Hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là rất hữu ích và hữu hiệu.

Kính thưa Ban lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Kính thưa quý vị quan khách, đồng nghiệp và bạn bè xa gần.

Kính thưa các vị đại diện cơ quan thông tin báo chí Trung ương và Hà Nội đã vui lòng đến đây sáng nay để chứng kiến và đưa tin về buổi họp mặt, nhằm trao tặng một số di sản khiêm tốn và nhỏ nhoi của tôi cho Trung tâm Di sản.

 

Giáo sư Lê Quang Long

Lời nói đầu tiên của tôi hôm nay tại đây là một lời tri ân thiết tha, chân thành từ đáy lòng của một nhà giáo già, một nhà khoa học vào cuối đời, đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Không nói thì ai cũng biết, cuộc đời mỗi con người nào phải lâu la gì, chẳng qua chỉ như khoảnh khắc/bóng ngựa trắng vút qua cửa sổ ngắn ngủi kèm theo lời bình luận bi quan nhưng thiết thực của Ôn Như Hầu:

“Trăm năm còn có chi đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Đối với các nhà khoa học, dù có ít nhiều đóng góp, lúc sắp ra đi cũng chỉ biết bâng khuâng tự hỏi như Nguyễn Du:

“…Tam bách niên nhiên hậu….
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Cuối cùng chắc cũng chỉ còn lại niềm thương cảm lẫn ngậm ngùi của Vũ Đình Liên:

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Tuy nhiên, nói cho thật công bằng, thì số phận ta đâu đến nỗi bi đát như vậy! Cả đời tôi vẫn hằng tâm niệm 4 câu thơ bất hủ của Alfred de Musset:

“Le deul bien de lavia
Que rien ne peut ravir
C’un petit souvenir”.

Đúng thế, vẫn lưu lại, vẫn có thể trường tồn vết tích của một kỷ niệm, một di sản. Tôi đã từng có niềm vui, niềm xúc động nhẹ nhàng nhưng đầy ấn tượng được dịch bài thơ của thi sĩ lớn người Mỹ Longfellow: Ông kể lại:

“I shot an arrow into the air
It fell to Earth I know not where”

Và rồi

“I breathed a song into the air
It flew to Earth I know not where”

Tuy nhiên cuối cùng thì ông vẫn có thể trả lời một cách thật xúc động rằng:

“Long, Long afterwards
I found/ the arrow imbroken in an oak

Và vui nhất là

“The song intact
I found in the heart of a friend.”

Trong cuộc sống thực của ta, may mắn đó vẫn đến với những nhà chính trị vĩ đại như Vua Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh… hay những tướng lĩnh lẫy lừng như Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp. Riêng trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học kỹ thuật, ta vẫn còn nhắc lại chuyện Newton nhìn quả táo rơi mà nghĩ ra luật hấp dẫn vũ trụ, chuyện Einstein theo dõi ruồi bò trên một mặt cong mà tìm thấy luật tương đối. Chuyện Lê Quý Đôn nhớ lại vương quốc các loài bò sát mà sáng tác nên bài “Rắn đầu biếng học lẽ không tha”. Chuyện Lương Thế Vinh nhờ tình cờ đổ nước vào một hốc đất khiến quả bưởi đang bị mắc kẹt nổi lên nên phát hiện ứng dụng của luật thủy tinh.

Tuy nhiên, điều đáng buồn và thật đáng tiếc là không phải ai cũng có những phát minh, sáng chế tuyệt vời và lẫy lừng như thế, trong khi trong trí và trong lòng mọi nhà khoa học “thường thường bậc trung”, “không tầm cỡ lắm” những “danh nhân tỉnh lẻ” trong Y, Dược, Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Thủy sản, Kiến trúc, Luyện kim, Mỏ địa chất, Cầu đường… vẫn cháy bỏng mơ ước được phổ biến, truyền đạt, bàn giao, chỉ giáo hướng dẫn, trao đổi… với mọi người quan tâm hay thậm chí chỉ tò mò những ý tưởng, kỹ năng sắc sảo, kinh nghiệm thành công hay thất bại, nhiều khi chỉ tần mần, tỉ mủn nhưng vẫn hữu ích đối với lãnh đạo, đồng nghiệp hay các môn đệ, học trò của mình.

Thưa quý vị và các bạn!

Mọi điều dây cà ra dây muống, có thể là lẫn thôi và lạc đề tôi nói trên đây, thật ra đều là cố ý, có dụng tâm hẳn hoi để giải thích, suy tôn và ca ngợi ý đồ, sáng kiến và thực thi của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Theo tôi, nơi đây mới chính là Cung văn hóa khoa học và Kỹ thuật của Việt Nam…, hiện đại và đã được cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế của thủ đô Hà Nội và quê hương Hồng Lạc. Không dám nói ngoa, tôi đã từng giảng dạy và nghiên cứu nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực dạy học ở Nha bình dân học vụ xóa nạn mù chữ, 16 trường phổ thông, 37 trường Đại học và Cao đẳng trong Nam, ngoài Bắc, biên soạn, biên dịch hơn 140 đầu sách tiếng Việt, Nga, Pháp, Anh, trong đó có 1 giải thưởng văn nghệ toàn quốc về văn dịch, năm 1957, 2 giải thưởng Nhà xuất bản giáo dục và 4 giải thưởng sách Việt Nam trong 10 năm qua. Thế nhưng tôi vẫn xin được xem Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ta như cơ quan thi đua đầu não, Hội đồng giám khảo, Hội đồng phong chức danh nhà nước, vừa khách quan, trung thực vừa tối cao của mình.

Trung tâm có những nhà lãnh đạo sáng suốt và công tâm, đặc biệt có một đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu viên rất có nghiệp vụ và tâm huyết để truyền lửa các nhà khoa học có đóng góp dù ít dù nhiều cho đất nước, cũng như để sưu tầm, phân loại, trùng tu, chuẩn hóa sách báo, tranh ảnh tài liệu tham khảo, thư từ, ấn phẩm, phương tiện và trang thiết bị nghiên cứu cũng như thành phẩm nghiên cứu đủ thứ, đủ loại, kể cả phương tiện sinh hoạt gia đình và cá nhân của từng cán bộ. Trung tâm đã có một cách thông minh và sáng tạo tái hiện môi trường sống và nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học Việt Nam, khiến mọi người đến thăm và làm việc với Trung tâm. Tại Trung tâm vừa có nguồn cảm hứng, vừa có nguồn tham khảo lý tưởng, để bắt chước, đuổi kịp và vượt các người mẫu đi trước đã được Trung tâm tuyển chọn, giới thiệu và triển lãm công trình.

Lời nói cuối cùng của tôi cũng vẫn chỉ là lời nói mở đầu: Cảm ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thiết kế và thi công một cách kịp thời và đúng quy mô, công nghệ tòa lâu đài tuyệt vời, hữu ích và hữu hiệu, vừa bảo tàng, vừa là Trung tâm tác nghiệp cho các nhà khoa học có ao ước kế thừa hôm nay và ngày mai của đất nước Việt Nam nghìn năm văn vật.
 

GS.TS Lê Quang Long