Hành trình đến trường Đại học

Sinh ra tại Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, từ nhỏ Võ Quý đã sớm bộc lộ tình yêu của  mình với thiên  nhiên, lòng yêu thích với con đường học tập. Sau khi học xong tiểu học, ông được cha mình cho lên học Trung học (cấp II) ở trường quốc học Vinh – một trường đào tạo kiểu Pháp.

Năm 1946, sau khi tốt nghiệp Trung học ở Vinh, Võ Quý thi vào ban Sinh học của trường Quốc học Huế. Lúc đó để được học ở Quốc học Huế không phải là dễ, vì cả miền Trung chỉ có một trường cấp III ở Huế mà thôi, thi vào đó rất khó. Ông là một trong 4 học sinh của đất Nghệ Tĩnh thi đỗ Quốc học Huế năm đó. Tháng 10/1946 mặc dù Pháp chưa đánh nhưng trường học phải tạm dừng, việc học của ông bị bỏ dở giữa quãng.

Trường học giải tán, Võ Quý đành ngậm ngùi trở về quê đi cày, trong lòng lúc nào cũng nghĩ tới sự học bị dang dở. Nhưng dường như một sự may mắn đối với ông. Một hôm ông chợt gặp lại ông Hoàng Mộc Cang – vốn là thầy giáo cũ dạy môn Hóa học khi ở trường Quốc học Huế, đi ngang qua xã của mình, ông mới ngạc nhiên hỏi: “Tại sao thầy lại ở đây?” thì thầy giáo mới trả lời rằng: “Anh không biết à, trường học rời ra đây rồi. Tôi sang đây để có thể tìm chỗ dựng lớp học”. Lúc này ông mới vỡ lẽ và rất vui mừng. Ông chia sẻ về cảm giác lúc đó: “Thế là may quá, tôi được đi học! Cũng một cái may nữa là cái trường đấy được chuyển ra nên không phải chỉ mình tôi mà rất nhiều người ở Hà Tĩnh, Nghệ An đều được đi học. Lớp của tôi cũng là lớp đầu tiên được học và cũng coi như là những người được học hết cấp III, rất hiếm ở thời ấy”.

Năm 1949, học xong chuyên khoa cấp III tại Hà Tĩnh, Võ Quý có ý định xin đi học Y vì trong suy nghĩ từ bé đi học y là để chữa bệnh cho những người thân trong gia đình, chữa bệnh cho bà con. Nhưng lúc đó cha của ông là Chủ tịch ủy ban kháng chiến xã, được tỉnh ủy giao cho nhiệm vụ xây dựng ngôi trường cấp II trong vùng làm điểm, trường có tên là trường Liên Việt. Bấy giờ là thời chiến nên tìm kiếm được thầy giáo về dạy học rất khó khăn. Võ Quý và các bạn học của mình vừa tốt nghiệp chuyên khoa xong đã được cử về trường dạy học. Đã có lần Võ Quý đề nghị với cấp trên cho đi học trường Y nhưng tỉnh ủy chỉ thị rằng: anh là Đảng viên, anh phải thực hiện nhiệm vụ của một thầy giáo, không được đi đâu. Vậy là nguyện vọng đi học Y không thành.

Trong một lần khác Võ Quý được một cán bộ làm mật mã bày tỏ đưa vào làm trong ngành mật mã ở Huế. Ông băn khoăn muốn đi nhưng một lần nữa tỉnh ủy cho rằng chỉ có một số ít vừa là thầy giáo vừa là đảng viên nên quyết định không cho đi. Cuộc đời làm nghề giáo cứ như vậy, có duyên và theo đuổi ông mãi trong cuộc đời. Dạy học ở trường Liên Việt được một năm, các đảng viên là thầy giáo được chia thành các nhóm về hoạt động ở các địa bàn, các trường khác trong tỉnh. Võ Quý được phân về dạy học ở trường cấp III Phan Đình Phùng, nhưng chỉ ở đây được 3-4 tháng thì lại được điều động đi bồi dưỡng giáo viên cho Liên khu IV (1951). Tại đây ông gặp cụ Hoàng Quý (một nhà giáo dục học nổi tiếng) và được điều động về trường Sư phạm Trung cấp Liên khu IV giảng dạy.

Nghề làm thầy giáo như một cái duyên và cũng như một nhiệm vụ. Nó cũng là cái duyên đưa ông đến với con đường học đại học – ước muốn vẫn đang ấp ủ và nóng bỏng của ông. Năm 1951, ông được tham dự Đại hội Giáo dục được tổ chức tại Thanh Hóa, được gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, nhà giáo Nguyễn Lân. Sau khi trở về ông được nhận quyết định đi học Đại học. Bắt đầu từ đây, con đường học tập của ông rẽ sang một ngã mới.

Cùng được cử đi học Đại học với Võ Quý còn có 3 người khác là: Nguyễn Hải Châu, Nguyễn Văn Tiêu và Lê Quốc Long. Cả 4 người lên đường đi Việt Bắc ngay. Hành trang đến trường đại học là một ba lô, bên trong có một ruột tượng gạo, một ống muối bằng nứa, một chiếc đèn dầu nhỏ, 2 bộ quần áo cũ và một tấm nilong phòng khi trời mưa. Đôi dép của ông được dép cắt từ chiếc lốp xe đạp mà bố của ông may mắn lấy được ở đâu đó. Cuộc hành trình từ Hà Tĩnh lên Việt Bắc mất hơn một tháng, phải đi ngày đi đêm cho kịp thời gian, có khi ngày nghỉ đêm đi vì máy bay Pháp.

Sau một tháng đi bộ, vượt rừng, vượt đường số 6 tử thần, Võ Quý cùng những người bạn đến Tuyên Quang. Ông nhớ lại: “Buồn quá! Đi một tháng mới đến, lên đến nơi tưởng được học, ai ngờ trường đã rời sang Nam Ninh, Trung Quốc rồi”. Ông và các bạn lại tiếp tục cuộc hành trình đi bộ lên Lạng Sơn, đến cửa khẩu Lao Bảo và được đón về Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc.

 

GS.TS Võ Quý (ngoài cùng bên trái, hàng thứ nhất) thời kỳ học tập ở

 Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc

 

Khu học xá Nam Ninh đóng tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, gồm một trường phổ thông trung học, một trường dạy tiếng Trung Quốc, một trường khoa học cơ bản và các trường sư phạm sơ, trung và cao cấp, để đào tạo cán bộ khoa học và giáo viên, chuẩn bị cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội sau khi kết thúc chiến tranh. Võ Quý được cử học lớp Sư phạm cao cấp gồm 27 sinh viên, được các thầy giáo Lê Khả Kế, Đào Văn Tiến trực tiếp dạy bảo. Thời gian từ 1951 đến 1955 là khoảng thời gian quý giá mà ông đã tích lũy được nhiều vốn kiến thức cơ bản, ngoại ngữ tiếng Nga – vốn liếng sau này để ông có thể phát huy trong việc đọc và nghiên cứu khoa học của mình. 

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam