Với GS Nguyễn Liêm, dù nghiên cứu nhiều hướng khác nhau liên quan đến chuyên khoa dược liệu, nhưng việc tìm ra và nghiên cứu cây vàng đắng là một trong hai công trình nghiên cứu ông tâm đắc nhất. Trò chuyện với ông, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào, ánh mắt bừng sáng và cả niềm hạnh phúc của ông khi kể về việc phát hiện ra cây vàng đắng cách đây hơn 40 năm.
Từ một sự tình cờ
Đầu năm 1974, dược sĩ (DS) Nguyễn Liêm đang công tác tại Bộ môn Dược liệu, Học viện Quân y, cùng đoàn cán bộ của Tổng cục Hậu cần nhận lệnh vào chiến trường B (Nam bộ). Trước khi đi, ông lên Cục Quân y nhận các quân, tư trang như ba lô, quần áo, võng, tăng… Đoàn đi bằng xe ô tô, với nhiệm vụ kiểm tra, giúp đỡ các chiến trường B1, B2, B3, B4 về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. DS Nguyễn Liêm phụ trách giải quyết các nhu cầu về bông băng, dịch truyền, thuốc men… của chiến trường. Đồng thời, trên đường đi, ông cũng tiến hành khảo sát các cây thuốc. Một điều không may đã xảy ra trên đường đi, nhưng cũng chính từ sự không may này mà ông có được một cơ hội….
GS Nguyễn Liêm kể: "Khi đoàn đến giáp Hạ Lào, chẳng may acquy ô tô bị hết điện, chúng tôi phải vào trạm giao liên để điều chế nước cất. Chúng tôi phân nhau mỗi người một nhiệm vụ, người đi mượn nồi, người đi kiếm củi… Trên đường làm nhiệm vụ tìm củi, với con dao trong tay, đi được vài trăm mét, tôi phát một cây thân vàng, lá to, ở mặt dưới lá cây có màu trắng; ở cành non, lá non, búp, chồi cũng đều phủ lông màu trắng. Đây là những điểm khác biệt đầu tiên so với cây hoàng đằng ở miền Bắc mà tôi nhận thấy. Từ đó, tôi nghĩ rằng tên của cây này không phải là cây hoàng đằng như bộ đội và nhân dân ta thường gọi, mà có thể là cây vàng đắng. Dù mới chỉ là những phán đoán ban đầu qua kinh nghiệm, lý thuyết được học, nhưng cảm giác sung sướng lúc bấy giờ vẫn mãi in đậm trong tâm trí tôi"[1]. GS Liêm có làm bài thơ "Cây vàng đắng tại Trường Sơn" để ghi lại việc tìm ra cây vàng đắng:
Tới trạm giao liên giáp Hạ Lào
Lưng đèo dạo bước gió lao xao
Bỗng đâu phát hiện cây vàng đắng
Lá trắng thân vàng hoạt chất cao…[2]
Ngay tại chiến trường B2, DS Nguyễn Liêm đã cùng đồng nghiệp là DS Chu Hoành[3] nghiên cứu về loại cây mới được phát hiện. Bước đầu, ông đặt tên cho loại cây đang nghiên cứu là "hoàng đằng lá trắng" để phân biệt với cây hoàng đằng. Kết thúc đợt công tác, DS Nguyễn Liêm về báo cáo với Học viện Quân y về cây hoàng đằng lá trắng. Được sự nhất trí của lãnh đạo Học viện, cộng với sự giúp đỡ của Viện Dược liệu, Viện Khoa học Việt Nam, trường Đại học Dược Hà Nội, DS Nguyễn Liêm đã cùng đồng nghiệp tiến hành chiết xuất để nghiên cứu các thành phần hoạt chất có chứa trong cây "hoàng đằng lá trắng". Kết hợp đối chiếu với các tài liệu sẵn có, ông đã xác định tên khoa học của cây này là vàng đắng. Năm 1975, DS Liêm so sánh nghiên cứu của mình với tài liệu của GS Phạm Hoàng Hộ – tác giả của nhiều ấn phẩm về thực vật học Việt Nam, cũng thấy gọi cây này là vàng đắng. Kiểm tra bằng sắc ký mỏng tại phòng thí nghiệm xưởng Quân dược XY5, phòng thí nghiệm Mặt trận miền Đông Nam Bộ, DS Liêm phát hiện thấy cây vàng đắng chứa rất nhiều berberin, trong khi đó cây hoàng đằng cũng thu hái tại khu vực đó chỉ có hoạt chất chủ yếu là panmatin, không thấy có berberin.
