Vị Tiến sĩ trên đất Nhật
Năm 1977, sau khi lấy bằng Tiến sĩ nông học, Nguyễn Quốc Vọng làm đơn xin được trở về Việt Nam, mang những kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được cống hiến cho quê hương còn đói nghèo vì chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, do tình hình trong nước khi ấy chưa được thuận lợi cho những người như ông, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã xin vào làm việc tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản và làm trợ lý cho giáo sư Muraka, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu trồng trọt Nhật Bản, người rất nổi tiếng về những nghiên cứu giống lúa. Tuy vậy, ông lại không thể vào làm việc ở những cơ quan nghiên cứu nhà nước vì vào thời đó Chính phủ Nhật Bản không thu dụng người nước ngoài. Sau một thời gian làm việc tại Nhật, những người thân khuyên ông nên đi Mỹ, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã chọn Astralia làm nơi để sống và làm việc, vì ông cho rằng muốn đóng góp nhiều cho cho người nông dân nước mình thì phải chọn một nước nào có hệ thống xuất khẩu rau quả nhiều và chất lượng cao. Chính phủ Australia thời kỳ ấy cũng đang thực hiện chính sách thu hút cư dân các dân tộc khác đến định cư trên xứ sở đất rộng, người thưa này. Và những nhà khoa học giỏi như ông luôn được trọng dụng. Năm 1980, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng sang định cư ở Australia, làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales.

Nhà nghiên cứu nông học xuất sắc ở Australia
Là một nhà nghiên cứu nông học xuất sắc tại xứ sở của kangaroo, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã được coi là cán bộ nghiên cứu đầu ngành về phát triển và nghiên cứu các loại rau quả Á Đông. Nhờ hiểu rất rõ về nhu cầu cũng như tình hình thị trường rau quả của Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vọng trở thành chuyên gia có công phát triển mạnh mẽ ngành xuất khẩu rau quả tại Australia, tạo nên hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu rau quả của Australia. Những mặt hàng rau quả do ông tạo ra từ năm 1986 đến 1995 đã xuất khẩu được 57 triệu USD. Đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp bang New South Wales – nơi ông sống – đã trình bày đề tài này tại Quốc hội Australia và sau đó ra khắp các bang của nước này. Đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã có hàng trăm tiểu luận nghiên cứu và bài báo đăng ở các sách và tạp chí khoa học và các tạp chí chuyên môn có uy tín phát hành tại Australia, Mỹ và Nhật Bản, được các đồng nghiệp đặc biệt đánh giá cao. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cũng đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng 5 giống cà chua, trong đó có 2 giống F1-rin đã từng được sử dụng rộng rãi tại 10 quốc gia trên thế giới vì tính tồn trữ cao.
Sự trở về trong khó khăn
Mặc dù con đường công danh, sự nghiệp mở ra trước mắt với một tương lai xán lạn cho người con xứ Huế Nguyễn Quốc Vọng, nhưng như một “gánh nợ”, hay đúng hơn, là nỗi khắc khoải trong tâm của một người con Việt, Nguyễn Quốc Vọng luôn khao khát mơ ước được làm một điều gì đó cho người nông dân ở quê nhà Việt Nam. Năm 1979, Nguyễn Quốc Vọng lần đầu về thăm quê hương sau 10 năm xa cách. Ấn tượng để lại trong ông khi ấy sao mà chua xót: Nước mình, dân mình nghèo quá. Ăn cơm độn khoai, áo không đủ mặc, vườn ruộng đìu hiu. Ông bàn với vợ – bà Nguyễn Thanh Tuyền, cùng nhau về nước. Ông làm việc với Viện Nông nghiệp Hà Nội và bày tỏ mong muốn của mình. Câu trả lời: anh chị khoan hẵng về. Cứ ở “bên ngoài”, sự đóng góp sẽ hiệu quả hơn. Ông bà lại tiếp tục đợi chờ!
Để “nghề nông không phải là nghề nghèo”
Chỉ gần 1 năm ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp I HN và với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Hỗ trợ Australia – Ausaid – đã đào tạo được 15 sinh viên biết làm việc theo phương pháp mới. Bận rộn, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng vẫn tranh thủ mọi mối quan hệ cũng như những hiểu biết của mình để đem lại những lợi ích cho quê nhà. Khi Hiệu phó trường Đại học quốc tế RMIT trao đổi với Viện Khoa học Nông nghiệp về một dự án đào tạo tiến sĩ, ông đã làm việc với RMIT và tranh thủ được sự giúp đỡ của họ. Từ việc nghiên cứu sinh phải đóng học phí 18.000 đô la Australia, Tiến sĩ Vọng đã thuyết phục để phía RMIT giảm chỉ còn 8.000 dollar Australia, đồng thời trong quá trình học tập, họ sẽ hỗ trợ tiền vé máy bay để sinh viên được về Việt Nam nghiên cứu.