Khởi thủy công trình
Phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh cho biết, ý tưởng thực hiện bộ sách Thơ văn Lý – Trần được hình thành từ rất sớm. Nhiều tư liệu của công trình này kế thừa từ kết quả khảo cứu của các nhà nghiên cứu trong những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Nhiều học giả đánh giá rất cao công trình này, bởi nó được thực hiện trong một khoảng thời gian dài, được kiểm nghiệm kỹ lưỡng về tính khoa học và nó cũng được nghiên cứu bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn học sử, như GS Đặng Thai Mai, GS Cao Xuân Huy và nhiều người khác. Cho đến nay giá trị của bộ sách vẫn nguyên tính thời sự, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, khảo cứu về nền văn học tự chủ Việt Nam trong quá khứ.
Ngay từ khi mới thành lập (1960), Viện Văn học đã rất chú ý tới việc tìm hiểu, nghiên cứu văn học của thời đại Lý – Trần, bởi trong lịch sử Việt Nam, đây là một thời đại phát triển rực rỡ về văn hóa nghệ thuật nói chung. Cũng trong năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ sưu tầm và dịch ra tiếng Việt toàn bộ các tác phẩm thơ văn thời nhà Hồ trở về trước, từ nguồn sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện, từ các tài liệu, bia ký nằm rải rác ở các đình chùa miền Bắc. Một số cán bộ nghiên cứu như Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình… là những người trực tiếp thực hiện công việc đó. Nhờ nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của cán bộ trong tổ, nên công việc được tiến hành khá thuận lợi. Khối lượng thơ văn tập hợp được phong phú dần theo thời gian.
Đến năm 1965, việc sưu tầm cũng như dịch các tài liệu trên bước đầu có kết quả, nhưng cũng vào thời điểm ấy, Mỹ bắt đầu dùng hải quân và không quân đánh phá miền Bắc. Nhiều thư viện, cơ quan, trong đó có Viện Văn học phải sơ tán, do vậy công tác biên soạn tạm dừng lại. Cuối năm 1968, kết thúc chiến tranh phá hoại, việc sưu tầm, dịch thơ văn Lý – Trần được đề cập lại. Lãnh đạo Viện Văn học nhận thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu, bổ sung nguồn tài liệu mới, đối chiếu, tra cứu lại tất cả những văn bản đã có từ trước, nhằm phát huy, khai thác di sản văn học Lý – Trần một cách toàn diện nhất. Vì vậy vấn đề này được coi là một trong những việc trọng tâm của Viện Văn học những năm ấy.
PGS.TS Trần Thị Băng Thanh
Từ yêu cầu nói trên và với nguồn tài liệu đã sưu tầm được, khoảng 1969-1970, hai nhóm biên soạn thơ văn Lý – Trần đã được thành lập. Nhóm 1 gồm: Nguyễn Huệ Chi (nhóm trưởng), Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh, Hoàng Lê, Phạm Tú Châu, Ngô Thế Long, Nguyễn Văn Phát. Nhóm 2 gồm: Trần Nghĩa (nhóm trưởng), Trần Lê Sáng, Tiêu Sơn, Phạm Đức Duật, Đào Thái Tôn. Cả hai nhóm đã kế thừa bản thảo của các vị túc nho làm từ trước (như Hoa Bằng, Ngô Tất Tố, Hoàng Xuân Hãn), khảo đính lại văn bản và dịch tiếp những phần chưa dịch, đồng thời thực hiện nhiều chuyến thực địa ở các địa phương nhằm tìm kiếm, phát hiện thêm tư liệu mới. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện được một số trường hợp sai dị hoặc lầm lẫn về tác giả, tác phẩm vốn bắt nguồn trong các sách vở cũ, cũng như đã tìm thêm được ít nhiều văn bia, thư tín, thơ, phú có giá trị, chưa được sao chép, sưu tầm.
Toàn bộ khối lượng thơ văn Lý – Trần trình bày trong bộ sách này chia làm 3 tập, sắp xếp theo thời gian lịch sử: Tập I: từ Ngô Quyền dựng nước (938) đến hết nhà Lý (1225) (xuất bản năm 1977); Tập II: từ mở đầu nhà Trần (1225) cho đến đầu đời Trần Dụ Tông (1341) (quyển thượng xuất bản năm 1988); Tập III: Từ khoảng 1341 đến khởi nghĩa chống quân Minh của Bình Định Vương (1418) (xuất bản năm 1978).
