Từ bước ngoặt vào đời…
GS.TSKH Thái Trần Bái sinh năm 1935 trong một gia đình trí thức, đông con ở xã Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Quê hương của ông vốn có nhiều nghề phụ, như làm đó, nhủi (dụng cụ bắt cá), áo tơi…; riêng nghề làm nón mới được mở rộng do người dân ở Quảng Trị di cư vào truyền lại. Đến phiên chợ chính của chợ Thượng, chợ Vinh thì người trong làng lại nô nức dậy từ sớm để gánh gồng hàng hóa đi bán. Đầu 1950, quê hương chìm trong nạn đói, ông Bái cùng hai em trở thành lao động chính trong gia đình, làm nón lá, cứ 10 ngày một lần kịp lên chợ bán lấy tiền đong gạo.
GS.TSKH Thái Trần Bái nhớ lại một lần cô ruột về thăm gia đình, cô rất thích nón nên ông đã không ngần ngại tặng một chiếc làm kỷ niệm. Sau đó, bố của ông trách: “Con thương o (cô) là đúng nhưng rồi lấy tiền đâu mà mua gạo ăn đây?”. Câu nói ấy khiến ông Bái chảy nước mắt vì thương bố. Hoàn cảnh nghèo khó buộc một thầy giáo như bố ông phải lăn tăn trước những đạo nghĩa mà suốt đời vẫn răn dạy các con. Sau một vài năm, nón làm ra khó bán, ông Thái Trần Bái lại đến tận Cửa Sót, cách nhà hơn 20 km để mua cá, gánh lên chợ Bộng bán, đôi khi về muộn phải ngủ nhờ người dân ven đường. Trong điều kiện thiếu thốn ấy, ông Bái quyết tâm không bỏ học mà kiên trì để được đi học hết cấp 3. Nhà cách trường học hơn 10 cây số, ông cùng một số bạn trong xã hàng ngày đi bộ đến trường. Để tránh sự đánh phá của giặc Pháp, nhà trường tổ chức học ban đêm, mỗi học sinh phải mang theo đèn dầu để lấy ánh sáng, lớp học nhờ địa điểm là các đình, chùa. Ở trên lớp không có bảng đen, học sinh dùng nhựa dây khoai lang để trộn với nhọ nồi trà lên bảng gỗ nhiều lần để khô. Ngoài việc phụ giúp gia đình, chăm chỉ học tập, ông còn tham gia tích cực Đoàn thanh niên cứu quốc Việt
Giữa năm 1954, ông Thái Trần Bái tìm đường ra Hà Nội rồi nhận làm gia sư cho một số gia đình để lấy tiền ôn thi và rồi ông đỗ cả hai trường Đại học Y và Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi ấy, ông rất đắn đo nhưng quyết định chọn theo ngành sư phạm để đỡ chi phí. Học tập trong môi trường sư phạm, được lĩnh hội tri thức khoa học, kinh nghiệm truyền thụ từ những bậc thầy uyên bác, mẫu mực trong ngành Sinh học như GS Lê Khả Kế, GS Đào Văn Tiến, ông càng thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Cuối năm 1957, tốt nghiệp Đại học, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên bộ môn Động vật không xương sống, khoa Sinh học. Ông Bái coi đây là bước ngoặt lớn để bước chân vào sự nghiệp “trồng người”.
GS.TSKH Thái Trần Bái giảng dạy cho lớp cao học K17 khoa Sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2018
…Đến hành trình 60 năm của “người đưa đò” tâm huyết
Năm 1966, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, khoa Sinh sơ tán về Đại Từ, Thái Nguyên. Lúc đó, thầy Thái Trần Bái được phân công làm tổ phó tổ Động vật. Đồng thời, ông kiêm phụ trách công tác đoàn thanh niên ở nơi sơ tán, cụ thể là hướng dẫn, cùng đồng nghiệp, sinh viên tự làm các lớp học tránh bom, đắp hầm chữ A, dựng phòng thí nghiệm và nhà ăn. Trong hoàn cảnh chiến tranh, sinh viên thiếu giáo trình, ông cùng giảng viên Hoàng Đức Nhuận hoàn thành 2 tập giáo trình Động vật không xương sống, xuất bản năm 1970 và 1971. Cuốn giáo trình này đã tái bản lần thứ 6, được dùng cho nhiều trường đại học trong cả nước. Trong các đợt đưa sinh viên đi thực tế nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán ký sinh ở Thái Bình, Hà Tĩnh là những cơ hội bổ sung nhiều kiến thức cho giảng dạy của ông sau này.
