Hạnh phúc một đời người làm địa chất

        Thầy Chiển đưa đường tôi vào địa chất

       Sinh ra và lớn lên ở vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa, miền đất “nằm giữa cái nôi phát tích của hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử là Lê Hoàn và Lê Lợi”, Tống Duy Thanh luôn xem đó là một niềm tự hào, một động lực để cố gắng không ngừng học tập sao cho xứng với quê hương.

Những tháng ngày đầu tiên với ngành Địa chất,

 Đại học Bách khoa Hà Nội, 1957

Năm 1954, Miền Bắc được giải phóng, chàng trai xứ Thanh vừa tròn 18 tuổi đã khăn gói lên đường ra Thủ đô cầu học. Để lại gia đình, quê hương sau lũy tre làng, ông ra đi với một ước mơ thi vào ngành Lịch sử của Đại học Sư phạm Khoa học. Đi lại khó khăn làm cho lộ trình của ông bị chậm nên khi đặt chân đến thủ đô thì Ban Văn – Sử đã thi xong, chỉ còn Ban Toán – Lý – Hóa và Ban Lý – Hóa – Vạn vật là đang chuẩn bị thi. Lỡ hẹn với ngành mình yêu thích, ông chuyển sang thi vào Ban Lý – Hóa – Vạn vật do thích học Vật lý hơn. Và Tống Duy Thanh trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Khoa học, ngành Vạn vật học (về sau chỉ là Sinh học).

Theo chương trình thì khóa các ông phải học 3 năm. Nhưng do nhu cầu cán bộ giảng dạy cho các trường đại học và trung cấp mới được xây dựng sau khi Miền Bắc giải phóng nên Bộ Giáo dục đồng ý rút ngắn chương trình đào tạo xuống còn hai năm. Năm 1956, Tống Duy Thanh tốt nghiệp đại học với chuyên môn chính về Vạn vật học. Lớp các ông ra trường có một số người được giữ lại giảng dạy đại học như Lương Ngọc Toản, Phan Kế Lộc, Đặng Ngọc Thanh, Nguyễn Hữu Thước, và Tống Duy Thanh v.v… Số khác được cử về dạy ở các trường trung cấp như Nguyễn Lân Dũng, Phan Nguyên Hồng, Trần Kiên, Hoàng Đức Nhuận v.v.. Tất cả các ông sau này đều trở thành Giáo sư, những nhà khoa học uy tín trong các lĩnh vực chuyên môn của mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Tống Duy Thanh xin về nghỉ ở quê trong lúc chờ phân công công việc. Ông cũng không ngờ rằng chuyến về thăm quê này lại bắt đầu cho một bước chuyển đưa ông đến một chân trời mới. Như ông kể lại:

Trong thời gian tôi ở quê, Bộ Giáo dục đã phân công công việc ở các trường đại học cho những người được giữ lại Đại học. Tôi ra muộn nên các nơi có nhu cầu đã được phân công, tôi đành chờ đợi sự sắp xếp khác. Đúng lúc đó, nhà trường thông báo là thầy Nguyễn Văn Chiển ở Đại học Bách khoa đang cần một trợ lý về để cùng ông xây dựng và giảng dạy cho ngành địa chất vừa thành lập. Tôi chưa biết gì nhiều về địa chất nhưng trong tình hình đó, tôi đăng ký về Bách khoa làm việc với thầy Chiển”.

  “Sự tình cờ và thầy Nguyễn Văn Chiển đã dẫn đường đưa tôi vào ngành Địa chất”

  GS Tống Duy Thanh (tứ 2 từ trái) và thầy-GS Nguyễn Văn Chiển (thứ 3)

trong một chuyến đi nghiên cứu thực địa năm 1962

        Và cũng từ sự “lỡ bước” đó, Tống Duy Thanh bén duyên với ngành Địa chất. Trong những ngày đầu làm quen với ngành khoa học mới, ông gặp nhiều khó khăn. Những tháng ngày đó còn in đậm trong ký ức của ông:

Đến nhận công tác mới ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy Chiển hỏi tôi: Anh có biết tiếng Nga không? Tôi trả lời thầy là không, vì học ở Đại học Sư phạm do rút ngắn thời gian đào tạo nên chúng tôi không học tiếng Nga. Thầy nhìn tôi cười rồi hỏi tiếp: Thế anh biết tiếng Pháp chứ? Tôi mừng quá trả lời thầy ngay là tôi được học tiếng Pháp từ nhỏ… Vậy là thầy đưa cho tôi một số tài liệu địa chất bằng tiếng Pháp và bảo tôi đọc để có hiểu biết cơ bản về cái nghề mà mình sẽ làm. Tôi còn nhớ những tài liệu địa chất đầu tiên đó là cuốn “Traité de paléontologie végétale” (“Giáo trình về cổ sinh thực vật” của Leon Moret và “Les Sciences des Roches” (“Khoa học về đá”).