Nhóm 1 phụ trách tập I và tập II; Nhóm 2 phụ trách tập III. Lời giới thiệu sách do GS Đặng Thai Mai viết, và phần khảo luận văn bản do ông Nguyễn Huệ Chi đảm nhiệm. Ngoài ra, những người biên soạn đã đưa vào tập I một số bài tựa của các nhà làm tuyển tập nổi tiếng trong lịch sử như Phan Phu Tiên, Lý Tử Tấn, Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn… để người đọc có thể hiểu thêm ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước trong việc sưu tầm thơ văn Lý – Trần. Trong việc dịch thuật, bên cạnh những bản dịch mới, những người biên soạn còn tranh thủ tuyển lựa đến mức tối đa những bản dịch, bản phiên âm có giá trị, từng công bố trên sách báo của những nhà nghiên cứu như Đinh Văn Chấp, Ngô Tất Tố, Nguyễn Lợi, Đông Châu, Đỗ Nam Tử, Đinh Gia Thuyết, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, Cao Huy Giu, Đoàn Thăng, Hoa Bằng…
Cả ba tập Thơ văn Lý – Trần đều được biên soạn dưới sự chỉ đạo của GS Đặng Thai Mai và GS Cao Xuân Huy. Hai vị giáo sư đáng kính đã dành nhiều thời gian hướng dẫn cho các soạn giả, từ cách khai thác tài liệu đến phương pháp biên dịch, chú giải và khảo chứng. Khi hoàn thành bản thảo, hai vị giáo sư lại đọc góp ý sửa chữa tỉ mỉ. Trong quá trình biên soạn, nhóm nghiên cứu còn được nhà thơ Nam Trân cùng các nhà nghiên cứu như Hà Văn Đại, Phạm Phú Tiết cung cấp cho những bản dịch của cá nhân, hoặc đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Bản thảo của bộ sách cũng được các ông Hồ Tôn Trinh, Nguyễn Văn Hoàn, trực tiếp theo dõi và soát lại bản thảo tập I, Hoàng Trung Thông, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Văn Hoàn trực tiếp theo dõi và soát lại bản thảo tập II và tập III.
Mặc dù đã kế thừa thành quả nghiên cứu của người đi trước nhưng khối lượng công việc còn lại khá đồ sộ nên rất thiếu người. Để khắc phục vấn đề ấy, Viện Văn học lựa chọn các học viên tốt nghiệp lớp đại học Hán học (tại Hà Bắc) về làm việc, như nghiên cứu viên Trần Thị Băng Thanh,…. Trước khi khởi xướng thực hiện bộ sách, một số cán bộ kỳ cựu như Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, Hồ Tuấn Niêm, Kiều Thu Hoạch, Đỗ Văn Hỷ của Viện Văn học đã bắt tay vào sưu tầm và dịch một số tác phẩm thơ văn thời Lý – Trần. PGS Băng Thanh nhớ lại: “Khi tôi về Viện công tác, được tiếp thu lại những tài liệu mà các cụ nghiên cứu và dịch, và tôi thấy các cụ dịch theo hướng tuyển tập. Các cụ chép và dịch theo tinh thần khảo chứng và khảo đính, so sánh các chữ trong các bản khác nhau, sai dị bản như thế nào rồi dịch và chú thích. Tôi là người mới vào nghề nên không thể tham gia bàn bạc về đường hướng nghiên cứu. Việc xây dựng kế hoạch, nội dung nghiên cứu do một số thành viên chủ chốt thực hiện. Tại một buổi họp, cụ Đặng Thai Mai đã bàn giao số bản thảo đã có từ trước và giao nhiệm vụ sưu tập toàn bộ thơ văn thời Lý và thời Trần để hoàn thành tuyển tập Thơ văn Lý – Trần cho một số cán bộ chủ chốt như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Huệ Chi, Trần Nghĩa”[1].
Một hành trình dài
Do tài liệu có sẵn chưa đầy đủ, và quan trọng hơn là chưa có nguồn tài liệu thực địa nên nhóm nghiên cứu phải thực hiện rà soát bản dịch, nghiên cứu văn bản … Việc đầu tiên là khảo cứu, xác định tác phẩm, tác giả nào thuộc thời Lý – Trần, tác phẩm nào còn nghi vấn, cần xác minh lại tác giả. Việc tiếp theo là phải tìm, khai thác rất triệt để các tài liệu của thời Lý – Trần để rà soát lại, dịch toàn bộ những tài liệu ấy, nhằm đảm bảo tính khoa học, tính lịch sử nhưng lại không quá xa lạ với độc giả đương đại. Việc cuối cùng là phân công cụ thể cho từng cán bộ trong nhóm.
Tập 1 của bộ Thơ văn Lý – Trần, 1977
Chúng tôi đã có dịp nghe PGS.TS Trần Thị Băng Thanh kể về thời gian bà tham gia công trình này. Thời gian đầu, bà khá bỡ ngỡ vì vẫn giữ thói quen khi còn làm ở tổ Thuật ngữ khoa học, Ủy ban Khoa học Nhà nước. Khi đọc tài liệu, bà thường ghi chép vào phích phiếu bao gồm các đầu mục như số phiếu, tên bài, tên sách, niên đại, thể loại…, nên với nhiệm vụ mới bà rất kiên trì và chăm chỉ đến các thư viện đọc sách, tìm tài liệu có liên quan đến thơ văn Lý – Trần để làm phiếu. Năm 1970, mặc dù sắp đến ngày sinh con nhưng bà vẫn đều đặn có mặt ở Thư viện Khoa học từ 7h sáng đến 9h tối để đọc văn bản dạng microfilm, cố gắng hoàn thành phần văn bản được giao đúng thời hạn. Sau khi hoàn thành việc khảo sát toàn bộ sách, tài liệu có liên quan đến thơ văn Lý – Trần, bà thực hiện rà soát toàn bộ, kiểm tra tính xác thực, tài liệu còn nghi vấn, khảo chứng thêm và ghi chép lại để cùng nhóm thực hiện.
