Hành trình “về nguồn” và Tết tại vườn xưa

Tết Việt ở xứ người

Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại ngôi từ đường Thái tộc. Ngôi nhà tọa lạc trên đồi Hà Khê, làng Kim Long – vùng đất từng là thủ phủ xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Xưa kia, trên mảnh đất này là phủ đệ của Thái Nguyên – một vị quan dưới triều vua Thành Thái. Từ nhỏ, bà được tiếp xúc với tư tưởng Nho học qua những lời dạy của cha và bà nội. Gia phong kế thừa từ truyền thống và lễ giáo gia đình đã hun đúc cho bà một tính cách “rất Huế” – đằm thắm và thấm đượm hồn quê.

Năm 1962, Thái Kim Lan ghi danh vào học tại trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Huế. Năm 1964, sau hai năm học, bà hoàn thành các chứng chỉ để lấy bằng Cử nhân Triết học. Cùng năm, bà trở thành giáo sư (nay là giáo viên) tại trường Đồng Khánh và bắt đầu học Đức ngữ tại văn phòng đại diện của Viện Goeth[1], tại Huế. Do bà học giỏi tiếng Đức nên được lãnh đạo Viện Goeth chú ý và đưa vào danh sách thi tuyển để lấy học bổng du học của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (Deutscher Akademischer Austauschdienst – DAAD). Bà trúng tuyển học bổng du học dành cho giáo sư Đức ngữ đang giảng dạy trung học tại Việt Nam.

Tháng 10-1965, Thái Kim Lan lên đường sang Cộng hòa Liên bang Đức du học. Bà theo học tiếng Đức tại Viện Goeth, thành phố Munich, tiểu bang Bayern. Năm 1967, bà hoàn thành chương trình học Đức ngữ và đạt học bổng lần thứ hai để trở thành sinh viên khoa Triết học, Đại học Ludwig Maximilian tại thành phố Munich, tiểu bang Bayern. Bên cạnh việc học , Thái Kim Lan được nhiều người biết đến với những hoạt động văn hóa, kết nối cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Một trong những dấu ấn nổi bật của bà là tổ chức “làm Tết” và đón Tết cổ truyền Việt Nam tại xứ người.

Qua góc nhìn Triết học, Thái Kim Lan cho rằng, “Tết” cũng có nghĩa là “tiết” là sự thay đổi về thời tiết và thời gian gắn với nền văn minh lúa nước tại Á Đông và Việt Nam. Tết cổ truyền là ngày trọng đại vì năm mới được bắt đầu theo sự xoay vần của vũ trụ, con người cũng cần điều mới. Tết là dịp để người Việt ôn lại cái cũ, bắt đầu cái mới “tống cựu nghênh tân”. Tết là ý thức về sự thay đổi, cũng là ý niệm về sự dừng lại cái cũ và phát triển cái mới. Đó là sự thay đổi theo hướng tích cực, phúc đức, lạc quan, sung túc để tạo dựng một đời sống mới. Dĩ nhiên, Tết là những ngày vui chơi, nhưng cũng là dịp để tưởng niệm những thứ đã qua để bồi đắp cho cuộc sống sắp đến. Vì thế, Tết quang trọng về ý nghĩa nhân sinh, chính trong sự thay đổi, con người mới có thể hướng hướng thiện, hướng đến tương lai, thay đổi về hiện trạng đời sống của mình để làm thành một vườn hoa thay vì sa mạc – đó là ý nghĩa của ngày Tết[2].

 Với cộng đồng người Việt đang học tập, sinh sống tại Đức, Tết là dịp để lưu giữ tình thân, nhắc nhớ đến cội nguồn, nhớ về nét truyền thống văn hóa của dân tộc và dù ở đâu, làm gì, mọi người cùng tụ họp, vui chơi, là duyên cớ để ngồi lại bên nhau và kể chuyện cho nhau nghe những vui, buồn cuộc sống.

