Hành trình tin yêu





 

Trước hết, cho phép tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những thành tựu đã đạt được của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong một khoảng thời gian chưa dài lắm, Trung tâm đã xây dựng được một cơ ngơi khá bề thế, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các nhà nghiên cứu và lưu giữ một lượng tài liệu khá phong phú thuộc nhiều ngành khoa học. Nhiều cuốn phim tài liệu về các nhà khoa học lớn như GS Tôn Thất Tùng, GSĐỗ Tất Lợi, về Đoàn lưu học sinh Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô năm 1951 và nhiều cuốn phim khác đã ghi lại các nhân vật và sự kiện trong sự phát triển của các ngành khoa học Việt Nam. Những kết quả ban đầu ấy hứa hẹn sự phát triển kho tàng di sản khoa học của nước nhà trong tương lai.

Về phần mình, quả thực, tôi không dám nghĩ đến việc góp một chút gì vào công cuộc to lớn này. Cho đến mùa hè năm ngoái (2019), nhân được mời lên tham quan và nói chuyện với các cháu học sinh cấp III trường Chu Văn An (Hà Nội) với tư cách là cựu học sinh của ngôi trường danh tiếng này, tôi được tận mắt chứng kiến việc xây dựng cơ sở vật chất và việc lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật khoa học của các bậc tiền bối và của nhiều nhà khoa học cùng trang lứa với mình. Một sự thôi thúc nhưng đồng thời lại xen lẫn một sự do dự, dè dặt. Đó là câu hỏi mình làm việc này có nên không, có thiếu khiêm tốn không? Tôi nói lên suy nghĩ thật này vì trong khi trò chuyện với bạn bè, đây chính là câu hỏi mà nhiều bạn đồng nghiệp đặt ra dẫn đến sự ngần ngại của nhiều người. Rồi được sự khuyến khích của các bạn ở Trung tâm, tôi cũng “làm liều” dẫn đến việc trao tặng tài liệu hôm nay.

Tôi thuộc lớp sinh viên khóa đầu tiên của khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959). Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lạitrường làm công tác giảng dạy trong suốt thời gian dài cho đến khi nghỉ hưu năm 2007, khi đó vừa tròn 70 tuổi và đến hôm nay là bước sang tuổi 84. Vì là khóa đầu tiên nên những người thuộc thế hệ chúng tôi thường phải đi đầu trong việc mở ra các ngành học mới, các môn học mới. Đó là lý do mà trong khối tài liệu bàn giao hôm nay có nhiều bản giải trình về mục đích, yêu cầu của ngành học, kế hoạch triển khai các môn học, đề cương từng môn học. Khởi đầu tôi được phân công giảng dạy và nghiên cứu về Lịch sử Thế giới, khi đó chủ yếu theo chương trình và giáo trình của Liên Xô. Từ đầu thập niên 80, nhân việc được cử đi làm chuyên gia giáo dục tại trường Đại họcMadagascar, ngoài việc giảng dạy theo yêu cầu của nước bạn, tôi tìm hiểu chương trình của nhiều nước khác trên thế giới. Sau này, trong những dịp đi trao đổi khoa học ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp và Hà Lan, tôi cũng chúý đến chương trình giảng dạy lịch sử của các nước, từ đó bổ sung và hoàn thiện chương trình ở Việt Nam. Từ đó tôi đi sâu nghiên cứu, đề xuất việc trang bị cho sinh viên về khoa học xã hội nói chung những kiến thức cơ bản về Lịch sử văn minh thế giới vì đó là hành trang cần thiết để sinh viên có sự hiểu biết sâu rộng khi đi vào ngành khoa học chuyên sâu, kể cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên. Được Bộ Giáo dục chấp thuận, ngày nay môn học này trở thành môn cơ bản trong nhiều trường đại học.

Đúng vào lúc đất nước mở cửa từ năm 1986, vấn đề cần thiết là phải mở rộng môn học về Lịch sử thế giới nói chung, đi sâu hơn về Quan hệ quốc tế (trước đây chỉ giảng trong trường ngoại giao) và đến năm 1995, trường Đại học Quốc gia Hà Nội chấp thuận đề nghị cho mở một khoa mới mang tên Khoa Nghiên cứu quốc tế (International Studies), gọi tắt là Quốc tế học. Tôi chịu trách nhiệm mở ngành học mới này, đến nay khoa đã được 25 năm, cũng đã thành lập ở nhiều trường đại học trong nước với nhiều ngành chuyên sâu về các nước lớn và các khu vực trên thế giới. Đây là lĩnh vực có một số vấn đề được coi là tế nhị, nhưng nghiên cứu lịch sử không được tránh né cho nên có nhiều bài đã được công bố và cũng có một số bài, một số đoạn chưa được công bố. Tuy vậy, theo tôi vấn đề cần viết và đã viết để lại cho sau này.

