1. Từ ý tưởng tìm hiểu “một thời pha lê”…
GS.VS. nông học Đào Thế Tuấn là một trong những nhà khoa học đầu tiên được đề xuất nghiên cứu ngay từ khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mới được thành lập ít lâu, vào đầu năm 2009. Trong quá trình nghiên cứu tiểu sử cuộc đời cũng như sự nghiệp của các nhà khoa học, chúng tôi – những cán bộ thuộc Trung tâm – thường tìm đến một nguồn thông tin tham chiếu rất có ý nghĩa là những người cùng thời, đồng nghiệp, cùng lĩnh vực nghiên cứu với nhà khoa học đó. Với GS.VS. Đào Thế Tuấn còn vì ông không muốn nói về mình, nên ông giới thiệu với chúng tôi GS. Nguyễn Vy là người bạn đồng nghiệp của ông. Thế là, bằng con đường này, chúng tôi còn có cơ hội biết đến 48 người khác cùng được Nhà nước cử đi học Liên Xô năm 1953, trong đó có GS Nguyễn Vy.
Hiểu rõ và rất ủng hộ các hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Vy trở nên gắn bó với chúng tôi, tin cậy chia sẻ với chúng tôi nhiều tâm sự về “một thời pha lê” mà các ông là những người có hạnh phúc sống trong đó.
Không ngờ, ý tưởng nghiên cứu về những con người của “một thời pha lê” đang được chuẩn bị triển khai tốt đẹp, ngẫu nhiên khởi đầu từ GS.VS Đào Thế Tuấn với những nghiên cứu sâu trên nhiều lĩnh vực về ông, thì ông đột ngột ra đi, nhằm ngày 19-1-2011, ở tuổi 80 nhưng vẫn tràn đầy năng lực trí tuệ và nhiệt huyết. Thế là dang dở. Không chỉ dang dở biết bao công trình khoa học mà GS.VS Đào Thế Tuấn đang ấp ủ, mà còn dang dở cả những dự định của chúng tôi trong việc nghiên cứu sưu tầm một nhà nông học tài ba lỗi lạc của Việt Nam. Ông là nhà khoa học thứ 9 mà chúng tôi đã phải đau đớn tiễn đưa, chỉ sau chưa đầy 2 năm tiến hành công việc nghiên cứu sưu tầm.
Trong tang lễ ông được cử hành trang trọng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, chúng tôi lại có dịp gặp 8 người của “một thời pha lê” đó. Và GS Nguyễn Vy bùi ngùi nói với chúng tôi: Đó, 49 người chúng tôi đi học Liên Xô năm 1953, giờ anh Tuấn mất đi nữa là 20, số còn sống là 29 người nhưng 21 người sức khoẻ quá kém (7 người đã nằm một chỗ), chỉ còn 8 người tương đối mạnh chân khoẻ tay để hôm nay đến tiễn đưa bạn mình. Không biết còn được bao năm???
Lời than của GS. Nguyễn Vy thôi thúc chúng tôi chạy đua với thời gian để tìm về quá khứ…
2. Đến những câu chuyện kết nối
Trăn trở với ý tưởng ban đầu về “thời pha lê”, sau ngày GS. Đào Thế Tuấn ra đi, chúng tôi gặp gỡ GS. Nguyễn Vy ở 76 phố Mai Động, Hà Nội. Ông săng sái cung cấp cho chúng tôi một loạt thông tin về thế hệ “pha lê” với 49 người như đã nói ở trên. Ông chuyển cho chúng tôi danh sách khóa lưu học sinh đi Liên Xô năm 1953 mà các ông lập từ năm 2007, khi họ gặp gỡ kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, với đủ các nhóm ngành: Y, Điện, Mỏ-luyện kim, Nông nghiệp, Giao thông-thủy lợi… Ông kể, cuộc gặp chỉ có 17 người, 11 người không tới, 9 người ốm, 12 người đã mất. Ông ngậm ngùi: Ấy là cách đây gần 3 năm, còn bây giờ thì…
Cũng qua lời giới thiệu của GS. Nguyễn Vy, chúng tôi đến gặp Trưởng ban liên lạc nhóm lưu học sinh Liên Xô năm 1953, đó là GS. Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ y tế. Trong câu chuyện dài với chúng tôi, ông cho xem bức thư ông viết gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 27-1-2010, sau chương trình Gặp gỡ thầy trò Nga Việt được phát trực tiếp trên VTV1. Đọc bức thư này, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới đoạn: Sau khi ta tổng phản công quãng năm 1949-1950 thì năm 1951, Trung ương đã gửi một đoàn cán bộ sang Liên Xô học tập về khoa học kỹ thuật. Trong đoàn có những người đã học xong đại học ở trong nước nay sang Liên Xô để tham quan bổ sung kiến thức, có người sang học đại học ở Liên Xô. Vì là đoàn đầu tiên nên các đồng chí có vinh dự được Bác Hồ gặp động viên, giao nhiệm vụ và dặn dò. Chúng tôi còn nhớ một số các đồng chí sau…