Tìm thấy berberin trong cây vàng đắng, DS Liêm đã đi sâu nghiên cứu, bởi trước đó cả trong nước và quốc tế chưa có tác giả nào nói đến berberin trong cây này. Hơn nữa, berberin là ancaloit được sử dụng làm thuốc từ lâu, nhiều nước trên thế giới còn coi như là một loại thuốc cổ điển có giá trị, bởi berberin có khả năng phòng và chống được một số bệnh đường ruột quan trọng như tả, lỵ trực tràng, viêm ruột… Đối với hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, nhu cầu sử dụng berberin rất lớn, nhất là khi có dịch xảy ra. Mặt khác, cây vàng đắng mọc phổ biến ở nhiều tỉnh miền Nam, nên cũng là nguồn dược liệu đáng quan tâm khai thác phục vụ chiến trường.
Cán bộ, giáo viên labô 5 Học viện Quân y nghiên cứu cây vàng đắng tại miền Đông Nam Bộ, năm 1975. DS Nguyễn Liêm bìa trái
Sau khi giải phóng Sài Gòn, được sự cho phép của Tổng cục Hậu cần, tháng 5-1975, DS Nguyễn Liêm cùng đồng nghiệp vào miền Nam tiếp tục nghiên cứu, sau đó thuê người dân địa phương đi tìm kiếm cây vàng đắng. "Tôi hướng dẫn người dân nhận biết cây vàng đắng trước khi lấy. Một dấu hiệu đơn giản đầu tiên đó là mỗi khi có cơn gió nhẹ sẽ làm cho mặt trong của lá cây lật lại, chỉ cần ngước mắt nhìn lên thấy loại lá nào to, có lông nhỏ màu trắng, nếu chặt thấy thân có màu vàng thì đó chính là cây vàng đắng. Cuối cùng, 3 tấn cây vàng đắng đã được đưa lên tàu vận chuyển ra Học viện Quân y để sản xuất thuốc berberin"[4]. Cứ 1kg cây vàng đắng chiết xuất được 1g bột trắng berberin, sau đó nén thành viên để bán trên thị trường và xuất khẩu sang Trung Quốc, nên đem lại giá trị kinh tế rất lớn.
Những kết quả nghiên cứu bước đầu về cây vàng đắng cũng như chiết xuất sản xuất thuốc berberin tại Học viện Quân y đã được DS Liêm cùng đồng nghiệp công bố tại Hội nghị kỹ thuật kết hợp Đông Tây y, Cục Quân y (8-1975) và đồng thời đăng ở Tạp chí thông báo Dược liệu, số 4 (1975); Tạp chí Thông tin y học quân sự, số 25 (1975), với tiêu đề "Phát hiện nguồn berberin ở một số cây thuốc nam".
Trở thành "người rẽ rào đầu tiên" trong ngành Dược liệu
Năm 1978, theo hướng dẫn của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cán bộ khoa học tại các trường, các viện nếu có đề tài và kết quả nghiên cứu đã được công bố thì có thể đăng ký làm nghiên cứu sinh. Ngày 14-4-1978, DS Liêm nhận được giấy triệu tập của GS Đỗ Xuân Hợp – Hiệu trưởng trường Đại học Quân y (sau đổi tên thành Học viện Quân y), với nội dung: "Đề nghị đồng chí Nguyễn Liêm P2 đến gặp tôi vào 3 giờ 00 về vấn đề làm nghiên cứu sinh"[5]. Sau khi gặp và được GS Đỗ Xuân Hợp gợi ý chọn đề tài về cây vàng đắng, Nguyễn Liêm về nhà tiến hành viết luận án.