Nghiên cứu lịch sử thế giới ở Việt Nam trong sự hội nhập quốc tế, cho nên hướng đi quan trọng là phải gắn kết giữa hai lĩnh vực Việt Nam và thế giới, thế giới và Việt Nam. Đó là lý do mà các bài giảng chuyên đề, các công trình nghiên cứu của tôi đều đặt Việt Nam trong bối cảnh của thế giới, đều gắn bối cảnh chung của thế giới trong việc khai thác những trọng điểm trong lịch sử Việt Nam. Đó chính là sự góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử nước nhà từ góc độ quan hệ quốc tế. Do vậy, chủ đề trong các tài liệu được trao tặng hôm nay đề cập đến bối cảnh quốc tế của những sự kiện quan trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam và hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới.

Nghỉ hưu, lúc đầu đã tưởng đây là dịp nghỉ ngơi, “rửa tay gác bút”, an hưởng tuổi già. Nhưng có lẽ do thói quen nghề nghiệp, lại may mắn còn được khỏe mạnh và tỉnh táo nên ngày ngày lại cặm cụi mổ cò trên bàn máy tính.

Trước hết là hoàn thiện các bài giảng thành giáo trình chuyên đề về lịch sử quan hệ quốc tế, về lịch sử văn minh và sự tiến hóa nhân loại mà trong đó liên hệ đến nhiều vấn đề của ViệtNam. Những cuốn sách này được xuất bản đặt cơ sở cho sinh viên và học viên cao học đi sâu vào chuyên ngành nghiên cứu quốc tế.

Năm 2010, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, tôi chủ biên cuốn sách về “Biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc” với sự tham gia của một số nhà sử học và chuyên viên Ban Biên giới thuộc bộ Ngoại giao. Cuốn sách đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, đến nay được tái bản ba lần và được dịch sang tiếng Anh.

Tôi khép lại cuộc hành trình nghiên cứu của mình bằng cuốn sách “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 –2010”xuất bản năm 2013 và cuốn sách “Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế” được xuất bản lần đầu năm 2013, tái bản năm 2017. Đầu năm nay, Nhà xuất bản đề nghị tái bản cuốn “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010”nhưng kéo dài thời gian từ 2010 đến năm 2020. Đây là một yêu cầu không dễ, nhất là trong ba tháng “giãn cách xã hội” vì dịch Covid 19, hạn chế việc gặp gỡ, trao đổi với nhau. Cuốn sách cần có những thông tin cập nhật, những nhận định chính xác. Một mặt khai thác các nguồn tin trên mạng, mặt khác phải dựa vào lực lượng cựu sinh viên, nay họ đang đảm nhiệm chức trách trong nhiều cơ quan đối ngoại và nhiều viện nghiên cứu về những vấn đề quốc tế. Chỉ ít ngày sau khi nhận được đề nghị của tôi, anh chị em gửi về nhiều thông tin mới, nhiều nhận định tin cậy từ vấn đề thuộc thế giới hậu Xô Viết như Ucraina, Crimea đến những biến động phức tạp ở Bắc Phi và cuộc chiến tranh chưa hồi kết ở Syria…Thông tin đó giúp cho bản thảo được cập nhật và chính xác hơn. Và đến nay, bản thảo đã nằm đúng hẹn tại Nhà xuất bản. Nhắc đến chi tiết này, tôi muốn nói đến một suy nghĩ khi còn đang trên bục giảng. Thấy sinh viên chăm chú theo dõi bài giảng, tôi chợt nghĩ: họ chỉ học môn của mình trong một số tiết giảng nhưng sẽ là đồng nghiệp lâu dài của mình. Do vậy, mối quan hệ thầy trò hòa lẫn quan hệ đồng nghiệp sẽ là bệ đỡ trong suốt quãng đường khoa học của tôi và tôi rất trân trọng điều đó.

Những tài liệu nghiên cứu được sắp xếp hệ thống trong 5 hòm theo một trật tự nhất định. Mong rằng Trung tâm với nghiệp vụ chuyên môn của mình sẽ giúp cho những tài liệu đó được hệ thống hơn và may chăng, có thể giúp được đôi điều cho bạn đọc.

Cuối cùng, xin tặng Trung tâm một số ảnh, trong đó có tấm ảnh chụp ngày 28-4-1997 ghi lại giờ phút lịch sử của khoa Lịch sử: 12 vị Giáo sư và Phó giáo sư được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Tấm ảnh nói lên sự đóng góp của Khoa Sử và tiềm năng của giới sử học trong sự phát triển của khoa học nước nhà. Tiếc rằng, đến hôm nay 8 vị đã đi xa nhưng nhiều thế hệ vẫn đang nối tiếp.

Xin chân thành cảm ơn!