Ông Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1935, tại Hà Nội. Ông đã có một tuổi thơ khá êm đềm nơi đô hội. Năm 1946, ông phải cùng gia đình rời xa Hà Nội tản cư lên Phú Thọ, Tuyên Quang, và cuối cùng là về một địa phương ở cây số 6, đường Tuyên Quang- Hà Giang. Sau khi giải phóng thủ đô (1954) ông lại có dịp “trở lại”, “tìm về” những vùng đất đó trong nhiều năm, như một cái duyên với chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian.
Có một lần, trong lúc nói về mối quan hệ song đôi Quê – Tỉnh, tôi đã được xem một số đoạn trong tập hồi ký dang dở của ông “Hai mươi hai mảnh ghép trong cuộc đời tôi”[1], cho thấy ông yêu từng tấc đất thành thị quê ông đến như thế nào, đồng thời cũng giấu trong lòng sự “si mê” nét văn hóa của những con người cần lao sau lũy tre xanh vùng châu thổ Hồng Hà, hay bên những dòng kênh đan xuyên ngang dọc đồng bằng sông Cửu Long…Ông viết: “Tự lúc nào không biết, do phiêu bạt trong chiến tranh, do đặc điểm hoạt động nghề nghiệp từ phường phố, lên rừng, ra biển, trong tôi dần dần đạt tới sự cân bằng giữa quê và tỉnh. Đây là một điều may mắn vô cùng cho một người vừa nghiên cứu văn hóa dân gian, vừa nghiên cứu xã hội học, nhất là xã hội học đô thị như tôi. Và tôi đã không bỏ lỡ cơ may thần thánh đó.Tôi cố tìm cách – và đã tìm được – cách dàn xếp êm đẹp trong trí óc và tâm hồn những phép tiếp cận, những kiểu cảm nhận, cách mổ xẻ, khám phá, trình bày (rất khác nhau) giữa folklore học (ngành khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian) và xã hội học. Và điều này mới thú vị nữa: khi tuổi tôi ngày càng cao thì tôi lại còn tìm thấy nơi xã hội học những “phép màu” có khả năng hiệp lực cùng folklore học để đào sâu thêm một cách bất ngờ vẻ đẹp tiềm tàng của những vùng văn hóa dân gian tuyệt mỹ. Cái bí kíp một đời nghiên cứu của tôi là: phải nhìn cho ra hình bóng “con người” trong tất cả mớ bòng bong lý thuyết và dữ kiện thường dễ làm ta rối não đó. Đi theo ngả đường ấy, tôi ngày càng thấy tâm hồn mình trở nên phong phú hơn, và hay bất chợt nắm bắt được một góc nhìn gần gũi với sự sống của con người hơn. (…). Đằng sau tất cả những con số, những bảng biểu, những khúc ca đồng dao, những bài văn khấn hay những dòng ghi chép mờ mịt bởi thời gian…, bao giờ tôi cũng bắt gặp lấp ló hình bóng thân thuộc của những người đàn ông, đàn bà trên núi đồi, xóm ấp, kênh rạch, đường phố từ Bắc đến Nam, từ thời cổ xưa đến những ngày đương đại.”[2]. Vậy là NNC Nguyễn Quang Vinh đã giải mã những bí mật của con đường đi từ bộn bề đời sống, tới hồn người và trang sách mà ông đã gây dựng nên trong suốt mấy chục năm làm văn hóa dân gian và làm xã hội học. Hình như ông đã tìm thấy một niềm vui và một trạng thái “cân bằng – động” nào đó đang ẩn rất sâu sau những thao tác học thuật có vẻ khắc khổ, khô khan.
Từ cơn giận của mẹ tới cái duyên với Câu đố
Trong cuộc đời, đôi khi một chuyện ngẫu nhiên đầy ấn tượng nào đó lại trở thành một cơ duyên, dẫn dắt con người ta tìm ra và theo đuổi những giá trị trong sự nghiệp của mình với một niềm vui thầm kín. Câu chuyện vỡ lòng về văn học dân gian của cậu bé Vinh khi mới lên 7,8 tuổi, sau nhiều chục năm nhìn lại, thấy có cái vẻ gì đó như là một…duyên tiền định.
