Hình ảnh thầy luôn hiện hữu trong cuộc đời tôi

Một ngày tháng 3-1953, y sĩ Phạm Kim đang ngồi làm việc trong văn phòng của Bộ Y tế ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thì nghe có tiếng nói lao xao, theo đó là một đoàn người tiến vào cổng. Đích thân BS Nguyễn Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Phòng bệnh và Chữa bệnh của Bộ ra đón khách. Vị khách có vóc dáng cao lớn vượt trội, chỉnh tề trong bộ quần áo kakiY sĩ Phạm Kim nhận thấy nét mặt quen quen, nhưng chưa nhớ đó là ai. Nhưng chỉ ít phút sau thông tin BS Trần Hữu Tước trở về Việt Bắc sau thời gian điều trị bệnh ở Trung Quốc đã lan truyền rất nhanh.

Phạm Kim đã gặp thầy Tước một vài lần tại trường Y sỹ Việt Nam Liên khu III-IV. Nhưng ấn tượng của ông về thầy Tước lúc ấy chỉ là một ông thầy khá già, gầy gò, cao lênh khênh đeo cặp kính cận và rất nghiêm nghị, khác với vẻ trẻ trung, hồng hào như lúc này. Ba năm trước đó,  khi ông Phạm Kim đang học trường Dự bị đại học Huỳnh Thúc Kháng cũng là thời điểm trường Y sỹ Việt Nam chuyển từ Sở Kiện (Hà Nam) vào Nông Cống (Thanh Hóa) và tổ chức tuyển sinh khóa 3 tại Nghệ An. Từ lâu Phạm Kim đã có ước nguyện vào học trường Đại học Y khoa nhưng lúc này trường đã chuyển lên Việt Bắc, nên khi có thông báo trường Y sỹ tuyển sinh ông liền đăng ký với niềm hứng khởi: Qua tìm hiểu tôi biết trường Y sỹ Việt Nam có nhiều thầy nổi tiếng đang giảng dạy như Hoàng Đình Cầu, Đặng Vũ Hỷ, Hoàng Tích Mịnh, Trịnh Văn Tuất. Lúc đó nghĩ học y ở đây cũng tốt nên tôi xin vào học và được thầy Hoàng Đình Cầu nhận ngay[1]. Chương trình đào tạo của trường Y sỹ Việt Nam kéo dài 4 năm với các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và một số chuyên ngành lẻ như Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt. Nhưng do yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, sau đó chương trình học được rút ngắn còn 2 năm. Năm thứ nhất học viên học các môn cơ bản, năm thứ 2 tập trung vào ngoại khoa, nội khoa và sản khoa. Vì thế Phạm Kim chưa có cơ hội được dự các giờ giảng của thầy Trần Hữu Tước.

Trở về Việt Bắc, BS Trần Hữu Tước được bố trí ở trong một căn lán bằng tre nứa nhưng khá đầy đủ giường, bàn làm việc và tủ đựng tài liệu, nằm giữa khuôn viên của Bộ Y tế. Sau giờ làm, Phạm Kim “lân la” đến thăm thầy và không ngờ lần gặp đó lại là cơ duyên để ông gắn bó với thầy Trần Hữu Tước và đi theo chuyên khoa tai mũi họng.

Y sĩ Phạm Kim (bên phải) và BS Trần Hữu Tước
thực hiện một ca phẫu thuật tại Bệnh khoa Tai Mũi Họng ở Việt Bắc(1953-1954)

Là bác sĩ tai mũi họng theo Bác Hồ từ Pháp về nước năm 1946, BS Trần Hữu Tước tổ chức xây dựng ngành Tai mũi họng ở Liên khu III-IV trước khi phải sang Trung Quốc điều trị căn bệnh về đường ruột. Vì vậy ngay khi ông về nước, Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc họp phân công công tác. Do sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục sau thời gian chữa bệnh ở Trung Quốc nên thầy Tước có nguyện vọng được làm chuyên môn. Bộ đã chấp nhận để BS Trần Hữu Tước phụ trách xây dựng Bệnh khoa Tai Mũi Họng ở Việt Bắc. Là người có mặt trong cuộc họp đó, PGS Phạm Kim kể: Thầy bảo gọi là bệnh khoa thôi, gọi bệnh viện lớn quá. Lúc chọn địa điểm và xây dựng thì thầy Tước nhận sẽ thiết kế bệnh khoa khoảng 20-30 giường bệnh, trong đó có 2 phòng mổ.[2]

