Thời gian càng lùi xa, nghiền ngẫm về những lựa chọn quan trọng của ông trong các bước ngoặt cuộc sống, nhìn lại gia sản khoa học mà ông để lại, chúng ta càng trân trọng hơn nhân cách và tầm nhìn của một trí thức lớn có “con mắt xanh” vượt thoát cõi thường.
Ông sinh ngày 18/3/1908, mất ngày 10/3/1996. Ba ngày sau (13/3/1996), ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Quê ông ở Kẻ Trổ, thuộc làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Đức Nhân (Đức Thọ), hậu duệ của dòng họ Hoàng Xuân nổi tiếng với Hoàng giáp Hoàng Trừng (đời thứ 5, đậu Hoàng giáp năm 1499), làm đến chức Đông các, được phong tước Lê Trạch hầu và cũng được coi là tiên tổ Hoàng tộc, Thành hoàng làng Bình Lỗ (tên chữ của Kẻ Trổ). Nhưng thực ra, ông sinh và lớn lên ở quê ngoại, làng Yên Phúc, cũng thuộc tổng Yên Hồ, nay là xã Yên Hồ, cách nguyên quán 5 km. Yên Hồ cũng chính là quê hương của Thái học sinh – Đại Nghĩa vương Nguyễn Biểu (1350-1413) với bài thơ Ăn cỗ đầu người nổi tiếng; thế hệ hiện nay có Giáo sư Sinh học Võ Quý. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cha mình (người làng thường gọi là cụ Tú Vạn), sau học chữ quốc ngữ tại quê. Lâm vào cảnh túng bấn khi phong trào Cần vương tan rã, cha mẹ ông ra Vinh nhận thầu nấu cơm cho trường quốc học để nuôi con cháu ăn học.
GS Hoàng Xuân Hãn – Ảnh tư liệu
Năm 1926, sau khi đỗ bằng Thành chung, ông chuyển ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi, 1 năm sau thì chuyển sang Khoa Toán, Trường Trung học Albert Sarraut. Năm 1928, sau khi đỗ tú tài toàn phần, ông được nhận học bổng du học tại Pháp. Lần lượt thi đỗ và theo học tại các trường đại học danh tiếng như: Sư phạm, Bách khoa, Sorbonne, năm 1934, ông về nước với tấm bằng kỹ sư cầu đường. Tiếp đó, ông trở lại Pháp và đỗ bằng thạc sĩ Toán của trường Sorbonne năm 1935, trở về nước nhận chức giáo sư trung học tại Trường Bưởi.
Năm 1942, ông xuất bản cuốn Danh từ khoa học; năm 1943, ông là thành viên sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ và chủ xướng phương pháp học i tờ. Tháng 4/1945, ông tham gia nội các của chính phủ Trần Trọng Kim, đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật và quyền Bộ trưởng Công chánh. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gặp; tháng 4/1946, được cử làm Trưởng Tiểu ban Chính trị trong phái đoàn nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại hội nghị Việt – Pháp ở Đà Lạt. Sau hội nghị, ông ở lại giảng dạy môn kỹ thuật quân sự cho các khóa huấn luyện đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông bị kẹt lại trong thành, làm cơ sở bí mật liên lạc và cung cấp tài chính, thuốc men cho cách mạng. Năm 1950, trước sức ép từ nhiều phía, ông cùng gia đình rời căn nhà ở phố Tràng Thi sang cư ngụ tại Paris. Năm 1954, ông sang Giơ-ne-vơ đóng góp ý kiến cho phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Năm 1956, ông nhận bằng Kỹ sư nguyên tử của Đại học Sác-lây. Thời gian ở Pháp, ngoài học tập, nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình khoa học, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Việt kiều hướng về Tổ quốc, tiêu biểu như thành lập Hội Khuyến học Cam Tuyền, tham gia các diễn đàn ủng hộ sự nghiệp độc lập của dân tộc, viết bài chứng minh chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 60, giữ mối liên hệ thân thiết với các lãnh đạo Việt Nam…
Có thể còn những luận bàn khác nhau về cuộc đời của học giả Hoàng Xuân Hãn, nhưng theo chúng tôi, có một số điểm nổi trội sau đây chắc chắn đương thời cũng như hậu thế sẽ đồng thuận.
Trước hết, ông là một tấm gương hiếu học, học giỏi và luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Luôn đứng đầu ở Quốc học Vinh, đỗ tú tài loại xuất sắc ở Trung học Albert Sarraut, thi đỗ nhiều trường danh tiếng ở Pháp, một trong những thạc sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Đại học Sorbonne, kỹ sư nguyên tử đầu tiên của Việt Nam… Năm 1934, sau khi từ Pháp về, nhiều người muốn ông nhận chức Giám đốc Công chính Đông Dương nhưng ông từ chối để quay lại Pháp học lên; năm 1936, ông lại về nước và từ chối các công việc nhiều danh lợi để đi dạy học. Ông là một trong những chủ tướng của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, đề ra phương pháp học i tờ mà sau Cách mạng tháng Tám 1945 được vận dụng triệt để trong phong trào “Diệt giặc dốt”.