DS Liêm cũng nhận thấy kết quả nghiên cứu xác định cây vàng đắng có berberin từ năm 1975 mới là kết quả ban đầu, chưa có đủ số liệu về nhận dạng berberin. Và để góp phần tìm kiếm ra loại thuốc từ nguồn dược liệu trong nước, đáp ứng nhu cầu điều trị cấp bách cho quân đội và nhân dân, ông đã lựa chọn cây vàng đắng để tiếp tục đi sâu nghiên cứu trong đề tài luận án Phó tiến sĩ của mình. Với những kiến thức và kết quả nghiên cứu đã có về cây vàng đắng, chỉ vài tháng sau ông đã viết xong luận án dài 200 trang, gồm bốn phần: mô tả, hóa học, chiết xuất và tác dụng của berberin, sau đó nhờ thư ký đánh máy. "Bấy giờ đánh máy chữ, khốn khổ lắm, không có máy tính như bây giờ. Tôi phải nhờ thư ký đánh máy giúp, mà cũng chả có gì thù lao cho thư ký cả"[6].
Đầu năm 1979, DS Liêm hoàn thành bản luận án với đề tài Nghiên cứu cây vàng đắng và chiết xuất berberin. Vào thời điểm này, Phòng Nghiên cứu của Học viện Quân y chưa nắm rõ quy trình tổ chức chấm luận án Phó tiến sĩ trong nước, nên ông phải sang báo cáo đề tài luận án tại trường Đại học Dược Hà Nội. Ngay cả trường Đại học Dược cũng chưa có kinh nghiệm, quy định bài bản tổ chức bảo vệ trong nước, chỉ có một số người đã bảo vệ luận án ở nước ngoài về. Tại buổi báo cáo đề tài luận án (1979), ông trình bày các nội dung đã thực hiện của đề tài, với sự có mặt của đại diện Viện Kiểm nghiệm, Viện Dược liệu, Bộ Y tế và hơn 50 cán bộ trường Đại học Dược Hà Nội, ngồi kín cả hội trường. Một số tiến sĩ học ở nước ngoài về đã nhận xét rằng: "Bản báo cáo của luận án rộng nhưng hời hợt, nên loại bỏ bớt, chỉ nên nghiên cứu sâu về mảng thực vật và hóa học"[7].
Nhận được sự góp ý như vậy, ông Nguyễn Liêm đã lựa chọn xác định lại đề tài luận án là Góp phần nghiên cứu về thực vật và hóa học của cây vàng đắng để đi sâu nghiên cứu, nhằm hai mục đích: "Thứ nhất là xác định tên khoa học của cây cho chính xác, đồng thời nghiên cứu đầy đủ những đặc điểm thực vật để tránh nhầm lẫn với những cây khác cùng chi hoặc khác chi nhưng có đặc điểm bên ngoài gần giống nhau. Thứ hai là xác định thành phần hóa học chủ yếu của cây như chiết xuất, phân lập, nhận dạng các ancaloit trong cây. Đồng thời, định lượng các ancaloit proto berberin trong các bộ phận khác nhau, trong các loại cây non, già khác nhau, để giúp cho việc thu hái, chế biến, chiết xuất, sử dụng cây vàng đắng được thuận lợi và có cơ sở khoa học rõ ràng"[8]
Trong quá trình thực hiện luận án, về phần thực vật, để có nguyên liệu đồng nhất trong cả quá trình thí nghiệm, năm 1980 và 1981, DS Liêm đã đi lấy các bộ phận: hoa, quả, lá, cành, thân và rễ của cây vàng đắng ở xã Tân Tiến, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) để nghiên cứu. Rất may, ông tìm được hoa của cây vàng đắng (trước đó ông không để ý đến hoa, chỉ chú ý đến quả). Lúc đó là tháng 5, hoa đã cuối vụ, hơi héo. Ông mang các mẫu của cây vàng đắng về làm thành các tiêu bản để lưu giữ tại phòng nghiên cứu thuốc của Học viện Quân y, nhằm tìm hiểu, phân tích dưới sự giúp đỡ của PTS Trần Công Khánh – Bộ môn Thực vật, PTS Phạm Thanh Kỳ – Bộ môn Dược liệu thuộc trường Đại học Dược Hà Nội và các kỹ thuật viên. Ngoài ra, ông còn sử dụng thêm các tiêu bản cây vàng đắng của Viện Dược liệu, Viện Khoa học Việt Nam và trường Đại học Dược Hà Nội.
