Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương: Ký ức còn xanh

Họ đã yêu nhau và cùng vượt qua những khó khăn, mất mát tình riêng để cống hiến cho nhân dân, cho nghệ thuật những giá trị đẹp đẽ, trong thời kỳ đất nước chiến tranh gian khổ.

Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương là con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương. Được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nên Vũ Giáng Hương chọn nghệ thuật để lập thân như một lẽ đương nhiên.

Đến với hội hoạ, bà là học trò của các hoạ sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Cô sinh viên Trường Mỹ thuật đã gặp và yêu chàng sinh viên Trường Y Lê Cao Đài ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi đó Giáng Hương đang cùng gia đình tản cư tại Thanh Hoá, còn Lê Cao Đàithì đang phục vụ thương binh ở chiến trường nơi đây.

Lê Cao Đài là học trò của Giáo sư Tôn Thất Tùng, sớm rời ghế nhà trường xung phong vào chiến trường, đối mặt với bom đạn để cứu chữa thương bệnh binh. Đó là những năm 1950-1952, khi mà cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta đang trong thời kỳ khốc liệt. Giáng Hương trở về Việt Bắc học Trường Mỹ thuật, mang theo niềm cảm mến dạt dào với người thanh niên trí thức có khuôn mặt hiền lành và đôi kính trắng.

Cô viết cho anh những dòng thư: "Em luôn luôn nhớ anh, nhìn thấy hình ảnh của anh khắp mọi nơi, những chiều đi vẽ trên cánh đồng lúa xanh tươi, giữa ánh nắng lấp lánh trên dòng suối, hình ảnh của anh đến với em thân yêu, trìu mến, làm cho em phấn khởi, yêu đời, yêu mọi người hơn. Không một ai có thể thay thế anh Đài yêu quý của em cả".

Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương (thứ 3 từ trái qua) cùng chồng bác sĩ Lê Cao Đài(người đeo kính đứng cạnh)

và cha mẹ, các anh chị em trong gia đình.

Suốt những năm tháng yêu nhau, dù xa cách, nhưng những lá thư đã thay lời cho hai trái tim đang hướng về nhau. Ở chiến trường xa xôi, với chiếc ba lô trên vai và rất nhiều đêm thức trắng để cứu chữa thương binh, bác sĩ Lê Cao Đài nhiều lần ấp lá thư của người con gái mình yêu lên ngực, nghe những tiếng thì thào từ trang giấy còn thơm mùi mực: "Nếu anh biết rằng em yêu anh biết chừng nào, vì yêu anh nên lòng tha thiết mong anh tiến bộ, nếu anh cũng thực yêu em thì đừng làm em thất vọng nhé. Mong ước của ai mà chẳng muốn người yêu mình tích cực. Yêu phải một người không tích cực, một người lừa dối Đảng, không làm tròn nhiệm vụ của mình là một điều khổ nhất trên đời".

Tình yêu gắn liền với lý tưởng cách mạng đã nâng bước để mỗi người hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ trở thành vợ chồng vào năm 1954, giữa những ngày quân Pháp đang đánh phá ác liệt miền Bắc.

Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương kể: "Lễ cưới thật đơn giản, quần áo cưới cô dâu chỉ may được một áo vét kaki mới, còn chú rể thì có một bộ quân phục mượn của anh bạn. Chúng tôi đăng ký ở Uỷ ban nhân dân xã nơi tản cư, trước sự chứng kiến của cha mẹ tôi, cậu tôi là Phan Khôi và nhà văn Tô Hoài. Tiệc cưới có hai con gà, còn củi thì vào rừng kiếm từ hôm trước. Giường cưới là một chiếc giường tre ọp ẹp trong gian nhà tranh của gia đình tôi".

Sau ngày cưới, Lê Cao Đài đưa vợ Giáng Hương về chào gia đình mình đang tản cư ở Thanh Cù, Phú Thọ. "Đường đi dài, trời nắng, đến trưa chúng tôi mắc màn nghỉ trên một sườn đồi thông, rồi đi tiếp xuống đò xuôi Đoan Hùng. Thuyền đỗ lại lúc trời đã khuya, chúng tôi vào nghỉ trong một điếm canh đê gần bến đò. Trong điếm, còn trải rơm của những người gác ở đó. Còn nhớ, anh thì thầm với tôi: "Nếu chúng mình có con trai sẽ đặt tên là thằng Quán, em nhé…". Tôi cảm thấy một niềm vui đến với mình, cũng không ngờ đâu cuộc đời còn nhiều chuyện không may đến với chúng tôi sau này".