Trong quá trình khảo cứu tài liệu ở thư viện, Trần Thị Băng Thanh tình cờ đọc được quyển nhật ký của GS Hoàng Xuân Hãn, trong đó ghi lại hành trình đến Thanh Hóa gặp các nhân chứng để nghiên cứu, chụp ảnh làm tư liệu, trong đó có một số tác phẩm của Phạm Sư Mạnh[2]. Những thông tin trong cuốn nhật ký của GS Hoàng Xuân Hãn là chỉ dẫn quan trọng để nhóm nghiên cứu tìm đến ngôi chùa tại làng Phủ Lý (thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, nhóm tìm được tấm bia mà GS Hoàng Xuân Hãn ghi trong nhật ký, nhưng còn tấm bia Hương Nghiêm thì vẫn không tìm thấy. Được người dân giới thiệu nhóm tìm đến gặp một vị cao niên và được cụ cho biết hợp tác xã sở tại đã mang đi nung vôi rồi.
Trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, dọc đường khảo sát, nhóm nghiên cứu thường dừng chân ở các địa phương, tìm hiểu nội dung còn sót lại trên các tảng đá, tấm bia, phần nhiều trong số đó không thể xem được vì nhân dân đã tận dụng làm cầu, đường. Đó là hệ quả của việc phá đình chùa, miếu mạo, xem đó là việc bài trừ những thứ gọi là tàn dư của chế độ phong kiến hủ nho, đã từng diễn ra khá mạnh ở nước ta. Ở Thanh Hóa, việc bài trừ rất “sôi nổi”, hàng loạt di tích, đình chùa bị tàn phá. Rong ruổi trên những cung đường, nhóm nghiên cứu ghé vào một cửa hàng của hợp tác xã (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cửa hàng này được hợp tác xã trưng dụng từ một ngôi nhà cổ. Đã có những người trong nhóm nghi vấn rằng đây có thể là nhà thờ Lê Văn Hưu hoặc là chùa Hương Nghiêm. Với kinh nghiệm của một người nghiên cứu, Trần Thị Băng Thanh không cho phép mình bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, dù nhỏ nhất. Phía sau những đồ đạc, hàng hóa để lộn xộn ấy, bà nhìn thấy phía trên tủ hàng có tấm hoành phi đề chữ “Hương Nghiêm tự”. Mừng như vớ được vàng, vào trong khảo sát thì đó đúng là chùa Hương Nghiêm. Đây là một phát hiện quan trọng, phục vụ tìm hiểu rõ hơn về những dấu tích thơ văn từ thời Lý – Trần.
Sau hơn hai năm, bước làm tư liệu cơ bản được hoàn thành. Bên cạnh công tác đó, Viện Văn học được Viện Hán Nôm hỗ trợ cho mượn loại sách công cụ như Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập, Toàn Việt thi lục… để tra cứu. Số sách ấy giúp ích rất lớn trong việc sưu tầm, khảo cứu, dịch, biên soạn tập I và tập II (quyển thượng). Thay vì phải đến thư viện với không gian chật hẹp để tra cứu, tìm mượn sách, nhóm có thể làm việc ngay tại Viện, có bàn và phòng riêng rộng rãi, với số sách mượn từ Viện Hán nôm.
Trong thời gian đầu thực hiện công trình này, Trần Thị Băng Thanh được giao viết một báo cáo khoa học dựa trên những gì đã sưu tầm, khảo cứu được. Bà còn khá bỡ ngỡ, như sau này bà kể: “Tôi viết một bài hết sức dở, đưa cho ông Hoàng Trinh đọc, nhưng do ông nghiên cứu về văn học nước ngoài nên không góp ý được là bài tốt hay dở và trả lại. Sau đó tôi lại đưa bài viết cho ông Nguyễn Huệ Chi, Đào Thái Tôn đọc. Ông Tôn cáu: “Mấy năm trời viết bài như thế này mà cũng viết”. Nghe vậy, tôi thấy nản chí quá. Bài viết chưa tìm ra được điểm gì đặc biệt của thơ văn Lý – Trần. Nó dài khoảng 20 trang viết tay, theo hình thức tổng hợp lại tất cả những gì tôi thấy được, tìm hiểu được, vì vậy rất lan man không có trọng tâm. Bài viết thất bại, ông Huệ Chi không góp ý hay nhận xét thêm điều gì. Đó cũng là bài viết đầu tiên của nhóm, còn lại vẫn làm văn bản”[3].
Không hề nản chí, sau khi rút kinh nghiệm, Trần Thị Băng Thanh được giao viết bài Đọc Nguyễn Trãi toàn tập của tác giả – GS Đào Duy Anh xuất bản năm 1969. Nhiệm vụ của bài viết là tìm ra những chỗ GS Đào Duy Anh dịch chưa đúng, chưa hay, chưa đạt, hoặc đề xuất cách hiểu khác hay hơn… “Sau này ngẫm lại, tôi thấy có nhiều bạn trẻ giống tôi. Mới ra trường, biết chút ít nhưng lại tưởng mình biết hết, không coi trời đất là gì, tưởng điều mình phát hiện là rất chuẩn xác… rồi thắc mắc tại sao người đi trước lại hiểu như thế mà không biết rằng người đi trước cũng biết cách hiểu đó và tại sao họ lựa chọn cách hiểu này. Tôi đã chỉ ra một loạt từ mà tôi cho rằng cụ Đào Duy Anh dịch sai, hiểu sai… Bài viết ấy bị ông Nguyễn Huệ Chi phê phán rất nghiêm khắc, và có nhiều phê phán rất nặng… Các thành viên khác cũng phê phán. Tôi lại định bỏ cuộc. Sau đó, ông Trần Lê Sáng đã giúp tôi chữa để đăng tạp chí, sao cho nội dung vừa phải, biến những phát hiện đó vừa là cái mới, vừa có tính tôn trọng người nghiên cứu đi trước. Cuối cùng bài viết Đọc Nguyễn Trãi toàn tập được đăng trên Tạp chí Văn học, số 2, tháng 3 năm 1970, nhưng tôi không dám ký tên thật mà lấy là Mai Hà”[4] – PGS Trần Thị Băng Thanh nhớ lại.