Trong những năm 1968 – 1970, kiều bào Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức chủ yếu là sinh viên, học sinh sang du học. Những năm đó, Thái Kim Lan cùng những anh, chị và bạn bè du học người Việt tại thành phố Munich thường tụ họp lại với nhau để tổ chức “làm Tết” và cùng đón Tết truyền thống Việt Nam.

Kế hoạch đón năm mới được Thái Kim Lan và những người bạn chuẩn bị từ tháng Chạp. Chúng tôi thay phiên nhau đi tìm mua các vật phẩm  tại các cửa hàng người Đức. Tuy nhiên, vào những năm đó, cộng đồng người Việt tại tiểu bang Bayern rất ít và quá trình giao thương giữa CHLB Đức và Việt Nam chưa phát triển cho nên chúng tôi rất khó khăn để tìm thấy các sản vật của người Việt tại nước bạn. Để thay thế, nhóm sinh viên tìm mua giấy bạc để gói bánh chưng, bánh tét (bánh tết), mua dây gai để buộc bánh. Chúng tôi mua quả dừa, các loại hạt, loại cây để tự làm mứt (gừng, dừa..). Trước ngày Tết, bà viết thư gửi về gia đình tại Huế để nhờ mẹ và anh, chị gửi mứt hạt sen, mứt bí đao và các món ngon khác không mua được tại Đức.

Ngày Tết của Thái Kim Lan và nhóm bạn bắt đầu từ Tết ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch). Bà thuê một căn phòng lớn (hội trường) tại trường đại học Ludwig Maximilian hoặc một cư xá gần trường. Đêm Tết ông Táo, mọi người cùng ngồi bên nhau và tổ chức một đêm văn nghệ với nhạc cảnh tái hiện hình ảnh quê hương. Cùng hát với nhau những bài hát về quê hương để chào xuân, đón tết: Ly rượu mừng (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), Xuân đã về (nhạc sĩ Minh Kỳ)…Bà viết sớ Táo quân, “kể” lại những điều đã qua trong năm cũ, cùng ước vọng tốt lành năm mới “gửi lên” ông Táo dịp đón xuân về.

Những ngày trước Tết, bà tự làm các món ngon truyền thống của người Huế: bánh in, dưa món, thịt lợn muối. Vào đêm 29 hoặc 30 Tết, Thái Kim Lan cùng bạn ngồi gói bánh chưng, bánh tét, lá chuối, lá dong được thay thế bằng giấy bạc và dùng dây gai để buộc bánh. Sinh viên, học sinh người Việt Nam cùng ngồi lại trong một giang phòng. Không gian đậm chất “hồn Việt” với câu đối, mân ngũ quả, khay mứt. Ngồi bên nhau, Thái Kim Lan kể cho bạn bè nghe những câu chuyện về Huế, về gia đình hồi bé và nhớ lại những lời bà nội dặn trong đêm cuối cùng của năm. Cùng với sinh viên người Việt, những người bạn Đức  cũng được mời đến đón Tết cổ truyền theo phong tục người Việt Nam.

Thái Kim Lan là một Phật tử, trong căn phòng nơi bà sinh sống tại Đức luôn có một bàn thờ Phật và ông bà tổ tiên. Bàn thờ đặt trong không gian và nơi trang trọng nhất, chính diện căn phòng và không bao giờ “tắt lửa” trong những ngày đầu năm. Theo phong tục của người Huế, ngày Mùng 1 Tết mọi người thường đi lễ chùa để cầu an bình cho năm mới. Hồi đó, chùa chưa được cộng đồng người Việt thành lập tại Đức, ngày đầu năm Thái Kim Lan chọn giữ “hồn quê” bên trong căn nhà nhỏ. Bà dâng hương, đọc kinh bái Phật, tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày tết với các món truyền thống đậm hương vị quê nhà đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Khi những người bạn ngoại quốc đến nhà bà mừng năm mới, ai cũng rất kính cẩn, tôn trọng văn hóa Việt Nam.

Vườn xưa reo tiếng xăm hường

Năm 1977, Thái Kim Lan về Việt Nam lần đầu tiên khi sau nhiều năm du học tại Đức. Với bà, đó là mùa Xuân không vui, vì sự qua đời của người chị và khó khăn của gia đình. Mãi đến năm 2007, khi thôi giảng dạy tại Đại học Ludwig Maximilian, bà mới có nhiều cơ hội để về Việt Nam, về Huế thường xuyên. Năm 2018, trải qua hành trình dài để lấy lại mảnh đất của dòng tộc, bà về Huế xây dựng ngôi Từ đường Thái tộc trở thành một địa chỉ văn hóa và cũng là năm bà bắt đầu tái dựng Tết truyền thống của xứ Huế một cách bài bản để nhiều người cùng đón Tết.

Lễ dựng cây Nêu dịp Tết Canh Tý tại Lan viên cố tích (ảnh nhân vật cung cấp)

Thái Kim Lan tổ chức lễ Thượng tiêu (dựng cây Nêu) vào những người cuối tháng Chạp, theo bà, khi cây Nêu được dựng lên là báo hiệu gia đình tôi đã bắt đầu đón Tết. Thời gian dựng Nêu thường bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, “ngày lành” cho gia chủ dựng Nêu phải tương thích với tuổi tác trong tử vi. Theo bà, lễ dựng Nêu được xem là quan trọng bởi nó đánh dấu năm cũ đã qua, năm mới đã đến. Buổi lễ được tổ chức trong khu vườn Lan viên cố tích, phía trước là một bàn thờ (bàn thượng và bàn hạ), lễ vật là một bình hoa, trái cây (mãng cầu, dứa, măng cụt), các loại bánh (bánh tét, bánh chưng, bánh ngũ sắc pháp lam…). Vật phẩm  thì có khoai, sắn, gạo, muối, đường…Một dãy vải màu đỏ, dài, được trải ra trên tấm gỗ được nhà sư viết lên những chữ Hán với ý nghĩa trừ ta, xua đuổi ma quỷ để mừng đón tân niên. Một bài kinh và văn sớ trong Phật giáo cũng được các sư thầy tụng niệm, khấn vái trước trời đất để cầu mong bình an cho năm mới.

GS.TS Thái Kim Lan và GS.TS.BS Bùi Duy Tâm trong lễ dựng Nêu tại Lan viên cố tích (ảnh nhân vật cung cấp)

Nét đặc sắc nhất trong ngày Tết của Thái Kim Lan là phục dựng trò chơi cung đình và dân gian truyền thống. Tiêu biểu nhất là bài tới (bài chòi) xăm hường, bài vụ. Bà cho biết, đổ xăm hường là trò chơi lâu đời của người Huế, xuất phát từ cung đình và lan tỏa đến giới quan lại, quý tộc vùng đất kinh kỳ. Bộ xăm hường có 63 thẻ, chia làm 6 loại, thấp nhất là thẻ Tú tài (1 điểm) và cao nhất là thẻ Trạng nguyên (32 điểm). Hạt xúc xắc (có 6 mặt) được đánh từng chấm, theo thứ tự (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục) đựng trong một bát sứ. Người chơi gieo cả 6 con xúc xắc vào bát sứ rồi căn cứ các mặt hiện ra để tính điểm và nhận về cho mình chiếc thẻ thích hợp để tính điểm. Thái Kim Lan là người sưu tập những bộ xăm hường kiểu Huế xưa, trong đó có một bộ làm bằng ngà voi, bằng gỗ hoặc tre. Với người Huế  đổ xăm hường là một thú chơi tiêu khiển mang tính nghệ thuật nên người chơi thiết kế những bộ xăm hường rất đẹp. Ngày bé, khi nghe tiếng đổ xăm hường – tiếng hò đổ trạng reo lên đầu ngõ, là lúc bà cảm nhận được ‘vị Tết” đang gần.

Cùng với xăm hường, bài vụ cũng là trò chơi được bà tái hiện  trong mỗi lần Tết. Bài vụ là một trò chơi xuất phát từ nội cung triều Nguyễn, nó mang tính giải trí nhưng cũng là một hình thức cờ bạc cổ xưa trong ngày Tết. Để chơi bài vụ, người cầm cái sử dụng một con vụ có 8 mặt (được khắc hình các con thú) đựng trong bộ bát đĩa, trên nền là giấy (gỗ) có hình 8 con thú (voi trắng, heo đen, trâu xanh, ngựa đỏ, rùa, ếch và tôm, cá). Người chơi đặt cược vào một con thú, nếu con vụ xoay đúng vào con thú người chơi đặt thì coi như thắng. Trò chơi này, Thái Kim Lan cũng tái hiện tại CHLB Đức vào dịp Tết các năm trước khi về Huế.

Ngoài các trò chơi dân gian, bà còn tái hiện cuộc thi thả thơ, tổ chức cúng Giao thừa đêm 30 Tết. Gia đình bà ngói bánh chưng, bánh tét, làm dưa món, làm mứt gừng, ngâm muối hành củ và củ kiệu. Ngày Tết, bà dâng hương bái Phật, làm cơm với nhiều món truyền thống đặt lên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên.

GS.TS Thái Kim Lan và GS.TS.BS Bùi Duy Tâm tại Từ đường Thái tộc dịp đón Tết

(ảnh nhân vật cung cấp)

Theo Thái Kim Lan, để bảo tồn giá trị truyền thống của Tết thì thay vì đón Tết, tôi chọn cách “làm Tết’ để mọi người cùng hưởng ứng. Bà cho rằng, là một người “thấm” được văn hóa Huế từ bé cho đến lúc trưởng thành, nên mạch nguồn văn hóa đó tồn tại trong Thái Kim Lan một cách vô thức nhưng luôn được khơi gợi và đánh thức bởi những lần “về nguồn”.Đây là dạng thức văn hóa tạo ra bản sắc, không bị đánh mất trong bản lai và tiến trình nhân cách của bà. Đặc biệt, điều này thể hiện rõ trong nhiều năm bà sống và giảng dạy ở ngoại quốc, nếu không có bản sắc và nguồn gốc thì bản thân sẽ bị “trôi theo dòng”, dễ mất đi bản tính (dân tộc) và không còn đứng một cách tự hào khi bên cạnh người khác và mình chỉ là cái bóng của họ. Làm thế nào để chúng ta có một sự độc lập về bản ngã, độc lập về tư duy thì lúc đó mới có sự so sánh với người khác, từ điểm này khiến cô tìm về với cội nguồn văn hóa Huế[3].

Tết Giáp Thìn sắp đến, năm nay, bà dựng Nêu ngày 25 tháng Chạp để đón Xuân về. Căn bếp hồng trong nhà bà vẫn luôn “đỏ lửa”, những tàu lá chuối, lá dong đã làm sạch chuẩn bị cho nồi bánh chưng xanh. Trên bàn thờ Phật và gia tiên khói trầm luôn nghi ngút để Thái Kim Lan và gia đình, bè bạn “đốt lò hương ấy” so tơ phím này”.

Nguyễn Sửu

 


[1] Viện Goethe thành lập năm 1951, là tổ chức văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức trên phạm vi thế giới. Viện chủ trương phổ cập ngôn ngữ, văn hóa Đức và thúc đẩy giao lưu hợp tác văn hóa quốc tế.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Thái Kim Lan, ngày 23-1-2024, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm, GS.TS Thái Kim Lan, ngày 23-1-2024, đã dẫn.