Sau những ngày trăng mật hạnh phúc ngắn ngủi như vậy, họ lại phải xa nhau. Chia tay, người chồng đeo vào tay vợ yêu một kỷ vật, "để em nhớ anh" là một chiếc đồng hồ cũ hiệu Edolux. Những lá thư lại tiếp tục làm nhiệm vụ nối hai bờ thương nhớ.

Bác sĩ Lê Cao Đài viết cho người phụ nữ yêu dấu của đời mình, kể: "Ở đây vừa có một đám cưới rất đẹp, em ạ. Chồng là một cán bộ quân sự công tác ở Việt Bắc, vợ là cán bộ phụ nữ trong Nam Bộ….Xa nhau 8, 9 năm trời, thư từ không có mà hai người vẫn kiên quyết chờ nhau… Em thấy không, khi người ta thực sự hiểu nhau và yêu nhau, khi tình yêu đó không bị nhơ bẩn một chút lợi ích nhỏ nhen, thì có thể bền vững mãi mãi, không sông núi, không khó khăn, không thời gian nào có thể làm phai mờ được, em ạ".

Sau chống Pháp là chống Mỹ. Gác lại tiêu chuẩn sang Bungari làm luận án tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Đài tiếp tục đeo ba lô, từ biệt vợ yêu Giáng Hương và con gái nhỏ đi vào chiến trường Tây Nguyên. Như bất kỳ một công dân yêu nước nào khác, trong lúc Tổ quốc lâm nguy, người lính áo trắng Lê Cao Đài không cho phép mình được sung sướng hơn bộ đội đang đổ máu ở chiến trường.

Ông từ chối những nơi bình yên, có thể hưởng thụ sự sung sướng và hạnh phúc. Ông muốn mình đồng cam cộng khổ với nhân dân, bộ đội. Có một câu nói của ông làm chấn động nhiều trái tim, dù ông chỉ viết cho vợ: "Ở chiến trường này, ngay máu chảy trong người cũng không phải của riêng anh! Anh cứ thử nhìn anh em thương binh mà nghĩ xem có gì là của riêng anh không? Một cẳng chân, một cánh tay, thậm chí tính mạng anh em cũng không tiếc".

Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương tâm sự: "Anh vào chiến trường, tôi biết anh cần phải đi nên đã bình tĩnh và sẵn sàng chờ đợi. Chúng tôi đều tin rằng kháng chiến sẽ thắng lợi và chúng tôi phải có phần đóng góp vào những thắng lợi đó. Tuy thế, trong lòng tôi rất buồn khi phải xa nhau chưa biết ngày tháng nào trở về.

Tôi nhớ mấy câu thơ của Simonov để tự an ủi mình: Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có buồn lê thê/ Em ơi em cứ đợi. Khi anh ở Tây Nguyên, chúng tôi đã viết cho nhau rất nhiều thư, nhưng nhiều thư không nhận được và có năm tôi buồn rầu và hoảng hốt khi nghe tin anh đã hy sinh".

Ở Tây Nguyên, bác sĩ Lê Cao Đài có lúc vừa mổ xong cho thương binh lại nằm xuống lấy máu mình để truyền cho thương binh. Ông cũng phải đối mặt với sốt rét triền miên, cái chết mỗi giờ mỗi phút đang rình rập, và đặc biệt là phải vượt qua nỗi đau dường như quá sức khi hay tin con gái nhỏ đã qua đời vì một tai nạn.

Gác lại những mất mát đời riêng ấy để tiếp tục nhiệm vụ của mình trong lúc đất nước lâm nguy, bác sĩ Lê Cao Đài đã làm tất cả để đảm bảo sức khoẻ, thuốc men cho thương bệnh binh. Ông là người đề xuất sáng kiến chở thương binh bằng bè, được áp dụng rộng rãi khắp chiến trường.