Vào cái thuở Quang Vinh mới bắt đầu học chữ, trong gia đình cậu, có thêm hai người phụ nữ đỡ đần chuyện cơm nước và trông em bé mới sinh, một là người bà con và một là người giúp việc, nhưng thân thuộc như người trong nhà. Cậu có một thói quen là sau khi ăn cơm trưa xong, thường tha thẩn chuyện trò dưới nhà bếp với mấy u, nghe họ kể chuyện cổ tích, chuyện ma; đôi khi được nghe vài câu hát lạ; nhưng thích nhất vẫn là cố giải các câu đố của mấy bà, với tính hiếu thắng của một đứa bé… Ông Nguyễn Quang Vinh kể lại[3]: “Trưa hôm ấy, chẳng biết hứng chí thế nào, các bà cho ra “chuyên đề” đố câu đố. Hết“Mồm bò, không phải là mồm bò, mà đúng là mồm bò” (Con ốc sên), lại đến “Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, đào không thấy, lấy không được” (Bóng trăng dưới ao). Tôi khoái quá! Đến một câu đố khá dài, rất vần vè, thì hai bà không đố thằng bé nữa, mà quay ra… đố nhau. Ơ! Sao hai bà cứ cười lăn cười lộn như ma ám sau một câu đố: “Hai tay ôm lấy khư khư/ Bụng thì bảo dạ rằng ư đút vào/ Đút vào nó sướng làm sao/ Giập lên giập xuống nó dào nước ra”. Tôi chép lại rồi cầm mảnh giấy chạy ù lên nhà trên và ném tọt cái mảnh giấy dại dột đó vào lòng mẹ. Khi mẹ tôi giở ra xem thì rất bực tức kêu các bà giúp việc lên. Đồng thời trách mắng tôi. Bà chỉ: dịu đi khi được biết đó không phải là bài thơ nhảm, mà là câu đố về chuyện hai tay cầm gióng mía đút vào mồm nhai (!) Rồi tôi cũng hiểu ra điều đó, và còn được hai bà “khai tâm” giải thích rằng đó là cách “đố tục, giảng thanh”… Dù bị một trận mắng mỏ té tát vì câu đố, thế mà tôi vẫn không làm sao thoát ra khỏi sự hấp dẫn của những cuộc đố-giảng, những cuộc đoán thử sai be sai bét, cho đến khi được giải ra thì mới òa lên cười sung sướng; tuổi thơ tôi đã bị hấp dẫn từ những câu đố ấy. Nhưng tôi đâu biết được rằng sự hấp dẫn đó còn nhập sâu vào tôi đến mức, suốt hơn hai chục năm tiếp theo, tôi vẫn cứ lặng lẽ nhặt nhạnh những câu đố hay, và ghim chúng trong ký ức…Để rồi đến giai đoạn từ 1965 đến 1969 (tức là khi 30 đến 34 tuổi), tôi đã lọ mọ tự tập hợp từ mọi nguồn, kể cả trong ký ức, để liều lĩnh thảo ra một bản viết tay cho cuốn sách nhỏ sưu tầm và giới thiệu giá trị của câu đố Việt Nam. Cuốn sách ấy, với sự chân thành và …thơ ngây của nó, dĩ nhiên đã không ra đời, nhưng bản thảo của nó thì vẫn sống như một chứng nhân của tình yêu tôi với văn học dân gian. Sau này, cuốn bản thảo đã đến tay những người rất giỏi về lĩnh vực văn học dân gian, như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, và được các vị ấy mỉm cười đón nhận, như một tấm giấy thông hành cho phép tôi đi vào nghiên cứu chuyên nghiệp về văn học dân gian Việt Nam tại Viện Văn học, từ năm 1970.” Có một kỷ niệm về câu đố làm cho nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh nhớ cho đến tận bây giờ. Đó là trong lúc tập hợp và nghiền ngẫm về những câu đố đến từ nhiều nguồn khác nhau, có một câu đố cứ bám chặt lấy tâm trí ông, như là một ám ảnh – và như chính ông nói – “ám ảnh về đời người và ám ảnh về học thuật”. Đó là một câu đố rất ngắn, chỉ nghe thoáng qua thì không mấy gây ấn tượng, nhưng với ông Vinh thì nó lại trở thành