Hạnh phúc trong sự bận rộn

GS Lê Xuân Tùng – tuổi bát tuần tràn đầy năng lượng

Từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, trở thành cán bộ cấp cao của Đảng ta, GS Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phụ trách Ban Tư tưởng-Văn hóa và Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) vẫn luôn giữ tính cách giản dị, thân tình, được nhiều người quý mến, nể trọng. Ở tuổi ngoại bát tuần nhưng giáo sư vẫn tràn đầy năng lượng đúng với phương châm: “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Hằng ngày, GS Lê Xuân Tùng vẫn đến văn phòng làm việc đều đặn

Ông chính thức nghỉ hưu từ năm 2008. “Ngày hôm nay nhận quyết định nghỉ hưu thì hôm sau tôi đi làm luôn”-ông kể. Hằng ngày cứ đúng 8 giờ, ông vẫn đến văn phòng làm việc như trước. Và thành quả lao động của ông cùng cộng sự trong những năm qua là hoàn thành hai bộ “Bách khoa thư Hà Nội”. Bộ thứ nhất gồm 18 tập về Thăng Long-Hà Nội, thực hiện trong 17 năm (từ 1993 đến 2010) với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học đầu ngành của Trung ương và TP Hà Nội. Bộ thứ hai gồm 14 tập, khoảng 6.000 trang về Hà Nội mở rộng, thực hiện trong 6 năm (từ 2011 đến 2017) với sự tham gia của 80 chuyên gia đầu ngành. Trong thời gian ấy, ông đi thực tế nhiều để thu thập tư liệu, tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, có những cuộc các nhà khoa học tranh luận nảy lửa từ sáng đến chiều chưa xong. Phát huy vai trò của người “thuyền trưởng”, GS Lê Xuân Tùng đã thống nhất các ý kiến đưa vào sách, tạo được sự đồng thuận cao. Đến nay, Hà Nội là thành phố duy nhất ở nước ta xuất bản được hai bộ bách khoa thư rất giá trị như vậy.

Hiện là thành viên Tổ Tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương, GS Lê Xuân Tùng đã đóng góp ý kiến tích cực vào việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh qua các nhiệm kỳ; góp ý kiến chuẩn bị nội dung cho các hội nghị Trung ương. Từ khi nghỉ hưu đến nay, hằng tháng, ông vẫn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông còn hướng dẫn nghiên cứu sinh các ngành lý luận, thỉnh thoảng viết bài cho các báo… GS Lê Xuân Tùng vốn là người rất yêu thơ văn, mê lịch sử, văn nghệ, thể thao. Ông thích nghe nhạc cổ điển vào lúc đêm khuya, nghe các bài dân ca Nga, dân ca, nhạc cổ truyền Việt Nam và còn biết chơi đàn violin, guitar, accordion, mandolin… Thể thao cũng là sở thích và sở trường của ông, từ bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn đến cầu lông… Giờ đây, ông vẫn duy trì chế độ thể thao hằng ngày rất đều đặn: Chiều đạp xe 25 phút, tối đi bộ,… Cuối tuần, ông thường đi hiệu sách để mua những cuốn sách mới. Vị giáo sư còn đặt mục tiêu “phải tiến kịp thời đại” nên tự học đánh máy, sử dụng máy vi tính; dùng iPhone để lướt web cập nhật tin tức và nhắn tin qua Viber… GS Lê Xuân Tùng quan niệm: “Tài năng bẩm sinh của con người chỉ có 5-7%, còn lại đều do sự lao động cần cù, rèn luyện chăm chỉ, tích lũy mà nên”. Ông khuyên giới trẻ hãy chịu khó học văn bởi văn là người, là diễn đạt nên lúc nào cũng cần trong cuộc sống. Đồng thời phải biết nuôi dưỡng những ước mơ từ nhỏ đến lớn và luôn có ý thức phấn đấu để biến các ước mơ ấy trở thành hiện thực.

GS Lê Xuân Tùng là tấm gương mẫu mực về tinh thần học tập, lao động và cống hiến. Từ hôm được gặp ông, tôi thường nghĩ đến câu châm ngôn: “Điều vĩ đại nhất trong cuộc sống là luôn giữ được đầu óc tươi trẻ”.

GS Phong Lê – người không thích nghỉ ngơi

Mặc dù rất bận rộn nhưng khi tôi gọi điện xin hẹn phỏng vấn, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, vẫn vui vẻ nhận lời và cho biết: “Từ nay đến hết tuần sau tôi đi hội nghị, hội thảo suốt, chỉ có ngày này là rỗi…”.