Những tháng ngày đọc tài liệu địa chất dù rất khó khăn nhưng cũng tràn ngập những cảm xúc của tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Phương pháp giáo dục của GS Nguyễn Văn Chiển đã tác động và ảnh hưởng nhiều đến Tống Duy Thanh: “Tôi cho anh xuống nước nhưng sẽ không để anh chết đuối. Rồi anh sẽ biết bơi– “câu nói đó của thầy Chiển làm cho tôi ghi nhớ suốt đời mà sau này, khi dạy các thế hệ học trò tôi vẫn thường nhắc lại và vận dụng lời dạy đó”.

Sau một thời gian đọc tài liệu có sự kèm cặp, giúp đỡ của thầy Chiển, Tống Duy Thanh bắt đầu được lên lớp. Ông được thầy Chiển giao việc giảng dạy môn Cổ sinh học là ngành gần với chuyên môn ông được đào tạo ở Đại học Sư phạm.

 Học tập và làm việc với các nhà địa chất Liên Xô

          Năm 1957, Đại học Bách khoa Hà Nội mời được các nhà địa chất uy tín của Liên Xô sang giảng dạy, trong đó có GS Nhemkov. Thầy Chiển đã cử Tống Duy Thanh đi theo GS Nhemkov để học hỏi. Đó là những tháng ngày đầu tiên ông được trực tiếp học và làm việc với chuyên gia địa chất nước ngoài. Những tháng ngày đó còn in đậm trong ký ức của ông:

Đó là những tháng ngày khó khăn mà tôi phải nỗ lực rất nhiều. Thầy Chiển rất nghiêm túc và yêu cầu rất cao. Tôi không biết tiếng Nga nhưng thầy chỉ cho người phiên dịch giúp tôi trong 3 tháng và yêu cầu sau 3 tháng đó, tôi phải tự làm việc với chuyên gia. Một chuyên ngành mới với một ngoại ngữ mới làm tôi phải học cả ngày lẫn đêm. Học ngoại ngữ song song với học chuyên môn để bắt kịp được bài giảng của chuyên gia. Cứ như vậy, sau 1 năm làm việc với chuyên gia, không những kiến thức chuyên môn mà tiếng Nga của tôi cũng tiến bộ rất nhiều”… “Khi GS Nhemkov giảng bài, ông không giảng trực tiếp cho sinh viên mà giảng qua những người thầy giáo. Tôi nghe ông giảng rồi về giảng lại cho sinh viên. Vì ngoại ngữ không thật giỏi nên truyền đạt cũng hạn chế. Nhiều khi sinh viên còn gọi đùa tôi là “cái máy ghi âm rè”…”.

          Đầu những năm 1960, đoàn chuyên gia Liên Xô do TS Dovjikov sang giúp đỡ Việt Nam thực hiện dự án Thành lập bản đồ địa chất Miền Bắc Việt Nam. Tống Duy Thanh lại có cơ hội được học tập cả chuyên môn và ngoại ngữ từ các chuyên gia. Như ông kể lại:

TS Dovjikov là một nhà địa chất lớn của Liên Xô. Ông đã chủ biên nhiều công trình địa chất lớn và có uy tín trong giới địa chất. Đi cùng với ông là nhiều chuyên gia giỏi trong ngành địa chất Liên Xô. Được làm việc với họ là một vinh dự, một cơ hội học hỏi hiếm có lúc bấy giờ. Tôi được thầy Chiển cho theo các chuyên gia để học tập… Sau đợt làm việc với GS Nhemkov, ngoại ngữ của tôi khá hơn nên trong thời gian là việc với chuyên gia, tôi đã lĩnh hội được nhiều kiến thức mới…”.

          Sau những nỗ lực học hỏi, năm 1963 Tống Duy Thanh được cử sang Liên Xô công tác và học tập thêm. Trong thời gian ở đây, ông được học tập bên cạnh Viện sĩ B.S. Sokolov, một nhà địa chất nổi tiếng của Liên Xô. Ông nhớ mãi việc được Viện sĩ Sokolov dạy cho cách viết một bài nghiên cứu để đăng tạp chí.

Trong một lần báo cáo với VS Sokolov về sự phân bố vách đáy trong san hô Tabulata, VS Sokolov thấy vấn đề thú vị nên gợi ý tôi viết một bài  báo khoa học. Một tuần sau, tôi đưa cho thầy Sokolov xem bản thảo dài 8 trang. Ông xem qua rồi nói cho tôi một danh sách các tài liệu bảo tôi vào thư viện đọc, sau đó phát triển bài viết thêm thành khoảng 50 trang. Được sự động viên của một nhà khoa học lớn, TSKH Dubatolov V.N., tôi kiên trì đọc tài liệu và viết thành một bản thảo gần 60 trang đưa đến cho thầy. Ông đọc kỹ bài viết của tôi rồi gọi tôi lên bảo: “Giờ anh hãy viết gọn bài viết này lại thành 8 trang để đăng tạp chí”… “Đó là một quá trình lao động cực nhọc. Đọc tài liệu để phát triển một bài viết từ 8 trang lên gần 60 trang đã rất vất vả. Nhưng rồi từ đó mà rút gọn lại chỉ 8 trang thì khó khăn hơn nhiều. Bỏ đi phần nào mình cũng thấy tiếc… Nhưng sự lao động cực khổ đó không làm tôi uổng công bởi tôi không những học được cách viết bài nghiên cứu mà còn học được nhiều kiến thức mới trong quá trình viết bài”.