một câu hỏi lớn, về việc có hay không có những âm hưởng triết lý trong một số câu đố Việt Nam? Nếu cứ bằng vào cảm nhận của đa số những người bạn ông, từng bàn với ông về câu hỏi nói trên, thì câu đố đơn thuần là một trò giải trí, thông minh lắm, nhưng “triết lý” thì không! Cười vui xong là xong, là quên, làm gì mà có triết lý sâu xa? Nhưng ông Vinh không nghĩ như vậy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh chia sẻ với chúng tôi: câu đố: “Bằng một bước mà bước không qua”? và ông giải thích là cái bóng của chính mình. Cái bóng thì bao giờ cũng đi sát bên con người, tạo cho ta cái cảm giác, hay nói đúng hơn là cái ảo giác, rằng chỉ cần bước dấn lên một bước thôi, thì sẽ vượt ra khỏi cái bóng đó. Thế nhưng, mãi mãi con người sẽ không bao giờ bước ra khỏi cái bóng “vật lý” đó. Và, hơn thế nữa, “Bằng một bước mà bước không qua” hình như còn mang một ẩn ý, một lời tâm sự về những cái trớ trêu của thân phận con người. Có phải cái phận nghèo, phận khổ trong cuộc đời ở nhiều vùng quê xưa cứ đeo đẳng, ám ảnh người ta như một cái bóng đen ghê sợ, không cách nào vùng thoát ra được, dù đôi khi có cảm giác có thể thoát ra bất ngờ, từ một bước chân thôi…Câu đố, mà sao nghe như một tiếng khóc thầm tấm tức. Câu đố, mà khi giải xong, người ta mỉm cười đấy, mà nước mắt lại ngấn trên mi.”[4] Ông Vinh không ngờ được rằng, sự hào hứng với một câu đố – khởi đầu với ông lại là một trận nổi giận đùng đùng ít thấy từ bà mẹ vô cùng thương ông –nhưng dần gắn bó với ông, trở thành một dấu hiệu mang tính định mệnh, đưa đường cho ông bước vào và có nhiều thành công trong nghiên cứu văn học – văn hóa dân gian Việt Nam.
Những dấu ấn trong nghiên cứu văn hóa dân gian
Chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên (1970-1975) nghiên cứu chuyên nghiệp về văn học dân gian ở Viện Văn học, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh đã công bố ba bài nghiên cứu khoa học rất công phu trên Tạp chí Văn học (số 4, 1972; số 6, 1973 và số 6, 1974), để lại ấn tượng tốt cho giới nghiên cứu văn học dân gian nói chung. Đó là những bài nói về truyện thơ Lục Vân Tiên và văn hóa dân gian, về hình tượng Quan Âm Thị Kính trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam và về hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hóa trong truyền thuyết dân gian: Không Lộ. Như lời ông Vinh kể lại cho chúng tôi, thì mấy năm đầu về Viện Văn học, do chịu ảnh hưởng của một số quan điểm phương pháp luận mới của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, nhất là trong cuốn sách Người anh hùng làng Dóng, ông Vinh đã trăn trở rất nhiều về sự “đông cứng” và “gầy guộc” của một số chuyện dân gian đã được ghi vào trong sách, báo (mặc dầu đó là những văn liệu quý báu cho các cuộc nghiên cứu và trong đời sống hàng ngày). Ông tự hỏi: “Có cách nào để đưa những câu chuyện đã bị dính cứng vào chữ in và trang giấy đó trở về với khung cảnh và cách thế mà nó từng sống vẫy vùng trong sinh hoạt văn hóa dân gian xưa, hay không?” Ông lặng lẽ học cách mà Cao Huy Đỉnh đã thử làm, để rồi liều lĩnh cùng với câu chuyện vượt ra khỏi trang sách để đến với một khung trời văn hóa