Đến nhà riêng của vị chuyên gia đầu ngành về văn học Việt Nam hiện đại ở phố Võng Thị, quận Tây Hồ (TP Hà Nội) vào một buổi sáng đẹp trời, tôi thấy trên căn gác nhỏ-nơi làm việc của GS Phong Lê có rất nhiều sách cùng các tập tài liệu được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tập bản thảo nào đang đọc dở, viết dở, ông kẹp ngay ngắn để trên bàn. Khi tôi còn đang e dè, ông đã chủ động hỏi thăm về gia đình, quê quán, công việc… khiến tôi có cảm giác thật gần gũi. Rồi ông hỏi rất kỹ lý do vì sao tôi chọn ông để phỏng vấn và kế hoạch phỏng vấn này đã được thông qua thủ trưởng hay chưa…

 

GS Phong Lê và kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du

GS Phong Lê nổi tiếng về sự chuẩn mực, cách làm việc khoa học, lao động nghề nghiệp nghiêm túc và sử dụng thời gian rất hiệu quả. Với ông, mọi công việc đều phải có kế hoạch rõ ràng, luôn có định hướng từ lớn đến nhỏ và phải thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra. Để mọi việc được hoàn thành tốt đẹp đòi hỏi phải sắp xếp hợp lý sao cho các công việc có tính xâu chuỗi, kết nối với nhau. Bài viết này gợi bài viết khác, cuốn sách này gợi cuốn sách kia. Vì thế, ông rất quý trọng thời gian, biết cách tiết kiệm từng phút, từng giờ để không mất sức vào những việc phù phiếm, “trà dư tửu hậu”. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Anh Phong Lê không mặc áo lính mà có chất lính. Đã nói là làm. Đã làm là làm đến cùng. Tỷ lệ thời gian hữu ích của anh rất cao”.

Hằng ngày thức dậy từ 5 giờ thì đúng 7 giờ ông bắt đầu làm việc, buổi chiều thì đúng 14 giờ-cứ đều đặn như một chiếc đồng hồ sinh học vậy. GS Phong Lê không thích la cà cà phê, bóng đá, rất ngại ăn uống tiệc tùng nên mới có giai thoại là “Giáo sư chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi”. Nhưng ông luôn tìm được nguồn vui từ chính công việc của mình.

Có lẽ ông chưa bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi và nghỉ hưu. Việc nhận quyết định nghỉ theo chế độ Nhà nước, ở tuổi 65, với ông chỉ là việc chuyển sổ lương từ nơi này sang nơi khác mà thôi. Kể từ khi thôi chức Viện trưởng Viện Văn học (1995) đến nay, sức lao động của GS Phong Lê còn dồi dào hơn cả thời đương chức. Tiếp tục con đường của những bậc thầy về khoa học văn chương nước nhà như: GS Đặng Thai Mai, nhà phê bình văn học Hoài Thanh… GS Phong Lê miệt mài nghiên cứu tổng kết văn học Việt Nam thế kỷ 20, vừa đi sâu vào các chân dung nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiêu biểu. Là một chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại, tính ông rất thẳng thắn, mạnh mẽ, đôi khi cũng rất “gai góc” trên các diễn đàn văn học nước nhà. Nhiều người bảo nhà phê bình văn học này “mê” Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và Nam Cao bởi ông đọc-nghĩ-viết rất cặn kẽ về ba tác giả ấy. Với tinh thần lao động không ngừng nghỉ, cho đến nay, GS Phong Lê đã cho ra đời 32 quyển sách in riêng, 20 cuốn chủ biên; chủ trì nhiều công trình khoa học và viết hàng trăm báo cáo đề dẫn hội thảo lớn, nhỏ về các nhà văn, nhà thơ… Riêng năm 2017, ở tuổi 79, ông viết xong ba cuốn sách về văn hóa, văn học Việt Nam, trong đó có cuốn dày tới 800 trang.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam từ năm 2014 đến nay, GS Phong Lê còn có không ít việc liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và “Truyện Kiều”: Làm sách tổng tập, phim chân dung, tổ chức các cuộc hội thảo, phát động cuộc thi văn tế hướng tới Lễ giỗ 200 năm mất của Đại thi hào-năm 2020, phối hợp với các địa phương dựng bia và tôn tạo di tích nơi Nguyễn Du sống và hoạt động… Ông còn tham gia đào tạo nhiều chục tiến sĩ, thạc sĩ, chấm hàng trăm luận án tiến sĩ về văn chương, được mời nói chuyện về văn hóa và văn học khắp cả nước.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm và phải sống chung với nhiều thứ bệnh, có lúc gần như “thập tử nhất sinh”, vậy mà ông vẫn hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ! GS Phong Lê tâm niệm: “Đã là nghề thì phải học cách chuyên tâm với nghề. Nghề văn, hoặc nghề cầm bút nói chung theo tôi hiểu và ao ước, là góp phần giúp cho con người sự định hướng sống và mở rộng thêm các biên độ sống, sống có ích và sống vui (…). Hiểu nghề để có sự tự tin, nhưng tránh ảo tưởng tự đặt mình cao hơn mọi nghề khác, kể cả những nghề lao động chân tay lam lũ. Cũng không tự ti, tự bỉ bạc nghề mình. Chừng nào con người đáp ứng được các yêu cầu của nghề, chừng ấy con người có lý do tồn tại và cảm thấy hạnh phúc”.

Bài và ảnh: HàThanh Minh

Nguồn: http://ct.qdnd.vn