Năm 1972, trong quá trình nghiên cứu văn bản, Trần Thị Băng Thanh phát hiện có những tác phẩm, tác giả bị nhầm lẫn vào nhau, nên đã tập hợp, phân tích, đưa các tác phẩm về cho các tác giả, đúng niên đại, hay tìm ra lai lịch của một số tác phẩm lớn như Khóa Hư lục hay Tam Tổ thực lục có duyên nợ với Thánh Đăng ngữ lục như thế nào… Sau đó, bà viết một bài nghiên cứu với nhan đề Một vài tìm tòi bước đầu về văn bản Thơ Văn Lý – Trần, đăng trên Tạp chí Văn học, số 5, tháng 9-1972. Bà nhớ lại: “Bài viết được cụ Hoàng Xuân Hãn khen ngợi. Như vậy là công sức của mình trong những năm đó không bị uổng phí. Sau đó cụ Hoàng Xuân Hãn có trích bài viết của tôi vào một bài viết nào đó của cụ và ghi chú: theo phát hiện của Trần Thị Băng Thanh”. Đó là thành công bước đầu của bà, nó chứng tỏ việc nghiên cứu, làm tư liệu của bà và nhóm biên soạn là đúng đắn. Bên cạnh đó, người đứng đầu nhóm là ông Nguyễn Huệ Chi cũng có những phát hiện mang tính khoa học giá trị. Theo bà thì: “Ông Huệ Chi có một phát hiện khác về Việt điện u linh – một phát hiện rất chuẩn xác về mặt văn bản. Trong tập Thơ văn Lý – Trần, bài viết về văn bản của GS Huệ Chi rất đáng giá, sau này được đánh giá cao – và đó là thành công của cả nhóm vì nhóm đã hỗ trợ rất nhiều để ông có thể hoàn thành bài viết”[5].
Trong khi nghiên cứu văn bản còn cần xác định đâu là tác phẩm đầu tiên của thơ văn Lý – Trần. Ban đầu nhóm lấy Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn làm mốc mở đầu nghiên cứu, nhưng theo lập luận của các nhà nghiên cứu, với cách làm như vậy thì số lượng các tác phẩm sẽ ít đi do vẫn còn một giai đoạn trước đó cần phải đề cập vào nền thơ văn độc lập tự chủ. Ông Huệ Chi đề xuất ý tưởng tìm văn bản từ trước khi thành lập nhà Lý có giá trị tương tự như Chiếu dời đô. Nhóm còn đi sâu vào hệ thống sử liệu khác là các tuyên ngôn không còn văn bản nhưng có ghi trong các bộ sử ký, và tìm được ghi chép về sự kiện Ngô Quyền bàn với tướng sĩ trước trận đánh Hoằng Thao. Đó là bài thuyết trình và cũng là kế sách đưa ra để tướng sĩ cùng bàn bạc chống giặc. Sử ký chép khá dài, có đầu có cuối, văn chương hoàn chỉnh… Ông Nguyễn Huệ Chi quyết định lấy bài thuyết trình của Ngô Quyền là bài mở đầu bộ Thơ văn Lý – Trần. Sau đó có thêm nhiều bài như Lý Nhân Tông dặn, Trần Hưng Đạo dặn…, tất cả được coi như ngữ lục – thể loại cổ văn bạch thoại, dạng văn viết dựa trên tiếng địa phương.
Để thực hiện bộ sách này, nhóm nghiên cứu thực hiện nhiều chuyến điền dã ở nhiều tỉnh, nhằm tìm lại dấu vết các di tích trong dân gian. Chuyến đi đầu tiên vào năm 1971, đoàn đi khảo sát tại vùng núi Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí (nay là thành phố), tỉnh Quảng Ninh. Khi ấy, Yên Tử là vùng núi chưa có nhiều người đến, còn khá hoang sơ, cây cối rậm rạp và rất đẹp. Mặc dù rất thích nhưng vì con trai mới được 11 tháng tuổi nên Trần Thị Băng Thanh không thể đi trong chuyến công tác đó. Đến tháng 11-1981, bà mới có dịp được cùng ông Huệ Chi và một số cán bộ khác đi Yên Tử. Thời kỳ này, than được ví như vàng đen, vì vậy nhu cầu khai thác rất lớn. Yên Tử là một nơi có trữ lượng than lớn, thu hút không chỉ việc khai thác ở trong nước mà cả quốc tế. Đã có một chương trình hợp tác khai thác than giữa Việt Nam và Ba Lan được xây dựng. Nhưng một số vị lãnh đạo ở Quảng Ninh đứng đầu là ông Vũ Cẩm – Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Ninh và ông Nguyễn Thanh Sỹ (hiệu Thi Sảnh) – Trưởng Ty văn hóa cho rằng đây là một di tích lịch sử vô cùng quý giá, vẫn còn tháp mộ Trần Nhân Tông, có tượng Phật, chùa Hoa Yên nơi Huyền Quang tu hành, chùa một mái, chùa Đồng (từ thế kỷ 17)… nên không đồng tình với chương trình khai thác đó. Vì vậy, họ đã tổ chức một hội thảo khoa học khá quy mô, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì (GS Phạm Huy Thông đại điện). Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các cơ quan như Viện Văn học, Viện Khảo cổ học (GS Hà Văn Tấn), Viện Sử học, Bộ Văn hóa… Nhiều quan chức, cán bộ nghiên cứu đã khảo sát hết các địa điểm quan trọng ở Yên Tử để nắm và hiểu được giá trị của nơi này. Hội nghị diễn ra từ 18 đến 20-11-1981 tại Uông Bí, Quảng Ninh, với sự góp mặt của 80 đại biểu là cán bộ đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, phóng viên….
