Học ngoại ngữ ở….nghĩa trang

Năm 1968, tốt nghiệp cấp 3, ông Nguyễn Văn Thanh được cử đi học đại học ở Liên Xô. Trước khi học chuyên ngành, sinh viên có 1 năm học dự bị ở trường Đại học Kisinhop. Lớp học gồm 6 sinh viên, ông Nguyễn Văn Thanh là 1 trong 3 sinh viên có xuất phát điểm tiếng Nga kém nhất.

Để cải thiện tiếng Nga, ông nghĩ ra cách trò chuyện với những người say rượu trên đường, tuy nhiên vì say nên họ phát âm chưa chuẩn, dù rất nhiệt tình. Ông lân la đến các vườn trẻ, các trường tiểu học – nơi dạy cách phát âm ngay từ đầu, nhưng trẻ chỉ thích chơi mà không thích trả lời ông. Tại đây, tình cờ một giáo viên gợi ý ông nên ra nghĩa trang của thành phố để học tiếng Nga.

PGS.TS Nguyễn Văn Thanh chia sẻ thông tin câu chuyện trong buổi làm việc

Ở nghĩa trang, có những cuộc trò chuyện, tâm sự… của người vợ với người chồng đã khuất, giữa mẹ với con, giữa các đồng nghiệp… Biết ông là người Việt, họ rất mến và nhiệt tình giúp đỡ ông học ngoại ngữ. Mỗi ngày, ông dành 16-17 tiếng để học ngoại ngữ. Bởi thế, sau khoảng 4 tháng, ông thi đạt điểm tối đa và đứng đầu lớp về tiếng Nga. Hiệu trưởng trường còn mời ông phát biểu về đất nước và con người Việt Nam trong các buổi sinh hoạt của hội cựu chiến binh, của các trường trung học phổ thông.

Nguyễn Thị Thanh