Thầy Trần Hữu Tước tự tay vẽ thiết kế phòng bệnh, phòng mổ, nhà ở và nhà ăn cho nhân viên, địa điểm xây dựng là một quả đồi có dòng suối chảy quanh, người dân địa phương gọi là đồi Sấu. Để sớm hoàn thành cơ sở vật chất cho Bệnh khoa, ông Vũ Văn Khái – cán bộ quân đội, là người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng doanh trại được biệt phái sang giúp đỡ, phụ trách hậu cần và xây dựng. Y sĩ Phạm Kim cũng được Bộ điều chuyển từ Vụ Phòng bệnh và Chữa bệnh sang giúp BS Trần Hữu Tước xây dựng Bệnh khoa. Ông là cầu nối giữa Bộ với Bệnh khoa, trực tiếp đề xuất các vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu của bệnh khoa.

Khi Bệnh khoa đi vào hoạt động cũng là lúc y sĩ Phạm Kim trở thành một trong những học trò đầu tiên của thầy Trần Hữu Tước ở Việt Bắc. Ông được học những bài học đầu tiên về tai mũi họng dưới sự hướng dẫn của thầy, dần dần được phụ thầy thực hiện một số ca phẫu thuật ngay trong căn phòng mổ bằng tre nứa giữa núi rừng Việt Bắc.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bệnh khoa Tai Mũi Họng trở về Hà Nội tiếp quản khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Bạch Mai, đánh dấu bước phát triển mới của ngành Tai Mũi Họng. Năm 1964, y sĩ Phạm Kim lúc này đã là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có một bước ngoặt trong sự nghiệp. Tại Đại hội ngành Tai Mũi Họng Việt Nam, ông được GS Trần Hữu Tước tin tưởng giao phụ trách phân khoa Thanh học. Sau đó 2 năm, ông được thầy Tước cử sang Tiệp Khắc thực tập về chuyên khoa thanh học. Khi về nước ông đã tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu về phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm và chính thức được thầy Tước giao phụ trách lĩnh vực mới này.

Trong suốt quá trình công tác tại Viện Tai Mũi Họng Trung ương, BS Phạm Kim nhiều lần được cùng GS Trần Hữu Tước tham gia những chuyến công tác đặc biệt ở nước ngoài. Bởi trong số rất nhiều học trò, BS Phạm Kim được thầy Trần Hữu Tước yêu quý và tin tưởng. Không chỉ là người cùng thầy Tước xây dựng Bệnh khoa Tai Mũi Họng từ những ngày đầu, BS Phạm Kim còn “học hỏi được từ khối óc và trái tim” của người thầy.

Năm 1974, BS Phạm Kim được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương và tiếp tục đồng hành cùng GS Trần Hữu Tước suốt một thập kỷ sau đó. Năm 1984, khi ông hoàn thành công trình nghiên cứu về phục hồi chức năng cho người khiếm thính và được tổng kết trong cuốn sách “Vấn đề phục hồi chức năng cho người điếc”, cũng là thời điểm GS Trần Hữu Tước về cõi vĩnh hằng. Sau đó ông chuyển sang công tác tại Công đoàn Y tế trên cương vị Chủ tịch công đoàn. Dù thầy Trần Hữu Tước đã đi xa nhưng mối ân tình của BS Phạm Kim dành cho thầy vẫn luôn sâu đậm, để mỗi khi kể về cuộc đời của ông không thể thiếu hình ảnh người thầy – GS Trần Hữu Tước.

Lê Nhật Minh


PGS Phạm Kim, chuyên ngành Tai Mũi Họng, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Việt Nam (1974-1983).

** GS.TS Trần Hữu Tước (1913-1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương.

[1] TL ghi âm PGS Phạm Kim, 13-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] TL ghi âm PGS Phạm Kim, 13-1-2021, đã dẫn.