Say mê chữ Hán từ nhỏ
GS.TSKH Nguyễn Thúc Tuyên sinh ngày 1-8-1934 tại làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Dòng họ Nguyễn của ông ở làng Kim Lũ là một dòng họ rất có vị thế bởi sản sinh ra nhiều người nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt cao và ra làm quan cho các triều đại phong kiến Việt
Từ nhỏ, vào mỗi buổi trưa hè, trên chiếc chõng tre dưới gốc cây thị trước sân nhà, cậu bé Nguyễn Thúc Tuyên thường được ông nội – một thầy đồ nức tiếng trong vùng Tam Kim, từng thi đỗ Tú tài, kể cho nghe những câu chuyện đạo lý. Hay những lúc rảnh rang việc ruộng đồng, cha của Nguyễn Thúc Tuyên thường lấy các sách Tam tự kinh, Luận ngữ cho đến các truyện Đông chu liệt quốc, Thủy hử, Tam quốc chí… rồi đọc cho con nghe. Cậu bé Tuyên không khỏi ngạc nhiên khi thấy cha mình tuy quanh năm cầy cuốc nhưng ông lại có thể đọc và dịch nghĩa lưu loát, dễ hiểu những cuốn sách bằng chữ Hán. Có thể nói, ông nội và cha Nguyễn Thúc Tuyên – một nhà Nho lỡ thời và một người nông dân ham chữ nghĩa đã dạy cho ông những bài học đầu tiên về Đạo Nho. Niềm say mê chữ Hán bắt đầu trong hoàn cảnh như vậy. Cho nên như Nguyễn Thúc Tuyên bộc bạch: “tư tưởng của tôi cũng ảnh hưởng của đạo Nho, cũng nhẹ nhàng, điềm đạm, tôn trọng người khác, trung thực và tận tâm”.
GS.TSKH Nguyễn Thúc Tuyên
Nguyễn Thúc Tuyên học tiểu học ở trường làng cho đến năm 1949, khi thực dân Pháp càn quét và kiểm soát gắt gao vùng Kim Lũ thì ông được gia đình thu xếp ra Hà Nội học để đảm bảo an toàn. Mặc dù cách nội thành không xa nhưng với ông, Kim Lũ vẫn là một làng quê, vẫn có một khoảng cách nhất định không chỉ về mặt không gian mà còn cả về nếp nghĩ, lối sống. May mắn thay, dù xa gia đình, xa hai người thầy lớn là cha và ông nội nhưng trong khoảng thời gian học trường Chu Văn An, Nguyễn Thúc Tuyên vẫn tiếp tục theo học chữ Hán. Với Nguyễn Thúc Tuyên giai đoạn này việc học chữ Hán không vì một mục đích, một định hướng nào, mà học đơn thuần chỉ để tu dưỡng về nhân cách, lối sống của bản thân. Nguyễn Thúc Tuyên được bác họ là Nguyễn Sỹ Giác – người đỗ Tiến sĩ trong khoa cuối cùng của triều Nguyễn – dạy chữ Hán với thời lượng mỗi tuần 2 tiết học, lại thường xuyên được tiếp xúc, trò chuyện nên vốn từ Hán của ông cũng được cải thiện và phát triển nhiều hơn.
Trong suốt thời gian học tập ở Hà Nội, Nguyễn Thúc Tuyên sống cùng với anh trai ở phố Nguyễn Trọng Hợp (sau 1954 có tên là phố Cao Bá Nhạ). Ông có thói quen, vào những ngày chủ nhật ông thường tản bộ ngắm cảnh quanh Hồ Gươm. Một hôm, khi vào thăm Đền Ngọc Sơn ông thấy trong đền có khoảng bảy, tám người đang ngồi học chữ Hán với thái độ rất nghiêm trang. Tò mò bước lại, Nguyễn Thúc Tuyên bắt gặp:“một cụ già có gương mặt phúc hậu, có chòm râu trắng, dài, hao hao giống ông Địa. Người cao nhưng mà đậm, má cũng không hóp mà phinh phính, cụ chít khăn, mặc áo the đen mỏng và dài, có áo lót trắng bên trong, quần cũng trắng, đi giày ta…” đang đứng giảng trước lớp học: Đó là cụ Trần Lê Nhân. Sau khi Nguyễn Thúc Tuyên bày tỏ nguyện vọng muốn được tham gia vào lớp học, cụ Trần Lê Nhân thấy cậu bé hiền lành và cũng biết một số chữ cơ bản nên chấp nhận.
Đều đặn, vào mỗi sáng chủ nhật cụ Trần Lê Nhân lại đi xe điện từ chợ Mơ lên đến Bờ Hồ để dạy chữ cho đám học trò còn vấn vương Nho học, lớp học hoàn toàn miễn phí. Cụ dạy vì cái Đạo của người làm thày và vì sự đồng cảm với những người trẻ say mê chữ nghĩa thánh hiền. Cụ Nhân sửa từng nét chữ cho học trò, rồi phân tích ý nghĩa của từng chữ, từng câu chuyện xưa. Năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, lớp học chữ Hán đặc biệt đó không còn được tiếp tục duy trì…
Năm 1956, sau khi thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thúc Tuyên vẫn tranh thủ học thêm chữ Hán: Ông nhận dạy kèm tiếng Việt cho một người Trung Quốc và nhờ anh ta "bổ trợ" thêm tiếng Trung dựa trên vốn chữ Hán cổ của mình. Ngoài ra, ông mượn thêm sách hội thoại để tự học để nâng cao vốn Trung văn nhưng với ông, lúc này học chữ Hán vẫn là một niềm yêu thích từ nhỏ của mình chứ chưa phải mục đích học để làm việc.
Vận dụng vốn ngoại ngữ vào dịch thuật tài liệu
Khi còn học Đại học, ngoài vốn tiếng Pháp, tiếng Hán nhất định, Nguyễn Thúc Tuyên còn tự học tiếng Nga để có thể đọc, dịch tài liệu. Ông tự mua những quyển từ điển tiếng Nga, đặc biệt là quyển sách dạy học tiếng Nga của tác giả Trần Thống, và ra các hiệu sách ngoại văn để tìm mua sách chuyên môn liên quan đến ngành học của mình về tự đọc, tự tìm tòi.
Trường Đại học Bách khoa khi mới được thành lập số lượng giảng viên còn thiếu thốn, giảng viên gồm một số kỹ sư là cán bộ lưu dung từ thời Pháp, một số mới học ở Trung Quốc về… Đặc biệt, giảng viên dạy về ngành Xây dựng hồi đó học ở Trung Quốc về thì chỉ biết tiếng Trung, rất hạn chế trong việc tham khảo tài liệu tiếng Pháp, tiếng Nga. Một thầy giáo dạy môn Vật liệu xây dựng, tuy có nhiều tài liệu tham khảo bằng tiếng Nga nhưng không thể dịch sang tiếng Việt. Do vậy, thầy giáo đề xuất trong lớp nếu ai biết tiếng Nga thì dịch giúp một số bài cần thiết để phổ biến lại cho các bạn. Khi đó Nguyễn Thúc Tuyên và Đoàn Định Kiến[1] là những sinh viên có vốn tiếng Nga khá nhất xung phong dịch tài liệu, kể từ hôm đó, đến giờ ra chơi hai ông lại tranh thủ ngồi với nhau để dịch, chỗ nào chưa rõ thì cùng nhau tìm ra từ chính xác nhất. Cũng có khi cả hai mang tài liệu về nhà dịch, hôm sau đến tranh thủ giờ nghỉ kiểm tra chéo bản dịch của nhau xem bản dịch đã chính xác chưa. Những tài liệu sau khi dịch hoàn chỉnh đã được phổ biến cho các sinh viên khác cùng đọc. Đây cũng là một dịp để các ông tự rèn luyện vốn ngoại ngữ của mình, lại có thể học thêm các kiến thức chuyên ngành từ sách tiếng Nga.
Năm 1959, Nguyễn Thúc Tuyên được phân công về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Thủy lợi, phụ trách Bộ môn Vật liệu xây dựng. Trường Đại học Thủy lợi lúc bấy giờ mới được thành lập, các chuyên gia từ Học viện Thủy lợi Vũ Hán sang giúp đỡ nhà trường từ việc cố vấn xây dựng, cho đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Nhà trường đã cử 4 cán bộ theo học khóa bồi dưỡng về chuyên ngành Thủy lợi do các chuyên gia Trung Quốc giảng dạy, có phiên dịch tiếng Việt. Không trong diện được đi học nhưng Nguyễn Thúc Tuyên đã xin với lãnh đạo nhà trường theo học dự thính. Chính qua những buổi dự thính, Nguyễn Thúc Tuyên vừa được trau dồi thêm kiến thức về chuyên ngành thủy lợi vừa tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Trung của mình.
Cũng trong lớp học bồi dưỡng do các chuyên gia Trung Quốc giảng dạy, Nguyễn Thúc Tuyên đã được các thầy giáo giới thiệu rất nhiều tài liệu, sách vở về vật liệu xây dựng, kết cấu công trình, nền móng… Ông đặc biệt thích thú với cuốn giáo trình “Lý thuyết vật liệu xây dựng” bằng tiếng Trung Quốc, dầy hơn 400 trang, chữ rất nhỏ. Ông say sưa đọc và nhận thấy rằng nội dung cuốn sách rất phù hợp với tình hình thực tế của Việt
Sau khi hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh tại Liên Xô (1967-1971), khi về nước Nguyễn Thúc Tuyên có mang theo cuốn “Kiểm tra chất lượng công trình” bằng tiếng Nga, được viết rất công phu. Lúc đó ở Việt
Hơn 50 năm công tác tại trường Đại học Thủy lợi, GS.TSKH Nguyễn Thúc Tuyên đã tham gia góp ý kiến chỉnh biên, hiệu đính cho giáo trình chuyên ngành của các trường Trung cấp Thủy lợi trong cả nước; trường Cao đẳng Xây dựng Hà Nội; trường Đại học Kiến trúc…Với ông, việc học ngoại ngữ trước hết là một niềm đam mê, phải liên tục trau dồi, tích lũy qua thời gian để vận dụng linh hoạt trong quá trình làm việc, nghiên cứu khoa học.
Nguyễn Thanh Hóa – Đỗ Minh Khôi
[1] GS.TS Đoàn Định Kiến – nguyên Trưởng Bộ môn Công trình Thép gỗ, Đại học Xây dựng Hà Nội.