Nhà thờ học giả Hoàng Xuân Hãn ở Đức Nhân (Đức Thọ). Ảnh: Bắc Hạnh
Hơn 4 tháng làm Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ lâm thời của học giả Trần Trọng Kim, ông cũng đề xuất và thực hiện được một số cải cách giáo dục, bước đầu gợi ý tưởng cho cải cách giáo dục nước ta sau này như chương trình giáo dục ba cấp với việc chia ngành ở cấp chuyên khoa, thay giảng dạy bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt trong nhà trường (kỳ thi tú tài năm 1945 là kỳ thi đầu tiên bằng tiếng Việt). Với người thân trong họ tộc, ngôi nhà của ông tại Hà Nội cũng là nơi ươm mầm của nhiều con cháu họ Hoàng Xuân – Bình Lỗ… Về sau, ông cũng luôn dành sự quan tâm thích đáng cho việc khuyến học, khuyến tài. Năm 2011, Trường École des Ponts ParisTech, tên gọi mới của Đại học Cầu cống (Pont et Chaussées) nơi ông từng học đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã lấy tên ông đặt cho một giảng đường, bên cạnh những tên tuổi lớn như Jean Kériese, Bejamin Nadault de Buffon, Henri Vicariot…
Thứ hai, ông thực sự là một nhà khoa học toàn năng, góp phần đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học của đất nước. Đầu tiên là công trình Danh từ khoa học gồm 5 chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên văn, lần đầu tiên diễn giải hàng loạt thuật ngữ khoa học phức tạp bằng tiếng Việt, mở đường cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học bằng tiếng mẹ đẻ; cuốn Lịch pháp và lịch Việt Nam (1982) so sánh, đối chiếu tìm ra những ngày khác nhau giữa lịch ta với lịch Tàu, một công trình hết sức quan trọng về thiên văn học của đất nước. Về lịch sử và văn học, nhiều tác phẩm của ông đã đặt những dấu mốc quan trọng cho phương pháp nghiên cứu, sưu tầm, xử lý tư liệu, tiêu biểu như các công trình: Lý Thường Kiệt(1949), Mai Đình mộng ký (1951), La Sơn phu tử (1952),Chinh phụ ngâm bị khảo (1953)…
Và có lẽ hiếm thấy người nào như ông đã có ý thức và tầm nhìn viễn kiến từ thời trẻ, tranh thủ mọi thời gian, cơ hội để sưu tầm, tích góp tư liệu Hán Nôm của quê hương, đất nước mang hẳn sang Paris để ngày ngày tra cứu, biên dịch, nghiên cứu, trả lại cho đất nước bằng những công trình xứng đáng. Phải chăng, đây cũng chính là sự thôi thúc, một động cơ quan trọng khi ông quyết định rời Hà Nội đang trong cảnh loạn ly để sang Paris có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho khoa học nước nhà? Với nhóm 3 công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch Việt Nam, ông đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Khi tôi viết những dòng này, lại nhớ về một ngày tháng 3/1995 được gặp ông lần thứ hai tại nhà riêng ở chung cư số 60, đại lộ Théophile – Gauthier, quận 16, Paris. Ông đã rất yếu, nói chuyện khó khăn, trăn trở mãi về công trình Kiều tầm nguyên chưa hoàn thành, nhờ tôi mang về bài viết Ma ở trường quốc học để kịp cho trường Huỳnh Thúc Kháng (tiền thân là Trường Quốc học Vinh) đăng kỷ yếu kỷ niệm 100 năm thành lập… Ông khao khát một lần được trở về với cuốn Kiều tầm nguyên hoàn thành để trang trải “nợ đời” cho Tổ quốc, quê hương nhưng dường như số mệnh không chiều theo ý người, hay đã vận vào những vần thơ của ông:
Đã hay bốn biển là nhà
Lam Hồng ta mới thật là quê hương
Trải qua cuộc biến cuộc thường
Mà lòng tưởng nhớ quê hương vẹn tròn…
Theo ý nguyện của ông, gia đình đã hỏa táng di cốt, một phần để ở chùa Trúc Lâm (ngoại ô Paris), một phần rải trên đất Pháp, phần còn lại táng tại quê nhà, bên cạnh lăng mộ của Đông các Hoàng Trừng, trên cổng vào khu mộ có câu đối:
Thân gửi xứ Người nương cửa Phật
Hồn về đất Việt viếng quê nhà.
TS. Võ Hồng Hải
Nguồn: baohatinh.vn/khac/hoc-gia-hoang-xuan-han-mot-nhan-cach-mot-tri-tue-lon/96849.htm