Đến năm học 1972-1973, khoa Sinh sơ tán về Vũ Di, tỉnh Vĩnh Phúc. Thầy Bái cùng các cộng sự của bộ môn bắt đầu hướng nghiên cứu về thành phần loài và giá trị thực tiễn của giun ít tơ (lớp giun đất, sống ở cạn (giun đất), không có chân bên và phần phụ đầu mà chỉ có một số tơ nhỏ), sinh sống ở nước ngọt trong các ao nuôi cá và ruộng nước. Sau chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”(1972), hiệp định Paris với Mỹ được ký kết, sinh viên các trường trở về Hà Nội học tập. Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm được bố trí làm việc ở nhà A3 của trường, thầy Thái Trần Bái được phân một phòng nhỏ ở cạnh khoa nên thuận tiện cho việc sinh hoạt và giảng dạy. Ông bắt đầu thực hiện nghiên cứu về giun ít tơ nước ngọt, giun đất, sán tua đầu…và đề xuất nhiều phương pháp cải tiến giảng dạy như: In ảnh trực tiếp từ mẫu vật không qua phim chụp, cải tiến về giảng dạy qua bộ tranh động vật. Khi Khoa có chút kinh phí, toàn bộ các tranh cần cho giảng dạy động vật, đã được đặt vẽ theo đúng yêu cầu. Năm 1975, thầy Bái được giao nhiệm vụ là trưởng bộ môn Động vật học, khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp. Trong giai đoạn này nhiều hướng nghiên cứu mới được phát triển mở rộng đến các địa bàn như: Sóc Sơn, Tam Đảo, Tây Nguyên…Các nhóm động vật trong đất được đề cập đến như giun đất, ve bét, giun tròn, động vật trong phân ủ; hay cả các loài động vật có xương sống cũng được quan tâm nghiên cứu.
Sau khi đất nước thống nhất, nhu cầu về đào tạo giáo viên trung học phổ thông cho cả nước và đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ cán bộ cũng trở thành nhiệm vụ của bộ môn. Vì vậy, thầy Thái Trần Bái đã tích cực hướng dẫn nhiều thế hệ học trò làm luận văn sau đại học về giun đất ở Hưng Yên, Sóc Sơn và một loạt các động vật không xương sống cỡ trung bình (Mesofauna) ở Tây Nguyên; Diễn thế động vật trong phân chuồng ủ, ve bét, nuôi giun đất ở đồng bằng sông Hồng. Nhiều chuyến đi thực địa điều tra tình hình nhiễm giun sán ký sinh ở Nghĩa Hưng (Nam Định); nghiên cứu giun đất ở Cúc Phương, Tây Nguyên, một số đảo ven biển…là cơ sở cho đào tạo cán bộ tiếp cận với phương pháp nghiên cứu hiện đại ở Liên Xô. Đây là những kinh nghiệm ông Thái Trần Bái học được trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1961-1965). Nhờ những đóng góp trên mà bộ môn Động vật học liên tiếp nhiều năm đạt danh hiệu tổ Lao động xã hội chủ nghĩa.
Năm 1983, ông Thái Trần Bái đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Giun đất Việt
Sau khi về nước, ông Thái Trần Bái được bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa Sinh – Kỹ thuật Nông nghiệp và 2 năm sau là Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh công tác quản lý, ông vẫn hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinhtrong và ngoài nước làm khóa luận, luận án, mở rộng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là về loài giun đất. Tháng 5-1987, ông sáng lập và đảm nhiệm chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Động vật đất, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trung tâm có nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ bản để giảng dạy; nghiên cứu các ứng dụng nhóm động vật đất, đáy; Hợp tác với các tổ chức, các nhà khoa học trong nghiên cứu chuyên sâu. Đến nay Trung tâm đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận, đào tạo 8 tiến sĩ, tham gia 11 đề tài cấp Trường, Bộ và Nhà nước cùng các dự án hợp tác nghiên cứu với các nước như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc. Các hoạt động của Trung tâm đã góp thêm vào kho tàng tri thức của thế giới động vật và giải quyết những nhu cầu thực tiễn của đất nước trong việc khai thác bảo vệ đất và cây trồng. Cũng nhờ tập trung được mẫu vật ở nhiều vùng trong phạm vi Đông Dương, nên Trung tâm nghiên cứu Động vật đất, với bộ sưu tập mẫu vật phong phú về giun đất, đã trở thành nơi có nhiều mẫu vật về lĩnh vực này nhất ở khu vực Châu Á. Đây là địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học ở Nga, Pháp, Hàn Quốc đến để trao đổi, nghiên cứu.