dân gian phong phú, và náo động hơn nhiều, trong đó “câu chuyện gầy guộc kia có cơ may tìm thấy ngọn suối mát nơi mình đã sinh ra, trở nên hồng hào, đẫy đà, tràn đầy sinh lực hơn.” Vậy là, – như ông Vinh nói –ông đã tìm cách đặt các sự tích văn học dân gian mà mọi người từng quen thuộc vào một tọa độ văn hóa đủ rộng hơn, cho phép soi sáng sự tích ấy dưới những làn ánh sáng mới, đặng tìm ra vẻ đẹp đa diện và sống động hơn của sự tích dân gian. Và hình như, ông Vinh cũng đã vận dụng cách tiếp cận cởi mở này để phát hiện ra những giá trị mới của các tác giả và tác phẩm thành văn, vốn có mối liên hệ ruột rà với đời sống văn hóa dân gian đã cưu mang nó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh (thứ 2, hàng đầu từ phải) và cán bộ Viện Văn học trong buổi tiễn đoàn cán bộ của Viện vào công tác tại Sài Gòn, tháng 11-1975
Về ba nghiên cứu này của ông Nguyễn Quang Vinh, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đánh giá như sau: “Trong bài “Truyện thơ Lục Vân Tiên với văn hóa dân gian”, anh (NNC Quang Vinh) đi tìm bí quyết nào đã làm cho tác phẩm của một nhà nho có thể có một cuộc sống kết liền ruột thịt với nhân dân Nam Bộ đến mức trở nên một nhân tố tinh thần xã hội kỳ diệu. Theo anh, nếu xét đến mối quan hệ giữa truyện thơ Lục Vân Tiên với văn hóa dân gian thì sẽ góp phần lý giải hiện tượng tác phẩm này một cách khách quan và có hiệu quả hơn, sẽ có thể rộng tay hơn để phân tích cảm thụ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên trên nhiều khía cạnh phong phú”(trong Lời bạt cho cuốn sách Hồn quê Việt, như tôi thấy, tập hợp nhiều công trình nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian của tác giả Nguyễn Quang Vinh, do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2010). Quả đúng như bài viết trên, ông Vinh đã khám phá ra rằng, ngay chính tiến trình sáng tạo ra truyện thơ này của thầy Đồ Nguyễn Đình Chiểu cùng với học trò của mình trong ngôi trường nhỏ bé ở Bình Vi cũng thấm đượm những phong thái hồn hậu của sáng tác truyền miệng dân gian. Trong thiên truyện thơ này, thấy tràn ngập những yếu tố thần kỳ trong truyện cổ tích được huy động; hàng chục câu ca dân gian miền
Để có được sự ghi nhận ấy, ông Vinh kể lại câu chuyện vui: “Lúc ấy bạn bè tôi cứ tưởng rằng tôi vào Viện Văn học là vào Tháp Ngà rồi , “cứ ngồi vểnh râu mà …tư biện nhé!” Nhưng họ đã nhầm to. Tôi còn hoạt động điên hơn những năm tháng dạy học và làm báo( 1955-1958) nữa! Lại thêm, trong đầu lúc ấy luôn nung nấu một câu ngạn ngữ Pháp rất ám ảnh, mà Giáo sư Đặng Thai Mai, Viện trưởng, đã ân cần chia sẻ với bọn nghiên cứu viên trẻ chúng tôi: “Này, làm gì thì làm ngay đi nhé, chứ người Pháp có câu ngạn ngữ rất hay, đại ý là các ý định tốt thường chỉ dùng để …lát địa ngục thôi đấy!” (Nguyên văn trong tiếng Pháp là L’enfer est pavé de bonnes intentions – Địa ngục được lát toàn bằng những ý định tốt!). Chúng tôi nghe xong đều nhìn nhau lắc đầu, lè lưỡi: Trời ạ, trong bụng anh nào cũng đầy tràn “những ý định tốt” mà làm ăn thì chưa đâu vào đâu, có chết không? Phải mở máy hết cỡ đi thôi. Vậy là, lúc thì tôi chui vào thư viện căng mắt đọc vi phim