Có 12 báo cáo tham luận tại hội thảo khoa học này, trình bày 3 vấn đề chính: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và những vấn đề triết học Phật giáo Việt Nam đời Trần; Giá trị văn hóa tinh thần và vật chất của di tích Yên Tử; Tiềm năng kinh tế của núi rừng Yên Tử.
Sau khi khảo sát, hội thảo đã bàn bạc và đi đến thống nhất rằng đây di tích lịch sử văn hóa quốc gia, đồng thời kiến nghị phải giữ lại núi Yên Tử. Ngoài giá trị về mặt văn hóa, việc giữ lại núi Yên Tử còn liên quan đến việc bảo vệ đường ven biển của nước ta. Trong báo cáo của mình, Trần Thị Băng Thanh thể hiện quan điểm khá rõ ràng của mình: “Hiện tại khai thác than thì sẽ đem lại giá trị kinh tế nhưng sau khi hết than thì cũng hết giá trị. Nếu giữ lại khu di tích lịch sử tạo thành khu du lịch liên hoàn nối liền với Hạ Long thì giá trị kinh tế thu được sẽ lâu bền và nhiều hơn. Huống chi đây là một di tích lịch sử rực rỡ của một giai đoạn lịch sử rực rỡ”[6]. Ý kiến đó được các thành viên trong hội thảo ủng hộ.
Sau hội thảo, Trần Thị Băng Thanh viết bài “Hội nghị khoa học Yên Tử lần thứ nhất” đăng trên tạp chí của Viện Văn học cuối tháng 11-1981. Bà viết: “Chiều 20-11, hội nghị nghe hai bài phát biểu của GS Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và nhà thơ Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Hai đồng chí đã nhấn mạnh: giữ gìn và phát huy tác dụng của Yên Tử không những là trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ đã khuất, mà còn cả đối với nhiều thế hệ mai sau” [7]. Cũng sau hội nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh gửi công văn đề nghị Thủ tướng cho phép bảo tồn khu di tích Yên Tử và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận.
Nói về tầm quan trọng của hội thảo khoa học này, PGS.TS Băng Thanh cho biết: “Nếu không có hội thảo khoa học đó thì không còn núi Yên Tử của ngày nay. Phải thấy là các lãnh đạo thời đó như Phạm Huy Thông, Bí thư tỉnh ủy và Trưởng Ty văn hóa Quảng Ninh đều là những người có tầm nhìn thì mới giữ được di tích này. Và nếu cụ Phạm Văn Đồng không ký quyết định thì cũng không giữ được di tích ấy. Người xưa có tầm và kiến thức về mặt lịch sử văn hóa nên giữ được, ngày nay tôi thấy nhiều di tích bị phá không thương tiếc do thiếu kiến thức. Nhiều nơi mặc dù đã có kiến nghị giữ lại di tích nhưng vẫn bị phá”[8].
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu do ông Nguyễn Huệ Chi phụ trách còn thực hiện nhiều chuyến điền dã khác, như chuyến đi Thái Nguyên, đã tìm được một bia thời Trần nằm sâu trong rừng rậm. Trong chuyến đi này, nhóm ở nhờ nhà của một cán bộ Sở Thủy lợi Thái Nguyên. Tấm bia thời Trần trong rừng được nhóm rửa sạch, dập lại, chờ mực khô, mãi đến 1h sáng mới xong việc. Lần đó, em trai ông Huệ Chi là Nguyễn Du Chi (nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ) đã giúp dập và hướng dẫn một số cán bộ cách dập bia.
Một lần khác, nhóm tổ chức đi Thanh Hóa, khi đang ở giữa cánh đồng thuộc địa phận huyện Hoàng Hóa thì tìm được tấm bia cổ mà thác bản của viện Viễn Đông Bác Cổ chưa có. Bia bị sứt một góc nằm giữa cánh đồng lạc của hợp tác xã. Do bia cao nên nhóm phải kê ghế để dập. Nội dung bia nói về một hào trưởng của vùng huy động gia binh, phối hợp với đội quân của Trần Quang Khải chặn đánh Toa Đô từ Chiêm Thành ra. Toa Đô thua phải rút quân. Sau khi thấy được giá trị của tấm bia, chính quyền địa phương đã có những biện pháp nhằm bảo tồn, bảo vệ nó một cách nghiêm ngặt.