Danh sách GS. Nguyễn Trọng Nhân ghi có 12 người, và theo GS. thì “hầu hết đã mất, tất cả có đóng góp trong kháng chiến, xây dựng đất nước, đào tạo cán bộ…Năm 1953, Nhà nước lại cử đoàn thứ hai gồm 49 người…
Thế là, Giám đốc Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy quyết định nghiên cứu tìm hiểu về nhóm cán bộ được gửi đi đào tạo ở Liên Xô năm 1951 (LX51). Đã có nhiều câu chuyện kết nối thật cảm động khi triển khai đề tài nghiên cứu này. Đại tá Trần Ngọc Ánh – nguyên Giám đốc Bảo tàng phòng không không quân, cộng tác viên của Trung tâm, “chuyên gia” kết nối – kể: Bằng các mối quan hệ sẵn có khi kết nối lớp Y50 (khóa sinh viên Đại học Y Hà Nội 1950-1957), tôi lần tìm đến người đầu tiên trong nhóm LX51 theo danh sách mà GS. Nguyễn Trọng Nhân cung cấp, đó là gia đình ông Huỳnh Quang Đại ngành dược; từ con GS. Đại lại ra con của kiến trúc sư Đỗ Hữu Dư là nhạc sĩ Đỗ Dũng ở Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam… Cứ thế, từ người nọ tìm ra người kia. Đặc biệt là “phát hiện” ra ông Thiếu tướng Phạm Như Vưu là một trong trong hai người của nhóm LX51 còn sống đến nay, với bài viết “Đầu xuôi đuôi lọt” trên tạp chí "Xưa và Nay", lại ra rất nhiều thông tin liên quan đến nhóm LX51 này. Trong quá trình đi tìm thông tin này, lần đầu tiên tôi biết ngồi quán nước chè chén vỉa hè! Nhưng sẽ thật là vô lý nếu có bất cứ ca thán nào, khi nghe người thân của ông Nguyễn Văn Tuyên – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất, nói: hơn hai chục năm sau khi ông ấy mất, giờ mới có người lại hỏi đến tên ông!
Cho đến thời điểm này, trong vòng một tháng, Đại tá Trần Ngọc Ánh đã tìm được địa chỉ liên hệ của 12 trong tổng số 21 nhà khoa học thuộc nhóm LX51.
Nhà báo Nguyễn Thị Trâm được phân công tìm địa chỉ của 7 nhà khoa học, tất cả đều đã mất từ lâu, trong đó có 4 người thuộc nhóm ngành Khai thác than, 1 người ngành Ngân hàng, 2 người ngành Nông nghiệp. Trừ 4 người thuộc ngành khai thác than chưa có dấu hiệu sáng tỏ, với 3 người còn lại, chị đều được gia đình các nhà khoa học tận tình cung cấp thông tin, tài liệu và sẵn sàng chia sẻ. Riêng với gia đình GS Trần Linh Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN, có lẽ vì phu nhân của ông, bà Phan Việt Liên cùng nghề với chị, nên phần nào đồng cảm chăng mà ngay lần đầu tiên gặp mặt, chị đã nhận được nhiều thông tin quý báu, trong đó có một thông tin mà chị hết sức lưu tâm. Khi kể về những ngày cuối cùng trước khi ông Linh Sơn mất rất nhanh vì bệnh ung thư máu, bà nhắc lại sự tận tâm của một tiến sĩ trẻ, chịu trách nhiệm toàn bộ việc xét nghiệm máu cho chồng bà, sau này anh trở thành Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Nhà báo Nguyễn Thị Trâm tin chắc sẽ có thêm được nhiều thông tin về GS. Trần Linh Sơn thông qua người tiến sĩ tận tâm đó.
3. Và hành trình phía trước
Hành trình LX51 của chúng tôi mới chỉ vừa bắt đầu, biết bao khó khăn đang chờ chúng tôi ở phía trước. Có người mất đã lâu, khi còn rất trẻ, gia đình hầu như không lưu giữ được tư liệu hiện vật (như ông Tăng Văn Bằng, Giám đốc đầu tiên của Nhà máy cơ khí Hà Nội, mất năm 1962 khi mới 38 tuổi). Hay như ông Nguyễn Lộc, chuyên ngành nông nghiệp, cuộc đời gian truân, việc tìm lại những kỷ vật, hồ sơ, tài liệu của ông cũng thật mong manh hi vọng. Còn 4 ông ở ngành than năm xưa nữa, đều đã ra đi lâu lắm rồi, lại kinh qua công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, không biết việc lưu trữ hồ sơ cán bộ của các cơ quan ấy thế nào, liệu chúng tôi có thể có cơ sở để khai thác nghiên cứu hay không? Đúng như GS.Nguyễn Vy nói, mỗi con người là một phần lịch sử, và mỗi người một số phận. Biết làm sao? Chỉ cầu mong cho 2 nhân chứng sống của LX51 sẽ tiếp tục khoẻ mạnh, minh mẫn, cùng với gia đình tiếp tục hợp tác với chúng tôi đến thành công. Cũng cầu mong các nhà khoa học đã ở thế giới bên kia, hiểu cho tấm lòng của chúng tôi, phù hộ cho con đường nghiên cứu sưu tầm tư liệu hiện vật về các ông có nhiều ánh sáng thông tin.
Nguyễn Thị Trâm