Về việc nghiên cứu thành phần và cấu trúc hóa học của cây vàng đắng, DS Nguyễn Liêm nhận được sự giúp đỡ của một số cá nhân và cơ quan, như: để phân tích nguyên tố, phải dùng máy phân tích bán tự động, đo tại phòng Hóa phân tích, Viện Dược liệu, do PTS Nguyễn Kim Cẩn giúp đỡ; đo phổ tử ngoại và hồng ngoại thì có DS Phạm Gia Khôi, trường Đại học Dược Hà Nội giúp đỡ; đo cộng hưởng từ tại phòng Nghiên cứu cấu trúc hợp chất tự nhiên, Viện Khoa học Việt Nam, do TS Chu Đình Kính giúp đỡ. Còn về các phương pháp khác, ông kết hợp với đồng nghiệp thực hiện thí nghiệm tại Học viện Quân y và trường Đại học Dược Hà Nội.
Dược sĩ Nguyễn Liêm bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại Học viện Quân y, năm 1982
Từ tháng 4-1978 đến tháng 12-1981, sau hơn 3 năm nghiên cứu, thực nghiệm, bảo vệ cấp cơ sở, DS Nguyễn Liêm đã hoàn thiện bản luận án và đóng quyển vào năm 1982. Cũng trong năm 1982, ông đã bảo vệ chính thức luận án Góp phần nghiên cứu về thực vật và hóa học của cây vàng đắng tại Học viện Quân y, theo quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hội đồng chấm luận án có những chuyên gia trong ngành Dược như GS Trương Công Quyền, GS Đỗ Tất Lợi, GS Nguyễn Văn Đàn… Luận án của ông được Hội đồng đánh giá cao. Ông chia sẻ: "Tôi là người đầu tiên làm luận án Phó Tiến sĩ trong nước về chuyên khoa Dược liệu. Việc bảo vệ thành công luận án làm cho tôi trở thành người "rẽ rào" đầu tiên trong lĩnh vực Dược liệu. Mà tôi rẽ rào rồi qua được vì làm một cách bài bản, thứ nữa là tôi làm đúng phạm vi dược liệu, không lấn sân “nhảy” sang thực vật hoặc điều trị chữa bệnh”[9].
Cùng hướng nghiên cứu về cây vàng đắng, đề tài khoa học cấp Bộ Nghiên cứu sản xuất thuốc berberin từ cây vàng đắng (coscinium usitatum) do DS Liêm chủ nhiệm (1979) đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Thuốc berberin được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu và đã được tặng Huy chương vàng tại Triển lãm Giảng Võ năm 1980-1981.
Câu chuyện hành trình đến với cây vàng đắng một cách tình cờ, rồi trở thành tiền đề để ông lựa chọn tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở tuổi 50, là một dấu mốc sâu sắc tạo cảm hứng cho GS Nguyễn Liêm sáng tác bài thơ "Tiến sĩ 50":
Tiến sĩ 50 tuổi hơi già
Chiến tranh hai cuộc bấy năm qua
Vừa làm vừa học vừa luận án
Tiến sĩ 50 cũng chẳng già…[10].
Hoàng Thị Liêm
[1] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Liêm, ngày 10-5-2015.
[2] Hồi ký hành quân của GS.TS Nguyễn Liêm, 2004, tr. 315. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Bấy giờ là cán bộ giảng dạy tại hệ Dược, Học viện Quân y.
[4] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Liêm, ngày 26-5-2015.
[5] Giấy triệu tập của GS Đỗ Xuân Hợp gửi DS Nguyễn Liêm, ngày 14-4-1978.