Vẫn trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, nhóm còn đạp xe khảo sát thành nhà Hồ, động Hồ Công (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), và tìm được bản có khắc tên, khắc thơ của các vua chúa, nho sĩ, quan lại của Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Trần Thị Băng Thanh đã tìm được một bài thơ của Ngô Thì Sĩ khắc ở đó, và sau này bà sử dụng làm tài liệu cho luận án của mình.
Cũng trong năm 1972, khi đi sơ tán, nhóm nghiên cứu đã thu thập được khá nhiều tư liệu, nên tập trung vào dịch và nghiên cứu để chuẩn bị cho việc biên soạn tập thơ văn Lý – Trần. Thời gian này, Trần Thị Băng Thanh viết bài Mấy nhà thơ phụ nữ thời Lý – Trần, đăng trên tạp chí Văn học nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, tháng 3-1973; bài viết chung với bà Phạm Tú Châu: Vài nét về văn thơ bang giao, đi sứ thời Trần trong giai đoạn giao thiệp với nhà Nguyên, tạp chí Văn học số 6, tháng 12-1974.
Khi các bước chuẩn bị về tư liệu của thơ văn Lý – Trần đã hoàn thành, các thành viên của nhóm đem bản của nhà nghiên cứu trước đó để so sánh, đối chiếu với bản nhóm làm, văn bản nào hợp lý hơn, bản nào cổ hơn hoặc đúng hơn thì chọn bản đó. Sau đó dịch, đánh số thứ tự theo đúng quy chuẩn. Có nhiều bản Trần Thị Băng Thanh là đồng tác giả hoặc đứng sau tên một số nhà nghiên cứu khác. Có bản thì ông Huệ Chi là đồng tác giả với ông Đỗ Văn Hỷ; ông Đỗ Văn Hỷ đứng tên với cụ Nguyễn Đức Vân… Với cách làm kiên trì như vậy thì đến năm năm 1977 tập I của bộ Thơ văn Lý – Trần được Nxb Khoa học xã hội xuất bản.
Nói về bản thảo tập I, PGS Trần Thị Băng Thanh cho biết: “Bản thảo gốc được viết trên loại giấy có dòng kẻ màu đen, viết và chữa nhiều lần, muốn đọc cũng vất vả. Khi làm tập I, tôi với chị Phạm Tú Châu vất vả lắm. Khi ấy văn bản đã xong thì làm đến mục sách dẫn, lại phải mò mẫm các phiếu đã viết từ trước. Làm sách dẫn có cái khó là có những điển cố có tới 2-3 tên, sắp xếp thế nào, thì mình phải có sự đầu tư, mới biết đặt tên điển cố này là gì, điển cố nào có thể gộp vào với điển cố nào”[9].
Sau khi hoàn thành, bản thảo đã được GS Đặng Thai Mai và GS Cao Xuân Huy duyệt, thì lại gặp một vấn đề khó khăn là nhà in không có phông chữ Hán. Bà cho rằng, nếu in phiên âm theo chữ Việt thì rất vô nghĩa, nhất là sách khoa học sẽ không đáng tin cậy. Vì vậy, nhóm phải liên hệ với nhà in của báo Tân Việt Hoa để in giúp. Quá trình in khá vất vả, xưởng in phải sắp chữ bằng con chì. Sau đó Trần Thị Băng Thanh và Phạm Tú Châu đọc lại, đối chiếu giữa bản in và bản thảo để phát hiện chữ in sai… Sau khi sửa xong, thì lại đem in lại. Vì vậy, trong tập I phần chữ Hán được in kiểu ngang và mảnh, chữ giản thể. Có khi, chữ đã sắp đúng nhưng chẳng may công nhân nhà in làm rơi và sắp lại thì bị ngược, do họ không biết nhiều về chữ tượng hình. Đến bản bông hai thì Trần Thị Băng Thanh và Phạm Tú Châu tiếp tục phải đọc soát phát hiện và chữa chữ sai. Phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh nhớ lại: “Tôi và PGS Phạm Tú Châu loay hoay, lụi hụi để làm việc đó, Khi đó chúng tôi làm việc ở phòng của ông Huệ Chi, chật và nóng, chẳng có quạt. Cuối cùng cũng xong, in xong tập I của bộ Thơ văn Lý – Trần”[10].
Nhóm nghiên cứu bắt tay vào biên soạn tập II, quyển thượng. Để thực hiện, nhóm phải tiến hành nhiều chuyến điền dã và đã phát hiện thêm nhiều văn bia ở Thạch Thất (Hà Tây), Nam Định… Đặc biệt là nhóm tìm được một số sách mà các nhà nghiên cứu đi trước chưa tìm được.
Ban đầu, nhóm cũng gặp khó khăn trong việc dịch các tác phẩm thơ, chủ yếu phải sử dụng các bản dịch của cụ Ngô Tất Tố, Đinh Văn Chấp, Đào Phương Bình, Nam Trân… Ở tập II bà Trần Thị Băng Thanh dịch được một số bài của Trần Huyền Tông. Theo bà, việc dịch thành công không chỉ ở người dịch mà trước hết ở bản thân tác phẩm đó phải hay, tạo cho người dịch cảm hứng để truyền tải được một phần nào đó so với nguyên tác.