Ngày đất nước thống nhất, gia đình nhỏ của Lê Cao Đài và Vũ Giáng Hương được đoàn tụ. Nhưng lúc đó Giáng Hương tuổi đã ngoài 40, không thể sinh thêm con được nữa. Và bác sĩ Lê Cao Đài thì cũng biết mình bị phơi nhiễm chất độc da cam do những năm sống ở chiến trường.

Ông dường như đã nhận ra một điều rất sâu sắc, rằng cuộc chiến tranh bom đạn đã kết thúc nỗi đau thời hậu chiến sẽ còn đeo bám nhiều thế hệ và những người có lương tri cần phải tiếp tục cuộc chiến đấu để đòi công lý cho những mất mát này. Và bác sĩ Lê Cao Đài dấn thân vào con đường nghiên cứu chất độc điôxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống trong chiến tranh Việt Nam.

Lại dằng dặc những chuyến xa gia đình, ông có mặt ở khắp các vùng chiến địa khi xưa, như A Sầu, A Lưới, Tây Nguyên để lấy mẫu bệnh phẩm, gặp những nạn nhân chất độc da cam để nghiên cứu, tìm hiểu, vạch trần tội ác kinh hoàng của quân đội Mỹ đã gây ra cho những người dân vô tội.

Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài là người có công đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hợp tác quốc tế trong vấn đề nghiên cứu chất độc da cam. Vốn là người thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, ông đã đến Mỹ nhiều lần để thuyết trình về chất độc da cam và nỗi đau mà hàng triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu. Là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nạn nhân da cam, bác sỹ Lê Cao Đài cũng là người đầu tiên có ý định kiện các công ty sản xuất chất điôxin rải xuống Việt Nam.

Ông xác định con đường đấu tranh để đòi công lý cho những người vô tội còn rất lâu dài và mong muốn các đồng sự của ông sẽ tiếp tục công việc ấy cho đến khi thắng lợi. Vì sức khoẻ không cho phép ông tiếp tục công việc của mình. Sau những chuyến đi, ông phải nằm viện cấp cứu vì chứng viêm tuỵ.

Nồng độ chất độc điôxin trong cơ thể ông cao gấp 100 lần người bình thường. Đây là hậu quả của những năm tháng ông sống ở chiến trường, trong vùng rải chất độc hoá học của quân đội Mỹ. Ông đã không chống cự được với căn bệnh đang huỷ hoại mình. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, bác sĩ Lê Cao Đài vẫn không rời chiếc máy tính. Ông nói: "Tôi không thể nằm đợi chết trong quan tài, tôi phải làm việc đến khi chết".

Ngày 15/4/2002, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài đã từ biệt người vợ thuỷ chung và tất cả chúng ta để về cõi vĩnh hằng. Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, đã dâng hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân mà không đòi hỏi điều gì cho riêng mình.

Trong tình yêu, ông và vợ Giáng Hương đã vượt qua muôn vàn khó khăn và cả những nỗi đau riêng để làm tròn nhiệm vụ của những người trí thứcvới Tổ quốc. Mỗi khi ngồi nhìn ngắm lại những tháng ngày đã đi qua, lần giở những dòng thư, những trang viết của người chồng yêu dấu, hoạ sĩ Giáng Hương lại trào nước mắt.

Trong chiến tranh, có biết bao gia đình phải chịu những mất mát như gia đình nhỏ của bà, biết bao đôi lứa yêu nhau phải chịu xa cách như tình yêu của ông bà. Nhưng trên hết là họ đã thấu hiểu nhau, thấu hiểu thời cuộc và thấu hiểu những buồn vui mình đã có.

Bản thân hoạ sĩ Vũ Giáng Hương cũng có những năm tháng sống ở núi rừng Trường Sơn, vẽ về những người lính, những thanh niên xung phong lạc quan trong mưa bom bão đạn, chiến đấu cho ngày hoà bình của dân tộc. Nhớ về người chồng yêu dấu, bà viết: "Trọn đời, chúng tôi đã giữ lời hứa yêu thương nhau vì lý tưởng cao đẹp của cuộc sống, trongnghiên cứu khoa học và nghệ thuật, vì lợi ích của con người, vì một xã hội tốt đẹp của ngày mai.

Nguồn: http://tintuc.xalo.vn/00712350811/Hoa_si_Vu_Giang_Huong_Ky_uc_con_xanh.html