Sinh ra ở quê hương Đất Mũi, tỉnh Cà Mau nhưng ngay từ lúc tròn tháng tuổi, cậu bé Nguyễn Quốc Bình đã phải theo cha mẹ tập kết ra vùng chiến tranh ác liệt Đồng Hới, Quảng Bình. Là con trai lớn trong một gia đình đông anh chị em, sống trong thời chiến, 12 tuổi Quốc Bình đã phải sống tự lập xa nhà, quen chịu đựng mọi khó khăn. Những đợt sơ tán liên miên, sách vở thiếu thốn, kinh tế kham khổ, nhưng nhờ tư chất thông minh và nghị lực phấn đấu, Quốc Bình luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp. Những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn ấy đã hằn sâu trong kí ức TS Nguyễn Quốc Bình mà sau này, ông cho rằng chính những kỉ niệm không thể phai mờ ấy đã giúp ông nâng niu những giá trị của cuộc sống hôm nay. Ông từng tâm sự: “Cha mẹ tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, không có điều kiện học nhiều. Vì thế, cha mẹ tôi luôn mong mỏi con cái học hành nên người. Sáu anh em tôi đều tốt nghiệp đại học là để đáp lại lòng mong mỏi của bậc sinh thành”.
TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh (tháng 4/2012). (Ảnh: Lê Minh)
TS Nguyễn Quốc Bình trong một chuyến công tác nước ngoài. (Ảnh: Tư liệu)
TS Nguyễn Quốc Bình trao đổi với các nhà khoa học quốc tế bên lề hội nghị về công nghệ sinh học tại Mỹ. (Ảnh: Tư liệu)
TS Nguyễn Quốc Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học tại Philippine. (Ảnh: Tư liệu)
TS Nguyễn Quốc Bình (áo hồng) với các nhà công nghệ sinh học quốc tế tại Philippine. (Ảnh: Tư liệu)
TS Nguyễn Quốc Bình kiểm tra giống ngô lai áp dụng công nghệ sinh học tại Philippine. (Ảnh: Tư liệu)
Tốt nghiệp đại học ngành Sinh hoá tại Đại học Tổng hợp Kisinhov (Nga), ngôi trường từng đào tạo nhiều chuyên gia sinh học chủ chốt của Việt Nam, Nguyễn Quốc Bình về giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó, ông được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh về sinh học phân tử tại Pháp trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Ở Paris, ông chỉ có 1 năm để làm luận án thạc sĩ và 3 năm cho luận án tiến sĩ. Để đến đích, ông đã đặt ra cho bản thân mình một kế hoạch học tập và nghiên cứu nghiêm ngặt đến từng tuần, từng tháng. Cũng ngay thời điểm đó, tư duy khoa học và niềm say mê tìm kiếm cái mới của Nguyễn Quốc Bình đã được giới khoa học Canada chú ý. Đang làm luận văn tiến sĩ năm thứ hai tại Pháp, ông nhận được lời mời làm nghiên cứu hậu tiến sĩ của Chính phủ Canada. Từ đó, những nghiên cứu của ông về gen trên khoai tây, cà chua, về các loại gen chống bệnh, tăng năng suất, những nghiên cứu chuyển nạp gen để tạo ra giống cây mới… đã đưa TS Nguyễn Quốc Bình trở thành một trong những người Việt Nam đi đầu trong nghiên cứu chuyển nạp gen trên cây trồng tại đại học Laval, Québec, Canada.
Sau nhiều năm nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo tiến sĩ ở Đại học Laval, Québec, Canada và được tham gia nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp trên thế giới, TS Nguyễn Quốc Bình càng hiểu rõ hơn một đất nước đầy tiềm năng nông nghiệp như Việt Nam rất cần những chuyên gia về sinh học phân tử như ông. Và mong mỏi trở về góp phần xây dựng quê hương của ông trở thành hiện thực khi Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh mời ông về giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2004. Với vai trò đầu tàu trong công cuộc sử dụng công nghệ sinh học để giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn, Trung tâm này được xem là nơi khởi đầu cho bước đột phá trong ngành công nghệ sinh học Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm cũng có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài cho các công ty công nghệ sinh học trong nước để sản xuất nhiều chế phẩm thế hệ mới mà hiện nay Việt Nam đang phải nhập ngoại.

TS Nguyễn Quốc Bình giới thiệu giống hoa lan rừng đang được
nghiên cứu nhân giống thành công tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lê Minh)

TS Nguyễn Quốc Bình giới thiệu các giống hoa lan mới lai tạo bằng công nghệ sinh học
tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lê Minh)

TS Nguyễn Quốc Bình và người vợ hiền trong căn nhà nhỏ ấm cúng của mình. (Ảnh: Lê Minh)
Trở về quê hương làm việc ở cương vị mới với mong muốn cống hiến tất cả những gì mình có, ông trăn trở, tìm tòi, hết mình cùng tập thể xây dựng những “viên gạch” đầu tiên cho Trung tâm. Một trong những thành công tiêu biểu mà ông đề xướng và cùng tập thể Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng thành công là hệ thống nhân giống cây invitro bằng phương pháp ngập chìm tạm thời, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô trong ống nghiệm. Ông chủ trì đa số các đề tài nghiên cứu triển khai trên các lĩnh vực y dược, thủy sản và một số lĩnh vực khác có giá trị thực tiễn cao. Ông cũng đã cùng các cộng sự tại Trung tâm thực hiện thành công nhiều dự án như: nghiên cứu sản xuất vacxin cho cá, sản xuất chế phẩm phòng ngừa bệnh cho tôm, nhân giống hoa lan rừng quý của Việt Nam…
Đồng thời, ông luôn hết mình trong công tác đào tạo nhân lực chuyên ngành, hướng dẫn nhiều luận án thạc sĩ và tiến sĩ, tham gia tổ chức hội nghị công nghệ sinh học trong nước, tham dự hội nghị quốc tế … Niềm vui lớn nhất đối với ông là ý tưởng xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học ngang tâm Khu vực đã thành hiện thực tại Tp. Hồ Chí Minh. TS Nguyễn Quốc Bình được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt 2005″ lần 2 dành cho những Việt kiều có nhiều đóng góp xuất sắc cho đất nước.
Trở về quê hương, đem tất cả kiến thức, kinh nghiệm đã học tập, tích lũy được từ các nền khoa học tiên tiến ở xứ người áp dụng vào điều kiện thực tế trên quê hương mình đối với TS Nguyễn Quốc Bình là niềm hạnh phúc đủ đầy và trọn vẹn nhất./.