những trang tạp chí xưa cũ để cùng với Trần Đức Các và Võ Tố Hảo làm một Thư mục văn học dân gian từ xưa tới năm 1970; lúc thì đọc ngấu nghiến bao nhiêu là sách của người đi trước trên lĩnh vực mình mới bước vào chưa lâu: sách tiếng Việt, tiếng Pháp, bản dịch từ tiếng Nga…, thôi thì đủ cả. Thế rồi một hôm– như ông Vinh nói – ông bỗng “biến mất khỏi Tháp Ngà”. Nghiên cứu viên hỏi: “Khi đó thầy đi đâu ạ?” Ông cười hiền: “Tôi đi về làng. Tôi đi lễ Phật, lễ Thánh. Tôi ngồi hàng giờ nghe các vãi già hát kể hạnh đời bà Thị Kính. Và có một ngày kia, tôi có diễm phúc được ngồi chung chiếu, nghe tiếng đàn của một “kỳ nhân” dân gian sau lũy tre xanh. Ông “kỳ nhân” mặc tấm áo màu mỡ gà, không cổ, ngồi ung dung trên chiếu, và đàn. Tiếng của cây đàn nguyệt trong tay ông lúc đục, lúc trong, nghe như muốn nói điều gì mà sao vẫn nghẹn lời. Rồi có một lần, tiếng đàn dứt từ lâu, tôi vẫn thấy ông ngồi im, không nói một lời nào. Rồi chợt ông đập đập nhẹ vào tay tôi và bảo: ‘Tôi xin hiến cả mười đầu ngón tay này cho tiếng đàn đấy, chú Vinh ạ.” Tôi ngỡ ngàng nhìn sang gương mặt của con người kỳ lạ đó thật lâu, và chỉ thốt lên được một lời: “Ông!” rồi tôi quầy quả bỏ đi. Chắc ông cũng biết là lúc đó, tôi muốn được khóc một mình…
Công trình thứ ba mà ông Vinh viết và công bố trong năm năm đầu làm việc ở Viện Văn học là Hình tượng người anh hùng sáng tạo văn hóa trong truyền thuyết dân gian Không Lộ. Từ lâu, tác giả này đã quan tâm đến những câu chuyện dân gian về người khổng lồ, nhưng, như ông có lần phàn nàn: “sao mà chúng quá đơn sơ, và hình như đã bị đông cứng lại, không cho người ta cơ may mở rộng trí tưởng tượng của mình nữa.” Và ông Vinh đã viết như thế này trong một “mảnh ghép” thuộc về cuốn tự truyện Hai mươi hai mảnh ghép trong cuộc đời tôi: “Kịp đến khi đọc sách về ông Dóng của Cao Huy Đỉnh, thì trời ơi, người khổng lồ này sống động, vùng vẫy, tung hoành khắp miền trung châu Bắc Bộ. (…) Thì ra, một cái chuyện cổ tích bé tí mà mình cứ đọc đi đọc lại mãi nó cũng chỉ có thế thôi, nay mới vỡ lẽ ra rằng nó chỉ là một dạng tồn tại thư tịch của một anh hùng ca dân gian tầm cỡ sông núi…”. Một cảm hứng khoa học mạnh mẽ đã dẫn ông Vinh đi về nhiều vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ để thu thập thật nhiều dữ liệu trên thực địa, vào thăm các chùa và lắng nghe các vị cao tăng; rồi đọc thêm sách, xem ảnh tư liệu trong kho thư viện để – như ông viết trong “mảnh ghép” – “cố gắng làm sống lại đầy đủ hơn, với nhiều khí vị dân gian hơn, cái hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hóa mà ảnh hưởng tinh thần mạnh mẽ của hình bóng ấy còn được dân chúng khắp vùng vừa vun đắp, vừa thụ hưởng với niềm vui say và sùng kính.” Và thế là ông Vinh bắt tay vào viết bài nghiên cứu thứ ba, trong đó sự tích giản đơn về mấy nhà sư “bỗng xòe nở ra, phóng to lên trên bối cảnh bao la của một vùng biển đang được chinh phục, một vùng đất nước đang được khai phá và xây dựng từ đầm lầy của thủy quái”… Ông đã tìm thấy lại chân dung của người anh hùng sáng tạo văn hóa do trí tuệ dân gian từng vẽ lên, nhưng qua thời gian đã có phần bị che khuất hoặc bào mòn đi vì nhiều lẽ.
