấu nổi niềm hạnh phúc khi thổ lộ: Nghề sư phạm tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về tinh thần. Sau hàng chục năm gặp lại, nhiều học trò tóc đã điểm bạc, vẫn niềm nở chào tôi: Em không bao giờ quên những giờ học hiệu quả mà thoải mái của thầy. Sau tất cả, đó là sự thành công của một người thầy giáo bình thường như tôi[14].

Nguyễn Thị Hợp

* Nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

** GS.TS Hoàng Minh Tấn, chuyên ngành Sinh lý thực vật, nguyên Chủ nhiệm khoa Sau đại học, trường Đại học Nông nghiệp I.

[1] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 5-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 5-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[3] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 5-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[4] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Một loại chất ức chế sinh trưởng, gây hiện tượng rụng lá, hoa, quả ở các loài thực vật.

[7] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[9] Hiện là giảng viên trường Đại học Nông lâm Huế.

[10] Hiện là giảng viên trường Đại học Nông lâm Huế.

[11] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[14] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hoàng Minh Tấn ngày 7-6-2016, tài liệu đã dẫn.