Nhờ nghiên cứu trên nhiều vùng đất mới, ông Bái đã bổ sung các nhận định quan trọng về phân bố của nhiều nhóm động vật không xương sống ở đất. Đặc biệt, về loài giun đất ở cạn thì điều kiện phân bố theo các vùng cảnh quan, nhân tác được ông phân tích rõ nét hơn. Ông Bái cũng đã phát hiện nhóm loài phù sa sông thuộc giống Pheretima và củng cố các nhận xét về phân bố của giống này ở Đông Dương cũng như phân chia các nhóm giun đất theo các vùng. GS.TSKH Thái Trần Bái đã hình thành nên các hướng ứng dụng như nuôi giun quế (Perionyx excavatus) và thử nghiệm nuôi một vài loài khác (Pheretima elongata, Pheretima posthuma), dùng các chỉ số về mật độ và sinh khối, nhóm ưu thế để xác định môi trường như tính chất chỉ thị và sử dụng giun đất vào cải tạo đất cằn.
Thầy Thái Trần Bái đã nhiều lần sang vùng kháng chiến của Lào ở Sầm Nưa để đào tạo cán bộ cho nước bạn. Ông cũng hướng dẫn học trò Samphonkeungpha bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (1990). Ngoài ra, ông dồn nhiều tâm huyết cho các lớp sinh viên khoa Sinh học, trường Đại học sư phạm Mascara, Algéria (1991-1994).
Trong số các học trò thành đạt do GS.TSKH Thái Trần Bái hướng dẫn, dìu dắt, chúng tôi có cơ hội được nghe PGS.TS Đỗ Văn Nhượng kể: Các bài giảng chuyên đề của thầy, ngoài các thông tin cung cấp về kiến thức còn chứa đựng tính logic, khoa học của vấn đề. Thầy giảng và vẽ minh họa rất đẹp, những vấn đề lý thuyết luôn hướng tới tính quy luật của sinh học như cấu tạo và chức năng, phân ly và hội tụ, tiến hóa và môi trường, gắn chặt giữa khoa học cơ bản với khoa học nghiệp vụ, có tính khái quát cao[1].
GS.TSKH Thái Trần Bái (trái) và PGS.TS Đỗ Văn Nhượng (phải) tại Trung tâm Nghiên cứu Động vật đất, 2018
PGS.TS Đỗ Văn Nhượng cho biết thêm: trong giảng dạy, GS Bái luôn sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy học để người học nắm bắt được nội dung. Đồng thời, ông cũng tận dụng tối đa các phương tiện hiện có như giáo cụ trực quan, tranh vẽ.
Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy, GS.TSKH Thái Trần Bái đã công bố hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, chủ yếu về giun đốt, từ phân loại, phân bố, khu hệ, địa động vật học đến các vấn đề về tiến hóa. Từ hướng nghiên cứu này, ông đã hướng dẫn thành công 8 luận án Tiến sĩ cùng hàng chục luận văn thạc sĩ. Chính vì những công lao đóng góp của thầy trong nhiều năm ở trường về hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đào tạo mà GS.TSKH Thái Trần Bái đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2010).
Đã bước sang tuổi 83, với GS.TSKH Thái Trần Bái thì lòng yêu nghề, đam mê khoa học và sự vượt khó đã ăn vào máu thịt. Ông quan niệm: Hạnh phúc là được làm những điều mình thích, còn sức khỏe thì còn nỗ lực truyền tải tri thức khoa học cho các thế hệ học trò. Ông là hình tượng đẹp về một người thầy mẫu mực, tận tụy đối với nhiều thế hệ nhà giáo Việt
Lưu Thị Thúy
________________________
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đỗ Văn Nhượng, 10-7-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt