Năm 1971, bác sĩ Nguyễn Văn Nhân được cử làm Phó Viện Trưởng Viện Quân y 109, Cục Quân y. Đây là Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình tuyến cuối của quân đội đóng ở Vĩnh Yên. Tại đây, ông đã cùng đồng nghiệp của mình xây dựng cơ sở và cứu chữa cho hàng vạn thương, bệnh binh bị chấn thương và di chứng chấn thương trong hai cuộc kháng chiến. Trong hàng ngàn ca phẫu thuật, ông đã gặp nhiều trường hợp bị thương cụt ngón tay cái. Những bệnh nhân này, dù được chữa khỏi, vẫn trở thành tàn tật và giảm rất nhiều khả năng lao động. Vì, trong thực tế sinh hoạt, lao động và chiến đấu, bàn tay được coi là cơ quan lao động đặc sắc nhất của con người, và trong năm ngón tay thì ngón cái giữ vai trò quan trọng nhất; có ngón cái, bàn tay mới cầm nắm được các vật lớn và nhóm nhặt được các vật nhỏ. Ngón cái khi bị thương tổn một phần hoặc toàn bộ, sẽ làm cho chức phận bàn tay bị giảm sút nặng nề.
Trong những năm 1972-1980, trong quá trình Viện Quân y 109 áp dụng kỹ thuật chuyển ngón dài sang vị trí ngón cái theo kỹ thuật chuyển ngón của Hilgeufeldt đối với các bàn tay bị cụt ngón cái độ I và khớp thang bàn, GS Nguyễn Văn Nhân đã quan sát một số ca ngón cái bị cụt rất cao, xương bàn I chỉ còn đoạn nền 1,5cm – 2cm phần sát xương thang và ông nhận thấy rằng, cuống nuôi ngón chuyển theo phương pháp của Hilgeufeldt (nhà phẫu thuật người Đức) có thể cho phép chuyển ngón cả trong trường hợp thương tổn độ II (nghĩa là khi ngón cái mất nốt cả phần nền hoặc cả xương thang). Để kiểm tra lại nhận định đó, ông cùng các bác sĩ Viện Quân y 109 tiến hành thử nghiệm trên tử thi bằng cách tháo ngón cái ở khớp thang bàn, thực hiện một thương tổn thực nghiệm độ II ở ngón cái. Sau đó, thử làm một phẫu thuật chuyển ngón. Kết quả thực nghiệm cho thấy ngón chuyển đã uốn lượn một cách thoải mái từ vị trí ngón cũ sang vị trí mới theo hình chữ S, không có hiện tượng căng kéo, soắn vặn hoặc trùng gấp nguy hiểm đe dọa sự nuôi dưỡng của ngón mới.
Tại Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Viện Quân y 109, sau khi thực nghiệm thành công đã tiến hành áp dụng phương pháp điều trị này vào thực tế từ tháng 3 – 1972, đến tháng 9 -1977, đã có 34 trường hợp được tái tạo lại ngón cái bằng phương pháp này. Đây được coi là phương pháp tốt nhất vì trong phương pháp này, phẫu thuật viên sử dụng một trong những ngón còn lại của bàn tay bị thương tổn, chuyển sang thay thế vị trí ngón cái đã mất với nguyên vẹn cả cuống thần kinh và mạch máu, nên ngón được chuyển không bị rối loạn về nuôi dưỡng cũng như về cảm giác và xúc giác.
Các trường hợp chuyển ngón đều được bác sĩ Nguyễn Văn Nhân và đồng nghiệp theo dõi lâu dài để đánh giá kết quả phục hồi thẩm mỹ, chức năng sinh hoạt và lao động của bàn tay. Những trường hợp chuyển ngón, qua theo dõi lâu dài cho thấy, thẩm mỹ và chức phận của bàn tay được phục hồi tốt: đều làm được các động tác nặng (cuốc đất, bổ củi…) cũng như các động tác chính xác (nhóm nhặt que tăm, chiếc kim khâu…) bằng đầu ngón cái mới được tạo. Nhiều người trở lại nghề cũ làm việc như thợ điện, thợ cơ khí. Tất cả các bệnh nhân đều hài lòng với kết quả điều trị.
Trong việc áp dụng “Phương pháp chuyển ngón để tái tạo ngón cái” tại Viện Quân y 109, bác sĩ Nguyễn Văn Nhân cùng với đồng nghiệp đã có những cải tiến đáng kể làm cho phương pháp điều trị hoàn hảo hơn: cải tiến đường rạch da, cải tiến phương pháp kết nối xương của ngón chuyển tới phần xương còn lại của ngón cái bằng cách nối ngón chuyển vào thân xương thang bằng một khớp nhân tạo hình lò so cuốn bằng giải thép không rỉ và cắm vào ống tủy ngón chuyển và vào xương thang; hoặc bằng cách chuyển cả khớp ngón bàn tương ứng và kết xương đầu xương bàn vào với xương thang, biến khớp ngón bàn của ngón chuyển thành một khớp thang bàn mới.
Công trình nghiên cứu “Phương pháp chuyển ngón để tái tạo ngón cái” đã nhiều lần được giới thiệu tại các hội nghị, cuộc họp chuyên môn trong nước và được dư luận trong ngành đánh giá tốt. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Văn Nhân vẫn mong muốn được các chuyên gia nước ngoài giám định lại phương pháp này. Năm 1989, trong một lần sang chữa bệnh tại Liên Xô (cũ), ông đã mang toàn bộ tài liệu nghiên cứu và hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân ông đã phẫu thuật và theo dõi đề nghị các chuyên gia về phẫu thuật bàn tay của nước bạn xem xét giúp. Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia nước bạn đã rất ngạc nhiên và đánh giá đây là một phương pháp cải tiến phẫu thuật có giá trị. Họ khuyên ông nên hoàn thiện công trình nghiên cứu này và nâng cao làm đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Và với sự giúp đỡ của các chuyên gia phẫu thuật, các giáo sư tại Học viện Quân y Kirôp, Leningrat (nay là Xanh-Pêtecbua, Cộng hòa Liên bang Nga), tháng 3-1991, Giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học với đề tài này. Đề tài được đặc biệt đánh giá cao vì đã áp dụng kỹ thuật tạo hình có khả năng phục hồi tốt nhất cả về chức năng và thẩm mỹ với ngón tay cái bị cụt.
Như vậy, để có được thành công cho một luận án tiến sĩ khoa học, Giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã mất 20 năm cho việc nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm. Sau khi đề tài được bảo vệ thành công bằng tiếng Nga, để các bác sĩ trẻ có điều kiện tham khảo công trình, ông lại tranh thủ thời gian dịch toàn bộ bản luận án của mình ra tiếng Việt và gửi cho các thư viện của ngành làm tài liệu tham khảo. Đó là một công việc mà rất ít người làm, ông nói: “đó là trách nhiệm của một người làm nghiên cứu khoa học”.
Hiện nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật vi phẫu, chỉ định áp dụng phương pháp này trong điều trị có bị thu hẹp, nhưng đây vẫn là kỹ thuật được lựa chọn ở những nơi chưa có vi phẫu.
Phạm Kim Ngân
Tổng hợp thông tin từ các bản tháo và công trình nghiên cứu
“Phương pháp chuyển ngón để tái tạo ngón cái”
của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân hiện đang lưu trữ tại Trung tâm CPD