Giáo sư Nguyễn Xuân Kính khẳng định thêm: “Chỉ ba bài viết vừa nêu đã đủ tạo nên gương mặt Nguyễn Quang Vinh tại Viện Văn học. Lúc bấy giờ, do ảnh hưởng của phương pháp cũng như các thuật ngữ của khoa nghiên cứu văn học viết, việc nghiên cứu văn học dân gian thường được tập trung vào lĩnh vực ngôn từ. Trong ba bài viết của mình, anh Vinh không chỉ vận dụng các tư liệu về văn học dân gian mà còn huy động những tri thức về văn hóa, văn nghệ dân gian. Điều này đối với chúng ta bây giờ là bình thường, nhưng lúc đó là mới mẻ và làm cho một số đồng nghiệp vừa khâm phục, vừa có phần băn khoăn.”[6]. Vậy là, để nhắc lại câu nói đùa của ông Vinh trong chốn bạn bè gần gũi, rằng ba công trình ấy, khác nào như “ba con ngựa đã tung vó chạy, kéo theo cỗ xe tam mã trẻ trung, mở đường cho hành trình nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian của mình nhiều năm sau nữa!”
Và hương sắc văn hóa dân gian phương
Ba bài nghiên cứu đầu tiên được giới thiệu ở trên chỉ chiếm một phần trong tổng số trang viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh về văn học dân gian Việt
Nếu người đọc lưu ý một chút sẽ thấy những trang viết về văn hóa dân gian của Nguyễn Quang Vinh sau 1975 có hàm chứa nhiều quan điểm triết học và xã hội học, “sánh vai” cùng các quan điểm nghiên cứu folklore học, trong việc soi sáng các hiện tượng folklore phương Nam trên tảng nền của một cơ cấu xã hội và sinh thái nhân văn rất độc đáo của miền đất Tổ quốc được khai phá muộn hơn. Trong những năm sống ở miền Nam, ông Vinh đã có ba công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, bao gồm: cuốn Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, ông là đồng tác giả, Thạch Phương chủ biên; Cùng với nhà nghiên cứu xã hội Trần Ngọc Định viết công trình Truyền thống cần mẫn, tài hoa, cởi mở của thợ thủ công Sài gòn, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Trần Văn Giàu, và in trong cuốn Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập III, do Nxb Thành phố Hồ chí Minh xuất bản năm 1998; Và ông là tác giả bài viết chuyên đề “Từ quy luật tổ chức xã hội đặc thù của đô thị tới sự hóa thân của các hiện tượng văn hóa dân gian truyền thống”, in trong cuốn: Văn hóa dân gian và văn hóa đô thị, Nhiều tác giả, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
Đặc điểm chung nổi bật của ba công trình này là tác giả đã có đóng góp mới vào việc giới thiệu vẻ đẹp phong phú, độc đáo của văn hóa dân gian Nam Bộ – đặc biệt là truyện kể, ca hát, diễn xướng, và những sáng tạo trong văn hóa các cộng đồng nghề thủ công truyền thống – trong sự gắn bó với những giá trị cội nguồn của văn hóa dân gian Việt Nam có ngàn năm tuổi. Phép biện chứng giữa cái chung và cái đặc thù là góc nhìn phân tích xuyên suốt của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh khi nói về hương sắc dân gian miền
Nhìn từ góc độ các giai đoạn trong hành trình học thuật của một một nhà nghiên cứu, có thể coi đây là một cỗ xe tam mã mới, xuất hiện trong giai đoạn chín muồi hơn về nghiên cứu xã hội của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh.
Chính nhờ có những nghị lực học hỏi và sáng tạo liên tục trong suốt quá trình nghiên cứu văn hóa dân gian mà cây bút học thuật Nguyễn Quang Vinh có thể tự hào mà nói về hạnh phúc của mình trên dặm đường dài, từ những câu đố thơ ngây thuở thiếu thời, cho đến biết bao thử thách để thâm nhập vào được thế giới muôn màu của văn hóa dân gian Việt Nam từ Bắc đến Nam. Trong đó “có những phút giây tuyệt vời, khi cảm thấy hạnh phúc vì chạm được tay vào những hạt vàng di sản lấp lánh!”.
Lưu Thị Thúy
* Bài viết này do NCV Lưu Thị Thúy khởi thảo dựa trên những công trình, những câu chuyện kể trực tiếp, những trang hồi ức và những trang minh họa cho các hiện vật, sách báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bài đã được NKH đọc duyệt, chỉnh sửa bổ sung.
[1] Tập hồi ký “Hai mươi hai mảnh ghép trong cuộc đời tôi” của NNC Nguyễn Quang Vinh đang viết dang dở.
[2] Lời mở đầu hồi ký “Hai mươi hai mảnh ghép trong cuộc đời tôi” của NNC Nguyễn Quang Vinh.