Bản thảo hoàn thành thì bà Trần Thị Băng Thanh mang đến để GS Cao Xuân Huy duyệt đến đó, đồng thời nghe cụ chỉ ra, hướng dẫn những chỗ cần sửa chữa. Lúc ấy, GS Đặng Thai Mai sức khỏe đã yếu, mắt đã kém nên đọc không còn rõ như trước. Vì vậy, khi duyệt bản thảo, Viện Văn học cử một số cán bộ đến đọc cho cụ nghe, họ thường được gọi là những “Thị độc”. Trần Thị Băng Thanh cũng là một trong số những “Thị độc”. Bà kể rằng, “Khi đến làm việc với cụ không được muộn giờ. Phụ nữ, thời bao cấp, lôi thôi, luộm thuộm nhiều thứ, không phải muốn đúng giờ mà được. Tôi không dám, nhưng các chị ở Viện Văn học hay bị muộn. Có lần chị Vân, vợ anh Phong Lê đến chậm khoảng 5-10 phút. Cụ Mai hỏi sao mà đi muộn? Chị Vân trả lời: “Cháu bị tuột xích xe đạp”. Mắt kém nhưng cụ Mai vẫn nhìn được, cụ rất hóm hỉnh, tủm tỉm cười, bảo “tuột xích xe đạp mà sao tay sạch thế”. Sau đó bà Vân về Viện kể lại rồi cười, sợ thì rất sợ”[11].
Thời gian đó, Trần Thị Băng Thanh rất ấn tượng với cách làm việc, duyệt bản thảo của GS Đặng Thai Mai. Bà nhớ: “Có lần, tôi và ông Huệ Chi đến gặp, cụ Mai nói: Có bài này, cô đọc xem văn của ta hay là văn của Trung Quốc? Sau đó tôi mới biết đó là một đoạn trong bài Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi. Tôi đọc thấy hay mà quen quá. Cụ Mai hỏi: “Đây là tác phẩm Việt Nam hay Trung Quốc?”. Tôi ngồi ngẩn ra rồi nói: “Thưa bác hình như là tác phẩm của Trung Quốc”. Ông Huệ Chi, thì nói hình như của Việt Nam. Cụ Mai bảo đấy là bài của Mạc Đĩnh Chi. Cụ thường hỏi như thế, nên mỗi lần xuống gặp cụ đều rất sợ. Nhiều lần cụ hỏi mà tôi cũng chẳng trả lời được. Có thể do mình thiếu tập trung và nhiều bài cũng không biết thật. Đối với phần bản thảo thì cụ chỉ một cách tỉ mỉ, cách hiểu nghĩa từng từ. Tôi rất sợ cụ Mai nhưng không đến nỗi không dám đến, ngược lại nếu làm việc thì còn thích đến. Tôi đến đọc cho cụ nghe, đọc một đoạn cụ hỏi: Chữ này viết thế nào? Tôi thưa bác chữ này gồm bộ này bộ kia… Cụ bảo dịch thế này được hay không, nên hiểu thế này hay thế kia… Tôi ghi chép lại về rồi sửa. Cụ Mai duyệt Thơ văn Lý – Trần là như thế chứ cụ đâu có đọc được”[12].
Phải mất hơn 10 năm bản thảo quyển thượng của tập II mới hoàn thành, nhưng việc in phần chữ Hán lại vẫn gặp khó khăn. Trước đó, năm 1977, nhóm biên soạn tập III do ông Trần Nghĩa phụ trách đã vào TP Hồ Chí Minh để in và họ nhờ được người viết chữ Hán. Những năm 70, ở Sài Gòn còn nhiều người viết chữ Hán rất đẹp nên việc nhờ không khó. Làm theo cách đó, nhóm do ông Nguyễn Huệ Chi cũng cử người vào TP Hồ Chí Minh để nhờ người viết chữ Hán và in ấn.
Trong tập II (quyển thượng) có 36 tác giả tham gia dịch thơ văn Lý – Trần. Những người lập bảng tra cứu gồm Phạm Ngọc Lan, Đặng Thị Hảo và Vũ Thanh. Viết chữ Hán là Thượng tọa Thích Đức Nghiệp. Những người soạn thảo là Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh và Phạm Tú Châu. Đọc duyệt vẫn là hai vị giáo sư đáng kính – Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy.
Cuối tháng 8-1988, GS Nguyễn Huệ Chi cùng PTS Trần Thị Băng Thanh vào TP HCM để tổ chức in tập II (quyển thượng) của bộ Thơ văn Lý – Trần. PGS Trần Thị Băng Thanh kể: “Tôi đi trước ngày nghỉ 2-9, mọi người hỏi sao không nghỉ. Tôi thì không quan trọng lắm, vì lúc việc nhà không còn nhiều như hồi làm tập I. Gia đình tôi đã xây được ngôi nhà 2 tầng và tương đối kiên cố, vì vậy tôi đi không lo lắng gì lắm”[13].
Tại TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Huệ Chi và PTS Trần Thị Băng Thanh tìm gặp ông Nguyễn Quảng Tuân[14], một nhà nghiên cứu và từng là thanh tra của Bộ Giáo dục, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ông Tuân là người hồ hởi, nhiệt tình, khi nghe những nhà nghiên cứu miền Bắc đặt vấn đề giúp đỡ hoàn thành việc in ấn sách thì nhận lời ngay. Sau đó GS Nguyễn Huệ Chi ra Hà Nội, chỉ còn PTS Băng Thanh ở lại để hoàn thành công việc.