Tống Duy Thanh bên cạnh thầy  – Viện sĩ B.S. Sokolov

   sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học, Novosibirsk, 1979

          Bài viết của Tống Duy Thanh được VS Sokolov chỉnh sửa và sau đó được công bố trên tạp chí. Tức công trình “Về sự phân bố vách đáy ở San hô dạng vách đáy” (Dịch theo nguyên bản tiếng Nga) ( “On the distribution of the tabula in the Tabulatomorphe Corals”). Paleont. Zhurnal  I: 44-47. Moskva. 1965. (in Russian). Đây là công trình nghiên cứu thứ hai của Tống Duy Thanh được công bố trên tạp chí và là công trình đầu tiên công bố trên tạp chí quốc tế. Nó gắn liền với những kỷ niệm đáng nhớ giữa ông và VS Sokolov.

Làm người thư ký tình nguyện để được theo thầy học tập

         Năm 1966, khoa Mỏ-Địa chất của Bách khoa trong thời gian sơ tán lên Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang bây giờ) đã được tách ra và thành lập Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Cùng lúc đó, GS Nguyễn Văn Chiển được điều về Đại học Tổng hợp để xây dựng bộ môn Địa chất. Việc Tống Duy Thanh ở lại cơ quan cũ hay theo thầy Chiển về xây dựng một cơ quan mới trở thành một nỗi băn khoăn. Sau nhiều suy nghĩ, ông quyết định theo thầy Chiển về xây dựng bộ môn Địa chất ở Đại học Tổng hợp Hà Nội:

Trường Đại học Mỏ-Địa chất vừa mới thành lập, đang cần cán bộ giảng dạy. Nhưng thầy Chiển về Đại học Tổng hợp cũng gặp nhiều khó khăn cần người để chia sẻ. Tôi đi vào địa chất là nhờ sự dẫn đường của thầy Chiển. Vậy nên tôi quyết định đi theo thầy về Trường Tổng hợp cùng xây dựng bộ môn Địa chất mới ở đó”.

Từ khi bước chân vào ngành Địa chất cho đến khi thầy Chiển qua đời (2009), GS Tống Duy Thanh luôn “song hành cùng thầy và ngành địa chất”. Dù cương vị là học trò, là đồng nghiệp, nhưng ông được thầy Chiển tin tưởng và được thầy giao cho nhiều nhiệm vụ mà như GS Thanh gọi là “công việc của một người thư ký”. Những văn bản quan trọng có tính chất mở đường trong ngành địa chất mà thầy Chiển biên soạn đều có bút tích của ông.

Năm 1969, trong quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học với Cục Địa chất, thầy Chiển nhận thấy sự chỉ đạo của Cục lúc đó hầu như không có kiến thức chuyên môn về Địa chất. Họ không lấy nội dung khoa học làm thước đo công việc nghiên cứu mà lấy số thước khoan để báo cáo thành tích công tác của ngành.

Thầy Chiển viết một bức thư gửi lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng với một số đề nghị thẳng thắn, cụ thể về lãnh đạo Cục Địa chất. Khi đó, Tống Duy Thanh bị ốm đang nằm điều trị ở Quảng Bá. Thầy Chiển lên thăm ông và đưa bức thư cho ông xem để góp ý kiến. Sau đó, thầy Chiển giao cho ông chỉnh biên lại bức thư rồi mang đi đánh máy. Thầy cũng yêu cầu phải thu lại toàn bộ bản nháp và bản giấy than sau khi đánh máy…

Thời gian thầy Chiển đảm nhiệm chức danh Viện phó viện khoa học Việt Nam, trực tiếp phụ trách khối Khoa học Trái Đất, Tống Duy Thanh cũng được Viện Khoa học Việt Nam mời làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trái Đất của Viện KHVN. Suốt thời gian này Tống Duy Thanh càng thực sự như là thư ký của thầy Chiển trong công việc phụ trách Khoa học Trái Đất của Viện Khoa học Việt Nam. Hay cuối năm 1983, khi chuẩn bị các công việc để thành lập Hội Địa chất Việt Nam, thầy Chiển đã giao cho ông soạn thảo các văn bản chủ yếu. Ông làm công việc như một thư ký riêng của thầy Chiển nhưng thầy không bao giờ coi ông là thư ký mà luôn hỏi ý kiến các vấn đề và trân trọng, lắng nghe và quan tâm đến những ý kiến đó. Như ông vẫn tự hào nói:

Trong giới Địa chất Việt Nam, tôi tự hào vì được coi là người gần gũi với thầy Chiển. Như một người thư ký tình nguyện, tôi làm việc bên cạnh thầy Chiển từ thời trai trẻ đến lúc già. Thầy Chiển là một nhà khoa học, một nhân cách lớn, một tấm gương sáng cho tôi học hỏi”.

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam