Hiểu thêm về bác sĩ nông học Lương Định Của

Qua sự giới thiệu của GS.TS Lương Phương Hậu* và nhân dịp ra Hà Nội tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, ông Lương Hồng Việt đã tới thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Với chất giọng Nam bộ trầm ấm, cách kể chuyện hấp dẫn xen lẫn những câu hỏi dí dỏm… ông Lương Hồng Việt đã phác họa lại đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình – bác sĩ nông nghiệp Lương Định Của (1920-1975). Sinh tại Kobe (Nhật Bản) năm 1946, đến nay dù đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng những năm tháng theo cha mẹ rời Nhật Bản, sang Hồng Kông để về Việt Nam khi 6 tuổi dường như vẫn còn in trong trí nhớ của ông.

Ông Lương Hồng Việt chia sẻ: cha tôi đã từng học tiếng Anh, rồi theo học Y ba năm tại Hương Cảng sau đó là ngành Kinh tế kế hoạch tại Thượng Hải. Do chiến tranh xảy ra việc học tập có nhiều thay đổi và cơ duyên đã đến, năm 1942 ông được đặc cách trở thành sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Sinh học thực nghiệm, Khoa Nông nghiệp của trường Đại học Kyushu (Nhật Bản). Ngành nông nghiệp là một ngành khó chỉ có những người thật giỏi, thật tâm huyết mới theo đuổi và đạt được thành công. Vượt qua những trở ngại đó, cuối năm 1945 cha tôi đã lấy bằng tốt nghiệp ngành Sinh học thực nghiệm của trường Đại học Kyushu.

Ông Lương Hồng Việt chia sẻ những thông tin về cha mình – bác sĩ nông nghiệp Lương Định Của với cán bộ trong Trung tâm

 

xem và trao đổi thêm những thông tin về các nhà khoa học trong ấn phẩm lịch 2015 do Trung tâm thực hiện

Mong ước được đóng góp sức mình cho đất nước nên sau khi tốt nghiệp đại học cha tôi đã tích cực học tập, nghiên cứu và có được một suất học bổng tại trường Đại học Tổng hợp Kyoto. Năm 1951, với sự nỗ lực của bản thân, khi mới 31 tuổi ông được nhận học vị Bác sĩ nông học (một học vị cao nhất ở Nhật thời bấy giờ) về di truyền học tại trường. Tuy nhiên, cha đã từ chối cơ hội làm việc tại Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) ở Philippin để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Năm 1952, cha đưa cả gia đình từ Nhật Bản về Việt Nam. Sau chuyến hành trình đầy trắc trở, khi về tới Sài Gòn cha đã viện cớ mới về nước, không am hiểu tình hình để từ chối lời mời làm Bộ trưởng Bộ Canh nông và tìm cách liên lạc với cơ sở kháng chiến để ra Bắc.

Năm 1954, ước muốn được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của bác sĩ nông nghiệp Lương Định Của đã thành hiện thực, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn nhưng ông đã có nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của miền Bắc. Bác sĩ nông nghiệp Lương Định Của trở thành người tiên phong trong việc ứng dụng những học thuyết sinh học mới vào nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó ông cũng là người đề xướng kỹ thuật mới trong thâm canh lúa “cấy nông tay thẳng hàng”, “bờ vùng, bờ thửa”, “đảm bảo mật độ”… tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đưa năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao…

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lương Hồng Việt cho biết: Hơn 8 tuổi tôi đã xa gia đình đi học tại các trường học sinh miền Nam, quãng thời gian được gần cha lâu nhất là những năm 1970-1974 khi hai cha con cùng công tác ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đóng tại Gia Lộc (Hải Hưng). Dù không được gần cha nhiều nhưng tôi luôn khắc ghi lời căn dặn của cha, bởi đó là những lời tâm huyết của một nhà khoa học lớp trước truyền lại cho lớp sau: Hãy học làm nông dân trước rồi mới làm nhà khoa học. Nghĩa là người nghiên cứu nông nghiệp thì phải biết và hiểu phương pháp, cách thức canh tác, thói quen, tâm lý của nông dân, có như vậy những nghiên cứu khoa học ra đời mới thuyết phục và phục vụ hữu ích cho nông dân.

Thời gian gặp gỡ không nhiều nên "kho cổ tích" về một thời đã qua và về GS Lương Định Của qua lời kể của ông Lương Hồng Việt vẫn còn dang dở. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có nhiều dịp làm việc hơn với gia đình.

Lê Phương Chi

______________

* GS.TS Lương Phương Hậu hiện là Phó Chủ tịch Ban liên lạc dòng họ Lương Việt Nam, là nhà khoa học Trung tâm đã làm việc từ năm 2012.