Trong những ngày ở TP Hồ Chí Minh, ông Tuân thường chở bà Trần Thị Băng Thanh đến gặp Thượng tọa Thích Đức Nghiệp để làm việc. Bộ Thơ văn Lý – Trần có nhiều tác phẩm về Phật giáo nên vị hòa thượng này rất thích, đồng thời nhận lời giúp viết chữ Hán cho bản thảo. Bà kể: “Tôi được ông Tuân dẫn đi nhiều lần rồi mới tự đi. Thượng tọa Thích Đức Nghiệp rất quý tôi. Tôi học được cách làm mới, đó là viết chữ Hán lên giấy bóng kính rồi mang đến xưởng in, người ta dán vào và in luôn. Khi viết, nếu hỏng một chữ rất nguy, một là viết lại toàn bộ, mà viết lại tinh thần căng thẳng thì có khi hỏng chữ khác, nên sau đó tôi học được cách là dùng con dao trổ đục chữ ấy đi, viết chữ khác rồi dán”[15].
Ở TP Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Băng Thanh ở nhờ nhà bà Mai Thị Thanh (chị chồng của bà), hàng ngày đến chùa làm việc với cụ Thích Đức Nghiệp hoặc đến nhà in. Viết sắp xong phần chữ Hán thì cụ Thích Đức Nghiệp bận việc nên công việc bị tồn đọng. Đến tận tháng 12-1988 Trần Thị Băng Thanh vẫn chưa xong việc và lại nhờ ông Nguyễn Quảng Tuân tìm thêm người viết chữ nhưng không thành. Bởi vậy để thúc đẩy tiến độ, ông Tuân tham gia viết một số phần đơn giản.
Được ông Nguyễn Quảng Tuân giúp đỡ, bà Trần Thị Băng Thanh phụ trách tất cả các công việc từ đọc đến sửa các bản bông. Khi phần chữ Hán viết tay đã cơ bản hoàn thành và việc đọc bản thảo cũng đã xong, thì ngày ngày 20-1-1989 (tức 13 tháng Chạp năm 1988), bà Trần Thị Băng Thanh mới ra Hà Nội. Ông Nguyễn Quảng Tuân tiếp tục làm giúp các phần việc như sắp xếp lại bản thảo, sửa morát, làm việc với nhà in cho đến khi tập II (quyển thượng) in xong.
Nhìn nhận về sự cố gắng trong bộ sách trên, PGS Trần Thị Băng Thanh cho rằng: “Những nhà nghiên cứu tiền bối có ông rất lớn nên chúng tôi đã để tên các cụ trong danh sách khai sơn phá thạch, đồng thời trong các bài dịch không có nhiều vấn đề, không quá cổ thì để tên các cụ ở phần tác giả; còn những bài cần phải sửa chữa nhiều thì để đồng tác giả. Với những năm tháng làm việc như thế thì không thể phủ nhận được”[16].
Nhìn nhận về quá trình làm bộ sách này, PGS Phạm Tú Châu cũng cho rằng: “Các phần dịch thơ văn, chú thích và đính chính phải làm đi làm lại nhiều lần do chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi làm không kể thời gian, chủ nhật cũng tới cơ quan. Lúc ấy chưa có điều kiện để tra cứu như bây giờ nên phải tra từ điển là chủ yếu, nhiều chỗ không hiểu phải bàn đi bàn lại mới vỡ ra. Nói chung là từ chủ biên đến các thành viên đều làm cật lực, rất kỹ nên công trình mới đạt được chất lượng như thế”[17].
Sau khi hoàn thành tập II (quyển thượng), nhóm lại tiếp tục thu thập tư liệu, biên soạn tập II (quyển hạ) của bộ Thơ văn Lý – Trần. Khác với các tập trước đó, nhóm phải tập trung ngồi làm cùng nhau các công đoạn. Lúc này, việc biên soạn chủ động hơn, GS Nguyễn Huệ Chi chia thành từng mảng phân công cho từng cán bộ độc lập làm. Khi tham gia biên soạn tập II (quyển hạ), PGS Trần Thị Băng Thanh phụ trách tuyển chọn từ An Nam chí lược, Thánh Đăng ngữ lục và một số tác phẩm khác. Cho đến năm 1999, thời điểm PGS Trần Thị Băng Thanh nghỉ hưu thì tập II (quyển hạ) vẫn chưa hoàn thành, do vậy bà đã bàn giao toàn bộ bản thảo cho nhóm biên soạn. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vì nhiều vấn đề mà tập II (quyển hạ) vẫn chưa được xuất bản. Đây cũng là một trong những điều trăn trở của PGS Trần Thị Băng Thanh.
Hành trình của bộ Thơ văn Lý – Trần đến nay đã được gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn chưa dừng lại. Nhiều người đã đồng hành với bộ sách, có người đã ra đi, còn người ở lại vẫn mong ngóng, trăn trở. Hi vọng rằng, trong tương lai gần, bộ sách sẽ hoàn thành, để đáp ứng nhu cầu tra cứu và góp phần tìm hiểu về văn hóa một giai đoạn lịch sử hưng thịnh của Việt Nam.
Nguyễn Minh Thanh
______________________
[1] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 23-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tên thật là Phạm Độ, danh sĩ và là quan dưới triều Trần.
[3] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[4] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[5] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[6] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 23-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[7] Bản thảo bài viết “Hội nghị khoa học Yên Tử lần thứ nhất” của Trần Thị Băng Thanh, tháng 11-1981, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 9-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trungt âm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 9-8-2016, tài liệu đã dẫn.